23/01/2025

Nam bộ trên mặt báo xưa

Trong 45 năm tồn tại Gia Định báo không chỉ thu hút được những tài năng đương thời như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… mà còn đi đầu trong việc phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng

Nam bộ trên mặt báo xưa

“Gia Định báo là ấn bản bản xứ của tờ công báo” cho thấy nội dung chính của Gia Định báo là “thông tin nhà nước” là chính. Phần công vụ là phần quan trọng nhất và luôn chiếm từ 3/4 đến 4/5 mặt trang. Phần lớn là các lệnh, nghị định, thông báo… liên quan hoặc không hề liên quan tới dân chúng.

Những năm đầu, phần công vụ không nhiều và tỉ lệ các bài báo gắn với đời sống nhiều hơn. Càng về sau, ít nhất từ năm 1881, tỉ lệ công vụ áp đảo từ 70-90% mặt trang. Phần tạp vụ nhỏ nhưng chứa đựng nhiều “thông tin báo chí” nhất của Gia Định báo.

Chuyện mới, chuyện lạ… Sài thành

Có nhà nghiên cứu cho rằng “từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm giám đốc, nội dung của Gia Định báo phong phú, sinh động hẳn lên” (Lịch sử báo chí Sài Gòn – TP.HCM 1865-1995, Nguyễn Công Khanh, trang 17 NXB Tổng Hợp TP.HCM 2006). Sự phong phú này có được do “Gia Định báo tổ chức mạng lưới cộng tác viên, thông tin viên ở các tỉnh để thu nhận tin tức mới, chuyện lạ để đăng báo”.

Và ngay trên báo số 11 ngày 8-4-1870, chánh tổng tài Trương Vĩnh Ký đã có lời rao như sau “Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập… đặng hay: Nay việc làm Gia Định báo tại Saigon, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở như: Ăn cướp ăn trộm. Bệnh hoạn tai nạn. Sự rủi ro, hùm tha sấu bắt. Cháy chợ, cháy nhà: mùa màng thế nào. Tại sở nghề nào thạnh hơn… Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ đem vô nhựt trình cho người ta biết. Viết rồi thì phải đề mà gửi cho Gia Định báo chánh tổng tài ở Chợ Quán”.

Thật ra điều này không có gì mới! Ngay từ những số đầu tiên, Gia Định báo đã làm những chuyện như vậy. “Từ rầy về sau ai có muốn đặt chuyện gì vào nhựt trình, thì phải gửi ngày mồng 7 tháng tây, bỡi (bởi) một mình tôi thì không có lẽ mà làm kịp trong 5 ngày, mà có gửi thì phải gửi công vụ trước hết. Paulus Tôi, compositeur de l’Imprimerie” (số 4 tháng 7-1865).

Ngay trong số báo này có đăng bài viết của Paulus Tôi: “Ngày 1-6 Annam cũng là ngày 26 tháng tây, nơi phủ Bình Long có bắt đặng một con cọp lớn lắm, khi đi săn có các quan Phalangsa ở Thuận Kiều cùng đồn Tây Thới đi với quan phủ…”. “Quan lớn đang lo đút tiền thưởng công lớn hơn đồng bạc có nhứt hạng, nhì hạng, tam hạng để trả thưởng những ai làm ruộng giỏi, làm nghề nghiệp hay, nuôi trâu bò đặng béo tốt. Cả thảy ai làm nghề chi hay thì cũng đặng thưởng. Paulus Của” (số 4 tháng 7-1865). “Tháng trước mưa khá, ai nấy lo làm mùa màng gieo giống bắt mạ tở mở, té ra qua tháng nầy phần thì gió phần thì nắng, nhiều nơi ruộng khô mạ héo, lại trâu mắc toi chết cũng nhiều, hoá ra ruộng nương làm không đặng bao nhiêu, sợ có khi năm mất mùa, thiên hạ đói khát như năm trước, nghe phía Tây Ninh dân sự đói khổ lắm, có kẻ ăn những bắp hột trái cây mà chịu, ấy xưa nay chưa từng nghe những đều (điều) khốn nạn làm vậy…” Paulus Của (số 5 tháng 8-1865).

