09/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi cồng đồng quốc tế cứu trợ các dân tộc vùng Sừng Phi châu

ĐTC cầu mong sự huy động quốc tế gia tăng để cấp thời gửi các trợ giúp tới các anh chị em bị thử thách nặng nề này, đặc biệt là các trẻ em. Ước chi các dân tộc khổ đau này không thiếu tình liên đới của chúng ta và sự trợ giúp cụ thể của tất cả những người thiện chí”.

 Đức Thánh Cha kêu gọi cồng đồng quốc tế cứu trợ các dân tộc vùng Sừng Phi châu

Trưa Chúa Nhật hôm qua trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 2.000 tín hữu và du khách hành hương tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tha thiết kêu gọi công đồng quốc tế mau chóng huy động việc cứu trợ dân chúng sống trong vùng Sừng Phi châu, đặc biệt là Somalia, đang lâm cảnh đói khát trầm trọng vì nạn hạn hán kèo dài từ 2 năm qua. Ngài nói: “Với sự âu lo sâu xa, tôi theo dõi các tin tức đến tứ vùng Sừng Phi châu, đặc biệt là Somalia, đang bị hạn hán trầm trọng, và trong vài vùng lại bị mưa lớn, đang gây ra một tai ương cho con người. Nhiều người đang trốn chạy khỏi cảnh đói kém này để tìm thực phẩm và các trợ giúp.
 
Tôi cầu mong sự huy động quốc tế gia tăng để cấp thời gửi các trợ giúp tới các anh chị em bị thử thách nặng nề này, đặc biệt là các trẻ em. Ước chi các dân tộc khổ đau này không thiếu tình liên đới của chúng ta và sự trợ giúp cụ thể của tất cả những người thiện chí”.
 
Trước đó, Đức Thánh Cha đã suy tư về các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật XVI Thường Niên, đặc biệt là bài Phúc Âm, kể lại các dụ ngôn Chúa Giêsu đã dùng để loan báo các mầu nhiệm Nước Trời. Khi dùng các hình ảnh và trạng huống của cuộc sống thường ngày, Chúa “muốn chỉ cho chúng ta thấy nền tảng đích thực của tất cả mọi sự. Người chỉ cho chúng ta thấy… Thiên Chúa hành động; Người bước vào trong cuộc sống chúng ta và muốn cầm tay hướng dẫn chúng ta” (Gesù di Nazaret I, Milano 2007,229). Đức Thánh Cha giải thích như sau:
 
Với loại diễn văn đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thừa nhận trước hết quyền tối thượng của Thiên Chúa Cha: nơi đâu không có Người, thì không gì có thể tốt lành được. Đây là một ưu tiên định đoạt cho tất cả mọi người. Đúng thế, Nước Trời có nghĩa là quyền là Chúa của Thiên Chúa, và điều này có nghĩa là ý muốn của Người phải được chấp nhận như là tiêu chuẩn hướng dẫn cuộc sống chúng ta.
 
Đề tài chứa đựng trong Tin Mừng Chúa Nhật này chính là Nước Trời. “Trời” không chỉ được hiểu trong nghĩa của sự cao vượt trên chúng ta, bởi vì không gian bất tận ấy cũng có hình thể sự sâu thẳm của con người nữa. Chúa Giêsu so sánh Nước Trời với một cánh đồng lúa, để giúp chúng ta hiểu rằng bên trong chúng ta đã được gieo vào một cái gì bé nhỏ và giấu ẩn, nhưng nó lại có một sức sống không thể nào huỷ bỏ được. Mặc dù có các chướng ngại vật, hạt giống sẽ phát triển và bông hạt sẽ chín. Bông hạt đó chỉ tốt, nếu thửa đất cuộc sống đã được vun trồng theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế trong dụ ngôn hạt lúa tốt và cỏ lùng (Mt 13,24-30), Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng sau mùa gieo hạt của chủ nhân, “trong khi tất cả ngủ”, thì “kẻ thù của ông can thiệp vào và gieo cỏ xấu”.
 
Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự kiện này như sau: Điều này có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng giữ gìn ơn thánh đã nhận lãnh trong ngày chịu Bí tích Rửa Tội, bằng cách tìm dưỡng nuôi niềm tin nơi Chúa và ngăn cản sự dữ bén rễ trong chúng ta. Khi chú giải dụ ngôn này, Thánh Agustinô ghi nhận rằng “nhiều người ban đầu là cỏ lùng, rồi trở nên lúa tốt” và thánh nhân viết thêm “nếu những người đó, khi họ còn xấu, đã không được nhân nhượng với lòng kiên nhẫn, thì họ đã không đạt được sự thay đổi đáng khen như vậy” (Quaest. septend. in Ev. sec. Math., 12,4: PL 35,1371).
 
Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Các bạn thân mến, Sách Khôn Ngoan – từ đó bài đọc thứ nhất được trích ra – minh nhiên chiều kích này của Thiên Chúa: “Vì Chúa chăm sóc mọi loài, ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công… Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 12,13.16). Và Thánh vịnh 85 xác nhận điều này: “Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và tha thứ, Chúa đầy lòng xót thương đối với ai khẩn cầu Chúa” (Tv 85,5). Nếu chúng ta là con cái của một Người Cha cao cả và nhân lành như vây, thì hãy tìm trở nên giống Người! Đây đã là mục đích mà Chúa Giêsu đã nhằm trước với việc rao giảng; thật thế, Người đã nói với những kẻ lắng nghe Người: “Các con hãy nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Chúng ta hãy hướng tới Mẹ Maria với lòng tin tưởng, mà hôm qua chúng ta đã mừng kính với tước hiệu Đức Trinh Nữ Rất Thánh của núi Camêlô, để Mẹ giúp chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu, và như thế sống như con cái của Thiên Chúa.
 
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cát kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 
Sau khi đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu đói các dân tộc vùng Sừng Phi châu, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp ngài nói: Thời gian nghỉ hè chắc chắn thích hợp cho việc làm giàu văn hoá và tinh thần. Qua biết bao nhiêu cảnh trí và đền đài mà anh chị em thăm viếng, anh chị em có thể khám phá ra vẻ đẹp của gia tài đại đồng nối liền chúng ta với gốc rễ của mình. Hãy chú ý để cho mình bị cật vấn bởi lý tưởng hay đẹp đã từng linh hoạt các người xây các nhà thờ chính toà và các tu viện, khi họ xây lên các dấu chỉ rạng ngời sự hiện diện của Thiên Chúa trên trái đất này.
 
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nói hôm thứ bảy vừa qua chúng ta đã mừng lễ Mẹ Thiên Chúa của Áo Đức Bà. Áo Đức Bà là một dấu chỉ đặc biệt sự kết hợp của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đối với những người đeo nó, Áo Đức Bà là một dấu chỉ sự tín thác con thảo cho sự chở che của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Trong cuộc chiến của chúng ta chống lại sự dữ, xin Mẹ Maria bao bọc chúng ta với áo choàng của Mẹ. Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.