14/11/2024

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng hoà kỳ cựu nhất thế giới

VATICAN – Chúa Nhật 19-6-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm Cộng hoà kỳ cựu nhất thế giới, San Marino, và khích lệ dân chúng tại đây bảo tồn đức tin và chống lại cám dỗ của trào lưu duy lạc thú làm băng hoại luân lý.

 Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng hoà kỳ cựu nhất thế giới


VATICAN – Chúa Nhật 19-6-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm Cộng hoà kỳ cựu nhất thế giới, San Marino, và khích lệ dân chúng tại đây bảo tồn đức tin và chống lại cám dỗ của trào lưu duy lạc thú làm băng hoại luân lý.


Cuộc viếng thăm của ĐTC nằm trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ dài 11 tiếng tại Giáo phận San Marino Montefeltro và là chuyến viếng thăm thứ 23 tại Italia.


Giáo phận San Marino Montefeltro rộng 800 cây số vuông, với gần 61.500 tín hữu Công giáo. Trong lãnh thổ giáo phận có 60 cây số vuông thuộc tiểu quốc San Marino gồm 9 làng với tổng cộng 29.000 dân cư, trong đó làng lớn nhất có 10.000 dân. Toàn giáo phận có 58 LM triều và 23 LM dòng, đảm trách 81 giáo xứ.


Quả thực, San Marino rất ít được biết đến trong số các tiểu quốc khác ở Âu Châu như Monaco, Lichtenstein, Andorra, Luxembourg hoặc Vatican. Tại các tiểu quốc này, lãnh thổ quốc gia họp thành một giáo phận do một vị Tổng GM coi sóc, như tiểu quốc Lichtenstein và Monaco, mỗi nước có khoảng 28.000 dân cư, với 4 giáo xứ, nhưng cũng có một vị TGM coi sóc. Còn tiểu quốc San Marino tuy đông dân hơn, nhưng chỉ được coi là thành phần của Giáo phận San Marino Montefeltro.


Cộng hoà San Marino bắt nguồn từ 2 tín hữu Kitô người Croatia. Thực vậy, vào năm 257 sau Chúa Kitô, hai tín hữu đó, Marino và Lêô, từ hải đảo Arbe ở miền Dalmazia, nay thuộc lãnh thổ Croatia, đến thành Rimini để làm nghề đẽo đá. Marino thường lui tới vùng núi Titano để tìm đá để đẽo, và cảm thấy bị thu thút vì ngọn núi hùng vĩ này. Núi Titano cách Rimini 25 cây số và cao 756 mét, có vách đá.


Ngoài công ăn việc làm, Marino cũng tìm cách hoán cải dân miền Rimini trở lại Kitô giáo. Thời đó, đế quốc Lamã còn cấm đạo. Một phụ nữ gian ác tố cáo Marino là chồng của bà và là người theo đạo Kitô. Vì thế, Marino phải tị nạn lên miền rừng núi Titano để tránh cuộc bách hại của hoàng đế Diocleziano. Người phụ nữ kia, nhờ quỷ giúp, nên đã khám phá nơi ẩn náu của Mariano và lặp lại lời tố cáo. Marino không có phương thế nào khác để chống lại những lời cáo buộc đó ngoài việc ăn chay và cầu nguyện, cho đến khi xảy ra một phép lạ. Người đàn bà ấy tỉnh ngộ, hoán cải và đưa ông trở về Rimini đồng thời không ngớt lời ca ngợi ông. Sau khi cuộc bách hại đạo chấm dứt, Marino được thụ phong phó tế và nhận được vùng núi Titano như một quà tặng. Còn Lêô trở thành linh mục và cũng được tôn kính như vị hiển thánh.


Trước khi qua đời năm 366, thánh Marino trăng trối rằng: “Tôi để lại cho anh chị em như những người tự do đối với cả hai người”. Dân chúng hiểu câu này theo nghĩa cần phải giữ độc lập đối với đế quốc Rôma và nước Giáo Hội. Qua dòng lịch sử, nhân dân San Marino vẫn luôn trung thành với đường hướng này.


ĐTC đã từ Vatican đáp trực thăng đến San Marino lúc hơn 9 giờ 15 phút sáng sau hơn 1 giờ bay. Từ đây, ngài đến sân vận động Serravale để cử hành Thánh lễ vào lúc 10 giờ cho 22.000 tín hữu, tức là 1 phần 3 tổng số giáo dân trong giáo phận. 12.000 người ở trong sân vận động và hơn 8.000 người khác ở sân dã cầu bên cạnh, theo dõi qua màn hình khổng lồ. Đồng tế với ngài có 25 HY và GM thuộc miền Emilia Romagna, cùng với hơn 200 LM.


