23/01/2025

Từ “cõi chết trắng” trở về

Tình rót nước mời khách, còn Minh đang chơi đùa với con gái. Cháu gái bị sặc nước, Minh xắn tay áo lau mặt con, trên cánh tay sạm đen còn chi chít vết sẹo của những tháng ngày lầm lỡ…

Từ “cõi chết trắng” trở về

Họ là những người có ý chí mạnh mẽ, được sự quan tâm của gia đình và xã hội biết tự mình vượt qua “cái chết trắng” sống đẹp đời hoàn lương.

Được sự giới thiệu của nhiều người bạn làm công tác xã hội, chúng tôi tìm đến căn nhà nằm trong hẻm nhỏ thuộc khu phố 6, P.Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân, TP.HCM. Căn nhà ăm ắp tiếng cười đùa của cô thợ may xinh xắn Nguyễn Thị Tình (24 tuổi) và chồng Trần Văn Minh (28 tuổi). Khi tôi vào nhà, Tình rót nước mời khách, còn Minh đang chơi đùa với con gái. Cháu gái bị sặc nước, Minh xắn tay áo lau mặt con, trên cánh tay sạm đen còn chi chít vết sẹo của những tháng ngày lầm lỡ…

Tiếng khóc trong rừng cấm

Tiến sĩ TRƯƠNG VĂN VĨ – nghiên cứu xã hội học tội phạm, giảng viên Trường đại học KHXH&NV – cho biết người nghiện ma tuý là tội phạm, đồng thời cũng là nạn nhân (bệnh nhân) nên rất cần xã hội quan tâm giúp đỡ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra các phương thức điều trị phổ biến ở nhiều trung tâm cai nghiện đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, một người có khả năng tự cai nghiện ngoài ý chí mạnh mẽ họ còn phải có sự hỗ trợ từ gia đình và người thân. Khi họ làm chủ được mình và quên đi những cơn vật vã thì khả năng tái nghiện là rất thấp. Bởi lẽ, những người được cai trong trại dù là khoa học nhưng phần lớn bị cưỡng chế cai nên xuất phát điểm về ý chí của họ không bằng người quyết tâm tự cai nghiện. Số liệu đã chứng minh rất nhiều người sau cai nghiện ở trại bị tái nghiện vì môi trường sống của chúng ta chưa thật sự lành mạnh.

Cha mẹ mất sớm, các anh chị cũng lập gia đình, Minh bỏ học sớm. Năm 18 tuổi, Minh lên Sài Gòn làm công nhân kiếm sống rồi bị bạn bè lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Suốt hai năm bị nghiện, Minh như con thiêu thân lao vào những cuộc chơi thâu đêm.

“Không đánh nhau thì cũng tụ tập gây rối, cả người em bị ghẻ lở, sống vật vã triền miên nhưng gia đình không hay biết” – Minh kể. Đến một ngày, trong lúc đang chích heroin cùng nhóm bạn ở nhà trọ, Minh bị anh trai bắt quả tang. Nhìn đứa em ngây dại, anh trai Minh vừa đánh em vừa khóc.

Nhận được tin Minh sa ngã, người chị gái từ Đài Loan trở về để họp mặt gia đình, trước khi đi còn dặn: “Bao năm qua, cuộc sống có khó khăn, gia đình mình không ai dính vào con đường nghiện ngập, phạm pháp, bị sự coi khinh của người đời em à”. Minh xin lỗi gia đình, bảo mình sẽ tự biết đường ra. Minh nhớ lại: “Em nói cho anh chị vui lòng nhưng không chắc sẽ vượt qua vì cảm giác lôi kéo của thuốc khó cưỡng lắm”.

Minh nhờ người bạn thân dẫn về nhà ở Bình Phước cai nghiện. Ngôi nhà của bạn Minh có một khu vườn tận trong rừng cấm Tây Cát Tiên. Minh xin vào đó sửa lại một lán trại bỏ hoang để sống biệt lập. Ngày hai buổi, người bạn mang cơm vào cho Minh. Đêm đến, một mình Minh bơ vơ giữa rừng, những cơn co giật đau đớn tìm đến, Minh kêu la thảm thiết rồi lê lết mãi trong rừng cho đến khi mệt lả.

“Có những đêm thằng bạn ngủ lại, thấy cảnh tượng của em nó ôm chặt rồi lấy khăn lau khắp người. Nó rớt nước mắt động viên em cố gắng”. Ba tháng trôi qua giữa rừng, những cơn vật vã dần giảm lại và xa dần, Minh thấy người nhẹ hơn rất nhiều và muốn đi thêm đâu đó thật xa. Người bạn gửi Minh cho một người thân khác ở Huế. Những tháng ngày ở đây, Minh tập kìm nén cảm xúc ở chốn đông người.

“Có lúc em thèm thuốc lắm nhưng tập làm quen với cuộc sống trở lại, sau ba tháng ở Huế em tự tin sẽ bỏ hẳn và trở lại Đồng Nai học lấy bằng lái xe kiếm sống” – Minh nói.

Cai nghiện dưới dòng sông

Nghiện ma tuý nhiều năm, anh Phạm Văn Hùng (30 tuổi, ngụ P.25, Q.Bình Thạnh) cũng có quá khứ mờ mịt. Cách đây ba năm, chúng tôi quen Hùng trong một lần đi viết bài săn thú trong rừng cấm ở Bình Phước. Hùng cho chúng tôi ở nhờ và lo cơm nước hai ngày trong khu vườn cao su cạnh Đồng Xoài. Nhìn anh nhanh nhẹn, khỏe mạnh sống lạc quan bằng nghề đánh cá, ít ai biết được anh từng một thời là dân anh chị. Hùng tâm sự do cha mẹ ly dị sớm, từ nhỏ anh phải nghỉ học, lao vào cuộc sống ăn chơi rồi nghiện nặng.

