10/01/2025

Phiên họp thường niên của Quỹ Tiến bộ các Dân tộc tại Brasil

Cũng như mọi năm, trong cuộc họp tại Brasil, các tham dự viên cứu xét các dự án phát triển thăng tiến các cộng đoàn thổ dân, người lai và người châu Mỹ gốc Phi châu tại châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê.

 Phiên họp thường niên của Quỹ Tiến bộ các Dân tộc tại Brasil


Quỹ “Tiến bộ các Dân tộc” (Populorum Progressio) và công tác trợ giúp các thổ dân, người lai và người gốc Phi châu tại châu Mỹ Latinh 

Trong các ngày 19 đến 22-7-2011, Quỹ Tiến bộ các Dân tộc nhóm phiên họp thường niên tại Đan viện Biến Hình ở Castanhal, gần thành phố Belém Do Pará, Brasil.

Quỹ Tiến bộ các Dân tộc đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI thành lập ngày 26-3-1969, nhân dịp kỷ niệm 2 năm công bố Thông điệp “Tiến bộ các Dân tộc” – “Popolorum progression”. Quỹ nhắm mục đích trợ giúp các nông dân nghèo và thăng tiến cuộc cải cách ruộng đất, công bằng xã hội và hoà bình tại châu Mỹ Latinh, theo các định hướng do các Hội đồng Giám mục của đại lục này đề ra. 

Đức Gioan Phaolô II đã viết như trên trong thủ bản thành lập Quỹ Populorum Preogressio trong quốc gia thành phố Vatican ngày 13-2-1992. Ngài viết: “Năm nay là năm sẽ cử hành 500 năm bắt đầu rao truyền Tin Mừng của châu Mỹ và Hội nghị lần thứ IV của Hàng Giám mục châu Mỹ Latinh, tôi ao ước nêu bật các biến cố ấy với việc thành lập trong Quốc gia thành phố Vatican một Quỹ độc lập, nhằm mục đích thăng tiến sự phát triển toàn diện các cộng đoàn nông dân nghèo nhất của châu Mỹ Latinh. Điều này là một cử chỉ của tình yêu thương liên đới của Giáo Hội đối với những người bị bỏ rơi và cần được bẻo vệ nhiều hơn, cũng như các thổ dân, các người lai và Mỹ gốc Phi châu, và như thế cũng tiếp nối sáng kiến của vị tiền nhiệm cao cả của tôi”. Đức Gioan Phaolô II cũng khẳng định rằng “Quỹ sẵn sàng cộng tác với tất cả những ai ý thức được điều kiện sống khổ đau của các dân tộc Mỹ châu Latinh, ước muốn góp phần vào sự phát triển toàn vẹn của họ, làm sao để giáo lý xã hội của Hội Thánh được áp dụng đúng đắn vá thích hợp”.

Từ đó Quỹ Tiến bộ các Dân tộc được giao cho Hội đồng Toà Thánh Đồng Tâm (Cor Unum) quản lý. Quỹ nhận các ngân khoản quyên góp từ Hội đồng Giám mục Italia để bảo trợ các chương trình phát triển và bác ái tại các nước thuộc thế giới thứ ba. 

Cũng như mọi năm, trong cuộc họp tại Brasil, các tham dự viên cứu xét các dự án phát triển thăng tiến các cộng đoàn thổ dân, người lai và người châu Mỹ gốc Phi châu tại châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê. 

Tham dự khoá họp năm nay có các thành viên của Hội đồng Cor Unum, đặc biệt là Đức Hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Quỹ Populorum Progressio kiêm Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum. Đây là lần đầu tiên ngài chủ sự kỳ họp này trong tư cách Chủ tịch của Hội đồng Toà Thánh.

Theo truyền thống, mỗi năm, kỳ họp của Quỹ Populorum Progressio được triệu tập tại một quốc gia Mỹ Latinh để giúp các tham dự viên tìm hiểu rõ hơn về hiện tình Giáo Hội địa phương. Kỳ họp năm nay cứu xét trên 216 dự án trị giá gần 3 triệu Mỹ kim, do 19 quốc gia đệ trình, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghệ và tiểu doanh nghiệp…

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức ông Segundo Tejado Munhos, về phiên họp này. Đức Ông là Phó Thư ký Hội đồng Toà Thánh Cor Unum, và là người tháp tùng Đức Hồng y Robert Sarah sang Brasil tham dự phiên họp nói trên.

Hỏi: Xin Đức Ông cho biết nguồn gốc Quỹ Tiến bộ các Dân tộc và các mục đích của nó.

Đáp: Quỹ Tiến bộ các Dân tộc đã nảy sinh với Đức Giáo hoàng Phaolô VI; nhưng chính Đức Gioan Phaolô II mới là người đẩy mạnh nó vào năm 1992, nhân dịp mừng 500 năm truyền giáo châu Mỹ Latinh. Mục đích chính của Quỹ là gặp gỡ các dân tộc và các cộng đoàn thổ dân không được bảo vệ nhất. Trong một chuyến viếng thăm châu Mỹ Latinh, Đức Gioan Phaolô II đã thừa nhận sự cần thiết là Giáo Hội phải đưa ra một câu trả lời cho các nhu cầu và cho nạn nghèo túng của các cộng đoàn, của các nhóm dễ bị thương tổn nhất này. Trong số các nhóm đó, quan trọng và cấp thiết nhất là các thổ dân sống rải rác khắp nơi tại châu Mỹ Latinh. Có các cộng đoàn thổ dân lớn tại Brasil, Perù, Bolivia, và trong mọi nước vùng Andine cũng như tại Trung Mỹ. Ngoài ra, cũng có các anh chị em Mỹ Latinh gốc Phi châu, nghĩa là các thế hệ con cháu của những người nô lệ Phi châu xưa kia và các cộng đoàn nông dân. Như thế, Giáo Hội tìm gặp gỡ các anh chị em này và trao ban cho họ một dấu chỉ sự hiện diện của Đức Thánh Cha, và qua Đức Thánh Cha, sự săn sóc của Giáo Hội đối với họ, là những người không được bênh đỡ nhất, là các nhóm dễ bị tổn thương nhất của đại lục Mỹ Latinh.

