15/11/2024

Chứng mê đắm tin giật gân

Giới nghệ sĩ dường như đã mắc sai lầm nhiều hơn trước mắt công chúng, nhưng chính giới truyền thông cũng đã trở thành những con nghiện chuyện giật gân và mỗi lúc có vẻ nặng hơn

Truyền thông: những chuyện không tử tế:

Chứng mê đắm tin giật gân

Trên các bản tin điện tử, báo in, truyền hình… ngày càng có nhiều hơn những tin tức giật gân về giới nghệ sĩ.

Giới nghệ sĩ dường như đã mắc sai lầm nhiều hơn trước mắt công chúng, nhưng chính giới truyền thông cũng đã trở thành những con nghiện chuyện giật gân và mỗi lúc có vẻ nặng hơn, thể hiện qua hành động bất chấp chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp hoặc từ bỏ giá trị đẳng cấp truyền thông của mình.

Thảm hoạ của đại chúng

Nếu chiếu theo những gì đang tràn ngập trên báo chí Việt Nam hiện nay, dường như giới nghệ sĩ có vẻ đang không còn đóng góp gì cho nền nghệ thuật của đất nước, mà chỉ làm giàu thêm những câu chuyện phòng the, chuyện mua sắm và chỉ trích yêu ghét lẫn nhau… Riêng với mảng âm nhạc, ngoài những chuyện hội hè vô bổ còn có cả chuyện ăn cắp, khoe mẻ đời mình, vờ vĩnh “hé lộ”, tung hứng lẫn nhau một cách sống sượng và âm tính đáng sợ về nhân cách cũng như sự khiêm tốn.

Nghệ sĩ, dĩ nhiên, luôn là đối tượng được giới truyền thông quan tâm, mọi sự kiện liên quan đến họ đều trở thành chất liệu thu hút được công chúng. Đã có những nghệ sĩ được phát hiện và được nâng đỡ thành những tài năng lớn trên sân khấu, nhưng cũng có những người đã phải chịu đựng trong im lặng, cay đắng. Thậm chí đã có những cái chết xảy đến vì bút mực.

Lịch sử giới nghệ sĩ Việt dường như đã có quá đủ những bài học đau nhói, mà thủ phạm là chứng mê đắm với tin tức giật gân của giới truyền thông.

Giảm thiểu tác hại

Nhà báo có đạo đức luôn đối xử với nguồn tin, đối tượng được đưa tin và đồng nghiệp như những con người đáng được tôn trọng. Nhà báo phải:

– Thể hiện lòng cảm thông với những người có thể bị tác động bất lợi vì việc đưa tin. Đặc biệt nhạy cảm khi cư xử với trẻ em và những nguồn tin hay đối tượng chưa từng trải.

– Nhạy cảm khi tìm kiếm hay sử dụng các câu trả lời phỏng vấn hay ảnh chụp của những người gặp phải thảm kịch hay tai hoạ.

– Nhận thức rằng việc thu thập và tường thuật thông tin có thể gây tác hại hay phiền nhiễu […]

– […] Chỉ có nhu cầu quan trọng hơn hết của công chúng mới có thể biện minh cho việc xâm phạm đời tư của bất kỳ ai.

– Thể hiện khiếu thẩm mỹ tốt. Ngăn ngừa việc thoả mãn thói hiếu kỳ thấp hèn.

[…]Trích Quy chế đạo đứccủa Hội Nhà báo chuyên nghiệp (SPJ).

Nguồn: Con mắt biên tập,NXB Tổng Hợp TP.HCM

Nơi nào cũng vậy, ở Hàn Quốc tình trạng diễn viên, ca sĩ tự tử liên tục vì áp lực nhìn ngó của báo chí là đề tài làm xốn xang nhiều người. Từ ca sĩ Kim Min Soo cho đến diễn viên Lee Eon, Ahn Jae Hwan, Choi Jin Sil…, những cái chết đó cho thấy nghệ sĩ thật sự quá mong manh và áp lực tinh thần có thể tiêu diệt họ mỗi ngày. Ngay tại Hong Kong, áp lực báo chí về chuyện giới tính đã là một trong những nguyên nhân khiến Trương Quốc Vinh tự sát, làm những người yêu mến tài năng của anh phải nhỏ lệ thương tiếc.