Một lần anh bị công an bắt còng tay bên cửa sổ. Cha anh đến bảo lãnh con mà khóc tu tu như đứa trẻ. Bất chợt anh cảm thấy thương cha và người mẹ già bệnh nặng phải tảo tần kiếm sống. Anh bảo: “Tôi chợt nhận ra những người bạn đã bị tù tội và chết nhiều vì nhiễm HIV nên quyết tâm từ bỏ. Tôi nói là tôi làm được”. Sau khi tuyên bố với bản thân, anh gom quần áo về nhà người thân ở Đồng Xoài cho tháng ngày cắt cơn.

Ngày đầu ở với người thân, anh cày mặt xuống đường, sôi bọt mép phải nhờ mọi người xích tay chân lại. Cơn vật vã đầu tiên của anh làm người thân sợ anh không qua nổi nên tìm cách mua cho anh một liều giải cơn. Nhưng anh lại trấn an mọi người: “Con không chết đâu!”. Hôm sau, anh mượn một chiếc thuyền cạnh bờ sông Mã Đà để cắt cơn. Tại đây, mỗi khi lên cơn là anh đu dây nhảy xuống sông, đến khi đuối sức thì tự bò lên.

“Lúc đầu nhiều người sợ tôi chết ngạt nên đứng canh nhưng rồi quen dần, có khi họ thấy tôi phóng ào xuống nước mà cười”. Hơn một năm sống lênh đênh trên sông và khi cần lại cắt cơn dưới nước, anh quay trở về Sài Gòn cự tuyệt được ít ngày thì nghiện lại. Anh trở lại con sông Mã Đà và leo lên thuyền tiếp tục cai nghiện gần một năm sau đó. “Sau lần cai thứ hai, dù có mua sẵn hàng để trước mặt tôi cũng không còn thích thú nữa, tôi biết mình đã bỏ được”.

Sau khi bỏ hẳn được cơn nghiện và chí thú làm ăn, thấy nghị lực sống của Hùng một người bạn cảm mến và giới thiệu cho anh làm trạm thu phí ở Biên Hoà (Đồng Nai). Tại đây anh đã yêu một nữ sinh trung cấp và hai người cưới nhau năm 2007. Hiện vợ chồng Hùng và con trai 4 tuổi thuê nhà ở Biên Hoà và chuyển sang làm công nhân cho một công ty khác. Hôm chúng tôi đến, họ đang sắm sửa hai cần câu máy để chủ nhật hằng tuần đi câu cá thư giãn.

Hùng tâm sự sau khi cai nghiện thành công, anh vẫn e ngại trở lại xóm cũ vì sự âm thầm xa lánh của nhiều người. Lúc đó vợ con anh mới chính là liều thuốc tinh thần lớn nhất giúp anh sống yêu đời và có ích cho xã hội.

 

* Thiếu tướng VŨ HÙNG VƯƠNG (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát):

Hơn 100 cảnh sát bị lây nhiễm HIV trong phòng chống ma tuý

Hoạt động của tội phạm ma tuý ở nước ta những tháng đầu năm 2011 còn diễn biến phức tạp, nguồn ma tuý thẩm lậu vào nội địa tập trung trên các tuyến biên giới Tây Bắc, bắc miền Trung, Đông Bắc và Tây Nam.

Trên tuyến biên giới Việt – Lào, đối tượng ở ngoại biên tập kết ma tuý với số lượng lớn tại các điểm sát biên giới, sau đó móc nối với các đối tượng ở nội biên vận chuyển ma tuý vào Việt Nam tiêu thụ và một phần chuyển đi nước thứ ba.

Trên tuyến biên giới Việt – Trung, các đối tượng trong và ngoài nước cấu kết hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển heroin từ Việt Nam qua Trung Quốc và ma tuý tổng hợp từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đã phát hiện một số đối tượng gốc Phi lợi dụng địa bàn Campuchia để tổ chức sản xuất ma tuý tổng hợp và lôi kéo người Việt Nam sang để vận chuyển thuê về Việt Nam hoặc đi một số nước.

Ngoài ra heroin, cần sa từ Campuchia xâm nhập vào Việt Nam khá phức tạp, nổi lên là biên giới huyện Gò Dầu (Tây Ninh) về TP.HCM và các địa bàn khác.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng phòng chống ma tuý đã bắt giữ 4.700 vụ, gần 7.000 đối tượng phạm tội về ma tuý; thu giữ gần 88kg heroin, 4,6kg thuốc phiện, 84,6kg và 20 bánh cần sa khô, hơn 9kg và 65.000 viên ma tuý tổng hợp cùng nhiều tang vật khác.

Trong các loại tội phạm, tội phạm ma tuý thuộc loại manh động và liều lĩnh nhất. Khi bị bắt giữ, chúng thường chống trả rất quyết liệt bằng mọi hình thức, từ súng quân dụng đến dao găm, mã tấu, kiếm… hoặc dùng ôtô lao thẳng vào lực lượng tuần tra, kiểm soát. Có những đối tượng đã bị nhiễm HIV/AIDS, chúng dùng chính mũi kim tiêm dính máu để tấn công các lực lượng chức năng.

Trong mười năm qua đã có 17 cán bộ, chiến sĩ hi sinh; hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong đó hơn 100 người bị lây nhiễm HIV trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý.

THANH MINH ghi