12/01/2025

“Bếp núc” tờ Gia Định báo

Qua nghiên cứu nhiều tài liệu và văn phong, cách chấm câu, cách viết trên báo, có thể khẳng định việc “dịch quốc ngữ” trên Gia Ðịnh báo có nhiều hơn một người dịch. Và có hai người có thể là “cộng tác viên chuyên dịch quốc ngữ” của báo từ đầu là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của.

“Bếp núc” tờ Gia Định báo

Cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, việc ra báo ở Nam kỳ vẫn “phải xin phép” nếu là báo viết bằng tiếng Việt và chỉ có báo bằng tiếng Pháp mới được “tự do” xuất bản. Do đó, việcGia Ðịnh báo trong thời gian đầu phải cấp phép cho một người Pháp làm chánh tổng tài (chức tương đương tổng biên tập ngày nay) là chuyện bình thường.

“Gia Định báo chánh tổng tài”

Tới ngày 16-9-1869, quyền thống đốc Nam kỳ Ohier mới ký quyết định 189 giao hẳn tờ báo cho cụ Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. “Kể từ hôm nay việc biên tập tờ Gia Ðịnh báo được giao phó cho ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là chánh tổng tài của tờ này, sẽ được lãnh khoản lương hằng năm là 3.000 đồng quan Pháp. Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần. Nó sẽ được chia ra làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông thống đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do nha nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác không chính thức, sẽ gồm những bài viết bổ ích và vui về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự… để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến. Trước khi phát hành, việc trao đổi sẽ thực hiện tại Nha nội vụ. Giám đốc Nha nội vụ thi hành quyết định này…” (Lê Nguyễn – Xã hội VN thời Pháp thuộc, trang 84 NXB VHTT).

Quyết định này là một sự “đổi mới” trong chính sách đối với báo chí ở Nam kỳ. Do chưa tìm thấy những số báo từ 1869-1871, chúng tôi không đủ tư liệu gốc để so sánh với quyết định trên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cụ Trương làm chánh tổng tài cho tới năm 1897, có người lại cho rằng ông làm tới năm 1873.

Qua bản vi phim tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, chúng tôi thấy năm 1872 (không tìm thấy các số báo năm 1873) thì chánh tổng tài là E. Potteaux. Và từ năm 1874 thì J.Bonet là chánh tổng tài. Và ông Bonet còn làm chánh tổng tài của báo cho tới những năm 1881. Như vậy, thời gian làm “Gia Ðịnh báo chánh tổng tài” của cụ Trương cũng không dài, nhiều nhất là từ năm 1869-1871.

Thực tế qua những tờ báo còn lưu lại ở thư viện (bản vi phim) và ở những nơi khác, chúng tôi có đủ chứng liệu để khẳng định E.Potteaux làm chánh tổng tài từ 1865-1869. Kế tiếp là Trương Vĩnh Ký từ 1869-1871. E.Potteaux chánh tổng tài năm 1872. Do không thấy tờ báo năm 1873 nên không chắc ai là chánh tổng tài. Năm 1874 E.Bonet làm chánh tổng tài. Từ năm 1880, chúng tôi cũng thấy ông Bonet tiếp tục làm chánh tổng tài chứ không phải Trương Minh Ký như nhiều người nói. Năm 1884, ông Potteaux trở lại làm chánh tổng tài. Từ năm 1893 trở đi không thấy ghi tên người phụ trách nên không rõ là ai.

Ai quản lý Gia Ðịnh báo qua các thời kỳ? Nhiều ý kiến cho rằng sau Potteaux là cụ Trương và sau cụ Trương là Huỳnh Tịnh Của quản lý tờ báo. Tới năm 1881 Trương Minh Ký làm chánh tổng tài. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng còn cho biết “chính ông Huỳnh Tịnh Của đã được giao phó chức vụ chủ bút tờ Gia Ðịnh báo” (sách đã dẫn). Và có học giả còn xác định ông Trương Minh Ký cũng từng là phụ trách tờ báo “sau Huỳnh Tịnh Của”. Nhưng tất cả luận cứ này đều không có tư liệu dẫn chứng.

Ðầu thế kỷ 20, Tập san hành chánh Nam kỳ năm 1918 đăng nghị định ký ngày 20-9-1908 cử “ông Diệp Văn Cương thay ông Nguyễn Văn Giàu, được chỉ định giữ chức vụ khác, làm chủ biên Gia Ðịnh Báo và được hưởng phụ cấp 250 đồng/ tháng” (Nguyễn Văn Trung – Lục Châu học). Còn trên thư viện.vn thì trích từ tạp chí Bách Khoa số 416 một phần nghị định của thống đốc nam kỳ Outrey đăng trên Tập san hành chánh Nam kỳ, trang 2864: “… Ông Diệp Văn Cương, thông ngôn hạng nhất ngạch châu Âu, được giao trách nhiệm biên tập tờ Gia Ðịnh báo kể từ ngày 21-5-1908, thay thế ông Nguyễn Văn Giàu được giao nhiệm vụ khác. Với cương vị này, đương sự sẽ được lãnh phụ cấp 250 đồng (piastre) dự liệu định ngày 27-12-1901″.

