23/12/2024

Chuyện tình ở đồng chiêm trũng

Suốt cả đời Khơi nằm liệt giường, nếu không có niềm vui thơ văn và tình bạn bè, chắc anh đã không thể vượt qua được. Oanh đem đến hạnh phúc ngọt ngào mới cho Khơi và cô yêu luôn cả những niềm vui say tỉnh, lãng đãng của tâm hồn nhà thơ

 Chuyện tình ở đồng chiêm trũng

 “Khơi cưới vợ”. Tin vui này lan nhanh gấp ba lần những cánh thiệp mời cưới. Ai đã từng nhìn Khơi teo tóp nằm liệt giường, đến con kiến cắn chân còn không thể tự gãi, cây bút rớt xuống gầm giường cũng phải chờ người nhặt hộ mới thật sự hiểu chuyện Khơi cưới vợ là điều tuyệt diệu thế nào…

Rượu hạnh phúc chưa cạn đã say

Khơi xúc động kể đám cưới hai người diễn ra đầu mùa hạ năm 2009. Sau lần từ Bạc Liêu lặn lội ra tận quê Khơi ở Hưng Hà, Thái Bình, Bùi Kim Oanh đã tận mắt nhìn thấy số phận nghiệt ngã của nhà thơ mà cô nặng tình yêu thương, nhưng Oanh vẫn xin được ở lại bên anh. Lòng Khơi xúc động lắm nhưng anh vẫn thật nhẹ nhàng để Oanh bình tâm suy nghĩ chín chắn. Nhiều lần anh nhắc Oanh: “Tâm hồn nhà thơ của anh đã mong manh, thân xác anh lại càng mong manh hơn. Em làm vợ anh sẽ phải chịu thiệt thòi rất nhiều!”. Oanh rưng rưng tâm sự yêu Khơi, cô yêu cả niềm vui nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn đớn đau của anh. Cô sẵn sàng cho tất cả, chỉ cần được ở bên anh!

Đầu hạ năm 2009, đám cưới của họ diễn ra thật đặc biệt ở làng quê Hưng Hà, Thái Bình. Bạn bè được Khơi mời đi dự tiệc không thiếu một ai. Ban đầu tiệc cưới của nhà thơ nằm liệt giường với cô thủ thư tưởng giản dị, ít người, nhưng rồi lại đông vui nhất làng. Bạn bè san sẻ với Khơi bằng tất cả tấm lòng. Người đem đến chai rượu, bó hoa, người mang gà vịt. Thậm chí cả chăn nệm tân hôn cũng được một cô gái yêu thơ xin làm con nuôi bố Khơi sắm sửa cho anh.

Ngày vui, Khơi được bạn bè đỡ ngồi trên chiếc ghế dựa bên vợ. Anh cười thật tươi. Còn Oanh lúc cười, lúc ngân ngấn nước mắt hạnh phúc. Vài tháng sau, bạn bè lại nghe tin vui Oanh có thai. Những ai hiểu bệnh tình Khơi mới thật sự thấu cảm đó là điều tuyệt diệu biết bao.

Ấy là Khơi đã tự “tiên tri” định mệnh trong thơ mình

… Bởi tôi tin vào nỗi khổ đau/ có bước đi riêng trong bóng tối… Chính bạn bè quý Khơi, yêu thơ Khơi như các tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Năng Trọng, Lê Đức Tố đã… giúp anh rất nhiều trong việc chữa trị bệnh tình để có một kết quả như thế này. Ngày Khơi báo tin vợ có thai, nhiều bạn bè hiểu rõ số phận anh mừng đến ứa nước mắt. Còn Khơi nhiều đêm thấp thỏm mất ngủ trông đợi tác phẩm tuyệt vời nhất của mình ra đời. Nhưng một lần đi xe khách vất vả vào Bạc Liêu để chuyển giấy tờ, Oanh bị hư thai. Cô khóc sưng mắt! Khơi cũng buồn lắm, buồn như cái ngày anh biết mình không thể đi trên đôi chân được nữa, nhưng cố kìm nén để an ủi vợ. Oanh đã yêu thương, hi sinh cho chồng quá nhiều rồi, Khơi không muốn vợ phải nặng thêm nỗi buồn. Vài tháng sau Oanh lại có thai. Hai vợ chồng mừng đến ứa nước mắt. Khơi nắm chặt tay vợ như không muốn cô rời xa một phút nào nữa. Ông trời đã làm tình làm tội Khơi nhiều rồi, nhưng vẫn ban cho vợ chồng anh những điều tuyệt vời nhất.

