23/11/2024

Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử

Điều hết sức bất thường khi hàng ngàn bài thi môn sử đạt điểm 0 (kỳ thi ĐH-CĐ 2011), thế nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lại cho là bình thường!

 Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử

Điều hết sức bất thường khi hàng ngàn bài thi môn sử đạt điểm 0 (kỳ thi ĐH-CĐ 2011), thế nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lại cho là bình thường!

Kết quả đó là bình thường

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên xung quanh hiện tượng điểm thi môn sử quá thấp trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH gần đây.

Ông nghĩ gì khi có rất nhiều bài thi môn sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ những năm gần đây dưới trung bình? Điều này có đáng lo ngại?

Tôi không nghĩ như vậy khi chỉ nói đơn thuần về kết quả của một môn thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Kết quả đó là bình thường khi mục đích của kỳ thi là phân loại người giỏi, người khá, người trung bình, yếu kém… để tuyển chọn.

Cuộc sống hiện đại ngày hôm nay với những đòi hỏi thay đổi cũng là một nguyên nhân khiến môn lịch sử trở nên kém hấp dẫn đối với người học. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác.

Điều này không chỉ có ở VN, cũng không chỉ ở châu Á. Đó là câu chuyện của thời đại và của cả thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ; do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục lại cho rằng, điểm môn sử thấp và học sinh không thích học sử, nguyên nhân chính là do cách dạy và học của chúng ta hiện nay?

Đó là một ý kiến và cũng là một ý kiến có khía cạnh đúng. Nhưng nếu đổ lỗi tất cả cho cách dạy cách học thì lại là chuyện khác.

Có một vấn đề tôi rất đồng ý là việc dạy theo kiểu đánh trận này diệt bao nhiêu giặc, đánh trận kia thu bao nhiêu vũ khí… thì đúng là không nên và cần phải thay đổi. Học sử là để hiểu biết truyền thống, tăng cường lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Chứ nếu bắt học sinh ghi nhớ số liệu, ngày tháng nhiều quá thì học sinh sẽ chỉ học để đối phó và có thể chỉ nhớ hôm nay rồi mai lại quên.

Ông hình dung rằng chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

Chắc chắn sẽ phải có những thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào thì một mình tôi không thể quyết định ngay được. Phải có sự bàn bạc, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử, các giáo viên, chuyên gia về lịch sử.

Trong Quốc hội, tôi cũng trao đổi với đại biểu, nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi hình dung sự thay đổi sẽ không đơn giản, phải tính toán rất kỹ. Thay đổi chương trình – sách giáo khoa thì không phải thay đổi ngay được đâu, phải có quy trình của nó. Nếu thay đổi một cách sạch trơn, liên tục thì thành tùy tiện.

Cần nói thêm là không riêng gì môn lịch sử, chúng tôi đã thống nhất sẽ có sự xem xét lại toàn bộ các môn khoa học xã hội. Kể cả môn văn, môn địa cũng phải có nhiều thứ phải xem lại, giảm tối đa việc dạy học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc.

 

Hệ quả rất đáng lo ngại

Không thể “bình thường” được

“Hàng ngàn bài thi lịch sử đạt điểm 0 là nỗi buồn, nỗi đau nhưng nói rằng “bình thường” thì không được. Cái thấp của các bài thi môn lịch sử ở đây không chỉ của riêng môn lịch sử mà còn thể hiện cái thấp của nhiều cái khác, như: cách dạy, cách học, cách quản lý… Với đà này, nếu không có những thay đổi lớn thì cái thấp của bài thi môn sử sẽ còn tiếp diễn trong năm sau”.

PGS-TS Hà Minh Hồng 
Trưởng khoa lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM

Sai kiến thức cơ bản

Đề thi tuyển sinh ĐH môn lịch sử có đến 4 câu trong đó các câu 1, 2, 3 là bắt buộc. Câu 1 (3 điểm) yêu cầu thí sinh “Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành”. Ở câu 1 này, cách ra đề như thế là không ổn, gây khó hiểu cho thí sinh. Đáng lý ra ở đây, đề phải yêu cầu “Phân tích bối cảnh” chứ ai lại bắt thí sinh “Phân tích nguyên nhân”. “So sánh giữa đề và đáp án của 4 câu tôi thấy nhiều chỗ không trùng khớp. Vì thế, đề và đáp án môn sử của kỳ tuyển sinh vừa qua nhiều chỗ cần phải được xem xét lại. Phải chăng đây chính là lý do dẫn đến bài làm của thí sinh cả nước đạt điểm quá thấp. Các lỗi thí sinh mắc có lẽ là sai kiến thức cơ bản hoặc nhiều thí sinh bỏ giấy trắng hoặc chỉ viết được vài dòng.

