24/01/2025

Hồ sơ Gia Định báo

Cho tới nay, các tài liệu đều nhất trí GĐB là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của làng báo Việt Nam và ra đời vào năm 1865

Hồ sơ Gia Định báo

Đã 146 năm đi qua, Gia Định báo, tờ báo bằng “quốc ngữ âm tiếng Lang Sa” (chữ Việt ngày nay), được phổ biến công khai ở Việt Nam. Công khai vì trước đó chữ quốc ngữ chỉ phổ biến hẹp trong các xứ đạo, các nhà thờ Thiên Chúa giáo và nội bộ giáo dân. Gia Định báo đã tạo dựng bước đi đầu tiên cho sự phát triển báo chí, in ấn, văn học, ngôn ngữ… Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 như thế nào?

Tờ báo tiếng Việt đầu tiên

Trong Courrier de Saigon số 7 ngày 5-4-1865, đăng lời rao về Gia Định báo (GĐB) số đầu tiên như sau: “Trong tháng này sẽ ra số thứ nhất một tờ báo in bằng tiếng An Nam thông thường. Dưới hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hằng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được…”. (Theo thư viện vn).

Cho tới nay, các tài liệu đều nhất trí GĐB là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của làng báo Việt Nam và ra đời vào năm 1865.

Một mét đất Sài Gòn mua được… 4 tờ báo!

Sự nhất trí này có thể do mẩu tin trích ở trên, cũng có thể do thông tin ngay trên trang 1 của GĐB những số 4, 5 và 6 năm 1865. Song ngày ra đời báo này thì có chút bàn cãi. Cho tới năm 1973, khi Huỳnh Văn Tòng phổ biến luận văn tiến sĩ của ông thì cuộc tranh cãi gần như chấm dứt sau một thời gian khá dài.

Ông Tòng viết: “Theo những lần nghiên cứu ở thư viện Trường Ngôn ngữ Đông phương tại Paris, tôi đã tìm ra được số báo cũ nhất của tờ GĐB phát hành ngày 15-7-1865” (Báo chí VN từ khởi thuỷ đến 1945). Tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM có ba số báo 4, 5 và 6 của năm 1865 không ghi ngày, chỉ ghi tháng và năm. Tờ số 4 do số bị nhòe không đọc được, đề là “Giáng sinh 1865 tháng juillet”, và tờ số 5-1865 thì ra vào tháng 8. Căn cứ vào tiêu chí “mỗi tháng ra một kỳ vào ngày rằm tháng tây”, có thể cho rằng 15-4-1865 là ngày phát hành số báo đầu tiên.

Còn Nguyễn Văn Trung trong Lục Châu học, trích “thư của Roze (thống đốc Nam kỳ) gửi tổng trưởng hải quân và thuộc địa Pháp ngày 9-5-1865” (từ Lịch sử báo chí Việt Nam của tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Trí Đăng, Sài Gòn 1973 trang 52): “Số đầu tiên của tờ GĐB được in bằng chữ An Nam theo chữ Latin phát hành ngày 15-4 vừa qua”. Những tài liệu này khẳng định ngày phát hành số báo đầu tiên là ngày 15-4-1865.

Những năm đầu tiên GĐB xuất bản hằng tháng, có bốn trang, khổ A3, in chữ chì typo trên giấy trắng ngà, dày và viết bằng chữ quốc ngữ tương đối “hiện đại”. Nhưng không “phát không” như tờ Courrier de Saigon đã nêu mà “Tờ báo này mỗi tháng tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư”. Nghĩa là báo bán với giá 6 franc/năm với giá nửa quan một tờ.

Đây là giá thuở ban đầu. Từ năm 1874, báo tăng lên hai kỳ/tháng và lên giá “20 góc tư/năm”. Tới năm 1881 trở thành tuần báo vẫn giá 20 góc tư/năm. Tới năm 1884 thì giá báo đổi thành “trót năm thì 4 đồng bạc”, năm 1895 giá bán lên “6 đồng 67 một năm” và năm 1898 tăng lên “8 đồng/năm”.

Xin lưu ý thời kỳ này ở Nam kỳ sử dụng nhiều loại tiền, phổ biến là tiền Đông Dương (do chính quyền thuộc địa phát hành còn gọi là đồng), tiền quan Pháp (franc, quan) và tiền nhà Nguyễn (gọi là tiền). Một đồng Đông Dương đổi được 5 quan Pháp hoặc 50 tiền. Góc tư là cách gọi một franc, đồng quan Pháp (Huỳnh Tịnh Của – Đại Nam quấc âm tự vị) mặc dù việc quy đổi lại hoàn toàn khác.

