23/01/2025

Vụ nới lỏng chấm thi: Không chấm lại

Hơn 21g tối 23-6, Bộ GD-ĐT đã công bố không chấm lại bài thi của học sinh thi tốt nghiệp THPT ở 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long

 Vụ nới lỏng chấm thi: Không chấm lại

Hơn 21g tối 23-6, Bộ GD-ĐT đã công bố không chấm lại bài thi của học sinh thi tốt nghiệp THPT ở 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Lý do chính: nếu chấm lại, nhiều thí sinh sẽ không kịp dự thi đại học, cao đẳng.

Gương mặt khá căng thẳng của nhiều học sinh đang ngồi trong các lò luyện thi cấp tốc tại Cần Thơ, trong lúc chờ “phán quyết” cuối cùng của Bộ GD-ĐT về việc chấm lại hay không chấm lại môn văn – Ảnh: THANH XUÂN

Hơn 21g tối 23-6, sau cuộc họp với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án xử lý việc 11 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long “bắt tay” nới lỏng chấm thi tốt nghiệp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) cho biết:

– Kết quả sơ bộ cho thấy có biểu hiện rõ việc vi phạm quy chế thi của 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long khi triển khai việc tổ chức họp để điều chỉnh đáp án, hướng dẫn chấm thi của Bộ

GD-ĐT. Trước đó, Bộ GD-ĐT có công văn cho phép các tỉnh thành họp và nói rõ nội dung họp để quán triệt hướng dẫn, đáp án chấm thi của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT khẳng định hướng dẫn chấm thi và đáp án chỉ có một, được thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương nếu có thắc mắc thì trao đổi lại với bộ chứ không được tự ý sửa chữa đáp án. So sánh giữa các biên bản thống nhất chấm thi của 11 sở

GD-ĐT với hướng dẫn chấm thi của bộ có thể khẳng định các sở GD-ĐT đã tự ý giảm nhẹ yêu cầu trong khi chấm thi bốn môn tự luận.

Đã thấy rõ sai phạm

* Mức độ sai lệch so với đáp án của các biên bản thống nhất của các tỉnh thành như thế nào? Sau khi kết luận có sai phạm, bộ có hướng giải quyết ra sao?

– Mức độ sai phạm trong việc sửa đáp án ở từng môn thi có khác nhau. Đây mới chỉ là nhận định ban đầu. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với ban chỉ đạo thi của 11 tỉnh thành trên để làm rõ việc sai lệch đáp án ở từng môn như thế nào. Mức độ vi phạm quy chế thi của các cá nhân, đơn vị để có kiến nghị xử lý kỷ luật. Việc này sẽ được tiến hành theo đúng quy trình, trên tinh thần xử lý nghiêm khắc. Bộ GD-ĐT xác định trong việc này thí sinh không có lỗi nên đã chấp nhận kết quả thi mà các tỉnh thành đã duyệt sơ bộ.

* Bộ GD-ĐT xác nhận có sự chấm thi thiếu chính xác, vậy tại sao không chấm thẩm định hoặc chấm lại bài thi của thí sinh 11 tỉnh thành trên? Phải chăng Bộ GD-ĐT công nhận một tỉ lệ tốt nghiệp thiếu thực chất?

– Mục đích của chấm thẩm định là để xác nhận việc chấm thi có chính xác không, nhưng chỉ cần nhìn vào biên bản thống nhất chấm thi của các tỉnh thành trên đã thấy rõ có sai phạm. Như vậy không cần thiết phải chấm thẩm định. Còn việc chấm lại bài thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT cân nhắc và quyết định không thực hiện việc này vì sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Nếu chấm lại, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ hạ xuống nhưng không nhiều. Trong khi việc xử lý cần phải nhìn ở khía cạnh trách nhiệm đối với thí sinh, những người không có lỗi. Việc chấm lại có thể sẽ khiến nhiều thí sinh bị chậm xét tốt nghiệp THPT và không kịp tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Có bất thường sẽ chấm thẩm định

* Năm nay tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiếp tục tăng, đặc biệt là tăng mạnh ở hệ bổ túc, giáo dục thường xuyên, trong khi việc tổ chức thi ở nơi này nơi khác còn có những biểu hiện tiêu cực, điều này khiến dư luận lo ngại về một kết quả được cố ý “làm đẹp”?

Tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc 95,72%

Theo Bộ GD-ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011 hệ THPT là 95,72% (năm 2010 là 92,57%), hệ giáo dục thường xuyên là 85,35% (năm 2010 là 66,71%). Trong đó tỉ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi hệ THPT là 13,83% (năm 2010 là 10,2%), hệ giáo dục thường xuyên là 3,56%.

– Tiêu cực thi cử vẫn còn, kết quả tốt nghiệp có một số nơi không bình thường, nhưng không phải nhiều. Chúng ta nên chọn cách vớt con sâu ra khỏi nồi canh, thay vì đổ cả một nồi canh đi. Trong khi những tiêu cực dễ bị mang ra phê phán thì những nỗ lực của cả ngành giáo dục, của thầy cô giáo, của học trò lại ít được nhắc đến.

