23/11/2024

Vẫn chưa được tự chủ tuyển sinh

Theo quy định của Luật Giáo dục ban hành năm 2005, các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên đến nay điều này vẫn chưa thực hiện được

 Vẫn chưa được tự chủ tuyển sinh

Theo quy định của Luật Giáo dục ban hành năm 2005, các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên đến nay điều này vẫn chưa thực hiện được.

Giải pháp tình thế gần… 10 năm

Trước năm 2002, các trường ĐH, CĐ được tự tổ chức tuyển sinh. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cho rằng việc tự tổ chức thi theo từng trường còn nhiều hạn chế nên đã tổ chức thi “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả thi) như một giải pháp tình thế.

Sau đó năm 2007, Bộ đã xây dựng một đề án đổi mới thi và tuyển sinh với chủ trương chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia và lấy kết quả xét tuyển vào  trường ĐH, CĐ. Dự kiến năm 2009 sẽ triển khai đề án này. Nhưng năm 2009 lại bị tạm dừng vì kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa đủ tin cậy để các trường làm căn cứ xét tuyển. Đề án lại bị lùi đến năm 2010. Nhưng sau kỳ thi năm 2010, Bộ GD-ĐT vẫn cho biết chưa thể thực hiện.

Đến lúc này cũng đã có nhiều ý kiến trái ngược với chủ trương của đề án đó là bỏ thi tốt nghiệp THPT và giữ lại kỳ thi ĐH nhưng trao quyền tự chủ cho các trường. Cuối năm 2010, một số trường ĐH lớn đã tưởng được trao quyền thí điểm tự chủ trong tuyển sinh. Các trường cũng đã lên phương án thi riêng, xét tuyển riêng, nhưng cuối cùng, đến năm 2011 Bộ vẫn quyết định thi “3 chung” và không có ngoại lệ.

Tuyển sinh là việc của các trường

Thi “3 chung” có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, xu thế phát triển của các trường đã khiến “chiếc áo ba chung” trở nên chật chội và không còn phù hợp nữa. Đến nay, đa số các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Việc thi 3 chung đã hoàn thành sứ mệnh của nó là thiết lập được một quy chế trong thi cử. Bộ GD-ĐT cần để các trường được chủ động trong việc xét tuyển thí sinh (TS) của mình. Tôi đảm bảo không một trường nào muốn tuyển TS chất lượng thấp vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Hơn  nữa, TS phải được quyền thi nhiều trường để tăng sự lựa chọn”. GS-Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT trường ĐH DL Thăng Long, cho rằng: “Việc giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh ĐH là rất đúng vì đây là mô hình tiên tiến. Nhiều nước trên thế giới đã giao tự chủ cho các trường ĐH và Bộ GD-ĐT chỉ làm theo những gì thế giới đã làm”. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng cho rằng: “Việc tuyển sinh nên giao cho các trường, tuỳ vào điều kiện riêng của mỗi trường sẽ có cách thi và xét tuyển khác nhau cho phù hợp, nên tổ chức thành nhiều đợt trong năm nhằm giảm áp lực cho toàn xã hội. Nếu tổ chức thi như hiện nay mỗi năm một lần thì sẽ có nhiều TS bị mất cơ hội do áp lực về thời gian”.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cũng từng nhiều lần bày tỏ quan điểm: “Bộ GD-ĐT nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho từng trường ĐH để tuyển được các TS phù hợp với yêu cầu”. Một chuyên gia khác bức xúc: “Tuyển sinh chỉ là một khâu của quá trình đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay Bộ chỉ quản lý mỗi khâu này khiến cho xã hội cảm thấy rất nặng nề. Thực tế, quanh năm Bộ chỉ làm về tuyển sinh, còn bao nhiêu chuyện khác về đào tạo, chương trình, giáo trình thì lại xem nhẹ”. 

