Đề nghị có luật ngôn ngữ, văn tự
F, J, W, Z trong mối quan hệ với tiếng Việt hiện hành đã thật sự là một mối quan tâm của nhiều người. Với nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận, các nhà ngôn ngữ đã lên tiếng
Đề nghị có luật ngôn ngữ, văn tự
F, J, W, Z trong mối quan hệ với tiếng Việt hiện hành đã thật sự là một mối quan tâm của nhiều người. Với nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận, các nhà ngôn ngữ đã lên tiếng.
Tuổi Trẻ xin được khép lại vấn đề này bằng đề xuất của GS Nguyễn Minh Thuyết: có luật ngôn ngữ, văn tự.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – giáo dục – thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chủ tịch hội đồng ngữ văn Bộ GD-ĐT):
Rất nhiều vấn đề cần đưa vào luật
Lâu nay chưa hề có một văn bản chính thức nào quy định vị trí đặt dấu thanh. Nhưng đối với giới ngôn ngữ học, chuyện này rất rõ ràng: dấu thanh phải đặt trên hoặc dưới chữ cái ghi âm chính. Sách giáo khoa phổ thông đã áp dụng nguyên tắc này từ lâu. Chỉ tiếc là các sách, báo nói chung và mã tiếng Việt trong tin học mỗi nơi viết một kiểu. Tương tự, quy định khi nào viết “i”, khi nào viết “y” cũng là việc đã được bàn đến từ lâu trong giới ngôn ngữ học. Tóm lại, việc nghiên cứu để chuẩn hoá cách viết không chỉ cần cho môi trường công nghệ thông tin mà cần có chuẩn chung.
Tôi đã nhiều lần đề xuất với Quốc hội việc xây dựng và thông qua luật ngôn ngữ, văn tự nhưng việc này vẫn chưa được quan tâm. Có rất nhiều vấn đề cần phải đưa vào luật như việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số, sử dụng ngoại ngữ thế nào, chuẩn về cách viết chữ Việt… nhưng đáng tiếc vấn đề này bị chìm đi giữa những vấn đề kinh tế – xã hội nóng bỏng nên chưa được quan tâm. Theo tôi, đây không phải việc nhỏ mà là vấn đề lớn của dân tộc, cần phải được sớm đưa vào luật.
GS.TS ĐINH VĂN ĐỨC (nguyên chủ nhiệm khoa ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội):
Chữ viết là chuyện đại sự của văn hoá
Chữ viết dùng để ghi tiếng nói của con người. Chữ quốc ngữ xuất hiện từ thế kỷ 17, nhưng phải nhờ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công thì 90% dân ta mới biết đọc biết viết chữ này. Nói thế để thấy rằng để trở thành một hệ thống chữ phổ thông mà mọi người Việt đều dùng là rất công phu, bản thân chữ viết mang theo giá trị lịch sử. Đó là tài sản quốc gia, là di sản văn hoá của dân tộc. Bất kỳ một can thiệp nào dù nhỏ nhất cũng phải được sự chuẩn thuận và quyết định bởi Quốc hội và Chính phủ là người đại diện cho nhân dân và pháp luật.
Chữ viết quốc gia không ai có quyền làm thí điểm. Vẫn còn đó câu chuyện ngành giáo dục vài mươi năm trước tự động đưa hệ thống “chữ cải cách” vào nhà trường, gây bao phiền hà và thất vọng cho cấp tiểu học, sau đó tự nhận thấy sai mà bỏ đi. Hồi đó không ai quy kết, chứ như hôm nay thì sự tuỳ tiện đó là phạm luật.
Đây là một vấn đề đại sự về mặt văn hoá, không thể làm bằng cảm xúc hay ý chí của một vài người, càng không nói bằng chữ “tiện hơn” được. Phải khẳng định rằng mong muốn bổ sung này nọ, thí điểm hay làm gì đó có thể là tốt, nhưng cảm xúc và nhiệt tình không thể thay thế cho tri thức. Không ai nói chữ quốc ngữ đã hoàn thiện và đắc dụng tuyệt đối. Nhưng làm cho nó tốt hơn thì phải có lộ trình, khoa học và nghiêm cẩn.
