22/12/2024

Nhà máy xử lý rác xin nhập… phế liệu

Sở Tài nguyên – môi trường TP có văn bản báo cáo xin ý kiến UBND TP. Theo đó, công ty đề nghị nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử nhà máy phân loại rác, công suất 500 tấn/ngày trong khu xử lý rác Đa Phước

 Nhà máy xử lý rác xin nhập… phế liệu

Trong khi mỗi ngày TP.HCM chuyển vào khu xử lý rác Đa Phước – do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) làm chủ đầu tư tại huyện Bình Chánh – một khối lượng rác ít nhất là 3.000 tấn, thì bất ngờ chủ đầu tư này đề nghị cho nhập 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử một dây chuyền xử lý phân loại rác ở đây.

Lý do nhập phế liệu từ Mỹ được VWS đưa ra là do TP.HCM chưa giao được rác đáp ứng yêu cầu để xử lý (chưa giao rác phế liệu đã phân loại tại nguồn, gồm những loại rác có thể tái chế được tách lựa từ rác “thập cẩm”), cụ thể là để chạy nhà máy phân loại tái chế rác. Hay nói cách khác, yêu cầu của VWS là phải giao hai loại rác gồm một loại rác hữu cơ (các loại rau cải, cây cỏ…) để làm phân và một loại rác vô cơ (bao nilông, giấy, vỏ lon…) để tiếp tục đưa vào nhà máy phân loại, lọc lựa ra thành từng loại riêng biệt để có thể tái chế thành các sản phẩm tương ứng.

Chê rác Việt, nhập rác Mỹ

Có thể đề nghị TP trả lãi vay

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông DAVID DƯƠNG – tổng giám đốc VWS – cho biết trước mắt để có thể nghiệm thu được các thiết bị máy móc đã lắp đặt, công ty sẽ nhập giấy phế liệu hỗn hợp để chạy thử nhà máy phân loại này, ví dụ như phân thành từng loại: giấy cactông, giấy báo, giấy văn phòng; ngoài ra, phế liệu nhập về không lẫn lộn các loại chai, lon…

Ông David Dương cũng nói rằng nếu một thời gian sau vẫn không được giao rác phế liệu đáp ứng yêu cầu cho nhà máy phân loại thì công ty có thể đề xuất TP phải trả tiền lãi của tiền đầu tư nhà máy trên 10 triệu USD.

Nhận được đề nghị nhập phế liệu của VWS, Sở Tài nguyên – môi trường TP có văn bản báo cáo xin ý kiến UBND TP. Theo đó, công ty đề nghị nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử nhà máy phân loại rác, công suất 500 tấn/ngày trong khu xử lý rác Đa Phước. Theo giải trình của công ty, phế liệu đề nghị được nhập khẩu bao gồm giấy loại, cactông loại, bao bì nhựa chưa được băm cắt, một số mẫu hàng chưa được phân loại riêng theo từng nhóm riêng biệt…

Giải quyết báo cáo và đề xuất nhập khẩu phế liệu nói trên, lãnh đạo UBND TP đặt ngay dấu hỏi “vì sao không sử dụng loại chất thải trong nước?”, đồng thời yêu cầu làm rõ thẩm quyền giải quyết có phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên – môi trường hay không, làm rõ tổng khối lượng cần nhập…

Sở Tài nguyên – môi trường TP cho biết theo quy định hiện hành, bao bì nhựa đựng các loại nước giải khát khác không phải là nước khoáng, nước tinh khiết và các mẩu vụn bằng nhựa phải được băm, cắt với kích thước mỗi chiều không quá 5cm và phế liệu phải được phân loại theo từng nhóm riêng biệt mới được nhập khẩu.

Tuy nhiên, báo cáo với UBND TP, Sở Tài nguyên – môi trường TP nói do mục đích nhập khẩu phế liệu của VWS là để chạy thử nhà máy phân loại rác nên công ty đề nghị được nhập khẩu phế liệu chưa được phân loại theo từng nhóm riêng biệt, một số loại phế liệu bao bì nhựa chưa được băm cắt. Sở cũng báo cáo mục đích nhập khẩu của VWS có tính tạm thời với số lượng nhất định, không phải nhập khẩu thường xuyên để làm nguyên liệu sản xuất.

Với cách lý giải đó, Sở Tài nguyên – môi trường TP đã đề nghị UBND TP xem xét cho phép VWS nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu như nói trên để chạy thử nhà máy.