Gian nan con đường tự chủ

Năm 2006, trường ĐH FPT đã mạnh dạn trình Bộ GD-ĐT đề án tự chủ. Trường đề nghị được thử nghiệm tự chủ 3 loại công việc: Tự xác định số lượng sinh viên tuyển hằng năm, tổ chức kỳ thi riêng và tự xác định chương trình đào tạo ĐH dựa trên các chuẩn đào tạo ĐH quốc tế ngành máy tính. Tuy nhiên, Bộ không đồng ý và cho rằng ĐH này nằm trong hệ thống các trường ĐH của VN nên phải tuân thủ các quy định của Bộ GD-ĐT. Cuối cùng trường cũng đã được tổ chức kỳ thi riêng với 3 môn thi dưới hình thức là một kỳ sơ tuyển. Mặt khác trường vẫn phải tuân thủ là lấy TS trong kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT. Hiện mỗi năm trường tổ chức “sơ tuyển” 2 lần vào tháng 4 và tháng 8 để tuyển sinh. Mô hình này của FPT được xem là tiên tiến hiện nay, tuy nhiên họ vẫn chỉ là tự chủ nửa vời vì hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh và khối thi vẫn phải tuân theo những quy định truyền thống của Bộ GD-ĐT.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã từng bước một chân ra ngoài quy định của Bộ nhưng không thành công.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 16/2001/QĐ-TTG ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG (ĐHQG HN và ĐHQG TP.HCM) thì giám đốc ĐHQG có quyền xây dựng, ban hành các quy chế và quy trình riêng để tuyển chọn học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo chỉ tiêu được giao, căn cứ vào những quy định chung của Bộ GD-ĐT. Dựa trên quyết định này, ngày 12.5.2011, ĐHQG TP.HCM đã có quyết định ban hành quy định tạm thời xét tuyển thẳng học sinh trường phổ thông năng khiếu vào các trường ĐH, khoa trực thuộc ĐHQG TP.HCM. Không lâu sau khi quyết định này được công bố thì ĐHQG TP.HCM đã nhận được văn bản từ Bộ GD-ĐT đề nghị ĐH này thực hiện tuyển sinh theo đúng quy chế. Cuối cùng, ĐHQG TP.HCM phải thông báo tạm dừng thi hành quyết định trên với lý do không được Bộ GD-ĐT chấp nhận.

Nói về thực trạng đáng buồn này, một giáo sư cho biết: “Hiện nay chưa có trường ĐH VN nào được phép tự chủ tuyển sinh ngoài ba trường ĐH có yếu tố “nước ngoài” là RMIT, ĐH Việt Đức và ĐH Khoa học công nghệ. Tại sao những trường này được tự chủ trong khi các trường khác có đầy đủ điều kiện thì không? Việc tự trói này khiến giáo dục ĐH VN ngày càng tụt hậu”.

Ý kiến:

Xu thế tất yếu

“Tự chủ ĐH là xu thế chung trong cải cách giáo dục ĐH trên thế giới. Các trường ĐH có yếu tố nước ngoài đầy đủ quyền tự chủ ĐH đã có mặt ở VN. Nếu các trường của VN không có quyền tự chủ ĐH như họ thì khó lòng có thể cạnh tranh lành mạnh với nhau”.

GS PHẠM PHỤ 
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Trách nhiệm của Bộ không phải là tuyển sinh

“Bộ GD-ĐT nên trao quyền tự chủ về tuyển sinh dần cho các cơ sở đào tạo có khả năng tự lo liệu lấy, chẳng hạn các ĐH quốc gia và ĐH vùng. Trách nhiệm của Bộ là ban hành những chính sách, tạo môi trường cạnh tranh về chất lượng giáo dục, sử dụng đòn bẩy của ngân sách nâng cao chất lượng giáo dục. Tốt nhất Bộ nên nhanh chóng tổ chức kiểm định các chương trình, cơ sở đào tạo… để sớm công bố những chương trình và cơ sở đào tạo bảo đảm chất lượng cho sinh viên và công chúng biết”.

Tiến sĩ NGUYỄN THIỆN TỐNG
Phó hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long