Ðáng tiếc, tài liệu này không cho biết chính xác ông Giàu là ai, phụ trách tờ báo này vào những năm nào. Như vậy chúng ta có danh sách (tạm thời) những người quản lý tờ Gia Ðịnh báo là E.Potteaux (1865-1869 và 1872, từ tháng 2-1882 đến 1884), Trương Vĩnh Ký (1869-1871), J. Bonet (1874 hoặc 1873-? và 1880 đến tháng 2-1882), Nguyễn Văn Giàu (?) và Diệp Văn Cương (1908-1909?).

“Cộng tác viên”

Ngay khi ra đời, báo thu hút nhiều cộng tác viên có tiếng là giỏi quốc ngữ như Paulus Của (Huỳnh Tịnh Của), Paulus Toi, Trần Bảng Vàng, Trương Vĩnh Ký, phủ Ka (đốc phủ Trần Tử Ca)… Nhiều người trong số cộng tác viên là thông ngôn, viết tin bài từ cơ sở gửi cho báo. Ðó là những người có tên trên báo dưới danh nghĩa “người viết báo” xuất hiện khá nhiều trong khoảng 10-15 năm đầu. Nhưng đến năm 1881 thì không còn thấy tên “cộng tác viên” lẫn “người viết báo” xuất hiện trên mặt báo nữa.

Song tờ báo này không chỉ có cộng tác viên viết báo mà cần có không ít cộng tác viên hoặc các viên chức “dịch chữ quốc ngữ” cho tờ báo. Trước khi báo in ra, tất cả tin tức, văn bản đều bằng tiếng Pháp và phải thông qua văn phòng “quan lại bộ thượng thơ”, tức nha nội vụ, để duyệt. Dù ông Potteaux được tiếng là giỏi quốc ngữ cũng không thể là người dịch toàn bộ tin bài trên báo mà cần một đội ngũ giỏi quốc ngữ làm việc ấy. Họ là ai? Ðáng tiếc là trên mặt báo hoàn toàn không thấy tên người nào ngoài người viết tin. Có lẽ vì vậy mà lâu nay các nhà nghiên cứu về Gia Ðịnh báo cũng không đặt vấn đề này.

Qua nghiên cứu nhiều tài liệu và văn phong, cách chấm câu, cách viết trên báo, có thể khẳng định việc “dịch quốc ngữ” trên Gia Ðịnh báo có nhiều hơn một người dịch. Và có hai người có thể là “cộng tác viên chuyên dịch quốc ngữ” của báo từ đầu là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của.

Khẳng định này căn cứ vào các nguyên nhân sau: Một là sự xuất hiện khá thường xuyên trên báo tên của hai ông Pétrus và Paulus ngay từ những số báo đầu tiên. Dù quyết định để ông Potteaux làm chánh tổng tài nhưng chính quyền thực dân không thể không dựa vào những người giỏi quốc ngữ đương thời mà hai ông Petrus và Paulus là đại diện. Và không chỉ hai ông mà còn có nhiều học trò của hai ông như Trương Minh Ký, học trò của Trương Vĩnh Ký, rất kính trọng thầy, cũng là người được coi là giỏi quốc ngữ, tham gia công việc dịch từ tiếng Pháp ra quốc ngữ cho báo. Sự gắn bó của hai ông Petrus và Paulus với Gia Ðịnh báo nhiều đến mức có nhà nghiên cứu cho rằng ông Petrus là tổng biên tập còn ông Paulus là chủ bút của báo!

Luận án cao học ngữ học của Nguyễn Văn Y (Ðại học Văn khoa Sài Gòn) có trích bài của Nguyễn Kỳ Sắt trong bài “Chữ quốc ngữ” trên báo Nữ Giới Chung số 1 ra ngày 28 Mars 1930: “Nghe tiếng Huỳnh Tịnh Trai (ông đốc phủ Của) chớ chưa biết tài ngài. Năm 1889 thượng thơ đổi lại là Direction du Servive local, tôi vào làm việc tại phòng thông ngôn, tùng quyền ngài phụ dịch tờ Gia Ðịnh báo với ngài…Một tay tôi với Huỳnh Mai Liễu, cháu ruột ngài làm thông phán, làm gần hết cuốn tự vị quốc ngữ đó” (Nguyễn Văn Trung – Lục Châu học). Và “cụ đã từng viết ở Gia Ðịnh báo” khi nói về Ðặng Thúc Liêng. Những tài liệu này cho thấy có nhiều người tham gia Gia Ðịnh báo chứ không chỉ có hai tên tuổi mà chúng ta đã biết làm tờ báo này.