Giúp trẻ làm quen với tiền
Một số phụ huynh cho rằng, để bé làm quen với tiền sớm sẽ khiến bé hư hỏng. Tuy nhiên, các nhà giáo dục lại khẳng định, bé có thể học được những phép toán đơn giản hoặc biết cách chi tiêu hợp lý nếu được cha mẹ dạy tiết kiệm tiền
Giúp trẻ làm quen với tiền
Một số phụ huynh cho rằng, để bé làm quen với tiền sớm sẽ khiến bé hư hỏng. Tuy nhiên, các nhà giáo dục lại khẳng định, bé có thể học được những phép toán đơn giản hoặc biết cách chi tiêu hợp lý nếu được cha mẹ dạy tiết kiệm tiền.
Bé 4 tuổi trở lên đã có những nhận thức cơ bản về cuộc sống xung quanh. Đây cũng là thời điểm hợp lý để bạn dạy bé hiểu giá trị đơn giản của đồng tiền. Trước tiên, bạn hỏi bé xem có những loại tiền nào: Tiền giấy, tiền xu… Mỗi loại tiền có những mệnh giá nào (đồng xu 1.000, 2.000…). Bạn có thể đưa một số tiền ra làm mẫu cho bé dễ ghi nhớ. Thông thường, ở độ tuổi này, bạn chỉ nên dạy bé làm quen với những loại tiền có mệnh giá dưới 10 nghìn đồng.
Các trò chơi cho bé làm quen với tiền
– Phân biệt tiên giả, tiền thật: Bạn dùng bút vẽ lên một tờ giấy trắng có hình giống tờ tiền hoặc bạn photo những tờ tiền thật và trộn lẫn chúng với nhau (cả tiền giả và tiền thật). Tiếp theo, bạn để cho bé tự phân loại tiền thật, tiền giả và giúp bé phân tích kết quả: Bé chỉ có thể mua được kẹo bánh, đồ chơi bằng những tờ tiền thật còn những tờ tiền giả thì không…
– Chiếc lọ đựng tiền: Sử dụng 2-3 chiếc lọ thuỷ tinh, bạn bỏ vào mỗi lọ một ít tiền xu. Bạn có thể gợi ý để bé đoán mỗi lọ có bao nhiêu tiền và cùng bé kiểm tra kết quả.
– Người mua hàng: Bạn hướng dẫn bé chơi đồ hàng. Tiếp đến, bạn đưa cho bé một ít tiền xu và dạy bé cách mua hàng, chằng hạn, một mớ rau giá 5 nghìn đồng, một gói kẹo giá 10 nghìn đồng…
– Đi siêu thị: Bạn cắt những bức ảnh có hình rau, củ, quả, thịt, cá… trong một cuốn tạp chí và cùng bé chuẩn bị nấu cơm. Bạn nói giá tiền cụ thể cho từng loại thực phẩm và đề nghị bé mua cho hết 10 nghìn đồng. Nếu bé lớn hơn (khoảng 6 tuổi), bạn nâng mức giá này lên cao hơn để bé biết tính toán.
Lưu ý: Bạn nên dạy bé phân biệt các mệnh giá tiền khác nhau dựa vào kích thước bên ngoài, ví dụ, đồng xu 5.000 lớn hơn đồng xu 1.000 và 2.000. Ngoài ra, bạn cũng có thể dạy bé biết làm phép tính đơn giản với tiền, như hai đồng xu 1.000 sẽ tương đương với một đồng xu 2.000…
– Truy tìm kho báu: Bạn giấu một ít tiền xu tại một số địa điểm trong nhà. Đưa cho bé một “bản đồ kho báu” và để bé tự đi tìm. Sau khi bé đã tìm xong, bạn có thể cùng ngồi đếm tiền với bé, hỏi bé xem với số tiền này, bé muốn mua thứ gì. Kết thúc trò chơi bằng cách bạn đưa bé đi mua một món đồ ăn bé yêu thích.
Dạy bé quý trọng tiền
Tùy theo từng độ tuổi phát triển, bạn có thể dạy bé cách ứng xử khéo léo với đồng tiền. Đến tuổi đi học, bé rất thích thú nếu được bạn mua cho một con lợn đất và thưởng tiền xu mỗi lần bé ngoan. Khuyến khích bé rằng khi nào “lợn no”, bạn và bé sẽ cùng đập lợn để mua quần áo, đồ chơi hoặc sách, truyện…
Nếu bé được người thân cho tiền, bạn nên định hướng cho bé cách chi tiêu hợp lý. Nói với bé rằng, ông bà (cô, chú) rất vui nếu bé đưa bạn giữ tiền và chỉ sử dụng khi được bạn đồng ý.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xây dựng tinh thần tiết kiệm của bé ngay từ bây giờ. Các hoạt động hàng ngày như bé nên tắt đèn khi ra khỏi phòng, không được ăn cơm bỏ thừa hoặc tránh vất đi những món đồ chơi vẫn còn dùng được… có liên quan đến việc chi tiêu hợp lý của bé sau này.
Không nuông chiều bé thái quá: Nhiều bé 6-7 tuổi có thói quen xin tiền bố mẹ để tự đi mua những gì bé thích. Trường hợp này, bạn nên hỏi cụ thể xem bé định mua thứ gì, có cần thiết hay không… và cùng bé đi mua nếu bạn thấy phù hợp. Nếu đòi hỏi của bé vô lý, bạn nên giải thích rõ ràng lý do, chẳng hạn “Con ăn hết bánh đi rồi mẹ sẽ mua bimbim cho” rồi nghiêm khắc từ chối yêu cầu của bé.