Làm phim bằng tay
Gần 2 năm nay, nhóm bạn trẻ của Câu lạc bộ Ngôn ngữ Ký hiệu (NNKH) đã dùng chính “ngoại ngữ” mà họ đang theo học để thực hiện dự án làm phim tài liệu về văn hoá, lịch sử dành cho người khiếm thính
Làm phim bằng tay
Gần 2 năm nay, nhóm bạn trẻ của Câu lạc bộ Ngôn ngữ Ký hiệu (NNKH) đã dùng chính “ngoại ngữ” mà họ đang theo học để thực hiện dự án làm phim tài liệu về văn hoá, lịch sử dành cho người khiếm thính.
Kẻ ngoại đạo
Trong nhóm làm phim không có thành viên là người khiếm thính nhưng xuất phát từ tình cảm và mong muốn phổ biến NNKH rộng rãi trong cộng đồng xã hội, họ đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, quyết tâm theo đuổi dự án.
Ý tưởng làm phim NNKH khởi nguồn từ Lê Thanh Hoa, hiện đã tốt nghiệp chuyên ngành kế toán trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội… Tập phim đầu tiên về truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm cùng di tích trong quần thể này chính thức ra mắt khán giả vào tháng 2.2011.
Nhóm làm phim đa phần là sinh viên, mỗi người một chuyên ngành, ít liên quan đến phim ảnh nên từ xây dựng kịch bản, viết lời bình, thể hiện ý tưởng đến xử lý hậu kỳ hoàn thành tác phẩm, mọi người đều cùng nhau nghiên cứu thực hiện. Trong số đó, “đạo diễn” Đỗ Thu Hiền là người có nghề nhất. Hiền đang là sinh viên trường ĐH sân khấu – điện ảnh, từng làm vài bộ phim nhỏ nên có một số kinh nghiệm lựa chọn bối cảnh, hình ảnh. Phim dành cho người khiếm thính không thể thể hiện bằng tiếng động, âm thanh nên hình ảnh phải được chau chuốt kỹ càng để truyền tải thông tin trên mỗi khuôn hình. Không có máy quay, nhóm tận dụng điện thoại, máy chụp ảnh có chức năng này để ghi lại hình ảnh. Ở nhiều phân cảnh, chất lượng hình ảnh không đảm bảo, phải quay đi quay lại nhiều lần mới thành công.
Với kỹ năng giao tiếp tốt với người khiếm thính, Lê Thanh Hoa đảm nhận vai trò sử dụng NNKH để “diễn” trong phim. Mỗi đoạn lời bình thường rất dài nhưng truyền tải qua ngôn ngữ đặc thù này thì chỉ lấy thông tin ngắn gọn, tinh túy nhất. Ở phía sau Hoa luôn phải có người “nhắc tuồng”, nghĩa là đọc giúp từng đoạn lời bình, kịch bản cho bạn lựa chọn ký hiệu để biểu diễn bằng tay trước ống kính. “Thế nên người dẫn chương trình nhất thiết phải là người bình thường chứ không thể chọn người khiếm thính”, Hoa giải thích. Làm phim cho người khiếm thính nhưng thành viên trong nhóm đều là kẻ ngoại đạo, để ngôn ngữ truyền tải trong phim phổ cập và dễ hiểu, trong mỗi buổi ghi hình, nhóm đều mời các thầy giáo là người khiếm thính giảng dạy tại câu lạc bộ làm cố vấn đi cùng để góp ý cho mỗi động tác ký hiệu thể hiện lời bình.
|
Từ những góp ý của người xem
Không thể tránh khỏi khiếm khuyết trong sản phẩm đầu tay, đưa lên mạng, tập phim mở đầu đã thu hút hàng nghìn lượt truy cập chia sẻ, góp ý. Thật bất ngờ, từ những góp ý ấy, nhóm lại có thêm sự hỗ trợ đắc lực. Tình cờ xem tập phim về truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm, anh Nguyễn Khắc Cảnh – chủ cửa hàng quay phim, chụp ảnh ở xã Ninh Hiệp, H.Gia Lâm rất cảm phục nhóm bạn trẻ làm nên tác phẩm này. Dưới con mắt nhà nghề, anh Cảnh không hài lòng về chất lượng hình ảnh. Chẳng ngần ngại, anh Cảnh lên mạng tìm kiếm thông tin. Thấy số máy di động của Hoa, anh Cảnh lập tức điện thoại góp ý rồi tình nguyện nhập nhóm, góp thêm chiếc máy quay chuyên dụng để cải thiện chất lượng hình ảnh.
Bắt đầu từ tập phim thứ 2, nội dung về trường đại học đầu tiên ở Việt Nam – Văn miếu Quốc Tử Giám, anh Cảnh thường xuyên đi xe máy gần 20 km, đều đặn có mặt tại trường quay, ghi hình cùng các bạn trẻ. “Sinh viên họ có trái tim nhân ái mình thấy đồng cảm, sẵn có máy quay của nhà thì tham gia hỗ trợ các bạn thôi. Càng làm càng thấy vui, mình quyết định đồng hành cùng dự án”, anh Cảnh cho biết.
Bạn Lê Thanh Hoa cho biết sau tập phim khởi động dự án, nhóm làm phim nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ chính người khiếm thính. Hiện tại, ngoài việc hoàn tất làm hậu kỳ ra mắt tập 2, nhóm đã chuẩn bị kế hoạch triển khai tập phim thứ 3, về làng gốm Bát Tràng. Sau khi hoàn thành, nhóm sẽ tải lên mạng internet, chia sẻ trong các diễn đàn của người khuyết tật. Các tập phim được phát miễn phí cho các trường có trẻ em chuyên biệt. Bên cạnh đó, phim còn được giới thiệu, công chiếu rộng rãi trong các chương trình, sự kiện của cộng đồng người khuyết tật.