Năm học trước, khi Bộ GD- ĐT chỉ đạo “nâng đầu dưới” tỉ lệ tốt nghiệp THPT, đi kèm là giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, học sinh yếu, kém, nhiều địa phương đã rất nỗ lực trong việc phân loại trình độ học sinh, tổ chức phụ đạo bồi dưỡng theo môn, theo chủ đề, theo đối tượng… Kết quả tỉ lệ tốt nghiệp năm trước tăng, nhưng tăng ở tỉ lệ tốt nghiệp loại trung bình là chủ yếu.

Năm học này Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo “nâng đầu trên”, có nghĩa chú trọng bồi dưỡng học sinh khá giỏi thì tỉ lệ tốt nghiệp loại giỏi nâng từ 10,2% (năm 2010) lên

13,83%. Từ đầu năm học, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo đổi mới ra đề thi theo hướng 50% điểm số dành cho yêu cầu thông hiểu và vận dụng kiến thức, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và kỳ thi vừa qua dư luận đã đánh giá cao đề thi các môn. Như vậy kết quả đạt được cũng phản ánh nỗ lực của ngành giáo dục. Tôi mong dư luận xã hội nghiêm khắc với tiêu cực nhưng cũng phải nhìn nhận đúng những nỗ lực mà ngành giáo dục đã làm.

Học sinh các tỉnh miền Tây luyện thi cấp tốc tại một trung tâm luyện thi ĐH ở Cần Thơ – Ảnh: Thanh Xuân 

* Như thứ trưởng nhận xét, ở nơi này nơi kia vẫn có hiện tượng bất thường. Vậy việc có tỉnh đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100% ở hệ giáo dục thường xuyên, cao hơn tỉ lệ tốt nghiệp THPT, có tỉnh tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên tăng đến trên 60% có thể gọi là bất thường không?

– Không thể chỉ nhìn vào tỉ lệ tốt nghiệp tăng mạnh mà cho rằng ở đó có sự bất ổn. Nếu việc tăng tỉ lệ đó được giải thích bằng những nỗ lực cụ thể, bằng sự chuyển biến rõ rệt ở chất lượng dạy học, điều kiện dạy học thì việc tăng đó là bình thường. Còn nếu tăng nhưng thực trạng giáo dục vẫn trì trệ, không có chuyển biến thì mới là bất thường. Cách đánh giá về kết quả thi cũng cần xem xét ở nhiều phương diện. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm nay là 95,72%, cao hơn năm 2010, nhưng số bài đạt điểm 5 trở lên chỉ đạt 81% ở hệ THPT và 66,5% ở hệ giáo dục thường xuyên, như vậy là hết sức bình thường. Tỉ lệ tốt nghiệp cao, nhất là ở hệ giáo dục thường xuyên, còn do thí sinh được cộng điểm ưu tiên, do thí sinh được bảo lưu điểm từ năm trước. Vì thế không nên chỉ mới nhìn vào tỉ lệ tốt nghiệp chung để nghĩ ngay là nó bất thường.

Với những nơi mà Bộ GD-ĐT nhận định có bất ổn, chắc chắn sẽ tiến hành chấm thẩm định. Năm nay cũng có một số nơi Bộ GD-ĐT có thể sẽ tiến hành chấm thẩm định.

* Những nghi ngại về kết quả thi tốt nghiệp khiến dư luận cho rằng phong trào “hai không” của Bộ GD-ĐT đã phá sản?

– Cá nhân tôi khẳng định “hai không” không bị phá sản. Sau năm năm, kỷ cương thi cử tốt lên rất nhiều, từ việc thắt chặt kỷ cương thi cử, chất lượng giáo dục cũng có chuyển biến, tỉ lệ học sinh yếu kém giảm đi. Bộ GD-ĐT sẽ có tổng kết việc thực hiện “hai không” trong thời gian tới để tiếp tục làm tốt hơn.

Bên cạnh đó chắc chắn sẽ có những điều chỉnh về việc tổ chức thi cử. Tuy nhiên có thay đổi thế nào thì vẫn phải có kỳ đánh giá mang tính quốc gia. Những điều chỉnh chỉ nhằm để kỳ thi quốc gia được làm tốt hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng nên thực hiện phân cấp cho địa phương trong việc tổ chức thi cử. Nhưng muốn làm điều này phải tính đến khả năng địa phương có làm được hay không, tính đến khả năng cơ quan quản lý nhà nước có kiểm tra, giám sát được không.

 

Học sinh, phụ huynh thở phào

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án xử lý vụ việc, chúng tôi đã thông báo phương án đến với một số học sinh, phụ huynh. Đón nhận thông tin này vào khuya hôm qua, bạn Nguyễn Thế Hưng (ở Đồng Tháp) nói như reo: “Mấy bữa nay lo quá, bây giờ có thể yên tâm để tập trung ôn thi đại học rồi.”

Anh Trần Thanh Long, một phụ huynh tại Kiên Giang, cho rằng: “Xử như vậy là phải. Ai làm sai người đó chịu. Con tôi đâu có tội tình gì trong chuyện này. Cháu nó chỉ biết tập trung học rồi đi thi, chấm như thế nào là chuyện của thầy cô. Mấy hôm nay nghe phong thanh sẽ chấm lại bài thi, tôi sợ làm ảnh hưởng tâm lý học thi đại học của con. Bây giờ biết chắc không có gì thay đổi, tôi như trút được gánh nặng trên vai”.

(Nhóm PV)