Cái gian nan trong nhà trường và xã hội về chữ viết hiện nay, theo chúng tôi, là ở vấn đề chính tả có nhiều điểm chưa thống nhất, ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục, văn hoá và truyền thông. Hãy tập trung lo chuyện đó trước khi động đến danh sách ký tự của chữ quốc ngữ.
Ông TRẦN CHÚT (nguyên chủ tịch Hội Ngôn ngữ TP.HCM):
Chỉ chấp nhận như yếu tố ngoại biên
Quan điểm của tôi là chấp nhận F, J, W, Z như một yếu tố ngoại biên của hệ thống chữ cái tiếng Việt, nhưng không thể đưa bốn chữ này vào bảng chữ cái chính thức. Vì nó sẽ làm cho việc dạy và học trong trường phổ thông khó khăn thêm, tình trạng viết và sử dụng tiếng Việt rối rắm hơn, chưa kể sẽ phá vỡ hệ thống tiếng Việt hiện nay. Tôi lấy ví dụ như giới trẻ ngày nay hay viết chữ “ph” thành “f”: “phải” thành “fải”; bây giờ đưa “f” vào bảng chữ cái coi như công nhận viết như vậy là đúng hay sao?
Một hệ thống thường có yếu tố trung tâm và yếu tố ngoại biên. Bốn chữ cái F, J, W, Z thuộc yếu tố ngoại biên nhưng phải quy định phạm vi sử dụng nó. Theo tôi, chỉ nên dùng trong những trường hợp: nhân danh, địa danh, thuật ngữ khoa học…
F, J, W và Z là các chữ cái thông dụng Nếu đối chiếu với bảng chữ cái Latin gốc thì bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành không có bốn chữ F, J, W và Z; nhưng cả bốn chữ cái này vẫn được sử dụng ngày càng nhiều. Trước hết, bốn chữ cái này đã được sử dụng cùng lúc ngay từ đầu thế kỷ 20 trong ngôn ngữ điện tín theo sáng kiến của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Từ đó, bốn chữ F, J, W, Z thâm nhập dần vào tiếng Việt, cho đến khi đất nước hội nhập quốc tế trong nền văn minh thông tin thì chúng đã trở nên hết sức thông dụng. Chữ F đã hiện diện trong nhà trường từ rất lâu với lực F, thang nhiệt độ F, với nguyên tố hoá học Flo hay ký hiệu của sắt là Fe… Trong quan hệ quốc tế, dân ta đã rất quen với tên các tổ chức được viết tắt theo tiếng Anh như UNICEF, FAO, IMF… riêng về thể thao, đó là FIFA, UEFA, AFC, FIBA, FIDE… và cả VFF. Chữ J cũng được dùng từ lâu trong nhà trường với thời đại cổ sinh học “kỷ Jura”, định luật Jun-Lenxơ… Dân ta đã rất quen vói nhạc jazz, quần jean, võ judo, vũ điệu jive, thịt jambon, áo jacket… Do đó, chữ J đã đi vào tiếng Việt một cách tự nhiên. Chữ W cũng được người Việt làm quen từ trong nhà trường với ký hiệu về công suất điện, với nguyên tố hoá học Wonfram… Chữ W cũng xuất hiện với tần suất dày đặc nhất là khi người ta truy cập thông tin trên mạng Internet, bởi vì mọi website đều gắn liền với chùm ký tự www. Chữ Z cũng được dùng rất nhiều ở nhà trường, từ bộ ba x-y-z thường đi với nhau trong những bài toán tìm ẩn số đến các đơn vị kHz, MHz hay ký hiệu Zn luôn xuất hiện trong các bài học về lý, hoá. Mặc cho bảng chữ cái tiếng Việt tận cùng bằng Y, khi khẳng định một việc cần làm từ đầu đến cuối, người Việt luôn nói: “Từ A đến Z”! Ngôn ngữ luôn phát triển theo thời đại và hiện tại. F, J, W và Z đã trở thành các chữ cái thông dụng trong tiếng Việt nhưng chúng lại không có trong bảng chữ cái, nên việc sử dụng bốn chữ này trở nên bất hợp pháp, vì chúng là những chữ cái “ngoài luồng”! Vấn đề này cho thấy sự bất cập của bảng chữ cái hiện hành, đòi hỏi bảng này phải được bổ sung bốn chữ F, J, W, Z. |