Giá báo này so với thời giá là khá cao. “Có một khoảnh đất thổ cư tại Saigon ở tại đường Espagne góc đường Mac Mahon, giá bán mỗi thước tây là một quan năm. Như ai muốn mua thì cứ hỏi ông thông phán Bollon ở Saigon mà mua” (quảng cáo trên GĐB số ra ngày 12 janvier 1881). Espagne – Mac Mahon là ngã tư Lê Thánh Tôn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay.

Với giá 20 góc tư/năm (1881) thì mỗi tờ báo có giá khoảng 0,40 quan. Mua bốn tờ báo bằng mua một thước vuông đất, ngày nay ai dám?

Công cụ để “yên dân”

Nguyên nhân ra đời của báo, theo nhiều tài liệu thì “Trương Vĩnh Ký đã yêu cầu lập một tờ báo chữ quốc ngữ mang tên GĐB khi thống đốc Nam kỳ Kerguda mời cụ ra làm quan”. Và lời yêu cầu ấy được “chấp thuận” bằng nghị định cho phép xuất bản ký vào ngày 1-4-1865 nhưng không phải cho cụ Trương mà cho Ernest Potteaux, thông ngôn của thống đốc Nam kỳ (tài liệu.vn), người mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, trong Sài Gòn – Chợ Lớn từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, cho rằng “rất rành tiếng quốc ngữ”, làm chủ biên với chức danh “GĐB chánh tổng tài” (chức danh tương đương tổng biên tập ngày nay).

Tra danh sách các thống đốc Nam kỳ trong thời kỳ này, chúng tôi không tìm được vị thống đốc nào có tên Kerguda, mà chỉ có Roze, tạm quyền, thay cho La Grandière về Pháp lãnh hàm phó đô đốc, từ tháng 12-1864 đến tháng 3-1866. Và cũng chính Roze là người viết thư cho tổng trưởng hải quân và thuộc địa ngày 9-5-1865 về GĐB.

Có thể các tài liệu đã ghi lầm tên hoặc là lỗi kỹ thuật do trích lại đã làm sai lệch? Đây cũng là “nguyên nhân” được các nhà nghiên cứu chấp nhận nhưng không chỉ rõ tài liệu nguồn.

Thiển nghĩ, nguyên nhân ra đời của GĐB như thế thì quá đơn giản! “GĐB là ấn bản bản xứ của tờ Công báo” (Smith D.Warres Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỷ 19 – Ngô Bắc dịch) trong phần viết về Nam kỳ và Sài Gòn đã nhận định như thế.

Đây có thể là mục đích thật sự sự ra đời của GĐB. Bởi năm 1865 Pháp còn chân ướt chân ráo ở ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, vẫn còn âm mưu nuốt ba tỉnh còn lại và đang mơ tới ôm trọn cả Đông Dương, thậm chí cả một phần phía nam của Trung Quốc. Thực hiện giấc mơ to lớn ấy, Pháp cần rất nhiều “quân nhân Pháp” hiểu biết tiếng nói bản xứ và người bản xứ cộng tác, nhằm để “yên dân”, làm cho người bản xứ hiểu được chính sách của Pháp đồng thời lôi kéo họ về phía mình, làm tiêu hao sức lực của lực lượng chống đối. Thời gian đầu, Pháp dựa hẳn vào các giáo sĩ trong việc thông dịch.

Để giảm bớt sự dựa dẫm ấy, trường thông ngôn đã được mở ra cho quân nhân Pháp lẫn người Việt và chữ quốc ngữ là lựa chọn ưu tiên vì đó là thứ chữ “ghi lại” tiếng nói của người Việt. Và tờ báo được coi là phương tiện giao tiếp giữa chính quyền và người địa phương.

Trước khi GĐB ra đời, đã có ba tờ báo bằng tiếng Pháp là Le Bulletin Officiel de l’Expedition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo), Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) và Le Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín).

Nhưng tiếng Pháp vẫn còn là một cách biệt lớn giữa chính quyền thực dân và dân chúng, vì vậy mà tờ báo tiếng Việt ra đời. Nó vừa là công cụ để chính quyền phổ biến thông tin, vừa là tài liệu để các viên thông ngôn, học trò trong các trường dùng để thực tập chữ quốc ngữ.