Chưa phân loại không được phép nhập khẩu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Hải quan TP.HCM cho biết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu đã được Bộ Tài nguyên – môi trường mô tả chi tiết theo từng nhóm phế liệu. Do đó những trường hợp nhập khẩu phế liệu không đúng với mô tả chi tiết của Bộ Tài nguyên – môi trường đều bị hải quan và cơ quan quản lý nhà nước lập biên bản, ra quyết định xử lý theo quy định.

Cục Hải quan TP.HCM khẳng định phế liệu hỗn hợp chưa được phân loại làm sạch thì không được phép nhập khẩu vì cơ quan chức năng không cấp phép nhập khẩu cho loại phế liệu này. Hay nói cách khác “phế liệu hỗn hợp chưa phân loại không được phép nhập khẩu”.

Trong khi đó, khi được Sở Tài nguyên – môi trường hỏi về việc nhập khẩu phế liệu của VWS, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – môi trường) cũng lưu ý “chất thải không được phép nhập khẩu vào VN dưới mọi hình thức”. Đồng thời khẳng định phế liệu nhập khẩu về VN phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật bảo vệ môi trường năm 2005; thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhập khẩu phế liệu.

Theo Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, đối với phế liệu giấy, nhựa ngoài các quy định vừa nêu còn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy, nhựa nhập khẩu.

Cục nhấn mạnh theo quy định hiện hành, Bộ Tài nguyên – môi trường không có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu cho các loại phế liệu nằm ngoài danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do bộ ban hành (mỗi loại phế liệu được phép nhập khẩu được ấn định một mã số riêng và kèm theo là mô tả chi tiết loại phế liệu đó). Đáng lưu ý, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, một trong những điều kiện bắt buộc là phế liệu đã được phân loại, làm sạch… mới được phép nhập khẩu.

Tuy trước đó có văn bản đề nghị UBND TP xem xét cho VWS nhập phế liệu hỗn hợp chưa được phân loại riêng, nhưng khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP nói đã yêu cầu VWS khi nhập phế liệu để chạy thử nhà máy phân loại rác đặt tại khu xử lý rác Đa Phước phải đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhập khẩu phế liệu và loại phế liệu nhập khẩu phải nằm trong danh mục cho phép.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP cho biết UBND TP đã chấp thuận đề xuất của sở cho phép VWS nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu nhựa và giấy để chạy thử nhà máy phân loại rác tại khu xử lý rác Đa Phước. Tuy nhiên, UBND TP yêu cầu chỉ được nhập khẩu phế liệu khi đảm bảo thực hiện đúng ý kiến của Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường. Hay nói cách khác, phế liệu nhập khẩu phải là phế liệu đã được phân loại, làm sạch; ngoài ra không lẫn vật liệu cấm nhập khẩu, không chứa chất thải, các chất nguy hại…

Như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu nhập khẩu phế liệu đã được phân loại, được làm sạch… đúng như quy định thì việc đưa vào nhà máy phân loại còn ý nghĩa gì? (nếu cần rác chưa phân loại thì trong nước đâu có thiếu). Và với mục đích đầu tư của dự án là để xử lý rác cho TP.HCM thì việc nhập khẩu hàng chục nghìn tấn phế liệu như thế liệu có khó hiểu?

Sau khi được Bộ Kế hoạch – đầu tư cấp phép (100% vốn nước ngoài) thực hiện dự án khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM), đến đầu năm 2006 VWS và Sở Tài nguyên – môi trường TP ký hợp đồng giao, nhận và xử lý rác thải đô thị. Theo hợp đồng, dự án có các hạng mục chính:

– Bãi chôn lấp rác khả năng tiếp nhận 3.000 tấn/ngày cùng hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác.

– Nhà máy làm phân hữu cơ từ rác: công suất làm phân 100 tấn/ngày trong ba năm vận hành đầu tiên, sau đó nâng công suất lên tối đa 1.000 tấn/ngày. Hiện hạng mục này đang làm thử nghiệm ủ bằng túi khí ngoài trời.

– Nhà máy phân loại vật liệu có thể tái chế công suất 500 tấn/ngày (đang chờ nhập phế liệu từ Mỹ để chạy thử).

– Dự án bắt đầu vận hành hạng mục chôn lấp rác từ tháng 7-2007, đến nay khối lượng rác chôn lấp đạt gần 4 triệu tấn.