Những ngày vợ chuẩn bị hạ sinh, Khơi vừa mừng vừa hồi hộp đến mất ngủ. Vậy là anh sắp được ôm ấp, nâng niu tác phẩm tuyệt diệu nhất của đời mình. Nhưng lòng anh cũng thắc thỏm lo không biết bé có ảnh hưởng gì từ bệnh tình của bố không. Và phút giây nghe tiếng con khóc chào đời đã đến. Vợ chồng Khơi ứa nước mắt xúc động khi ôm con trai xinh xắn, khỏe mạnh vào lòng. Anh đặt tên con là Đỗ Lập Sơn với ước nguyện con được khỏe mạnh, ý chí cao vời như núi, đừng giống định mệnh bệnh tật đã đeo đẳng bố suốt cuộc đời. Anh tặng con bài thơ với những lời bình dị nhưng biết bao ý nghĩa đối với anh: Khóc thèm ăn/ Khóc thèm ngủ/ Khóc khi tè ướt/ Và ngủ thì thật nhiều, thật dài/Nhiều hơn nắng những ngày này/ Dài hơn gió những ngày này/ Cứ vậy con lớn lên/ Làm một con người kiêu hãnh/… Và với bố đó là điều vô cùng kỳ vĩ/ Bố nào dám mơ làm được vậy đâu, ở cuộc đời này/…

Yêu thương ở những điều thường tình nhất

Khơi tâm sự mãi niềm vui nỗi buồn đời mình. Anh bảo có vợ anh làm thơ chậm lại, nhưng thấy cuộc sống hạnh phúc hơn và có trách nhiệm hơn. Anh có thể làm 1.000 bài thơ cảm ơn vợ vẫn chưa cạn lòng, vì Oanh đã hiến dâng cho anh những điều tốt đẹp nhất mà trước đó anh chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Chồng liệt, không lúc nào rời được chiếc giường, Oanh một mình cáng đáng tất cả, từ công việc kiếm sống hằng ngày đến chăm con thơ, chồng bệnh. Mẹ chồng lớn tuổi, ốm đau triền miên, Oanh cũng ngược xuôi lo toan cho cả hai nhà. Rồi Khơi cũng lắm bạn nhiều bè, những người yêu thơ anh quý luôn cả anh. Bạn bè văn chương những lúc bên nhau lãng đãng quên cả đất trời. Oanh tinh tế, vui vẻ lo cho chồng và bạn từng chai rượu, từng thức nhắm. Người này í ới người kia, nhiều đêm từ đầu nhà đến cuối nhà Khơi đông kín bạn bè. Thậm chí những bạn từ Hà Nội, Hải Phòng về hay TP.HCM ra, 24 giờ đêm vẫn gõ cửa nhà Khơi. Lại chiếu rượu, lại rôm rả thơ văn. Oanh vừa dỗ con, vừa vui vẻ lo cho bạn bè chồng.

Rồi khi tàn canh, lúc tỉnh rượu Khơi xót vợ và càng xúc động hơn khi nghe Oanh rưng rưng tâm sự: “Yêu anh, em chỉ cần thấy anh vui là em hạnh phúc lắm rồi!”. Khơi ứa nước mắt cảm ơn vợ. Cô đã thấu cảm tận cùng lòng chồng. Suốt cả đời Khơi nằm liệt giường, nếu không có niềm vui thơ văn và tình bạn bè, chắc anh đã không thể vượt qua được. Oanh đem đến hạnh phúc ngọt ngào mới cho Khơi và cô yêu luôn cả những niềm vui say tỉnh, lãng đãng của tâm hồn nhà thơ.

Ngôi nhà họ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Khơi thi thoảng mới có đồng nhuận bút thơ còm. Lương Oanh cũng không được mấy từ công việc thủ thư. Cuộc sống chật vật mà chưa bao giờ Oanh kêu ca một lời. Hình như tình duyên của họ được ông trời hôn phối với sự đồng cảm kỳ lạ. Khơi tâm sự với vợ: “Đời anh chỉ cần có mẹ con em và bạn bè, thơ văn là hạnh phúc lắm rồi. Anh không mong mỏi điều gì hơn nữa”. Oanh cũng thế, âu yếm rủ rỉ với chồng: “Em chỉ cần gia đình mình vui vẻ, yêu thương nhau, chứ không cần tiền bạc, giàu có”. Hiếm hoi đôi lần vợ chồng bất đồng về cách dạy con và chỉ lát sau cả hai lại làm hoà với nhau, vì không ai muốn cho ai phải buồn.

Khơi lại cười nâng ly, ly rượu hạnh phúc do chính tay người vợ rót cho chồng mà Khơi chưa uống đã nồng say…