Bài giảng Thánh lễ


Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn về ý nghĩa lễ Chúa Ba Ngôi và nhấn mạnh chiều kích tình yêu của mầu nhiệm này, ngài nói:


“Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Linh. Khi nghĩ đến Ba Ngôi, rất nhiều khi khía cạnh mầu nhiệm xuất hiện trong tâm trí: Ba Ngôi và Một Chúa, một Chúa trong Ba Ngôi Vị. Nhưng phụng vụ hôm nay lưu ý chúng ta về thực tại tình yêu chứa đựng trong mầu nhiệm thứ nhất và là mầu nhiệm tột đỉnh của đức tin chúng ta. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh là một, vì Thiên Chúa là Tình Yêu: Chúa Cha trao ban tất cả cho Chúa Con; Chúa Con nhận tất cả từ Chúa Cha với lòng biết ơn; và Chúa Thánh Linh như thành quả tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con”.


Sau khi diễn giải thêm về mầu nhiệm này dựa trên các bài đọc của ngày lễ, ĐTC đi vào thực trạng tại Giáo phận San Marino Montefeltro, và nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin đồng thời khích lệ Giáo Hội địa phương đương đầu với những thách đố mới, như lối sống duy lạc thú đe doạ mọi luân lý. Ngài nói:


“Anh chị em thân mến! Niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi cũng hình thành Giáo Hội tại San Marino Montefeltro này qua dòng lịch sử cổ kính và vinh hiển. Việc rao giảng Tin Mừng tại phần đất này là do hai vị thánh đẽo đá Marino và Lêô, vào giữa thế kỷ thứ 3 sau Chúa Kitô, hai vị đã từ miền Dalmazia đến Rimini. Do đời sống thánh thiện, một vị trở thành linh mục và một vị trở thành phó tế do Đức cha Gaudenzio và được ngài phái đến miền nội địa, một vị lên núi Feretro và sau này trở thành thánh Lêô và một vị lên núi Titano, sau này mang tên là thánh Marino. Đi xa hơn những vấn đề lịch sử mà chúng ta không có nhiệm vụ đào sâu ở đây, chúng ta muốn nói về cách thức mà Thánh Marino và Lêô đã mang viễn tượng và các giá trị mới mẻ vào trong bối cảnh thực tại địa phương, với niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô, ảnh hưởng trên sự nảy sinh một nền văn hoá và văn minh, quy trọng tâm vào con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và qua đó, mang lại những quyền đi trước mọi quyền tài phán của con người. Các chủng tộc khác nhau như người Rôma, người Goti, rồi người Longobardi tiếp xúc với dân chúng tại đây, nhiều khi có cả những cuộc xung đột, nhưng nhờ tham chiếu cùng một đức tin, nên đã tìm được một yếu tố chung để xây dựng luân lý đạo đức, văn hoá, xã hội và cả chính trị nữa. Đối với họ, điều hiển nhiên là người ta không thể coi một dự án văn minh là được hoàn tất cho đến khi tất cả những thành phần của dân tộc trở thành một cộng đoàn Kitô sinh động và có cơ cấu chặt chẽ. Vì thế, hỡi những người dân San Marino quý mến, người ta có lý để nói rằng sự phong phú của dân tộc này, sự phong phú của anh chị em, đã và vẫn còn là đức tin, và niềm tin này đã kiến tạo một nền văn minh thực sự là duy nhất. Bên cạnh đức tin, cũng cần nhắc đến lòng tuyệt đối trung thành với Đức Giám mục Rôma, vị mà Giáo Hội tại đây luôn hướng nhìn về với lòng sùng mộ và quý mến; tiếp đến là lòng quan tâm đối với đại truyền thống của Giáo hội Đông phương và lòng sùng mộ đối với Mẹ Maria.


ĐTC nói thêm: “Anh chị em có lý mà hãnh diện và biết ơn vì những gì mà Chúa Thánh Linh đã thực hiện trong Giáo Hội của anh chị em qua các thế kỷ. Nhưng anh chị em cũng biết rằng cách thức tốt nhất để đề cao gia sản này chính là vun trồng và làm cho gia sản ấy được phong phú. Thực vậy, anh chị em được mời gọi phát huy kho tàng quý giá này trong một thời điểm thuộc hàng quan trọng nhất trong lịch sử. Ngày nay, sứ mạng của anh chị em là phải đương đầu với những thay đổi sâu rộng và mau lẹ về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, ảnh hưởng tới những đường hướng mới và thay đổi tâm thức, phong tục và sự nhạy cảm. Thực vậy, tại đây cũng như nơi khác, không thiếu những khó khăn và chướng ngại, phần lớn do những lối sống duy lạc thú, làm u mê tâm trí và có nguy cơ loại bỏ mọi luân lý. Có cám dỗ lẻn vào, coi sự phong phú của con người không phải là đức tin, nhưng là quyền bính cá nhân và xã hội, trí thông minh, trình độ văn hoá và khả năng lèo lái thực tại khoa học, kỹ thuật và xã hội. Vì thế, tại nơi đây, người ta cũng bắt đầu thay thế đức tin và các giá trị Kitô bằng những cái gọi là phong phú, nhưng rốt cục chúng tỏ ra mong manh và không có khả năng chu toàn lời hứa lớn lao về chân, thiện, mỹ và điều công chính mà qua bao thế kỷ, cha ông anh chị em đã đồng hoá với kinh nghiệm đức tin. Và cũng không nên quên cuộc khủng hoảng của nhiều gia đình, bị trầm trọng thêm vì tình trạng giòn mỏng về tâm lý và tinh thần của nhiều đôi vợ chồng, sự vất vả cơ cực của nhiều nhà giáo dục trong việc đạt tới sự huấn luyện liên tục cho người trẻ, họ bị ảnh hưởng vì đủ thứ bấp bênh, nhất là sự bấp bênh về vai trò xã hội và khẳ năng công ăn việc làm.


