25/12/2024

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát

André Menras (Hồ Cương Quyết), người mang hai quốc tịch Việt – Pháp, Chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp – Việt (ADEP), vừa thực hiện xong bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát tại Lý Sơn và Bình Châu

 


Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát

André Menras (Hồ Cương Quyết), người mang hai quốc tịch Việt – Pháp, Chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp – Việt (ADEP), vừa thực hiện xong bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát tại Lý Sơn và Bình Châu.

Ngày 28.6 vừa qua, tại Paris, lần đầu tiên phim được chiếu cho cộng đồng những người bạn Pháp ủng hộ Việt Nam và kiều bào xem trong buổi toạ đàm “Thách thức địa chiến lược ở Đông Nam Á và những tranh chấp ở biển Đông”. Toạ đàm do Hội Hữu nghị Pháp – Việt (AAFV), Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và một số hội đoàn phối hợp tổ chức. Nhân dịp này, Thanh Niên thực hiện cuộc phỏng vấn André Menras về bộ phim do chính ông viết kịch bản và đạo diễn.

Ý tưởng thực hiện bộ phim về ngư dân ở vùng đảo Lý Sơn và Bình Châu đến với ông từ lúc nào? Điều gì thôi thúc ông thực hiện cuốn phim này?

Năm 2006, qua báo chí Việt Nam, tôi đọc được nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đã bị các tàu đánh cá, tàu quân sự của Trung Quốc uy hiếp và bắt, tịch thu tàu thuyền, dụng cụ làm nghề bắt cá, đòi tiền chuộc đến tán gia bại sản. Tôi đi từ tâm trạng ngạc nhiên đến phẫn nộ, nhiều đêm không ngủ được. Tôi đã liên tục theo dõi thông tin, thực hiện các nghiên cứu tìm tòi và ngày càng cảm thấy lo ngại về tình trạng này. Vì thế, tôi đã quyết định phải dấn thân vào việc bảo vệ các ngư dân vì tôi nghĩ rằng, bảo vệ ngư dân cũng là bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Và rồi, tôi quyết định làm một phóng sự về họ.

Tôi đã lên kế hoạch ra khơi đánh cá cùng các ngư dân ở đảo Lý Sơn và đã đến đảo 2 lần nhưng đều không thực hiện được, dù biên phòng tại đảo không cấm trực tiếp, dù một số ngư dân ủng hộ kế hoạch của tôi hết mình. Tuy nhiên, tôi biết, vì một lý do nào đó nên họ đã từ chối cho tôi đi cùng. Lần thứ 3 tôi đi Bình Châu (cũng trong năm 2011 này), được một người bạn giới thiệu gặp một ngư dân tại đó. Tôi đã có những ngày cùng sống, trò chuyện, ăn cơm với gia đình ngư dân tốt bụng này, tuy nhiên tôi vẫn chưa thể thực hiện giấc mơ ra vùng biển Hoàng Sa, có thể do người ta lo lắng cho sự an toàn của tôi chăng. Trở lại Lý Sơn lần nữa, tôi gần như trở thành vị khách quen thuộc của cư dân đảo, họ hiểu tình cảm cũng như tấm lòng của tôi đối với những mất mát của gia đình ngư dân ở đây. Cuối cùng, tôi đã được một số bạn Việt Nam yêu nước giúp đỡ, trở về Lý Sơn lần thứ tư để thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát.

Ngoài những nhân vật chính trong phim là bà vợ goá, những đứa trẻ có chồng/cha là ngư dân mất tích ngoài biển, thông điệp nào ông muốn chia sẻ ở bộ phim này?

 

Tôi không cầm được nước mắt khi nghe ngư dân Tiêu Viết Là kể từng bị tàu Trung Quốc bắt 4 lần, bị đánh đến thương tật, bị giam giữ, đòi tiền chuộc đến phá sản và nay còn nợ 400 triệu đồng. Nhưng anh vẫn hồn nhiên nói: Hoàng Sa gần đây lắm, làm sao không nhớ, là một phần của quê hương Việt Nam

 

 

Vấn đề ngư dân ở Bình Châu, Lý Sơn nói riêng và ngư dân ở miền Trung nói chung đều có những hoàn cảnh hết sức éo le, đau khổ. Cần sự đồng tâm, đồng lòng của người Việt ở trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ, bởi họ là bằng chứng sống động nhất khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại vùng biển Đông Nam Á. Điều tôi muốn nói ở đây là gì ? Đằng sau những mất mát, những số phận con người là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đảo của mình. Đây là vấn đề lớn và cấp bách.

Qua phim này, tôi muốn cho mọi người thấy rõ sự thật hằng ngày của ngư dân Bình Châu và Lý Sơn. Sự thật đó chính là nỗi đau, nỗi sợ hãi, sự phản kháng, niềm kiêu hãnh, đó chính là lòng dũng cảm, tình yêu nước của họ. Thông điệp đó rất rõ ràng: “Hãy nhìn những người này, nhìn sự đau khổ của họ, nhìn thấy họ bám víu vào biển để sống ra sao. Hãy nhìn xem họ đã sống kiên định thế nào, họ xứng đáng được giúp đỡ, được ủng hộ và bảo vệ!”. Từ kết quả này, tôi muốn lập một quỹ đoàn kết, trước mắt là với những gia đình ngư dân ở vùng biển Địa Trung Hải quê hương tôi, hỗ trợ các ngư dân ở miền Trung, đặc biệt vùng Bình Châu và Lý Sơn.  

