23/11/2024

Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội đồng Toà Thánh Cor Unum

Ngày 15-7-1971, tức cách đây 40 năm, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thành lập Hội đồng Toà Thánh Đồng Tâm (Cor Unum) với Tông thư “Amoris Officio”. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn nội dung bài viết của Đức Hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng, nhân kỷ niệm này. Bài viết đã được đăng trên báo Quan sát viên Rôma số ra ngày 15-7-2011.

 Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội đồng Toà Thánh  Cor Unum 

 
Ngày 15-7-1971, tức cách đây 40 năm, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thành lập Hội đồng Toà Thánh Đồng Tâm (Cor Unum) với Tông thư “Amoris Officio”. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn nội dung bài viết của Đức Hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng, nhân kỷ niệm này. Bài viết đã được đăng trên báo Quan sát viên Rôma số ra ngày 15-7-2011.
 
Nhập đề Đức Hồng Y ghi nhận rằng việc kỷ niệm 40 năm thành lập là dịp tốt để nhìn lại ý nghĩa của Hội đồng đối với Giáo Hội, và nhất là để nhận diện các thách đố lớn nhất mà Hội đồng phải đương đầu hiện nay.
 
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã muốn thành lập Hội đồng trong một giai đoạn có những thay đổi lớn trong Giáo Hội và trên thế giới. Trong các năm theo sau việc công bố Thông điệp Populorum Progressio (1967) và Tông thư Octogesima Adveniens (1971), Giáo Hội ngày càng chú ý hơn tới các vấn đề xã hội, trong khi nền văn hoá Tây âu đang trải qua sự chống đối các mô thức văn hoá bị coi là lỗi thời, và kiểu giải thích thực tại ấy cũng liên luỵ tới Giáo Hội. Nhờ Công đồng Chung Vatican II tái đề nghị đề tài tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, một đàng có sự hứng khởi trong nỗ lực tạo dựng một thế giới thích hợp hơn với con người, đàng khác cũng có nguy cơ dễ bị rơi vào sự lừa dối của chủ trương tuyệt đối hoá viễn tượng trần thế; và như thế sẽ gây ra nứt rạn trong Giáo Hội, cũng như làm lu mờ chứng tá tin mừng và nhiệt huyết truyền giáo.
 
Hội đồng Toà Thánh Cor Unum đã được thành lập trong bối cảnh ấy, như là một nơi gặp gỡ, đối thoại, và phối hợp các tổ chức bác ái của Giáo Hội. Việc chọn tên gọi Cor Unum cũng cố ý gợi lại thực tại sống của các Kitô hữu thời Giáo Hội khai sinh như kể trong sách Công vụ Tông đồ: cộng đoàn Kitô tiên khởi dấn thân trong việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và thực thi bác ái (Cv 4,32). Ghi nhận này diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau: đó là sự hiệp thông của Giáo Hội ban đầu như là chứng tá tình bác ái; sống bác ái trước khi làm việc bác ái; hiệp thông chú ý tới các thành phần khác nhau trong cùng thân mình Giáo Hội, và lo lắng cho nhau (x. 1 Cr 12,25). Nhờ sự hiệp thông ấy mà sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới được hiệp nhất, có tính cách định đoạt và đại đồng hơn.
 
Xác tín được ước muốn của các Nghị phụ Công đồng, Đức Phaolô VI giao cho Hội đồng Toà Thánh Cor Unum nhiệm vụ phối hợp nỗ lực của các tổ chức bác ái của Giáo Hội, mà không lấy mất đi sự độc lập hợp pháp của chúng. Mục đích là để đáp ứng các nhu cầu gia tăng của nhân loại trong một nỗ lực việc chung dưới sự gợi hứng trực tiếp của Toà Thánh.
 
Để tránh các hiểu lầm có thể xảy ra, Đức Phaolô VI đã minh xác vài điều cần thiết: thứ nhất, chứng tá lòng bác ái có mẫu mực là Chúa Kitô; thứ hai, tìm kiếm công lý không làm cạn nhiệm vụ bác ái của Giáo Hội; và thứ ba, việc loan báo Tin Mừng là một phần của sinh hoạt bác ái, chứ không phải là sinh hoạt chiêu dụ tín đồ.
 
Đề tài bác ái đã được Đức Phaolô VI chú ý ngay từ khi người còn là Ngoại trưởng Toà Thánh. Vì thế, người giao việc điều hành sáng kiến mới này cho Đức Hồng y Jean Villot, Quốc vụ khanh Toà Thánh, và vị Thư ký là Linh mục Henri de Riedmatten, dòng Đa Minh. Hai vị này đã đề ra quy chế và hướng đi ban đầu cho Hội đồng Toà Thánh Cor Unum.
 
Ngày 28-11-1978, nghĩa là ít lâu sau khi được bầu làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, Đức Gioan Phaolô II đã gặp gỡ Hội đồng lần đầu tiên và muốn nêu bật mối dây nối kết giữa Tin Mừng và tình bác ái. Ngài nói: “Một cách thích hợp, chúng ta phải chú ý tới việc thăng tiến trong bối cảnh rao truyền Tin Mừng, là sự viên mãn của việc thăng tiến con người, để nó loan báo và cống hiến ơn cứu độ tràn đầy cho nhân loại” (Diễn văn nói trước phiên họp kháng đại của Cor Unum, 28-9-1978).
 
