23/11/2024

Nghiên cứu văn hoá là một cuộc trở về

Nhà xuất bản NUS Press khá uy tín tại Singapore vừa phát hành tập sách “The Cham of Vietnam – History, Society and Art” (5.2011) do hai tác giả Trần Kỳ Phương và giáo sư Bruce Lockhart chủ biên với nhiều phát hiện mới

Trần Phương Kỳ: Nghiên cứu văn hoá là một cuộc trở về

Nhà xuất bản NUS Press khá uy tín tại Singapore vừa phát hành tập sách “The Cham of Vietnam – History, Society and Art” (5.2011) do hai tác giả Trần Kỳ Phương và giáo sư Bruce Lockhart chủ biên với nhiều phát hiện mới.

Đây là lần đầu tiên có một nhà nghiên cứu người Việt tạo được uy tín quốc tế về đề tài này. Trần Kỳ Phương là bút danh của Trần Phương Kỳ, còn được giới văn nghệ biết với cái cái tên Kỳ Con với nhiều giai thoại thú vị. Ông đã dành cho Thanh Niên một cuộc trao đổi.

* Là một nghệ sĩ từng làm thơ, vẽ tranh, dịch thuật… nguyên do nào ông lại nghiên cứu văn hoá Chăm-pa?

– Nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật cũng thơ mộng như làm văn nghệ vậy. Không có gì khác biệt lắm giữa hai ngành này, miễn là người làm phải đam mê, có định hướng và biết nuôi dưỡng ước mơ. Bên cạnh tính chính xác khoa học của nghiên cứu lịch sử, lại cần đến trí tưởng tượng và sự dấn thân. Sống là khai phá tiềm năng của chính mình. Tôi sinh ra và trưởng thành trên vùng đất cũ của vương quốc Chăm-pa, nên có lẽ trong tâm thức của tôi đã tiềm tàng những đặc tính của nền văn hoá này. Với tôi nghiên cứu văn hoá Chăm-pa qua khảo cổ – nghệ thuật học là một cuộc trở về.

* Với bút danh Trần Kỳ Phương, ông là một trong những người đầu tiên lật xới hay đặt lại những viên gạch đầu tiên cho nền tảng nghiên cứu văn hoá Chăm-pa sau 1975. Và gần như đó là cả một quãng đường gian khó với gió bụi Mỹ Sơn cũng như trong đời sống… Một vài kỷ niệm, suy nghĩ của ông khi nhìn lại?

– Khoảng những năm đầu thập niên 1980, tôi đã được tiếp xúc và học hỏi với một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở Hà Nội, hầu hết là những bậc đàn anh, như Nguyễn Từ Chi, Đào Thế Hùng, Thái Bá Vân, Trần Quốc Vượng… Chính họ đã nhiệt tình khuyến khích tôi đeo đuổi con đường nghiên cứu nghệ thuật ở một “tỉnh lẻ” như Đà Nẵng bấy giờ; tôi cũng may vì đã được kết bạn vong niên với thầy Nguyễn Văn Xuân, được học tập những tư tưởng độc lập, sáng tạo và phóng dật của thầy. Và may hơn nữa, khi mới vào nghề, khoảng năm 1976, tôi đã được học hỏi và thực tập nhiều năm với cụ Nguyễn Xuân Đồng, cựu quản thủ Bảo tàng Chàm từ năm 1937-1970; ông là một trong rất ít những người Việt Nam cộng tác với các học giả Pháp để trùng tu các di tích Chăm-pa từ những năm 1930. Tất cả những tiếp xúc đó đã giúp tôi định hình được con đường của mình, giúp tôi nuôi dưỡng đam mê và cố công học hỏi.

Thời ấy, 1975-1990, kinh tế khó khăn, mọi thứ trong cuộc sống đều rất hạn chế; sống và làm việc ở một thành phố nhỏ không phải là một trung tâm văn hoá như Đà Nẵng rất khó để có thể tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu; nhưng bù lại tôi được ở ngay trong môi trường văn hoá và nghệ thuật của vương quốc cổ Chăm-pa. Đây là nơi tồn tại những trung tâm trọng yếu của vương quốc này như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Hội An. Chính thời gian hơn 20 năm làm việc tại Bảo tàng Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng) và nhiều năm lặn lội “ăn nằm” với Mỹ Sơn đã bồi đắp cho tôi một kiến thức phong phú về nghệ thuật Chăm-pa, những cái không thể học được từ sách vở. Tôi cũng có những đồng nghiệp tốt như Nguyễn Thượng Hỷ, Nguyễn Văn Phúc và bạn bè văn nghệ thân thiết ở Đà Nẵng là những người luôn chia sẻ với tôi những trăn trở nghề nghiệp của mình.