Điều gì khiến ông ấn tượng nhất khi thực hiện bộ phim này?

Dù tôi đã được nghe kể về những hoàn cảnh, mất mát của các gia đình ngư dân trên đảo, dù tôi đã nhận được nhiều lá thư viết vội của các cháu mồ côi cha gửi đến tôi, khi biết tôi là Chủ tịch ADEP, tuy nhiên, lúc trực tiếp phỏng vấn làm phim, tôi không cầm được nước mắt. Những bà vợ goá mất chồng, những đứa trẻ mất cha trên biển, kể lại với tôi hoàn cảnh gia đình bằng những câu đứt quãng rất xúc động. Họ ra biển ngóng chồng mỗi chiều dù chồng biệt tích cả nửa năm, 1 năm qua. Hết kiên nhẫn, họ trở về dựng những ngôi mộ gió và ngày đêm nhang khói đều đặn. Điều gì khiến họ làm điều đó? Đó là sức mạnh của niềm tin. Họ có tình yêu nước, tinh thần không nhượng bộ, tinh thần đoàn kết và sự chung thuỷ rất đẹp của con người.

Tôi hỏi ông Bùi Thượng, năm nay đã 73 tuổi, được mệnh danh là “vua lặn” của đảo Lý Sơn: “Theo ông, cái nguy hiểm nhất trong nghề đi lặn là gì?”. Ông Thượng nói: “Là khi gặp con cá mập lớn, mình đừng vội bỏ chạy, phải nhìn trừng vào mặt nó, nó sẽ không tấn công mình…”. Câu trả lời của ông Thượng khiến tôi liên tưởng đến hoàn cảnh Việt Nam những khi gặp kẻ mạnh uy hiếp, gây hấn: “Hãy nhìn trừng vào con cá mập” để tồn tại! Có một chi tiết khiến tôi và anh em quay phim không cầm được nước mắt khi nghe ngư dân Tiêu Viết Là (Bình Châu) kể từng bị tàu Trung Quốc bắt 4 lần, bị đánh đến thương tật, bị giam giữ, đòi tiền chuộc đến phá sản và nay còn nợ 400 triệu đồng. Nhưng anh vẫn hồn nhiên nói: Hoàng Sa gần đây lắm, làm sao không nhớ, là một phần của quê hương Việt Nam mà”.

Kế hoạch cụ thể của ông với bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát như thế nào?

Ngày 28.6 vừa qua, bộ phim được chiếu tại buổi toạ đàm “Thách thức địa chiến lược ở Đông Nam Á và những tranh chấp ở biển Đông” cho đông đảo bạn bè Pháp, cộng đồng người Việt tại Paris và vùng phụ cận xem. Toạ đàm này do Hội Hữu nghị Pháp – Việt (AAFV), Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và một số hội đoàn phối hợp tổ chức. Những hình ảnh chân thực của phim tài liệu dài 56 phút này đã khiến nhiều người xem rất xúc động. Tôi cho là bước đầu công chiếu rất tốt. Tôi có một kế hoạch ngắn hạn là trình chiếu tại Pháp, trên kênh truyền hình Pháp nhằm lập một quỹ đoàn kết giúp những người vợ goá, những đứa trẻ mồ côi và những ngư dân mất tài sản có thể tiếp tục bám biển, tiếp tục tự hào là ngư dân Việt Nam ở các vùng biển miền Trung. Song song đó, tôi cũng mong bản phim tiếng Việt được chiếu tại Việt Nam càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề cấp bách lắm rồi!

Ông tin vào hiệu quả của phim?

Nếu không có niềm tin thì không làm. Đây không phải là phim hoàn hảo về kỹ thuật, về nội dung, nhưng nó là tấm lòng của tôi, của những người bạn đã hỗ trợ tôi một cách chuyên nghiệp để quay và dựng phim trong thời gian rất ngắn. Cách đây hơn 40 năm tôi đã treo ngọn cờ của kháng chiến quân ngay giữa lòng Sài Gòn bị chiếm đóng như một sự phẫn nộ, một lời tố cáo sự tàn bạo của kẻ xâm lược, một hành động đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Nay, tôi xem bộ phim này như một ngọn cờ nhỏ của sự đoàn kết. Tôi tin ngọn cờ này sẽ kêu gọi nhiều ngọn cờ khác, vì không một con người văn minh nào chấp nhận được nạn bạo quyền, gây hấn ở thế kỷ 21 này. Bộ phim là tiếng nói chống lại sự áp bức để tôn trọng con người, tôn trọng quyền của các dân tộc. Và những việc làm của các bạn, của tôi lúc này đã góp phần nhỏ trong tiếng nói chính đáng đó!