22/01/2025

Sống được nhờ “lá chắn sinh học”

Tại hội thảo về biến đổi khí hậu tổ chức ở tỉnh Bến Tre mới đây, các nhà khoa học cho rằng cho dù thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, nhưng kinh nghiệm từ Long Hoà cho thấy nếu trồng được nhiều rừng thì nguồn lợi tự nhiên sẽ gia tăng

 Sống được nhờ “lá chắn sinh học”

Người dân ở cồn Long Hoà đã tìm cho mình một biện pháp hữu hiệu để “sống chung” với biến đổi khí hậu: trồng rừng bên ngoài, còn bên trong trồng lúa, nuôi tôm, cua.

Đã có hơn 40% hộ nghèo ở đây trả sổ hộ nghèo và làm giàu với mô hình này.

“Viên ngọc xanh” trước biển

Từ biển Đông nhìn vào, cồn Long Hoà (thuộc xã Long Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) tựa như viên ngọc xanh nổi lên giữa mênh mông trời nước với cánh rừng xanh bạt ngàn chạy dài tít tắp. “Viên ngọc” này đã chia đôi dòng sông Tiền thành hai nhánh trước khi hoà mình ra biển Đông, một bên là cửa Cổ Chiên, còn một bên là cửa Cung Hầu.

Các nhà khoa học đánh giá cồn Long Hoà là vùng sinh thái vừa có nước mặn vừa có nước ngọt điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với đặc điểm này, sông và biển sẽ thay nhau (tùy theo mùa) cung cấp nhiều nguồn lợi thuỷ sản nước mặn, nước ngọt rất phong phú.

Kinh nghiệm từ Long Hoà

Tại hội thảo về biến đổi khí hậu tổ chức ở tỉnh Bến Tre mới đây, các nhà khoa học cho rằng cho dù thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, nhưng kinh nghiệm từ Long Hoà cho thấy nếu trồng được nhiều rừng thì nguồn lợi tự nhiên sẽ gia tăng.

Con người sẽ sống được ngay bên cánh rừng đó, cho dù biến đổi khí hậu tác động tới nơi đó nghiêm trọng.

Ông Phạm Văn Mười, phó chủ tịch UBND xã Long Hoà, cho biết những năm trước đây, con người đã khai thác, tận diệt các nguồn lợi của thiên nhiên ban tặng gây nên tình trạng sạt lở, môi trường sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng. “Viên ngọc xanh” Long Hoà đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.

Hôm chúng tôi đến khu rừng này thì gặp ông Lê Văn Gọng (60 tuổi, nông dân ở ấp Hai Thủ) đang đi bắt cua biển giống trong rừng. Ông bảo rằng sau năm 1975, rừng ở đây bị chặt phá vô tội vạ khiến đất đai bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi năm đến mùa gió chướng hay gió nồm, sóng biển vỗ vào bờ ầm ầm không ngủ được.

Không có rừng giữ đất nên cồn bị sạt lở sâu vào trong cả trăm mét. Tôm cá cũng không còn, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Đó cũng là lý do vào thời điểm hơn 10 năm trước, 2/3 trong số 2.000 hộ dân ở đây thuộc diện nghèo.

Năm 2002, các nhà khoa học về môi trường đến đây nghiên cứu và quyết định hỗ trợ địa phương khôi phục rừng tạo thành “lá chắn sinh học” bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản phía trong.

“Chương trình đưa ra mục tiêu mỗi năm trồng 15ha rừng, chủ yếu là cây bần. Thấy hiệu quả nên năm 2005 chúng tôi vận động người dân tập trung trồng tới 77ha. Sau chín năm tích cực trồng và bảo vệ rừng, hiện cánh rừng ở cồn Long Hoà phía giáp biển Đông đã được 180ha, bề ngang dài 3,2km, bề dày lên tới 1,5km. Rừng đã lấn dần ra biển, không còn bị sạt lở nữa” – ông Mười kể.

Có rừng là có tiền

Từ khi rừng hồi sinh, đời sống người dân nơi đây có nhiều đổi thay thấy rõ. Chỉ tính riêng 431ha vùng đệm ven biển thuộc ấp Hai Thủ, nguồn lợi thuỷ sản từ tự nhiên đã cung cấp cho toàn xã số lượng cua giống trên 6 triệu con mỗi năm.

Giá bán hiện nay mỗi con cua giống tự nhiên là 1.200 đồng, còn nuôi thành phẩm đạt kích cỡ 4 con/kg là 150.000 đồng. Chỉ cần 1/3 con số này trở thành cua thương phẩm và bán với giá trung bình 120.000 đồng/kg thì có giá trị không dưới 60 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể đến các nguồn lợi khác như cá bống sao, cá đối, cá kèo, cá bông lau, tôm thẻ, tép bạc… tụ hội về đây sinh sống nhiều vô kể.

Cũng nhờ rừng, bãi bồi của cồn Long Hoà lấn ra biển hơn 500ha và có triển vọng phát triển đến 1.000ha phù hợp cho việc nuôi nghêu. Theo ông Võ Minh Thành – chủ tịch UBND xã Long Hoà, năm nay là năm thứ 5 liên tiếp HTX nghêu Tiến Thành trên địa bàn xã làm ăn có hiệu quả. Nhờ thảm rừng được giữ vững, bãi nghêu được bồi lắng, mở rộng nên sản lượng nghêu hằng năm đều tăng. Chỉ tính riêng năm nay, HTX đã lãi hơn 6 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Quỳ ở ấp Hai Thủ khẳng định: “Không có rừng thì không ai sống được ở vùng này đâu”.

Ông kể gia đình ông có gần 3 công đất tựa lưng vào rừng. Hồi chưa có rừng, cả nhà ông không thể xoay xở nổi cái ăn hằng ngày vì trồng lúa không được, nuôi thuỷ sản cũng không xong nên phải bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 2002, nghe Nhà nước thực hiện chủ trương trồng rừng, ông đã cùng gia đình trở về nhận khoán trồng rừng. Chỉ mấy năm sau, thu nhập của gia đình tăng lên rõ rệt.

“Mùa nào thức nấy, chỉ cần siêng năng làm theo con nước, giăng câu, thả lưới, bắt cua… là có thể sống khỏe trong rừng” – ông Quỳ hồ hởi.

Hiện tại, dù ở tuổi gần 60 nhưng mỗi ngày ông vẫn có thể bắt tôm, cá, cua giống trong rừng bán được hơn 100.000 đồng. Còn thu nhập từ nghề nuôi tôm, cua trong 3 công đất nhà cũng được vài chục triệu đồng/năm nên ông đã trả lại sổ hộ nghèo.

Nhờ có rừng, vào mùa mưa người dân ở đây chuyển sang trồng lúa. Theo UBND xã Long Hoà, dù chỉ làm được 1 vụ/năm nhưng năng suất lúa ở đây đạt trung bình 5 tấn/ha. Ông Trần Hữu Chí, một nông dân kỳ cựu ở cồn Long Hoà, cho biết có lẽ nhờ rừng mà năm năm qua người dân ở đây nuôi tôm đều có lời chứ không thua lỗ te tua như những nơi khác.

Gia đình ông Chí có 2ha đất nuôi cua, tôm và trồng lúa đã đem về lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng/năm. “Trước đây ai cũng vất vả lo cái ăn, còn bây giờ chỉ lo làm giàu thôi chú ơi” – ông Chí cười mãn nguyện.