15/11/2024

Cần thay đổi cách thi cử

GS Hoàng Tuỵ cho rằng: “Sai lầm của Bộ GD-ĐT ở chỗ thay vì thi, kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để đảm bảo kết quả học tập vững chắc và thực chất thì lại dồn hết cố gắng vào kỳ thi TN quốc gia nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc”

Cần thay đổi cách thi cử

Như dự đoán, kết quả thi tốt nghiệp (TN) THPT năm 2011 của nhiều địa phương ở mức cao ngất ngưởng.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tỷ lệ TN ở nhiều địa phương đạt mức rất cao. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Tôi đã nhìn thấy kết quả này ngay sau kỳ thi kết thúc qua những căn cứ: đề thi dễ, coi thi dễ”… Nhiều môn thi trắc nghiệm, thí sinh (TS) có học lực khá chỉ làm bài trong vòng 10 phút; không khó để bắt gặp cảnh “phao” rải trắng cổng trường thi.

Kết quả GDTX cao hơn THPT

Nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa năm nay tiếp tục có sự bứt phá “ngoạn mục” về kết quả TN, đặc biệt đối với hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Chẳng hạn tỉnh Bắc Kạn tỷ lệ đỗ TN hệ GDTX đạt 88,86% (tăng trên 40%); tỉnh Lai Châu là 82,33% (tăng hơn 30%), tỉnh Đồng Tháp tăng 30%… Ở một số địa phương, kết quả của hệ GDTX thậm chí còn cao hơn hệ THPT. Ví dụ, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ đỗ TN hệ THPT là 99,37%, hệ GDTX đạt 99,63%; tỉnh Thanh Hoá là 99,23% và 99,79%; tỉnh Hoà Bình là 97,25% và 98,5%…

Nhà giáo Đặng Đình Đại – nguyên Hiệu trưởng trường THTP Nguyễn Gia Thiều, Q.Long Biên (Hà Nội) nhận định: “Kết quả cao một phần phụ thuộc vào đề thi dễ nhưng tôi rất bất ngờ vì kết quả đỗ TN hệ GDTX ở nhiều tỉnh cao quá, thậm chí còn cao hơn cả THPT”.

Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, khi trả lời câu hỏi của PV về hiện tượng vì sao số TS vi phạm quy chế thi bị phát hiện ở hệ GDTX cao hơn hẳn so với hệ THPT – ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – đã cho rằng: “Thi cử phản ánh chất lượng giáo dục, khi TS chưa tự tin vào kết quả học tập của mình thì sẽ có những hành động gian lận trong thi cử. Điều này cũng phản ánh thực tế là chất lượng giáo dục của hệ bổ túc vẫn chưa thể bằng hệ THPT”.

 

“Kết quả cao một phần phụ thuộc vào đề thi dễ nhưng tôi rất bất ngờ vì kết quả đỗ TN hệ GDTX ở nhiều tỉnh cao quá, thậm chí còn cao hơn cả THPT” – Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THTP Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội)

 

Chấm dứt kỳ thi nặng nề

Thực tế này lại một lần nữa khiến dư luận đặt yêu cầu với ngành GD-ĐT, rằng đã đến lúc phải thay đổi cách tổ chức kỳ thi này.

Trao đổi với PV Thanh Niên, các chuyên gia đều nhận định: Nếu ngành GD-ĐT từ trên xuống dưới có ý định “tháo khoán” kết quả TN thì không nên coi đây là một kỳ thi cấp quốc gia, căng thẳng, nặng nề, tốn kém như vậy nữa.

GS Hoàng Tuỵ cho rằng: “Sai lầm của Bộ GD-ĐT ở chỗ thay vì thi, kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để đảm bảo kết quả học tập vững chắc và thực chất thì lại dồn hết cố gắng vào kỳ thi TN quốc gia nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc”.

Liên quan đến việc cần phải đổi mới trong thi cử, GS Nguyễn Minh Thuyết – Phó chủ nhiệm UB Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội, đề xuất: “Phải giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở, xây dựng rộng rãi hệ thống đánh giá của xã hội và sử dụng bộ máy đánh giá ấy để tổ chức thi thì sẽ nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều”. Trước mắt, theo GS Thuyết, cần giao quyền chủ động nhiều hơn cho các cơ sở, cụ thể: thi TN THPT thì giao cho các sở GD-ĐT, còn thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì giao cho các trường. Bộ GD-ĐT không nên “ôm” những việc này. Việc của Bộ GD-ĐT là xây dựng chiến lược, ban hành quy chế, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Kết quả Tốt nghiệp

TP.HCM: Tỷ lệ đỗ TN hệ THPT đạt 96,67% (tăng 2,08% so với năm ngoái), hệ GDTX đạt 76,20% (tăng 21,44%). Có 34 trường đạt tỷ lệ đỗ TN 100%, trong đó có 17 trường ngoài công lập.

Quảng Nam: Hệ THPT đạt 97,84% (tăng 3% so với năm ngoái), hệ GDTX đạt 96,33% (tăng 38,47%).

Quảng Ngãi: Hệ THPT đạt 98,65% (tăng 2,41% so với năm học 2009-2010), hệ GDTX đạt 97,87% (tăng 24,28%).

Đà Nẵng: Hệ THPT là 97,2% (tăng 0,6% so với năm ngoái), hệ GDTX 79,9% (tăng 24,7%).

Bình Định: Hệ THPT 96,84% (tăng 2,94%), hệ GDTX là 87,08%.

Kon Tum: Hệ THPT đạt 97,31% (năm học trước 97,16%), hệ GDTX là 62,80% (năm học trước 35,66%).

Đắk Lắk: Hệ THPT đạt 88,36% (tăng 10,25% so với năm trước), hệ GDTX 73,3% (tăng 35,15%).

Bà Rịa – Vũng Tàu: Hệ THPT đạt 97,21% (tăng 5%), hệ GDTX đạt 87,17% (tăng hơn 50%).

Đồng Tháp: Hệ THPT 94,6%, (tăng 13% so với năm trước), hệ GDTX đạt 81,13% (tăng 30%).

Hậu Giang: Hệ THPT đạt gần 98%, hệ GDTX 75,08%. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua tỉnh có đến 10/22 trường THPT đậu 100%.

Bến Tre: hệ THPT 84,15% (tăng 11,13%), hệ GDTX 53,02% (tăng 16,02%).

Nhóm PV Giáo dục