31/10/2024

Cùng tiến bước theo Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng, là Kitô hữu, có nghĩa là quy tụ về từ khắp nơi, để hiện diện trước tôn nhan một Chúa duy nhất, và trở nên một với Người và trong Người

 Cùng tiến bước theo Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống

 

Thánh lễ và Kiệu Thánh Thể tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả

Bài giảng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Tại Tiền đường Thánh Gioan Latran

Thứ năm, 22/5/2008

 

Anh chị em thân mến!

 

Sau thời gian quan trọng nhất của năm phụng vụ đặt trọng tâm vào ngày Lễ Phục Sinh, và được diễn ra trong suốt thời gian ba tháng – đầu tiên là 40 ngày Chay tịnh, và sau đó là 50 ngày trong Mùa Phục Sinh -, phụng vụ mời gọi chúng ta cử hành ba ngay lễ có một đặc tính “tổng hợp” hơn, đó là Lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, rồi tới Lễ Corpus Domini, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, và cuối cùng là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đâu là ý nghĩa thật sự của ngày Lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay? Chính việc chúng ta cử hành nói lên ý nghĩa này, qua diễn tiến của những cử chỉ cơ bản: trước tiên, chúng ta quy tụ chung quanh bàn thờ Chúa, để cùng nhau hiện diện trước tôn nhan Người; thứ đến, chúng ta rước kiệu, nghĩa là cùng tiến bước với Chúa; và cuối cùng, chúng ta quỳ gối trước mặt Chúa, thờ lạy Người, việc thờ lạy này sẽ bắt đầu khi chúng ta cử hành Thánh lễ, và tiếp diễn trong suốt cuộc rước kiệu, nhưng sẽ đạt tới cao điểm vào lúc ban phép lành Mình Thánh Chúa, khi chúng ta gối quỳ sụp lạy Đấng đã tự hạ nhận lấy thân phận phàm nhân chúng ta, và phó ban mạng sống mình vì ta. Chúng ta sẽ dừng lại suy nghĩ về ba thái độ kể trên, để  chúng thực sự trở nên những cách biểu lộ đức tin và cuộc sống của chúng ta.

 

Như thế, hành động đầu tiên là quy tụ trước tôn nhan Chúa. Đó là điều mà ngày xưa chúng ta vẫn thường gọi là “statio“. Chúng ta hãy thử tưởng trong giây lát  khắp thành phố Rôma, chỉ có một bàn thờ này, và mọi Kitô hữu trong thành phố này đều được mời gọi quy tụ về nơi đây để cử hành biến cố Đấng Cứu Thế tử nạn và phục sinh. Điều này giúp chúng ta có được một ý tưởng về cuộc cử hành Thánh Thể vào thời Giáo Hội sơ khai, ở Rôma, cũng như ở nhiều thành phố khác đã được nghe rao giảng Tin Mừng: trong mỗi Giáo Hội riêng biệt này, chỉ có một Giám mục, và chung quanh người, chung quanh Bí tích Thánh Thể mà người cử hành, một cộng đoàn duy nhất đã được cấu tạo nên, bởi vì chỉ có một Chén chúc tụng, và một tấm bánh được bẻ ra, như chúng ta đã nghe Thánh Tông đồ Phaolô diễn tả trong Bài đọc hai (x. 1Cr 10,16-17). Chúng ta lại nhớ đến một câu nói thật nổi tiếng khác của Thánh Phaolô: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay người tự do, không còn đàn ông hay đàn bà nữa, bởi vì tất cả anh em là một trong Đức Kitô Giêsu“ (Gl 3,28). “Tất cả anh em là một “! Qua những lời nói này, ta cảm nhận ra được chân lý và sức mạnh của cuộc cách mạng Kitô giáo, cuộc cách mạng sâu xa nhất của lịch sử con người, cuộc cách mạng mà ta chỉ cảm nghiệm được chung quanh Bí tích Thánh Thể: nơi đây, mọi người khác biệt nhau về mặt tuổi tác, phái tính, địa vị xã hội, ý tưởng chính trị, đều quy tụ về trước tôn nhan Chúa. Thánh Thể không bao giờ có thể là một sự kiện riêng tư, được dành riêng cho một số người, được chọn lựa do các mối dây thân thích bà con hay bạn hữu. Bí tích Thánh Thể là một cuộc phụng tự công cộng, chẳng có gì là bí truyền, là chuyên biệt cả. Ngay cả ở đây, vào ngày hôm nay, chúng ta cũng đã không chọn lựa những người chúng ta gặp gỡ, chúng ta đã đến đây, và chúng ta đã ở bên cạnh nhau, chúng ta được quy tụ lại nhờ đức tin, và chúng ta được kêu gọi làm nên một thân thể duy nhất, khi chia sẻ cùng một tấm bánh là Đức Kitô. Chúng ta được kết hợp với nhau, vượt lên trên những khác biệt về quốc tịch, về nghề nghiệp, về địa vị xã hội, về tư tưởng chính trị: chúng ta mở rộng lòng ra với nhau để trở nên một, khởi đi từ chính Chúa Kitô. Và điều này, ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, đã là một đặc tính của Kitô giáo, được thể hiện một cách hữu hình chung quanh Bí tích Thánh Thể, và chúng ta phải luôn chú tâm đừng để cho những cám dỗ muốn quay về chủ nghĩa cá thể, ngay cả khi đó là thành tâm thiện chí, trong thực tế, lại đi theo hướng ngược lại. Như thế, Lễ Corpus Domini, – lễ Mình và Máu Thánh Chúa – tiên vàn nhắc chúng ta nhớ rằng, là Kitô hữu, có nghĩa là quy tụ về từ khắp nơi, để hiện diện trước tôn nhan một Chúa duy nhất, và trở nên một với Người và trong Người.

