27/12/2024

Phỏng vấn Đức Cha Nguyễn Thái Hợp: Biển Đông dậy sóng – “Viên đạn cần bắn là sự đoàn kết dân tộc”

Trong dịp viếng thăm tín hữu và thân hữu tại Hoa Kỳ vào mùa Hè 2011, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình, đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc tranh chấp Biển Đông

Phỏng vấn Đức Cha Nguyễn Thái Hợp: Biển Đông dậy sóng – “Viên đạn cần bắn là sự đoàn kết dân tộc”

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, trong dịp viếng thăm tín hữu và thân hữu tại Hoa Kỳ vào mùa Hè 2011, đã trả lời một số câu hỏi liên quan tranh chấp Biển Đông, một vấn đề thời sự nóng bỏng đối với người Việt trong cũng như ngoài nước. Mời bạn đọc theo dõi bài phỏng vấn do Trần Hiếu thực hiện.

Trần Hiếu: Thưa Đức cha, với cương vị là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình và hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha đã từng tổ chức các cuộc tọa đàm về nhiều vấn đề. Hiện vấn đề Biển Đông có nguy cơ đối đầu quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc, xin Đức cha cho biết nhận định về tình hình Biển Đông như thế nào?

Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Biển Đông xưa nay vẫn nổi sóng, nhưng mà chưa bao giờ nổi sóng một cách ghê sợ và đầy nguy cơ như trong thời gian qua. Một lần nữa dân tộc chúng ta đang đối đầu với ý đồ xâm lăng rất rõ rệt và trắng trợn của Trung Quốc. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử rất nguy hiểm cho tiền đồ Tổ quốc nếu chúng ta không biết ứng xử và không vận dụng được sức dân cũng như sức mạnh của quốc tế nhằm giải quyết vấn đề. Càng ngày ý đồ của TQ càng rõ, thành thử đây không phải là thời điểm để cứ lặp đi lặp lại “mười sáu chữ vàng” trong tương quan giữa TQ với Việt Nam như xưa nay người ta vẫn làm. Và cũng không thể chỉ dừng lại ở đối thoại song phương với TQ.

Hỏi: Đức cha thấy phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam trước hiểm hoạ xâm lăng của TQ đã đúng mức chưa? Nhà nước VN cần phải làm gì hơn để đối phó tình trạng nầy nhằm bảo vệ lãnh thổ của cha ông?

Trả lời: Nhìn lại lịch sử VN thì ta thấy xưa nay tổ tiên khi đối đầu với TQ thì dùng cả cương lẫn nhu, như những trận đánh lớn thời Lý Thường Kiệt, hay thời Quang Trung, sau khi mình thắng mình phải dùng chính trị hoà giải. Dĩ nhiên mỗi chính quyền có sách lược riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, đối diện với những gì nhà nước thực hiện cho đến hôm nay thì chúng ta phải đau lòng mà nói rằng chưa đúng mức. Điều quan trọng lúc nầy là để đối đầu trên Biển Đông với TQ hùng cường và ranh mãnh thì đối thoại song phương không đủ mà cần phải quốc tế hoá vấn đề, cần phải liên kết với các nước khác, không chỉ tại Đông Nam Á (ASEAN) mà cả các nước khác trên thế giới, đặc biệt các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, và Nga nữa. Thế giới cần thấy rõ hơn TQ đang muốn gì và TQ sẽ trở thành như thế nào. Phải chăng đó là một nước phát triển nhưng đồng thời cũng là hiểm họa cho tương lai chăng?

Hỏi:  Gần đây VN tập trận bắn đạn thật, TQ cũng phô trương sức mạnh quân sự, nhưng trước sự việc VN tập trận họ cho rằng đó là hành vi khiêu khích.  Đức cha có nghĩ rằng với một cuộc tranh chấp quân sự, hậu quả đối với VN sẽ như thế nào?

