23/12/2024

Cần một cuộc “cách mạng” về môn sử

Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sức hấp dẫn

 Cần một cuộc “cách mạng” về môn sử

GS Đinh Xuân Lâm – phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, người từng biên soạn sách giáo khoa lịch sử, cũng là người đã có thâm niên hơn 60 năm dạy sử – đã rất thấm thía với “nỗi buồn của người trong cuộc” trước kết quả thê thảm của môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua…

Là thầy giáo dạy sử hơn 60 năm từ bậc phổ thông đến trên ĐH, là người chủ biên sách giáo khoa (SGK) sử lớp 7, 8, 12 những năm trước đây, GS.NGND Đinh Xuân Lâm, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, thấm thía nỗi buồn của “người trong cuộc” trước kết quả thê thảm của môn sử trong kỳ thi ĐH 2011. GS Lâm nói:

Nguyên nhân thì có rất nhiều và đều đã được đề cập từ lâu. Khách quan để đánh giá, xã hội hiện tại là xã hội kinh tế thị trường. Mà là một xã hội kinh tế thị trường mới ở dạng chưa ổn định, nên các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là môn lịch sử, không được đánh giá đúng giá trị của nó, không được đặt vào vị trí mà xã hội cho là cần thiết vì có quá ít giá trị sử dụng thực tế.

Về phía các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục, môn lịch sử không được coi như một môn khoa học có tính giáo dục tình cảm con người: lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đạo đức của các bậc tiền nhân…

Một cú “nốc ao”

– Cũng không có gì bất ngờ, nhiều năm gần đây đã kém rồi, chỉ là năm nay xuống đến đáy thôi. Chúng tôi, những người dạy sử, đã biết và đã buồn lâu nay, đây chỉ là cú “nốc ao” nữa thôi.

Nhà trường thì không đặt đúng mức tầm quan trọng của môn sử trong hệ thống chương trình: gần thi thì dồn giờ cho các môn “quan trọng” khác như toán, lý, ngoại ngữ… để đi thi. Bộ GD-ĐT thì năm cho thi môn sử, năm không, nên năm nào không thi tốt nghiệp thì môn sử coi như “bỏ xó”. Cha mẹ thì không muốn cho con theo học ngành sử vì khả năng tìm việc làm rất thấp.

Nhưng không thể đổ tất cả lỗi cho xã hội, chủ quan mà nhìn nhận thì cả SGK lịch sử, phương pháp dạy sử lẫn trình độ giáo viên dạy sử còn quá nhiều chuyện phải bàn. Lâu nay chúng ta vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt.

Cả bộ lẫn người dạy sử đều quan niệm sử là môn học thuộc lòng, thầy vào lớp không có không gian sáng tạo, hoàn toàn phụ thuộc SGK, đến câu hỏi trên lớp cũng được ấn định sẵn trong SGK. Kiến thức được truyền thụ theo lối từ trên xuống dưới. Học sinh tiếp thu cũng bị động nên không chút hào hứng. Nói tóm lại, dạy và học sử trên lớp là công việc thụ động cả hai chiều.

Người lớn làm cho trẻ em không yêu sử

* Thưa GS, một vấn đề mà chắc chắn GS, với tư cách người có tham gia chủ trì biên soạn SGK, đã quan tâm từ lâu đó là quá nhiều ý kiến góp ý về SGK môn lịch sử. Sách quá nặng nề, thiên về chính trị và chỉ chú trọng đến các con số, sự kiện khô khan, không tạo sự hấp dẫn cho học sinh?

– Đúng vậy, từ lâu chúng tôi đã rất đau đầu để chứng minh một cách khoa học và giản dị với các nhà quản lý giáo dục là chúng ta đang hiểu sai về môn lịch sử. Đó không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó. Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sức hấp dẫn được.

Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đứa nào cũng yêu thích môn lịch sử. Chính người lớn làm cho chúng hết yêu.

Chúng tôi, mà đại diện là cơ quan của Hội Khoa học lịch sử, đã nhiều lần đề đạt với Bộ GD-ĐT, Ban Khoa giáo trung ương, các cơ quan chức năng khác phối hợp nghiên cứu để sửa lại chương trình SGK lịch sử phổ thông.