 

Đặc tính cấu tạo thứ hai, đó là tiến bước với Chúa. Đây là thực thể được biểu lộ qua cuộc rước kiệu, mà chúng ta sẽ cùng nhau sống giây phút hân hoan của đoàn rước sau Thánh lễ, được xem như một sự nối dài tự nhiên của Thánh lễ, khi chúng ta tiến bước sau Đấng là đường, là chính lộ. Nhờ cuộc hiến tế chính thân mình trong  Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi những cơn bệnh “bất toại“, nâng chúng ta lên, và làm cho chúng ta “tiến bước“, như thế là giúp chúng ta bước một bước đầu tiên về phía trước, rồi một bước nữa, và như thế, chúng ta cất bước lên đường, với sức mạnh của Bánh ban sự sống này. Điều này cũng đã xảy ra cho Tiên tri Êli, là người đã ẩn mình trong hoang địa vì sợ quân thù, và đã quyết định chấp nhận cái chết (x. 1V 19,1-4). Nhưng Đức Chúa đã đánh thức ông dậy, và đã cho đặt bên cạnh ông một chiếc bánh vừa mới được nướng. Người nói với ông: “Hãy chỗi dậy mà ăn, nếu không thì đường còn quá dài cho con“ (1V 19,5-7). Cuộc rước kiệu Corpus Domini, dạy  chúng ta biết rằng Bí tích Thánh Thể muốn giải thoát chúng ta khỏi mọi nãn lòng bỏ cuộc, khỏi mọi khó khăn, Bí tích Thánh Thể muốn nâng chúng ta lên, để chúng ta lại có thể cất bước lên đường, với sức mạnh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Đây cũng là kinh nghiệm của dân Do Thái trong cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, một cuộc viễn du dài đăng đẳng vượt qua sa mạc, mà Bài đọc một đã nói đến. Một kinh nghiệm đã thiết lập lên đất nước Israel, nhưng vẫn là một mẫu gương cho toàn thể nhân loại. Vì chưng, câu nói  “con người sống không nguyên bởi bánh (…) mà còn bởi mọi lời do miệng Giavê phán ra” (Đnl 8,3) là một câu khẳng định phổ quát liên quan đến hết thảy mọi người, với tư cách là con người. Mỗi người có thể tìm ra con đường cho chính mình, nếu họ gặp được Đấng là Lời và Bánh hằng sống, và để cho sự hiện diện đầy tình thân ái của Người hướng dẫn. Nếu không có Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, vị Thiên Chúa thật gần gũi, thì làm sao chúng ta có thể thực hiện được cuộc hành trình trong cuộc đời chúng ta, xét về mặt cá nhân, cũng như trong xã hội và gia đình các dân tộc? Bí tích Thánh Thể là Bí tích của Thiên Chúa, Đấng không muốn để chúng ta một mình trên bước đường chúng ta đi, nhưng Người luôn ở bên cạnh chúng ta, và chỉ cho chúng ta thấy hướng mà đi. Vì chưng, bước về phía trước mặt mình thì chưa đủ, mà ta còn phải nhìn xem mình đang  đi đâu! “Tiến bộ“ vẫn chưa đủ, nếu ta không có được những tiêu chuẩn để mà quy chiếu. Và khi chúng ta chạy vượt ra ngoài con đường chúng ta phải đi, thì chúng ta sẽ có nguy cơ rơi xuống một vực thẳm, hay ít nhất là mình càng rời xa  đích điểm. Thiên Chúa dựng nên chúng ta có tự do, nhưng Người không bỏ rơi chúng ta một mình: Người đã trở nên “đường” đi, và đã đến cùng đi với chúng ta, để cho sự tự do của chúng ta cũng có tiêu chuẩn để biện phân được đâu là con đường thật để mà tiến bước.