* Công trình “The Cham of Vietnam – History, Society and Art” là tập sách do nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cùng giáo sư Bruce Lockhart biên tập, ấn hành bởi NXB NUS Press tại Singapore (2011) được đánh giá cao trong giới nghiên cứu. Đây là một tập hợp nhiều nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn. Nhưng thưa ông, liệu có những gì mới so với những khám phá hay công bố trước đây?

– Công trình này là kết quả của Hội nghị khoa học về Chăm-pa tổ chức tại Viện nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Singapore từ năm 2004. Sách tập hợp các nghiên cứu mới nhất của 17 học giả uy tín về Chăm-pa, đề cập đến nhiều lãnh vực học thuật về Chăm-pa như khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử, địa – lịch sử, ngôn ngữ, nhân học. Các tác giả đã đặt lại nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong nghiên cứu Chăm-pa dưới ánh sáng của tư liệu và nhận thức mới. Chẳng hạn, những phát hiện mới về khảo cổ học tại Trà Kiệu, Quảng Nam từ năm 1993 – 2003 đã giúp phác thảo được diện mạo ban đầu của vương quốc Lâm Ấp là tiền thân của (các) vương quốc Chiêm Thành/Chăm-pa sau này; những tư liệu thành văn trong thư tịch cổ của Trung Hoa về Chiêm Thành/Chăm-pa cũng được khảo sát lại và được hiểu trong bối cảnh mới của những kết quả về nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á hiện nay; đặt lại vấn đề nghiên cứu lịch sử và lịch sử nghệ thuật Chăm-pa trong việc thẩm định lại các công trình của các học giả người Pháp trước đây; hoặc những nghiên cứu mới về cấu trúc (các) vương quốc Chăm-pa theo mô hình “hệ thống trao đổi ven sông”; về mối quan hệ Việt-Chăm qua nghệ thuật; gốm sứ Chăm-pa; và, các nghi lễ táng tục và niên lịch của cộng đồng dân tộc Chăm ở Nam Trung Bộ hiện nay,… Có thể đánh giá đây là một đóng góp ý nghĩa vào ngành Chăm-pa học trên thế giới hiện nay.  

* Nghiên cứu Chăm-pa ít hay nhiều đều có liên quan, bổ trợ đến các vấn đề phát triển lịch sử văn hoá Trung Bộ. Là một nhà nghiên cứu văn hoá vùng (cultural area studies) tại miền Trung, ông có nhận xét gì?

Việc kế thừa và phát triển văn hoá của từng vùng là chuyện xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Miền Trung trong lịch sử từng là lãnh thổ của (các) vương quốc Chăm-pa suốt nhiều thế kỷ. Trong lịch sử, sự thay đổi các vương triều không phải/không thể là sự thay đổi cơ tầng kinh tế – văn hoá – xã hội của các cư dân sinh sống trên vùng đất đó, vì vậy, văn hoá vật chất của miền Trung đều được kế thừa trực tiếp từ văn minh Chăm-pa. Gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề về tiếp xúc văn hoá tại Trung Bộ, tuy nhiên đây là một lãnh vực học thuật rất rộng nên cần có sự hợp tác liên ngành (inter-discipline), sự đầu tư chính đáng và tinh thần làm việc bền bỉ của các học giả trong nhiều năm thì mới có thể bóc dần, một cách khoa học, từng lớp phủ của các tầng văn hoá đa dạng này. Nghiên cứu sâu về văn hoá vùng ở Trung Bộ sẽ rất hữu ích cho việc định hướng và phát triển kinh tế – văn hoá tại đây trong tương lai.

Trần Phương Kỳ (Trần Kỳ Phương) từng là chuyên viên nghiên cứu tại Bảo tàng Chàm (Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng), từ 1976-1998; tham gia trùng tu tại Mỹ Sơn trong những năm 1980. Ông đã tham gia lớp Master Class của Gs. Jan Fontein chủ đề “Truyền thống kể chuyện trong nền điêu khắc Ấn Độ và Đông Nam Á” tại Leiden, Hà Lan năm 1995; đã tu nghiệp tại Bảo tàng Hội châu Á,  New York năm 1996-1997; là nghiên cứu sinh của Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore năm 2003-2004. Ông đã tham dự nhiều hội nghị khoa học tổ chức tại nhiều nước; và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật Chăm-pa trong các kỷ yếu hội nghị và tạp chí chuyên ngành, như “Interactions between uplands and lowlands through the riverine exchange network of central Vietnam – A case study in the Thu Bon river valley” (2010); “The Architecture of the Temple-Towers of Ancient Champa (Central Vietnam)” (2009); “The relationship between architecture and sculpture in Cham sacred art of the seventh to the ninth centuries CE” (2008); “The wedding of Sita: a theme from the Ramayana represented on the Tra Kieu pedestal” (2000). Hiện nay ông đang điều hành dự án “Khảo cổ học xuyên biên giới Campuchia – Lào – Trung Việt Nam: Nghiên cứu xa lộ hoàng gia kết nối Khmer Angkor và Chăm-pa”.