Nhưng hôm nay bài học đó đang bị quên lãng và trên các trang báo điện tử, báo in… của Việt Nam lúc nào cũng rộ lên những bài, những loạt bài không ngần ngại chòi chọc vào những chỗ riêng tư nhất của nghệ sĩ để tạo sự hấp dẫn. Giới trẻ với những ngày đầu tập làm nghệ sĩ cũng không ngần ngại tự mình tạo nên những tin tức giật gân để nhìn thấy cái tên, cái ảnh của mình được treo lên đâu đó. Sự xấu hổ đã được thế chỗ bằng sự trơ trẽn, mà lại được hợp tác rất rõ của nhiều bài báo, ký sự để bức tranh của thế giới nghệ sĩ Việt mỗi lúc một đáng buồn nôn hơn.

Hãy nhìn thẳng vào sự thật, một khi nền truyền thông thiếu đi chuẩn mực của nó, tự biến mình thành loại lá cải bệnh hoạn và luôn tìm cách chọc ngòi bút của mình vào từng chiếc cúc áo, từng khe cửa nhà… thì đó mới thật sự là một thảm hoạ của đại chúng. Loại “thảm hoạ” âm nhạc hay con người mà báo chí gần đây hay hô hoán, thật ra cũng chỉ là nạn nhân của một loại thảm hoạ còn ghê gớm hơn: thiếu nhân cách và thừa mưu mẹo.

Rõ ràng cách hành xử của giới truyền thông mới thật sự là điều then chốt, quyết định mọi giá trị đẳng cấp văn hoá của mình đang sống. Đó là lý do vì sao ở phương Tây, với nền báo chí lâu đời và rõ ràng về đẳng cấp, người ta chia rõ đâu là truyền thông chính thống, đâu chỉ là bản tạp tin lá cải. Ranh giới đó, ở Việt Nam, dường như đang bị xoá nhoà của thời toan tính thương mại vô đạo đức?

Cái ác tiềm ẩn

Vào tháng 12-2002 khi tờ East Week của Hong Kong đưa tin giật gân, moi móc những hình ảnh của diễn viên Lưu Gia Linh khi còn trẻ bị xã hội đen bắt cóc và ép chụp ảnh nóng. Tờ báo đó đã tưởng rằng mình trở thành hàng đầu với số lượng ấn bản câu khách như vậy. Thực tế cho thấy đã có một sự phản ứng dữ dội từ mọi phía. Thành Long, Lương Triều Vỹ, Tăng Chí Vỹ, Mai Diễm Phương… đã thành lập một hiệp hội bảo vệ danh dự nghệ sĩ trước sự khả ố của báo chí, và tiến đến một cuộc tuần hành phản đối với hàng ngàn người tham dự. Đến giờ phút này, East Week vẫn chưa gột được vết nhơ của mình.

Gần nhất, tháng 7-2008, với sự kiện ca sĩ Janet Jackson bị bất ngờ lộ ngực trên kênh truyền hình CBS (Mỹ), cô bị những người thực hiện chương trình của CBS chỉ trích dữ dội, thậm chí kéo “nhây” cả một chuỗi tin tức bêu xấu, xôn xao cả làng thông tin giải trí thế giới. Nhưng cùng điều đó, người ta cũng nhìn thấy mỗi ngày, nhiều người tụ tập trước trụ sở Đài CBS phản đối chuyện rùm beng đó, với khẩu hiệu “Shame: you – not Janet” (tạm dịch: thật sỉ nhục – mà là các người đó, chứ không phải là Janet).

Điều tệ nhất mà chúng ta đang thấy là một số không nhỏ trong giới báo chí hiện nay không biết nói lời xin lỗi với những điều mình gây nên. Thậm chí vô khối các phóng viên, biên tập viên khi được giới thiệu là người của các tin tức xìcăngđan lại vẫn nở một nụ cười hãnh diện.

Ghê sợ hơn, sự kiêu ngạo và thói sỉ diện của một số trong giới truyền thông đã chôn giấu toàn bộ những sự thật khi nghệ sĩ lên tiếng đáp trả và đòi lại công bằng cho họ. Phải chăng nghệ sĩ là những người dễ bị ném đá nhưng vô hại vì không tìm thấy nơi chốn để thanh minh. Biết nói gì đây với những chuyện xìcăngđan nghệ sĩ ngày một nhiều hơn ở báo chí? Thói quen đó, sự dễ dãi và bao gồm cái ác tiềm ẩn khi cố khai thác những điều như vậy, đang tự mình trở thành những phiến đá lớn chồng chất ngày một đe doạ phủ lấp những giá trị của một nền truyền thông tử tế.