Và ĐTC kết luận rằng: “Tôi nhắn nhủ tất cả các tín hữu hãy trở thành men trong thế giới, hãy tỏ ra tại Montefeltro cũng như tại San Marino, là những tín hữu Kitô hiện diện, có tinh thần biến báo và sống hợp với đức tin. Các LM, tu sĩ nam nữ hãy luôn sống trong tình hiệp thông thân mật và thực sự với Giáo Hội, giúp đỡ và lắng nghe vị chủ chăn giáo phận. Cả nơi anh chị em cũng có tình trạng cần cấp thiết làm gia tăng ơn gọi LM và nhất là ơn gọi đời sống thánh hiến: tôi kêu gọi các gia đình và các người trẻ, hãy mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa. Chúng ta đừng bao giờ ngừng quảng đại đối với Thiên Chúa! Tôi cũng khích lệ anh chị em giáo dân hãy tích cực dấn thân trong cộng đoàn, để bên cạnh những nghĩa vụ riêng về dân sự, chính trị, xã hội và văn hoá, anh chị em tìm được thời giờ và sự sẵn sàng cho đời sống mục vụ. Hỡi anh chị em người San Marino, hãy kiên vững trung thành với gia sản được xây dựng qua bao thế kỷ nhờ sự thúc đẩy của các vị đại bổn mạng của anh chị em là Thánh Marino và Lêô. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho hành trình hiện nay và tương lai của anh chị em và phó thác tất cả anh chị em cho “ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Linh” (2 Cr 13,11).


Kinh Truyền Tin


Cuối Thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền Tin với các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nhắc đến sự kiện Đức Mẹ được tôn kính tại nhiều đền thánh cổ kính cũng như tân thời tại miền này. Ngài phó thác toàn thể dân chúng San Marino và Montefeltro cho Đức Mẹ, đặc biệt là những người đau khổ trong thân xác và tinh thần.


ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước Chúa Nhật 19-6-2011 tại thành phố Dax ở miền nam nước Pháp, cho Nữ tu Marguerite Rutan, dòng Nữ Tử Bác Ái. Vào hậu bán thế kỷ 18, chị đã tận tuỵ làm việc tại nhà thương Dax, nhưng đã bị kết án tử hình trong cuộc bách hại sau cách mạng Pháp, vì đức tin Công giáo và vì lòng trung thành với Giáo Hội. ĐTC nói: “Tôi chia sẻ trong tinh thần niềm vui của các Nữ Tử Bác Ái và mọi tín hữu, tham dự lễ phong chân phước tại thành phố Dax cho Nữ tu Marguerite Rutan, chứng nhân rạng ngời về tình yêu của Chúa Kitô đối với người nghèo”.


Sau cùng, ĐTC nhắc đến Ngày Thế giới Người Tị nạn, cử hành vào hôm nay thứ hai 20-6, và năm nay kỷ niệm 60 năm chấp nhận Hiệp ước Quốc tế Bảo vệ những người bị bách hại và bị bó buộc chạy trốn khỏi quê hương của họ. Vì thế, tôi mời gọi các chính quyền dân sự và mỗi người thiện chí bảo đảm sự đón tiếp và những điều kiện sống xứng đáng cho người tị nạn, trong khi chờ đợi họ có thể hồi hương tự do và an ninh.


Sau Thánh lễ, ĐTC đã dùng bữa trưa tại Nhà Thánh Giuse thuộc Cộng đoàn Borgo Maggiore, cùng với các vị đại diện của giáo phận và thành viên của Quỹ Quốc tế “Gioan Phaolô II”. Ban chiều cùng ngày, vào lúc 4 giờ 30, ĐTC đã chính thức gặp chính quyền San Marino và đến thành phố Pennabilli để khi viếng Nhà thờ Chính toà, trước khi đến Quảng trường Vittorio Emanuele để gặp gỡ các bạn trẻ thuộc Giáo phận San Marino Montefeltro vào lúc 7 giờ 15 phút, rồi đáp trực thăng trở về Rôma.