Trả lời: Việc tranh chấp quân sự giữa VN và TQ hôm nay là một mối lo. Có người cũng nghĩ rằng TQ đang mong VN bắn phát súng đầu tiên để rồi nhân cơ hội đó, đánh chiếm cả vùng Biển Đông. VN tập trận với bắn đạn thật là một cách để phô trương lực lượng. Nhưng tôi nghĩ viên đạn mà chúng ta cần bắn lúc này là sự đoàn kết dân tộc. Có lẽ đây là một thời cơ quan trọng để tất cả những người Việt chúng ta, ở trong cũng như ngoài nước, bất phân biệt chính kiến ý thức hệ, đặc biệt nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với tiền đồ dân tộc, cần đoàn kết để giúp dân tộc đối đầu với một người láng giềng xưa nay vẫn âm mưu xâm chiếm đất nước chúng ta. Tôi nghĩ rằng bắn những viên đạn thật để giương oai thì mình làm sao bằng những viên đạn của TQ. Nhưng chúng ta có những viên đạn chính nghĩa khác, đó là những sự kiện lịch sử, là ảnh hưởng quốc tế, là những nước bên cạnh chúng ta, cũng đang đứng trước cái hiểm hoạ xâm lăng của TQ. Ngoài những nước thuộc khối ASEAN ra, các nước như Nhật, Đại Hàn, Mỹ… cũng cảm thấy mình bị liên lụy trước nguy cơ Biển Đông biến thành một cái “ao nhà” của TQ.

Hỏi: Nói đến vấn đề liên kết giữa những người Việt trong cũng như ngoài nước trước hiểm hoạ nầy, Đức cha nghĩ chúng ta phải làm gì?

Đáp: Tôi nghĩ người trong cũng như ngoài nước cần phải làm nhiều hơn nữa. Tôi cũng thấy ngạc nhiên là tại sao TQ họ sử dụng xã hội dân sự và cổ võ rộng rãi quan điểm của xã hội dân sự để phê phán quan điểm của VN. Mỗi lần VN khiếu nại các vi phạm lãnh hải, thì họ nói đó là các phản ứng của dân chúng, trong khi đó khi người dân Việt mình muốn bày tỏ quan điểm, một cách ôn hoà thôi, thì dường như nhà nước nửa muốn nửa không. Có lẽ nhà nước lo một cái gì khác ngoài cái lo hiểm hoạ TQ chăng?

Đối với đồng bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới, tôi nghĩ rằng, đây là lúc chúng ta cần dịch các tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi trên Internet. Cũng có thể có những cuộc biểu tình trước các Sứ quán TQ tại hải ngoại để nói cho họ biết quan điểm của chúng ta và nhân dân chúng ta sẽ làm và phản ứng ra sao trước cái mưu đồ và kế hoạch xâm lược của TQ.

Khi chúng tôi đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề về Biển Đông, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và cản trở. Hôm nay người ta thấy cuộc hội thảo đó là hữu ích nhưng vẫn chưa đủ. Chính vì vậy chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm nữa về vấn đề chủ quyền VN trên Biển Đông.

Hỏi: Vào lúc nào, thưa Đức cha? Và để nhắm mục đích gì?

Đáp:  Có thể vào tháng Chín. Nhằm để đọc lại lịch sử của TQ. TQ đề cập đến Trường Sa và Hoàng Sa lúc nào? Cổ sử cũng như lịch sử hiện đại của TQ nói đến vấn đề này như thế nào? Nói một cách tóm tắt thì từ năm 1905 TQ mới bắt đầu nói đến (Biển Nam Hải) Trường Sa và Hoàng Sa. Trong khi đó, ngay từ thời Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn chúng ta có nhiều tài liệu lịch sử về các đảo này và cả những đội binh. Ngay cả thời thực dân Pháp họ cũng bảo vệ biển của chúng ta và coi VN có chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ của Taberd gọi Hoàng Sa là đảo Cát Vàng, một danh xưng thuần Nôm. Một thành viên trong CLB Nguyễn Văn Bình chúng tôi còn giữ rất nhiều tài liệu, bản đồ của VN, bản đồ các nhà truyền giáo và bản đồ quốc tế nói về chủ quyền của chúng ta trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Hỏi:  Về vấn đề đa phương, Đức cha có nghĩ rằng thực sự Hoa Kỳ dám dính vào vấn đề một cách sâu rộng không? Vì lợi ích của họ đối với TQ quá to lớn!