Hỏi: Tại sao trung tâm ở Brasil lại được chọn cho phiên họp lần này, thưa Đức Ông?

Đáp: Đó là chuyện rất đơn sơ, chỗ họp được tổ chức theo lượt, xoay vòng. Hội đồng quản trị của Quỹ Tiến bộ các Dân tộc được chủ trì bởi vị Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum, hiện nay là Đức Hồng y Robert Sarah. Hội đồng quản trị này gồm 6 Hồng y và Giám mục châu Mỹ Latinh gồm các nước Brasil, Mehicô, Peru, Colombia, Bolivia và Ecuador. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức cuộc họp tại 1 trong 6 nước nói trên, với mục đích là để hiểu biết thực tại địa phương một cách sâu rộng hơn. Tại đây, chúng tôi cử hành các lễ nghi phụng vụ trong các giáo xứ, cũng như viếng thăm các dự án cụ thể đã được thực hiện trong quốc gia tiếp đón cuộc họp. Năm nay, Đức cha Taveira, Tống Giám mục Belem do Parà, đã tình nguyện tiếp đón chúng tôi, vì thế chúng tôi đi họp trong giáo phận của ngài tại Brasil.

Hỏi: Thưa Đức Ông, đây là lần đầu tiên cũng có sự hiện diện của Đức Hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. đây là lần đầu tiên Đức Hồng y Srah chủ sự cuộc họp. Trong nhiều năm trời trước đây, vị Chủ tịch Cor Unum, đồng thời cũng là Chủ tịch Quỹ Tiến bộ các Dân tộc là Đức Hồng y Paul Cordes. Bây giờ chúng tôi có Đức Hồng y Robert Sarah, và tôi chắc chắn là ngài sẽ đem lại cho chúng tôi một sự phong phú lớn với kinh nghiệm Phi châu của ngài, và nhất là với kinh nghiệm như là nguyên Thư ký của Bộ Truyền giáo, và sự hiểu biết của ngài đối với thực tại của các quốc gia và các giáo phận này. Tôi tin rằng đó sẽ là một sự phong phú rất lớn đối với Quỹ Tiến bộ các Dân tộc.

Hỏi: Vậy cuộc họp lần này tại Brasil diễn ra như thế nào, thưa Đức ông?

Đáp: Chúng tôi phải nghiên cứu các dự án được đệ trình và đây là việc quan trọng nhất. Cuộc họp bắt đầu ngày 19-7, là ngày chúng tôi sẽ nghiên cứu một vòng các dự án trước mắt và phân tích tìm hiểu sâu rộng hơn mọi thực tại của các quốc gia đệ trình dự án. Mỗi Giám mục giải thích một chút về tình hình quốc gia của mình trên bình diện chính trị, kinh tế và Giáo hội. Và sau các phân tích riêng rẽ cũng có phần suy tư chung về các vấn đề của châu Mỹ Latinh. Các phân tích riêng rẽ tình hình của từng quốc gia luôn luôn rất hay và hấp dẫn, với nhiều điểm phong phú, nhất là bởi vì chúng do các người đang làm việc tại chỗ và sống gần gũi trực tiếp với tất cả các vấn đề trình bày.

Hỏi: Năm nay có bao nhiêu dự án được đệ trình Quỹ, thưa Đức Ông?

Đáp: Năm nay chúng tôi có 216 dự án, như thế là khá nhiều. Chúng tôi sẽ phải loại bỏ một số và đây luôn luôn là điều khiến cho chúng tôi đau đớn: luôn luôn phải từ chối khoảng 50 dự án, bởi vì thiếu ngân quỹ. Tôi phải nói rằng chính nhờ sự quảng đại của Hội đồng Giám mục Italia và của uỷ ban trợ giúp bác ái cho thế giới thứ ba, do Đức ông Gandolfo làm chủ tịch, mà mỗi năm chúng tôi có thể làm công tác phân chia ngân quỹ tài trợ này cho các dự án được đệ trình. Chính hai tổ chức này nâng đỡ và yểm trợ chúng tôi. Nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu được, và đó cũng là vấn đề mà chúng tội phải đương đầu trong cuộc họp hằng năm.

Chúng tôi nghiên cứu các dự án theo từng quốc gia một, và mỗi Giám mục thành viên của Hội đồng Quản trị của Quỹ Tiến bộ các Dân tộc dành ra 2 ngày để cứu xét một nhóm các quốc gia. Và rồi các dự án được lượng định cân nhắc, nếu cần phải cắt giảm thì cắt giảm cái gì đó, hay nếu cần phải khước từ thì khước từ, vì các dự án không theo các tiêu chuẩn của Quỹ Tiến bộ các Dân tộc.

(RG 14-7-22011; SD 15-7-2011)