23/12/2024

Những báu vật Hoàng Sa thất lạc

Đại diện hai dòng họ Võ và Nguyễn ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi kể lại rằng vào năm 1979 và 1994, “một số nhà nghiên cứu từ đất liền tới mượn tài liệu, gia phả của họ là những chứng tích quan trọng liên quan tới Hoàng Sa nhưng không trả”

 Những báu vật Hoàng Sa thất lạc

Đại diện hai dòng họ Võ và Nguyễn ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi kể lại rằng vào năm 1979 và 1994, “một số nhà nghiên cứu từ đất liền tới mượn tài liệu, gia phả của họ là những chứng tích quan trọng liên quan tới Hoàng Sa nhưng không trả”.

Trong căn nhà gỗ cũ kiểu xưa tại đảo Lý Sơn, ông Võ Văn Út kính cẩn thắp ba nén hương lên bàn thờ họ Võ rồi cúi xuống phía dưới ban thờ lấy ra một chiếc hòm gỗ. Chiều dài của chiếc hòm đặt vừa bề ngang của chiếc bàn. Ông Út cẩn thận lấy giẻ lau bề ngoài hòm gỗ rồi nói: “Phải dịp đặc biệt lắm thì chúng tôi mới mở chiếc hòm này ra để kiểm tra mối mọt. Chiếc hòm này bình thường chỉ được mở ra vào ngày giỗ họ. Hôm nay là phá lệ”.

Mượn rồi không trả

Chiếc hòm gỗ bên trong được bọc bằng lớp vải màu đỏ tía, trong ruột những tập giấy được xếp chồng lên nhau dày phân nửa hòm.

Ông Út rút ra một tập tài liệu, giấy sờn cũ ghi bằng chữ Hán Nôm, bảo với tôi rằng: “Các đời hùng binh Hoàng Sa họ Võ đều được ghi rõ trong này”. Những câu chuyện kể về các bậc tiền nhân họ Võ được ông Út làu làu kể lại. Trong câu chuyện của ông Út nói về việc đóng thuyền, tuyển mộ binh phu của tổ tiên dòng họ đi Hoàng Sa và những sắc phong triều đình cho những công trạng họ Võ.

Khi kể đến trang cuối cùng thì mặt ông đã biến sắc, ông Út buồn bã nói: “Tiếc rằng đây chỉ là những tờ giấy phô-tô còn lưu giữ lại được. Còn tài liệu chính có dấu đỏ sắc phong triều đình đã bị mất từ lâu. Vào năm 1979, có một tốp người lạ được giới thiệu là những nhà nghiên cứu từ đất liền đã vào mượn tài liệu gốc và từ đó không trả lại”.

Hai nhà nghiên cứu từ đất liền vào mượn tài liệu là ông Trần Xuân Cầu và ông Diệp Đình Hoa, thời điểm đó là cán bộ khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp HN (nay là ĐHQG Hà Nội). Ông Út nói mục đích của hai người là sưu tầm về Hải đội Hoàng Sa: “Họ có để lại giấy mượn và bảo đảm sẽ trả. Nhưng năm sau ông Cầu chỉ gửi lại bản phô-tô 14 tờ, trong đó mất đi một tờ số 3”.

 

Nhờ Công an tỉnh và Bộ Ngoại giao vào cuộc

Ông Võ Xuân Huyện, nguyên Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn cho biết khi nhận được thông tin từ các dòng họ đã báo cáo lên tỉnh nhờ giải quyết nhưng cho tới nay vẫn chưa có hồi âm. TS Nguyễn Đăng Vũ khẳng định đang xúc tiến việc tìm lại các gia phả, tài liệu của dòng họ ở Lý Sơn  bị mất. Ông Vũ nói việc xác minh tài liệu bị mất trước đây đã làm và nay sẽ xác minh lại. Sau khi xác minh cụ thể sẽ gửi công văn nhờ công an tỉnh và Bộ Ngoại giao vào cuộc.

 

“Từ đó tới nay, gia đình nhiều lần liên hệ để xin lại tài liệu nhưng chẳng thấy hồi âm. Gia đình cũng báo cáo sự việc lên huyện nhưng tới giờ vẫn chưa đòi lại được tài liệu”, ông Út kể.

Cũng trong năm 1979, dòng họ Đặng cũng bị người lạ giới thiệu là “đoàn nghiên cứu từ đất liền” tới mượn tài liệu nhưng dòng họ này giấu đi. Anh Đặng Tất Thành, hậu duệ đời thứ 29 của họ Đặng kể lại, sau lần tới tịch thu tài liệu bất thành thì cả họ họp lại bàn việc cất giữ tài liệu. Khi đó nhiệm vụ này được giao cho ông Đặng Tôn là cha anh Thành.

“Sau này tôi mới biết là cha tôi đã giấu tờ lệnh lên nóc nhà nên mới không bị mất”, anh Thành kể.