Chúng ta cần phải viết một bộ SGK lịch sử theo yêu cầu của thời đại, với tinh thần hoà nhập và đổi mới. Chương trình cũ của chúng ta chỉ thích hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định, trong thời chiến tranh mà thôi.

* Nhưng SGK lịch sử những năm qua hầu như liên tục có sự sửa chữa và sửa rồi vẫn sai. Bộ GD-ĐT cũng vừa có dự án viết lại SGK mà dư luận phần đông không đồng tình, thậm chí bất bình?

– Thì Bộ GD-ĐT vẽ hẳn ra một chương trình nhiều ngàn tỉ gây tốn kém như vậy tất nhiên sẽ gặp sự phản đối. Vấn đề là phải biết chúng ta đang có gì, cái gì còn tiếp tục dùng được, cái gì phải thay đổi ngay. Không phải xoá đi làm lại mà phải viết lại trên cơ sở kế thừa, như vậy mới không lãng phí cả chất xám lẫn tiền bạc.

Riêng với SGK môn lịch sử, xưa nay vẫn chỉ sửa chữa theo kiểu vá víu, chỉnh sửa những chi tiết, sự kiện, năm tháng, địa điểm, tên người… Sửa những cái đó thì dễ, nhưng nó không căn bản. Điều chủ yếu là sửa những quan điểm, đánh giá sai thì lại chưa được đặt ra. Đúng hơn là các nhà sử học đặt ra nhưng chưa nhận được câu trả lời thích đáng từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan thẩm quyền khác.

Có những vấn đề rất lớn của lịch sử, sai rõ ràng, các hội thảo khoa học chuyên ngành đã chỉ ra nhiều lần, nhưng vẫn chưa được bật đèn xanh để chính thức sửa trong SGK.

Đơn cử như bài học về khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sự việc dân ta phải cống nộp quả vải tươi, mà chuyên chở bằng cách gánh từ VN sang Trung Quốc. Các nhà khoa học đã tốn quá nhiều giấy mực và thời gian để chỉ ra tính phi lý của nó. Hội Khoa học lịch sử cũng tổ chức không ít hội thảo khoa học và đã đi đến thống nhất về vấn đề này nhưng SGK vẫn chưa được sửa.

Soạn sách sử không giống ai

* Nếu chỉ sửa SGK lịch sử dựa trên quan điểm khoa học, liệu có thể vẫn tồn tại thực tế là môn lịch sử tuy chính xác, trung thực mà vẫn khô khan, không hấp dẫn. Kinh nghiệm học sử của GS và kinh nghiệm dạy sử của các nền giáo dục tiên tiến khác có thể giúp chúng ta tham khảo được không?

– Tôi đi học phổ thông trước cách mạng, chương trình học môn sử do Hội đồng tu thư đưa ra và các trường bắt buộc phải thi hành. Nhưng SGK lại rất phong phú và thầy giáo của chúng tôi có quyền chọn một trong nhiều bộ SGK (cùng được Bộ GD-ĐT thẩm định) để làm giáo trình dạy.

Vì thế, các tác giả bắt buộc phải viết sao cho hấp dẫn để được nhiều thầy giáo lựa chọn. Mà thầy nào cũng muốn có nhiều học sinh theo học nên cũng cố chọn bộ sách hay nhất, hấp dẫn học sinh nhất. Giờ học sử của chúng tôi hồi đó vì thế rất thú vị. Nhiều quốc gia khác mà tôi biết, điển hình như nước Pháp, cũng vẫn chọn phương pháp này.

Hiện tại Bộ GD-ĐT vẫn soạn SGK sử theo phương pháp không giống ai. Ví dụ sách lớp 7 mời ba giáo viên dạy sử ở ba miền Bắc Trung Nam cùng viết chung, mà ba ông này không quen biết và rất ít điều kiện gặp nhau. Như vậy làm sao có phong cách trình bày thống nhất và hấp dẫn?

Trước mắt, theo tôi, các ban chuyên môn của bộ nên có sự hợp tác chặt chẽ với Hội Khoa học lịch sử để có được sự thống nhất chung trong việc đánh giá thực trạng nghiên cứu, dạy học lịch sử mới có hy vọng tạo nên cuộc cách mạng triệt để cho môn sử học nước nhà.