 

Suy tư đến đây, chúng ta không thể không nghĩ đến phần đầu của “Thập điều”, là mười giới răn, chúng ta có thể đọc thấy: “Ta là Giavê, Đức Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất nước Aicập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi sẽ không có chúa nào khác trước mặt Ta” (Xh 20,2-3). Ở đây, ta thấy được yếu tộ cấu tạo thứ ba của ngày lễ Corpus Domini: quỳ gối thờ lạy Chúa. Thờ lạy Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên tấm bánh được bẻ ra vì tình yêu, là liều thuốc công hiệu nhất và cơ bản nhất, để chữa mọi cơn bệnh thờ ngẫu tượng của ngày hôm qua và ngày hôm nay. Quỳ gối trước Bí tích Thánh Thể là một lời tuyên tín tự do: ai cúi đầu trước mặt Đức Giêsu, thì không thể, và không nên phủ phục trước bất cứ một quyền bính trần gian nào, cho dầu nó có mạnh thế đến đâu. Chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta chỉ phủ phục trước mặt Thiên Chúa, trước Bí tích Thánh Thể Cực Thánh, bởi vì, trong Bí tích này, chúng ta biết, và tin rằng Thiên Chúa duy nhất và đích thật đang hiện diện, Người là Đấng đã dựng nên thế giới, và đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình (x. Ga 3,16). Chúng ta phủ phục trước một vị Thiên Chúa là Đấng đã cúi xuống trước tiên trên con người, giống như một người Xamari Nhân Hậu, để cứu giúp và hồi sinh con người, và Người đã quỳ xuống trước mặt chúng ta để rửa cho chúng ta những bàn chân dơ bẩn. Thờ lạy Mình Thánh Chúa Kitô, có nghĩa là tin Đức Kitô đang hiện diện thực sự trong mẫu bánh này, Người là Đấng đã mang lại cho cuộc đời, cho vũ trụ bao la, cũng như cho tạo vật bé nhỏ nhất, cho toàn bộ lịch sử của con người, cũng như cho cuộc hiện sinh ngắn ngủi nhất,  ý nghĩa đích thật của nó. Sự thờ lạy là một lời kinh kéo dài buổi cử hành Thánh Thể, và sự hiệp lễ, là lời kinh, mà trong đó, linh hồn tiếp tục nuôi dưỡng mình: linh hồn nuôi sống mình bằng tình yêu, bằng chân lý, bằng bình an, linh hồn nuôi sống mình bằng hy vọng, bởi vì Đấng mà chúng ta phủ phục thờ lạy không hề xét xử chúng ta, không hề chà đạp chúng ta, nhưng lại giải thoát và biến đổi chúng ta.

 

Đó là lý do mà việc quy tụ, tiến bước, thờ lạy làm cho chúng ta được tràn đầy niềm vui. Khi bắt chước thái độ thờ lạy của Đức Maria, người Mẹ mà chúng ta kính nhớ một cách đặc biệt trong tháng năm này, chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta, và cho mọi người; chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người đang sinh sống trong thành phố này, để họ có thể nhận biết Cha, ôi lạy Cha từ ái, và nhận biết Đấng mà Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô. Và như thế họ có được sự sống dư đầy. Amen.