Trên bình diện cơ cấu, Đức Gioan Phaolô II xác nhận quyết định của vị tiền nhiệm là đặt tổ chức Cor Unum và Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình (khi đó còn là Uỷ ban Toà Thánh Công lý và Hoà bình), dưới quyền điều hành của vị Chủ tịch của cả hai cơ cấu, khi đó là Đức Hồng y Bernardin Gantin.
 
Sự lựa chọn này đã được thực hiện trong việc chỉ định người kế vị Đức Hồng y Gantin là Đức Hồng y Roger Etchegaray, rồi trong Tông hiến Pastor Bonus liên quan tới các cơ quan trung ương Toà Thánh năm 1988. Sau này, vào năm 1995, nó được Đức Gioan Phaolô II duyệt xét lại và tách rời khỏi Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, khi chỉ định Đức Tổng Giám mục Paul Cordes làm vị Chủ tịch toàn thời đầu tiên của Hội đồng Toà Thánh Cor Unum.
 
Trong triều đại dài của người, Đức Gioan Phaolô II đã củng cố các nhiệm vụ chuyên biệt của Hội đồng Toà Thánh Cor Unum, bằng cách giao cho Hội đồng Cor Unum quản trị hai Ngân quỹ, mà Đức Thánh Cha muốn thành lập để chứng tỏ sự lo lắng của Toà Thánh đối với biết bao nhiêu dân tộc khổ đau vì là nạn nhân của nghèo đói, bần cùng và các tai ương thiên nhiên.
 
Ngân quỹ thứ nhất gọi là “Ngân quỹ Gioan Phaolô II cho vùng Sahel”. Nó nảy sinh trong chuyến công du Phi châu lần đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1980. Chuyến viếng thăm này đã khiến cho Đức Gioan Phaolô II tiếp xúc với nạn hạn hán thê thảm gây ra nạn đói kém trong các nước vùng Sahel, bị đe doạ vì nạn sa mạc lan tràn. Đức Gioan Phoalô II bị ấn tượng mạnh đến độ người muốn cho toàn thế giới một dấu chỉ sự lo lắng của Giáo Hội đối với người nghèo.
 
Nhờ sự trợ giúp quảng đại của các tín hữu Đức, năm 1984, Đức Gioan Phaolô II cho thành lập Ngân quỹ này, đặt trụ sở tại Ouagadougou, Burkina Faso, và có nhiệm vụ trợ giúp các dân tộc của 9 nước vùng Sahel là Burkina Faso, Mali, Niger, Ciad, Mauritania, Senegal, Guinea Bissau, Gambia và Cap Vert, để thực hiện các sáng kiến chống lại nạn sa mạc lan tràn và nạn nghèo đói, nhất là qua việc đào tạo nhân lực địa phương để đối phó với vấn đề này.
 
Thế rồi vào năm 1992, trong bối cảnh cử hành kỷ niệm 500 năm truyền giáo tại Châu Mỹ Latinh, Đức Gioan Phaolô II muốn thành lập một Ngân quỹ mới diễn tả sự lo lắng của người đối với các tầng lớp nghèo túng nhất của đại lục này. Đó là “Ngân quỹ Populorum Progressio”, có văn phòng thư ký tại Bogotà, Colombia, chuyên thăng tiến cuộc sống của các thổ dân và nông dân các quốc gia Trung và Nam Mỹ Latinh. Ngoài các dấu chỉ hữu hình cụ thể này, trong nhiều dịp, Đức Gioan Phaolô II đã xin Hội đồng Toà Thánh Cor Unum can thiệp trong các trường hợp khủng hoảng: chẳng hạn như cho Liban năm 1988, Kuweit năm 1991, Haiti năm 1993, cho các nước thuộc khối Liên bang Xô Viết sau khi bức tường Berlin sụp đổ, với nhiều cuộc gặp gỡ cho tới phiên họp nhóm tại Vatican năm 1998. Sau cùng, vào năm 2004, với thư viết tay tựa đề “Trong Bữa Tiệc Ly”, Đức Gioan Phaolô II xác nhận nhiệm vụ chuyên biệt của Hội đồng Toà Thánh Cor Unum trong việc “theo dõi và đồng hành với Tổ chức Caritas Quốc tế, là mạng lưới bao gồm 170 Caritas quốc gia đã được thành lập từ thập niên 1950 do sáng kiến của Toà Thánh.
 
Bên cạnh đó, Hội đồng Toà Thánh Cor Unum cũng đồng hành với sinh hoạt của tổ chức “Hợp tác quốc tế phát triển và liên đới” viết tắt là CIDSE, là cơ quan phối hợp 16 tổ chức bác ái Công giáo, nảy sinh từ các chiến dịch quyên góp Mùa Chay, đặc biệt tại các nước Âu châu và Bắc Mỹ.
 