TUẤN KHANH

Sau hai bài viết “Thời của thông tin lộ hàng?” (Tuổi Trẻ Online ngày 22-6) và “Thảm hoạ soi mói” (Tuổi Trẻ ngày 24-6), cả trăm email của bạn đọc đã gửi về báo Tuổi Trẻ bày tỏ sự bức xúc với những thông tin soi mói, phản cảm trên truyền thông mạng. Tuổi Trẻ trích đăng:

* Tôi là một độc giả thường xuyên của báo mạng. Và phải cảm ơn tác giả bài viết đã đưa ra vấn đề mà chính bản thân tôi là một người đọc đã cảm thấy bức xúc từ lâu. Cá nhân tôi chẳng hứng thú gì khi đọc những bài báo vô nghĩa về các ngôi sao “lộ hàng” hay những tít giật gân tương tự. Nó chỉ cho thấy sự tầm thường của bài báo, tờ báo đó mà thôi. Mỗi lần đọc tôi lại băn khoăn không hiểu các em học sinh, nhất là học sinh đang tuổi dậy thì, nhận thức còn non nớt, đọc những bài báo, xem những hình ảnh này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến mức nào? Quả thật, nó chẳng có tính chất giáo dục nào về lối sống, về đạo đức, mà còn cho thấy một sự xuống cấp về đạo đức trên thông tin và truyền thông. Mong các nhà báo hãy nhận biết rõ vai trò của mình và cân nhắc mỗi khi chuẩn bị bài viết.

Thanh Thuỷ

* Hiện tượng câu khách của báo mạng trở nên hiển nhiên và có phần trơ trẽn. Đáng nói nhất là các báo mạng chính thống như Vietnamnet, hoặc Vnexpress… ngày càng trở nên “lá cải”. Đây là điều rất đáng báo động. Tôi ủng hộ Tuổi Trẻ nêu ra vấn đề nhưng cần đề xuất các giải pháp để khắc phục vấn nạn này.

Phan Quang

* Những ca sĩ, diễn viên, người mẫu là người của công chúng và họ cũng chính là “miếng mồi ngon” của một số phương tiện truyền thông khi liên tiếp “bị động” (đôi khi là cả “chủ động”) đưa lên mặt báo những thông tin đời tư với những cái tít làm người đọc tò mò. Hệ quả những thông tin đó không những không mang lại sự tốt đẹp cho xã hội mà nhiều khi còn tạo ra những trào lưu, những kiểu “ăn theo” đáng báo động và lên án như việc thi nhau đăng hình lên mạng theo kiểu “lộ hàng” để mong được nổi tiếng.

Trong thời đại thông tin, người ta đua nhau để có được nhiều thông tin càng tốt, dù có khi thông tin đó chưa được kiểm chứng và không mang lại điều gì tốt đẹp cho xã hội, nhưng điều đó sẽ khiến lượng độc giả quan tâm đến tờ báo của họ nhiều hơn chăng? Xét theo quan điểm chức năng, trong trường hợp này các phương tiện truyền thông đại chúng đã thực hiện một sự biến lệch chức năng. Cách đây 53 năm, Robert Merton gọi đó là “hiệu ứng gây mê”, chỉ hiện tượng mà các phương tiện truyền thông đại chúng đã cung cấp một khối lượng thông tin đồ sộ về một sự kiện khiến đối tượng tiếp nhận trở nên tê người và không đưa ra được cách ứng xử phù hợp nhất qua những thông tin đó.

Lê Anh Vũ

* Sự việc không còn dừng lại ở “soi mói” mà thật sự trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay với những bài báo chứa những nội dung “gợi dục”, “dung tục”, hướng đến “dâm ô”, “đồi trụy”, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Có thể gọi chung đó là các “bài báo bẩn”. Để xảy ra thảm hoạ này trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo các tờ báo, các trang mạng đã cho đăng những “bài báo bẩn” ấy. Và tiếp theo là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Thiết nghĩ Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh ngay tệ nạn này.

NLB