08/01/2025

Giáo dục: bệnh thành tích vẫn còn lởn vởn

Ông Phạm Vũ Luận cũng cho rằng hiện nay bệnh thành tích trong giáo dục về cơ bản đã chuyển động tích cực, nhưng vẫn chưa xoá sạch được nên kinh nghiệm là phải tiếp tục phòng bệnh là chính


Giáo dục: bệnh thành tích vẫn còn lởn vởn

Tiêu cực trong thi cử đã được khắc phục căn bản, bệnh thành tích cũng đã giảm song nguy cơ tái phát vẫn còn…

Đó là nhận định của hầu hết ý kiến tại hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục được tổ chức tại Đồng Tháp ngày 16-7.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết: “Từ năm 2011 trở đi, tuy không phải là giải pháp đột phá song toàn ngành giáo dục vẫn phải thường xuyên chỉ đạo khắc phục bệnh thành tích, giữ nghiêm kỷ luật thi cử”.

“Tôi thấy con số học sinh bỏ học, nhất là học sinh bỏ học ở ĐBSCL giảm, tôi rất mừng nhưng tôi đề nghị bộ trưởng kiểm tra lại xem số học sinh bỏ học cấp 1 đến cấp 3 năm học vừa rồi chỉ 0,5% có đúng như vậy không?”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tiêu cực cơ bản được ngăn chặn?

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các báo cáo của Bộ GD-ĐT đã nêu khá chi tiết, đồng thời khẳng định cuộc vận động “hai không” và phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới phương pháp quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận và quan tâm của toàn xã hội…

Đến nay đã đạt được những kết quả về nhiều mặt, tạo ra động lực mới trong dạy và học, nâng cao hơn chất lượng giáo dục toàn diện; trật tự kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường; những tiêu cực trong dạy và học cơ bản được ngăn chặn.

Tuy nhiên, Thủ tướng băn khoăn: “Qua báo cáo của Bộ GD-ĐT, theo dõi công tác giáo dục trong cả nước, tôi đề nghị cần phải thảo luận xem có phải tiêu cực đã cơ bản được ngăn chặn? Việc đánh giá này có ý nghĩa rất lớn. Chúng ta không tô hồng, không quá lạc quan nhưng nghiêm túc đánh giá, nếu kết quả đã cơ bản đạt được như trên thì phải thấy những mặt còn hạn chế, cần phải phát huy cái tích cực, không thể lặp lại tiêu cực”.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kết quả các kỳ thi được nâng lên, tỉ lệ tốt nghiệp THPT không ngừng tăng. Năm học 2007, năm đầu thực hiện chỉ thị 33, chỉ đạt 67% nhưng đến năm 2011 đạt gần 96% học sinh tốt nghiệp THPT. Thủ tướng cũng cho rằng đây là con số đáng trân trọng, đáng mừng, nhưng ông cũng đề nghị xem xét đánh giá nghiêm túc xem có đúng thực chất như thế không.

Thủ tướng cũng đánh giá cao những đổi mới trong công tác giáo dục, nhất là đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học và quản lý giáo dục gắn với việc phân loại học sinh, quan tâm đến học sinh khó khăn… Qua đó góp phần chấm dứt tình trạng học sinh đến lớp mà không đạt chuẩn, giảm đáng kể học sinh yếu kém, học sinh bỏ học.

Bóng ma bệnh thành tích

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần nhìn nhận nghiêm túc việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên có khả năng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn thiếu và yếu. Phạm vi thực hiện cuộc vận động “hai không” còn hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá còn thiếu thường xuyên; bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sắp tới bộ sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng cũng như bốn năm tổ chức thực hiện “hai không”. Trên cơ sở đó bộ sẽ điều chỉnh, loại bỏ những điều bất hợp lý phát sinh trong quá trình tổ chức thi cử để các kỳ thi sắp tới diễn ra nghiêm túc, hiệu quả. Đồng thời từ nay đến năm 2015 bộ cũng phải nghiên cứu để đổi mới căn bản, toàn diện phương án thi, kiểm tra, đánh giá. Sau năm 2015 sẽ đổi mới toàn diện nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy.

Ông Phạm Vũ Luận cũng cho rằng hiện nay bệnh thành tích trong giáo dục về cơ bản đã chuyển động tích cực, nhưng vẫn chưa xoá sạch được nên kinh nghiệm là phải tiếp tục phòng bệnh là chính. Đánh giá kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay với tỉ lệ học sinh tốt nghiệp gần 96%, ông Luận nói kết quả trên đáng mừng vì tương xứng với sự đầu tư của các thầy cô giáo, sự cố gắng của học sinh và sự quan tâm của toàn xã hội.

Tuy nhiên, nhận định tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên, ông Luận cho biết có dấu hiệu không bình thường khi một số trường năm trước tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp, năm nay đỗ gần 100%, thậm chí 100%.

Thủ tướng thăm “chàng thủ khoa… giăng câu”

Nhân dự hội nghị toàn quốc về giáo dục tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian đến thăm hỏi, động viên em Võ Minh Luân – học sinh Trường THPT Trường Xuân, huyện Tháp Mười, thí sinh đã thi đậu thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Đồng Tháp vừa qua, nhân vật trong bài “Chàng thủ khoa… giăng câu” trên Tuổi Trẻ ngày 30-6. Thủ tướng nói: “Hi vọng với tài trí của mình, em sẽ sớm trở thành sinh viên giỏi, nhà khoa học giỏi để đóng góp cho đất nước”. Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh phải quan tâm nhiều hơn đối với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tốt như Luân.

Đến nay, bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã ủng hộ Luân gần 30 triệu đồng.

THANH TÚ

Không nên đánh giá học sinh qua thi cử

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng muốn đổi mới toàn diện nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải đổi mới nội dung chương trình. “Điều quan trọng là không nên đánh giá học sinh thông qua việc thi cử. Vì nếu thông qua hình thức thi cử như hiện nay thì thầy và trò cũng sẽ đối phó với thi cử, nhất là ở bậc THPT” – ông Sơn khẳng định. Về tổ chức thi tốt nghiệp THPT, ông Sơn cho rằng nếu được, về lâu dài Bộ GD-ĐT nên giao quyền lại cho các tỉnh, TP tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh của mình.