Phạm Thị Bích Đào
Giáo viên dạy lịch sử trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Lỗi của hệ thống giáo dục

Theo tôi, hiện tượng hàng ngàn bài thi sử bị điểm 0 chính là lỗi của cả một hệ thống giáo dục. Trong đó, chương trình học và cách ra đề thi là nguyên nhân rất lớn. Ở chương trình phổ thông nhưng lại yêu cầu thí sinh phải học và nhớ từng chi tiết rất nhỏ (như giặc chạy hướng nào, bao nhiêu tên bị giết…). Cách ra đề thi cũng yêu cầu như vậy. Từ đó, giáo viên cũng phải có cách dạy để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi. Ngay khi học sinh sai sót nhầm lẫn ở một chi tiết rất nhỏ thì ngay lập tức bị trừ điểm. Tôi nghĩ, đây là cách dạy hoàn toàn sai lầm ở bậc học này, gây áp lực mà không tạo sự hứng thú cho học sinh.

PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang
Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ

Một kết cục bi thảm

Đội ngũ thầy cô dạy sử là lực lượng quan trọng để chuyển tải tri thức lịch sử và hơn thế nữa là truyền niềm đam mê lịch sử cho học sinh. Họ như một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Họ sống và làm việc dưới nhiều sức ép hết sức nặng nề, khi môn lịch sử được ngầm xem là môn học phụ thì thầy cô dạy sử cũng bị đối xử như những “nhân vật phụ” trên sân khấu học đường. Người ta có thể dễ dàng thay thế họ, điều động họ dạy thêm những môn học khác hoặc thậm chí làm những việc không tên khác. Lối ứng xử đó làm sao có thể sản sinh được những thầy cô “sống chết với nghề” trong cơ chế thị trường nghiệt ngã này. Lịch sử bị dồn đẩy trượt khỏi sự hướng đến của thầy trò phổ thông. Và như vậy, ở phổ thông, môn lịch sử bị lép vế, thầy cô dạy sử bị xem thường dẫn đến một kết cục bi thảm như vậy.

GS-TS Phạm Xanh
Khoa Lịch sử – trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội

Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?

Nhiều thầy cô đã bức xúc trước đề thi và đáp án năm nay. Tất cả các câu đều có vấn đề (không đề thi thì đáp án), góp phần quan trọng trong việc kéo điểm của học sinh xuống thấp… Một đề thi dù ở cấp bậc nào cũng đòi hỏi sự trong sáng về ngôn từ, không được phép có hai nghĩa và gây mơ hồ cho thí sinh. Đề thi và đáp án năm nay đã phạm phải lỗi lầm này nhưng có ai nhận lỗi? Và kết quả thi đại học thấp liệu có phải do cách dạy và học của giáo viên và học sinh?

Trong số 5 học sinh tôi dạy năm nay, có 4 em thi học sinh giỏi thành phố đoạt giải nhất và 3 em chọn thi khối C. Các em đều là những học sinh giỏi toàn diện, rất yêu thích bộ môn và say mê học tập. Hôm thi đại học về, các em điện thoại cho tôi và nói làm bài tốt, có khả năng 8-9 điểm. Nhưng khi Bộ công bố đáp án, các em đã rất buồn và dự đoán chỉ còn khoảng 6 điểm và kết quả chính thức chỉ đạt từ 5,75 đến 6 điểm. Các em rất buồn và khủng hoảng vì công sức bỏ ra rất nhiều nhưng kết quả lại không cao. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?

Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy
Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM

Trục trặc trong vấn đề dạy và học môn sử

Năm nay chúng ta ra đề thi ở mức độ cao hơn các năm, nhưng vẫn nằm trong mức chuẩn của môn học. Tuy vậy, kiến thức của học sinh phổ thông lại kém, chưa đáp ứng được mức độ chuẩn này. Vì vậy, có hai cách. Thứ nhất là ra đề dễ, đáp ứng học thuộc lòng để có điểm số tốt. Thứ hai là nâng trình độ môn lịch sử ở phổ thông lên. Chúng ta phải đi theo cách thứ hai. Đây là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các nhà sử học, các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử ở phổ thông… Vì hiện nay đúng là đang có trục trặc trong vấn đề dạy và học môn này.

PGS-TS Võ Văn Sen
Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Tuệ Nguyễn – Hà Ánh – Đăng Nguyên
(thực hiện)