14/01/2025

F, J, W, Z không thể nằm ngoài bảng chữ cái

Đó là khẳng định của ông Quách Tuấn Ngọc – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GĐ-ĐT) – xung quanh việc thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt

 F, J, W, Z không thể nằm ngoài bảng chữ cái

Đó là khẳng định của ông Quách Tuấn Ngọc – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GĐ-ĐT) – xung quanh việc thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt đang xôn xao dư luận.

Thông tin về việc Bộ GD-ĐT sẽ có thông tư hướng dẫn về sử dụng tiếng Việt trong môi trường máy tính và hệ thống giáo dục (“Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, Tuổi Trẻ ngày 9-8) đã khiến nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn với cả trăm email gửi về toà soạn.

Để cung cấp thêm thông tin, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Quách Tuấn Ngọc – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người được giao chủ trì việc soạn thảo thông tư trên.

Ông Ngọc nhấn mạnh việc này không nhằm sửa cách phát âm, chữ viết tiếng Việt.

Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết:

– Ban soạn thảo sẽ thảo luận để đưa ra những quy định phù hợp. Còn việc sắp xếp chữ cái sẽ theo quy luật của chữ Latin. Chủ trương soạn thảo thông tư này không phải bây giờ mới có. Trước đây, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học – công nghệ) và Bộ Thông tin – truyền thông cũng từng đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hoá một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được. Vì thế chúng tôi sẽ thận trọng, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn để việc này được khả thi.

* Dư luận rất quan tâm đến việc ban soạn thảo dự định đưa nhóm ký tự F, J, Z, W vào bảng chữ cái tiếng Việt. Họ cho rằng việc này không cần thiết và sẽ làm xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, xáo trộn cách viết, phát âm tiếng Việt. Xin ông giải thích kỹ hơn về việc này?

– Về điều này, tôi cần khẳng định ngay là sẽ không có chuyện xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, việc phát âm và chữ viết. Việc bổ sung nhóm ký tự trên là để quy định bảng chữ cái tiếng Việt đầy đủ sử dụng trong công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục. Vì trên thực tế, ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy, không thể để nhóm ký tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng.

Trong các nhà trường hiện nay đều dạy công nghệ thông tin, công nghệ thông tin được xem là kiến thức cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay. Như vậy việc biết đến và chính thức công nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái càng cần thiết. Nhưng tôi nhấn mạnh, đưa nhóm chữ cái trên vào bảng chữ cái tiếng Việt không phải để sửa cách phát âm, chữ viết tiếng Việt. Đây không phải việc sáng tạo mà chỉ là sự thừa nhận những cái đã được sử dụng trên thực tế.

* Ngoài việc bổ sung nhóm ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt đầy đủ, còn có những nội dung gì được thảo luận và đưa vào dự thảo?

– Có nhiều vấn đề cần được thống nhất, chuẩn hoá trong môi trường công nghệ thông tin và giáo dục. Đó là quy định về trật tự bảng chữ cái, trật tự các dấu trong tiếng Việt, cách sắp xếp thứ tự họ tên, từ điển, thống nhất cách viết trong một số trường hợp, ví dụ khi nào sử dụng chữ “i” khi nào sử dụng “y”, cách viết dấu thế nào, cách điền dấu thế nào, ví dụ viết “hoà” hay viết “hoà” (vị trí của dấu huyền) hay cách viết khi có dấu chấm phẩy (;), dấu hai chấm (:) và dấu chấm than (!) thì trước đó có để khoảng trắng (như quy định của một số nhà xuất bản) hay không có khoảng trắng…

Tuy nhiên đây là những vấn đề vẫn đang phải thảo luận. Đặc biệt là những vấn đề cần phải tham khảo ý kiến nhiều chiều của các nhà chuyên môn, như việc viết chữ “i” hay “y” cần phải nghe ý kiến của các nhà ngôn ngữ, còn các vấn đề thuộc phạm vi kỹ thuật trong môi trường công nghệ thông tin sẽ trao đổi với chuyên gia công nghệ thông tin.

* Mục đích của việc soạn thảo thông tư là gì? Sau khi thông tư ban hành, việc thực hiện thế nào, thưa ông?

– Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải làm việc trên máy tính rất nhiều, nhiều cơ quan, cụ thể là ngành GD-ĐT phải sử dụng rất nhiều các phần mềm quản lý. Nếu không chuẩn hoá tiếng Việt, cụ thể là các vấn đề nêu trên, máy tính sẽ không thể xử lý được. Chỉ đơn cử việc nhập dữ liệu của các kỳ thi quốc gia (thông tin thí sinh, đề thi, kết quả chấm thi…) nếu không thống nhất sẽ bị trục trặc, không thể vận hành, cũng không thể tra cứu, ngoài ra còn rất nhiều việc khác phải quản lý, sử dụng, khai thác trên hệ thống dữ liệu được tin học hoá. Nếu thông tư có hiệu lực, trước hết sẽ áp dụng trong các cơ quan quản lý GD-ĐT, các nhà trường.