Các tương quan giữa hai mạng lưới kể trên và Cor Unum đều được mời gọi cùng làm việc “cho Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô”. Nhiệm vụ của các tổ chức này được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu bật trong diễn văn nói với tổ chức Caritas Quốc tế ngày 27-5-2011: “Toà Thánh có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các tổ chức này và canh chừng để cho hoạt động nhân đạo và bác ái của chúng cũng như nội dung của các tài liệu được chúng phổ biến hoàn toàn phù hợp với Toà Thành và Huấn quyền của Giáo Hội, và để cho chúng được quản trị với sự chuyên môn và trong sáng” (Diễn văn nói với đại hội khoáng đại của tổ chức Caritas Quốc tế 27-5-2011).
 
Sự kiện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã muốn Thông điệp đầu tiên của người mang tựa đề “Bác ái trong Chân lý”, là điều rất có ý nghĩa. Người đã nhận diện ra trong sự vắng bóng Thiên Chúa vấn đề thê thảm đang tấn công và làm suy yếu nền văn hoá ngày nay, đồng thời đã chỉ cho chúng ta thấy con đường giúp tìm lại lộ trình tiến về với Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình bác ái của Giáo Hội là một chứng tá không thể khước từ để trợ giúp con người ngày nay hiểu biết, gặp gỡ và yêu thương Thiên Chúa là Tình Yêu. Quan niệm lớn lao này của Đức Giáo Hoàng trong các năm qua đã ngày càng trở thành suối nguồn gợi hứng cho sinh hoạt của Hội đồng Toà Thánh Cor Unum.
 
Nhắc tới sư kiện ngày 7-10-2010, Đức Bênêđictô XVI đã chỉ định người làm Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum và vinh thăng người làm Hồng y, Đức Hồng y Sarah coi đó là một cử chỉ chú ý của Đức Thánh Cha đối với các hoạt động bác ái của Giáo Hội.
 
Sự kiện Đức Thánh Cha chuyển người từ Bộ Truyền giáo sang Hội đồng Cor Unum, cũng như đã xảy ra với Đức cố Hồng y Gantin, diễn tả một sự tiếp nối cho thấy sinh hoạt của Cor Unum được dưỡng nuôi bởi Tin Mừng.
 
Trong phần cuối cùng của bài viết kỷ niệm 40 thành lập Hội đồng Toà Thánh Cor Unum, Đức Hồng y Robert Sarah đã duyệt qua một số các thách đố mà Hội đồng phải đương đấu hiện nay.
 
Thứ nhất là trung thành với ý hướng đầu tiên mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bày tỏ trong Thông điệp đầu tiên của người. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì công tác mục vụ bác ái của Giáo Hội phải lấy hứng từ suối nguồn đó. Có rất nhiều sáng kiến nhân ái, nhưng trong lĩnh vực này, các cơ cấu Công giáo còn có mục đích biểu lộ Thiên Chúa, Đấng mà qua Người Con của Ngài đã dạy chúng ta tình bác ái đích thực là hiến dâng chính mình. Chính đặc thái này nhắc nhớ chúng ta một thách đố lớn thứ hai: đó là gắn liền Tin Mừng với tình bác ái. Tin Mừng linh hứng cho tình bác ái, và bác ái làm chứng cho Tin Mừng; Tin Mừng huy động bác ái, và bác ái xác nhận sự thật của Tin Mừng.
 
Thách đố thứ ba nằm trong chiều kích Giáo Hội của tình bác ái. Giáo Hội là chủ thể của hoạt động bác ái, và như thế Cor Unum phải giúp duy trì sự hiệp thông trong chứng tá lớn lao của tình bác ái trong Giáo Hội: đó là tạo thuận tiện cho mối dây liên kết các tổ chức bác ái với các giám mục và Toà Thánh.
 
Thách đố thứ tư là nỗi lo lắng cho việc đào tạo nhân bản và Kitô, một việc “đào tạo con tim”, ngày càng thích hợp hơn với thời đại của những người làm việc bác ái trong Giáo Hội. Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức các kỳ tĩnh tâm đại lục, như đã thực hiện cho châu Mỹ, Á châu và châu Âu.
 
Chính linh hứng Kitô giúp trông thấy các nhu cầu của người nghèo một cách sâu xa hơn. Nêu bật chiều kích thiên linh của tình bác ái và sự ràng buộc của nó với việc rao truyền Tin Mừng không có nghĩa là nhắm mắt trước sự nghèo túng của con người, nhưng trái lại là thúc đẩy có cái nhìn sâu xa hơn đối với các nhu cầu của con người, nhìn vào trọng tâm nỗi khổ đau, sự cô đơn và bị bỏ rơi của con người, để loan báo cho con người Tin Mừng và sự hiện diện của Chúa Kitô là Đấng yêu thương con người.
 
Sau cùng, Đức Hồng y Robert Sarah cho biết ngày 11-11-2011, Hội đồng Toà Thánh Cor Unum sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ của các giám mục đại biểu và các vị hữu trách các tổ chức thiện nguyện Công giáo Âu châu với Đức Thánh Cha, nhân Năm Thiện nguyện Âu châu.
 
(SD 15-7-2011)