Tờ lệnh dòng họ Đặng có ghi “Minh Mạng, năm thứ 15, tháng 4, ngày 15”, “Võ Văn Hùng đã lựa chọn người dân thiện thuỷ ông Đặng Văn Siểm (là ông tổ đời thứ 15 dòng họ Đặng, Lý Sơn – PV) có thể kham việc làm đà công”. Năm 2009, tức 6 năm sau ông Đặng Tôn mất, gia tộc Đặng hiến tặng cho Bộ Ngoại giao làm bằng chứng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Vào năm 1994, ở Lý Sơn cũng có một dòng họ khác cũng bị mất tài liệu là họ Nguyễn. Theo anh Nguyễn Quang Bề, trưởng họ Nguyễn ở Lý Sơn thì người tới lấy tài liệu giới thiệu là cán bộ của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi tên là Nguyễn Trí Sơn. Ông Sơn có viết giấy mượn 25 tập tài liệu nhưng tới nay không trả. Năm 2002, có một đoàn công tác của ông Phan Long Phương tới mượn lại giấy mượn của ông Nguyễn Trí Sơn. Trong giấy mượn ông có ghi ông Phương là trung tá công an tỉnh Quảng Ngãi và có hẹn: “Sau khi hoàn thành xong công việc chúng tôi sẽ trả lại”. Nhưng ngay cả tờ giấy mượn đó, tới nay dòng họ Nguyễn vẫn chưa nhận lại được gì.

Tài liệu của dòng họ Nguyễn được xác nhận có nói tới nhân vật Nguyễn Quang Tám, là hùng binh của Hải đội Hoàng Sa thời Nguyễn.


Bản gia phả phô-tô của họ Võ chỉ được mở ra trong những dịp giỗ họ – Ảnh: T.C 

 

Tài liệu bị mất là minh chứng sớm nhất về cai đội Hoàng Sa

TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi xác nhận việc có thông tin các tài liệu quý liên quan tới Hoàng Sa bị mất ở Lý Sơn. Ông Vũ nói: “Theo tôi biết thì người trực tiếp nhận tài liệu đó là ông Trần Xuân Cầu và ông Diệp Đình Hoa. Hai ông dạy ĐH Tổng hợp Hà Nội, giờ ông Hoa vẫn còn sống, cỡ khoảng tám mươi tuổi”.

TS Vũ cho biết thêm: “Năm 2001, tại hội thảo Trùng tu tôn tạo di tích Trường Sa, Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn do UBND tỉnh, Ủy ban Biên giới quốc gia tổ chức thì cả ông Cầu và ông Hoa có về. Ông Hoa thì không nói gì, chỉ bảo chuyện đó hỏi ông Cầu. Ông Cầu thì trả lời là giao cho Bộ Công an, còn đại diện Bộ Công an nhận giấy là ai, giao thế nào thì ông không nói. Lúc đó trong hội thảo rất nhiều người đề nghị Bộ Công an, Ủy ban Biên giới quốc gia vào cuộc xem tài liệu lưu trữ ở đâu, như thế nào. Việc đó ngoài Hà Nội đi làm thế nào tôi không rõ lắm”.

Nhận xét những nhân vật được ghi rõ trong tài liệu bị mất, TS Vũ nói rằng “gia phả họ Võ rất hay”, có thời gian cụ thể. Tất cả các tài liệu bị mất đều nói rõ cử cai đội Hoàng Sa tuyển mộ binh phu, bán đất đai, sang nhượng đất đai để làm kinh phí cho những người đi Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Võ Văn Khiết năm 1786 được phong Hội nghĩa hầu làm cai đội Hoàng Sa. Con trai Võ Văn Khiết là Võ Văn Phú cũng nối nghiệp cha làm cai đội Hoàng Sa năm 1803.

Ông Vũ nhận xét: “Người làm cai đội Hoàng Sa sớm nhất được biết qua tài liệu là Võ Văn Khiết năm 1786. Thời đó ông Khiết làm cai đội Hoàng Sa kiêm quản thủ ngự cửa biển Sa Kỳ”.

Theo ông Vũ thì những tài liệu bị mất rất quan trọng. Nó chứng minh rằng: “Thời điểm đó, nhà Nguyễn và trước đó là nhà Tây Sơn đã có ý thức bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa nên đã tuyển mộ binh phu đi thành lập đội Hoàng Sa, Trường Sa. Những chi tiết này trùng khớp với các tài liệu được lưu trong chính sử. Có nghĩa là triều đình có cử những cai đội, binh phu đi Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Tây Sơn đến Gia Long rồi sau này là Minh Mạng. Nó khẳng định ý thức việc bảo vệ lãnh thổ chứ không phải chỉ là tìm hải vật, sản vật”.

TS Vũ cho rằng tất cả những sắc phong cho những nhân vật Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Nguyễn Quang Tám là những tài sản không chỉ của các dòng họ mà là tài sản quốc gia. Những sắc phong này đều có thời gian trước tờ lệnh dòng họ Đặng mới được phát hiện năm 2009 trên đảo Lý Sơn.