23/11/2024

Ngỡ ngàng với cổ ngọc Việt

Bộ sưu tập cổ ngọc Việt Nam có số lượng lớn (theo ước tính có đến hàng nghìn món hiện vật), phong phú về chủng loại, màu sắc, có niên đại từ thời tiền – sơ sử cho đến đầu thế kỷ 20

 Ngỡ ngàng với cổ ngọc Việt

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuộc trưng bày cổ ngọc được tổ chức. Triển lãm mang tên Cổ ngọc Việt Nam sẽ mở cửa vào ngày 2-8 tại sảnh chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở số 1 phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Tượng ngựa, ngọc trắng xanh, thời Nguyễn

Bộ sưu tập cổ ngọc Việt Nam có số lượng lớn (theo ước tính có đến hàng nghìn món hiện vật), phong phú về chủng loại, màu sắc, có niên đại từ thời tiền – sơ sử cho đến đầu thế kỷ 20. Do khuôn khổ cho phép của không gian trưng bày, bộ sưu tập cổ ngọc triển lãm lần này chỉ giới thiệu với công chúng trên 140 món hiện vật mang tính tiêu biểu…

Lọ/ống bút, ngọc xanh ngả vàng, thời Nguyễn

Ngoài nhóm cổ ngọc thời tiền – sơ sử và nhóm cổ ngọc mười thế kỷ đầu Công nguyên, cổ ngọc thời Lê – Nguyễn chiếm số lượng lớn nhất, chủ yếu có nguồn gốc từ cung đình Huế. Đây là số bảo ngọc nằm trong kho báu vật triều Nguyễn được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tiếp nhận sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Những chiếc ấn ngọc các triều vua, những thanh bảo kiếm dát vàng nạm ngọc, những đồ dùng của vua chúa bằng ngọc… tất cả còn long lanh sáng đẹp. Đặc biệt là những nghiên mực mà các hoàng đế mài mực để viết sắc chỉ, làm thơ…

Không biết đã có bao nhiêu bài thơ, bài văn của vua chúa Nguyễn ra đời từ những chiếc mặc nghiễn, châu nghiễn (nghiên mực, nghiên son – TG) quý báu này? Rồi những cái ống tiêu (sáo); đồ trà, đồ ăn… bằng ngọc; tất cả đều tinh xảo và hoàn hảo đến ngỡ ngàng.

Phần đặc sắc khác trong bộ sưu tập là những bức tranh và pho tượng ngọc. Các bức tranh ngọc trắng xám hình chữ nhật chạm khắc trên cả hai mặt với đề tài là phong cảnh sơn thuỷ hoặc các nhân vật trong tích cổ.

So với các bức tranh ngọc Trung Quốc, có thể thấy sự giống nhau về đề tài nhưng cách thể hiện của nghệ nhân thời Nguyễn rất khác khi thể hiện cây tùng, con chim hạc, lá tùng không có tán tròn…

Tương tự, bộ tượng bát tiên của đạo Lão có nguồn gốc từ Trung Quốc song nghệ nhân thời Nguyễn đã sáng tạo theo cách riêng.

class=lImage onclick=”return showImage(this.src)” border=1 hyperlink=”” v_shapes=”_x0000_i1027″>

Đỉnh có nắp, ngọc xanh xám sẫm, thời Nguyễn

Bộ tượng bát tiên được tạo bằng ngọc trắng xám trong khi các pho tượng Phật lại được tạo tác bằng ngọc xanh trắng, đỏ nâu, trắng xanh và đen… ở nhiều tư thế khác nhau. Các pho tượng Phật này có chung một số nét như chỏm tóc búi cao, khuôn mặt trái xoan, nếp áo dài mềm mại… khác hẳn với các pho tượng của nước ngoài.

Còn bộ tượng thập nhị chi (12 con giáp) được thể hiện bằng ngọc trắng xám, mô tả 12 con vật biểu trưng của lịch phương Đông, nhưng bộ tượng còn lưu giữ lại thiếu Mão (mèo, con vật đứng hàng thứ tư).

Các tượng con giáp đều ở tư thế ngồi, chân phải gập lại, chân trái chống, tay cầm một vật gì đó. Cách thể hiện này mang rõ tính “nhân cách hoá” khá độc đáo, ít gặp trong nghệ thuật cổ. Đây cũng là bộ tượng ngọc do nghệ nhân thời Nguyễn chế tạo vào thế kỷ 19.

Nghiên mực, ngọc trắng và xanh, thời Nguyễn, đồ cung đình Huế

Để làm nổi bật sự hiện diện của những bảo vật Việt Nam bằng ngọc được gìn giữ qua nhiều thời đại, một phòng trưng bày cầu kỳ và công phu đã được thiết kế với chất liệu bằng gỗ đá và các vật liệu đặc biệt khác.

Theo ông Nguyễn Văn Cường – giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau đợt trưng bày này, bảo tàng sẽ giới thiệu cho công chúng thưởng lãm lần lượt các bộ sưu tập quý, trong số đó có nhiều hiện vật được xem là bảo vật quốc gia…

Được chiêm ngưỡng các cổ ngọc Việt Nam, chúng ta sẽ không khỏi sửng sốt trước tài hoa người Việt, trước khả năng sáng tạo của nghệ nhân Việt, của cha ông ta từ xa xưa…, thật đúng như nhận xét của vua Thiệu Trị thuở trước, rằng: “Văn minh ở nước ta không thua kém Trung Quốc”…

* Mời xem thêm một số hình ảnh khác:

Ấn Thận Đức thời Nguyễn

 

Chậu bằng ngọc xanh, đồ cung đình Huế

 

 

Đài thờ, đồ cung đình Huế

 

Đỉnh có nắp thời Nguyễn

 

Kính mắt gọng bạch ngọc thời Nguyễn