23/11/2024

Đắng lòng một trang báo

Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại mục đích tối thượng của thể thao đối với đời sống xã hội. Thể thao đơn giản là rèn luyện một sức khoẻ cường tráng, một tinh thần mạnh mẽ, là tập luyện tinh thần thượng võ và đoàn kết những cá nhân riêng lẻ lại thành một tập thể vững chắc để vượt qua mọi thử thách

 Đắng lòng một trang báo

Sáng chủ nhật 3-7 ngồi uống cà phê, giở trang thể thao trên Tuổi Trẻ thấy sao mà đắng chát. Trên trang thể thao có hai câu chuyện khiến nhiều người cảm thấy buồn cho nghiệp thể thao mà các VĐV đã trót mang…

Câu chuyện thứ nhất là một tin vui trên góc phải của trang báo. Rất vui vì lãnh đạo TP.HCM quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ 5 tỉ đồng cho các đội bóng của TP gồm Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành và CLB TP.HCM. 5 tỉ đồng tuy không lớn so với kinh phí hoạt động của ba đội bóng nhưng lớn hơn hết là sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo TP. Có sự quan tâm, ủng hộ kịp thời của lãnh đạo, VĐV sẽ không cảm thấy mình lẻ loi, không cảm thấy mình là “gà chọi” vì thành tích của riêng ai mà là mình dốc sức vì nền thể thao của TP.

Câu chuyện thứ hai thì ngược lại. Đó là câu chuyện buồn của nhà vô địch điền kinh Nguyễn Thị Thu Cúc.

Đọc bài viết về chị Cúc, nhiều người cảm thấy cái nghiệp thể thao sao bạc bẽo lạ lùng, đặc biệt với những VĐV nữ. Hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả sức lực, chưa kể những chấn thương nặng, những cơn đau kéo dài mà họ găp phải có thể đeo họ suốt cuộc đời. Nhưng họ được nhận lại những gì? Đó là phải đi nhổ cỏ như chị Nụ (HLV điền kinh), phải quét rác, làm tạp vụ như chị Huệ (HLV bóng chuyền), phải bưng từng ly cà phê cho khách để kiếm sống như chị Cúc. Hoặc đau đớn hơn là nằm liệt giường như võ sĩ judo Lê Đức Công… Cuối cùng là một tương lai mờ mịt ở phía trước.

Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại mục đích tối thượng của thể thao đối với đời sống xã hội. Thể thao đơn giản là rèn luyện một sức khoẻ cường tráng, một tinh thần mạnh mẽ, là tập luyện tinh thần thượng võ và đoàn kết những cá nhân riêng lẻ lại thành một tập thể vững chắc để vượt qua mọi thử thách. Do vậy, thành tích cao của thể thao chỉ nhằm khuyến khích mọi người tích cực tham gia phong trào thể dục thể thao, nâng cao “sức khoẻ” của cả một đất nước vì “mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt; mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ” như Bác Hồ đã nói. Nhưng dường như nhiều tỉnh thành chỉ chăm chăm đi tìm huy chương mà bỏ quên cái gốc cơ bản ban đầu của việc tập luyện thể dục thể thao.

Theo dõi những câu chuyện về chị Nụ, chị Huệ, chị Cúc, anh Công, nhiều bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻtỏ ra ngao ngán trước cách hành xử của một vài tỉnh thành vì chạy theo thành tích mà đối xử với VĐV như kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Điều đáng buồn hơn, một số phụ huynh khẳng định sẽ không cho con em mình theo nghiệp thể thao dù rằng con em họ có năng khiếu thể thao. Những vị phụ huynh đó không sai, người sai là một số vị lãnh đạo ngành thể thao đã chạy theo thành tích sinh ra cách làm việc… phản thể thao đến vậy.

Cũng từ đây, vẫn còn rất nhiều chị Nụ, chị Huệ, chị Cúc, anh Công khác đang hằng ngày chịu đựng sự bất công, chịu đựng sự bạc bẽo của chính những đơn vị mà mình dốc sức thi đấu để đem về thành tích. Những sự bất công, bạc bẽo ấy phần nào chứng minh được cho câu hỏi vì sao nền thể thao nước ta chỉ mãi vẫy vùng trong “ao làng” Đông Nam Á chứ chẳng thể rạng danh trên các đấu trường đỉnh cao.

Tương lai mờ mịt của chị Cúc đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những vị lãnh đạo ngành thể thao biết rằng nếu cứ chạy theo thành tích, cứ “vắt chanh bỏ vỏ” như thế, tương lai của thể thao VN sẽ lâm vào cảnh bất định.