“Có người bà con ở trên Mọi đã lâu năm về có tới thăm có nói chuyện lại về thói phép phong tục trên ấy… Đất thì là của chung ai muốn mở đâu mà cất nhà lập vườn trồng trạc thì mặc ý không có tranh dành (giành) nhau, đây ta nói sơ qua vậy một chút cho biết, đến sau ta sẽ nói chuyện cho dài hơn vì cũng là đều (điều) nên biết. Trương Vĩnh Ký” (số 6 tháng 9-1865). “Ngày 18 tháng nầy, sáng ngày thấy các quan thuỷ đi tam bản có máy lửa và kéo dạng một chiếc ghe khác theo trong rạch Ngưu Tấn vô Chợ Lớn. Ít nữa bên Phalangsa sẽ gửi qua nhiều chiếc khác để đi các sông rạch nhỏ mà hết trộm cướp nó không còn dấu (giấu) ẩn được, giá một chiếc tam bản không có bao nhiêu tiền mà người nhà buôn jễ (dễ) mua mà chở hàng hoá cho chắc và jắt (dắt) chiếc ghe từ Mĩ Tho, từ Vĩnh Luông đến đây” (số 4 ngày 15-7-1865).

Những phần trích này cho biết ngay từ đầu, phần tạp vụ của Gia Định báo đã phong phú lắm chứ không chờ tới khi ông Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài. “3-Việc dùng chữ quốc ngữ để mà làm sổ hoạ đồ ruộng đất cùng các việc khác trong làng, thì là rất dễ cho các viên quan, song những làng chưa biết chữ ấy cho đủ, thì cũng còn khó, bỡi (bởi) vì các làng thường phải thâu tiền dân mà trả tiền cho biện lại; các làng trong một tổng phải chung nhau mà chịu 600 francs, để mà lập trường cùng cấp cho thầy dạy. Chúng tôi xin phải buộc thầy dạy ấy biên lấy sổ sách cho các làng không biết chữ quốc ngữ. Ký tên Cao Văn Sanh, Nguyễn Thanh Trưng, Đổ Kiểng Phước, thuộc viên Hội đồng quản hạt. Thông ngôn Huc F” (công vụ ngày 22-3-1882).

Phổ biến tri thức

Những năm về sau, nhất là từ năm 1881 trở đi, phần tạp vụ với nhiều tin tức thú vị bị teo tóp dần. Dù có xuất hiện những bài thơ kiểu thơ “khuyên đừng cờ bạc” của Võ Thành Đức “Vì thương nên phải thầm lo. Hơn thua mọi lẻ (lẽ) dặn dò các nơi. Nôm na mượn bút vẽ lời. Gọi là chút đỉnh với đời phải chăng!” (19-10-1897), hay trích Đại Nam quấc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (7-12-1897) thì tạp vụ vẫn không còn nhiều đất dành cho thông tin đời sống.

Trong 45 năm tồn tại Gia Định báo không chỉ thu hút được những tài năng đương thời như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… mà còn đi đầu trong việc phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng. Với sự tham gia đông đảo của những người “rành chữ quốc ngữ”, tờ báo đã phổ biến nhiều tri thức mới cho người đọc, dù có thể rất giới hạn trong số những người biết chữ quốc ngữ, như khoa học, truyện, tiểu thuyết của phương Tây, khoa học, thơ phú của người Việt, Trung Quốc (dịch từ chữ nôm hay chữ Hán ra quốc ngữ), biết thêm thông tin đó đây, trong và ngoài nước.

Về mặt thông tin mà nói, với người đương thời, những thông tin trên báo chỉ “có ích” với chính quyền. Tất cả những gì in trên báo đều buộc phải “thông qua” nha nội vụ nên người đọc báo chỉ biết những gì mà chính quyền muốn họ biết. Do đó, trên mặt báo ngoài những thông báo, nghị định (cũng bị cắt gọt theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền), nhiều nghị định, quyết định đã không được in báo vì tính chất “thực dân” hiện rõ trong những văn bản ấy. Phần thông tin còn lại là những tin mà ngày nay gọi là tin “xe cán chó”. Đó là những tin bắt bớ, xử án, trộm cắp, mua bán đất công, giá cả ở chợ…

Mãi đến những năm 1881, báo mới đăng một phần biên bản thảo luận trong các cuộc họp của Hội đồng quản hạt. Còn đời sống đương thời, các cuộc nổi dậy chống Pháp của nhân dân Nam kỳ, những hoạt động của chính quyền, tổ chức chính trị… đều không được báo đề cập đến. Có thể vì vậy mà ông Tho, thành viên Hội đồng quản hạt, đã nhận định về Gia Định báo “Tờ báo chẳng cho người Annam biết gì cả, ngoại trừ tên một số thuốc nhãm (nhảm) chữa nhiều bịnh” (Lục châu học – Nguyễn Văn Trung). Ngày nay, những văn bản nghị định trên báo chính là những tài liệu quý và những tin vặt ngày xưa chừng mực nào đó cũng cho chúng ta biết được sinh hoạt của người xưa…