Trả lời:  Lịch sử cho chúng ta thấy HK cũng như tất cả các nước đều hành động theo các lợi ích riêng của họ. Những chuyện xảy ra thời Đệ Nhất Cộng Hoà, Đệ Nhị Cộng Hoà cũng như ở Hàn Quốc thời Lý Thừa Vãn, hay Massasay ở Phi luật Tân… đều cho thấy rõ. Tôi không lạc quan nghĩ rằng HK can thiệp một cách quảng đại vì lợi ích của người khác. Tôi vẫn dè đặt trước những đề nghị về sự can thiệp của Hoa Kỳ. Nhưng tôi thiết nghĩ trong cái thế liên hoàn, nếu TQ thực hiện chủ trương cái đường Lưỡi Bòhay còn gọi là đường Chín Khúc, và biến Biển Đông thành ao nhà của mình thì không những VN, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Indonesia, Thái Lan và các nước ở Đông Nam Á mà cả Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đại Hàn… cũng đều bị ảnh hưởng vì khi đi qua đó là như đi vào lãnh thổ của TQ. Riêng đối với VN, khi ra khỏi ngưỡng cửa của mình là đã như đi vào lãnh thổ của người khác và như vậy chuyện đánh cá, làm ăn cho các thế hệ tương lai sẽ khó khăn. Trong bối cảnh đó, cần có sự can thiệp của HK và các nước khác. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ dẫn tới một cuộc thế chiến mà cũng không mong như vậy. Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, nhưng chúng ta phải dùng tất cả sức mạnh chính trị, kinh tế cũng như ngoại giao để ngăn chặn cái ý đồ xâm lăng đó. Để được như vậy, việc động viên sức lực của các nước trong khu vực, đặc biệt là của các nước lớn, là điều cần thiết.

Hỏi:  Đức cha có điều gì để nói thêm?

Trả lời: Chúng tôi trong nước đã cố gắng làm và tiếp tục làm qua liên kết, hội thảo, xuống đường, nhưng chúng tôi có quá nhiều giới hạn để bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng qúi vị ở hải ngoại, quý vị có nhiều tự do và nhiều khả năng để nói lên tiếng nói của dân tộc. Ở đây không những chỉ là vấn đề Biển Đông, mà còn liên hệ đến các vấn đề khác như biên giới, rừng VN. Tại sao lại cho thuê rừng, nhất là khi những người thuê rừng đó lại là TQ. Rồi mỏ quặng nữa. Nhiều đoàn xe Trung Quốc cứ nườm nượp chở quặng của VN về TQ, thì tài sản quốc gia còn gì nữa!

Vì vậy đây là lúc mà chúng ta nên nhìn lại cái tương quan của mình với người láng giềng phương Bắc và nhìn lại những gì họ nói và những gì họ làm. Họ nói một đàng làm một nẻo. TQ cứ nói đến cái công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để coi như là VN đã nhường cái chủ quyền đó cho TQ vào cuối thập niên 1950 và cũng coi như nhà cầm quyền VN đã chấp nhận mấy đảo đó là của TQ. Thực ra, thì TQ, HK và các nước khác đều nhìn nhận hiệp định Geneva 1954 và với hiệp định nầy thì các đảo dưới vĩ tuyến 17 đều thuộc quyền chính phủ VNCH, chứ không phải là của Miền Bắc. Chính vì vậy mà quân đội VNCH đã anh dũng bảo vệ HS và TS cho đến gìờ phút cuối cùng vào năm 1974. Do đó công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đông nói ở trên không có giá trị pháp lý nào cả. Ngoài ra, yêu sách chủ quyền của TQ theo đường Lưỡi Bò hoàn toàn đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tôi tin rằng lúc nầy là một cơ hội tốt để xây dựng tình đoàn kết dân tộc. Ước mong rằng nhà nước sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Cũng ước mong rằng người dân Việt biết vận dụng sức mạnh quần chúng, ảnh hưởng ngoại giao và dư luận quốc tế trong thời toàn cầu hoá này như những vũ khí thích hợp hầu đưa dân tộc ra khỏi nguy cơ bị Bắc phương xâm lược.