24/12/2024

Đức Thánh Cha tiếp kiến 25.000 tín hữu hành hương

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 25.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư, 15-6-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đề cao mẫu gương của Ngôn sứ Êlia về sự cầu nguyện.

 Đức Thánh Cha tiếp kiến 25.000 tín hữu hành hương

 

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 25.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư, 15-6-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đề cao mẫu gương của Ngôn sứ Êlia về sự cầu nguyện.

Trời gần vào hè nóng bức nên chính ĐTC cũng đội một chiếc mũ rộng vành màu đỏ khi ngài đi xe mui trần tiến qua các các lối đi ở Quảng trường từ lúc 10 giờ 30, để chào thăm các tín hữu trước khi tiến lên lễ đài trên thềm Đền thờ. Cả các tín hữu và cả các Hồng y và GM cũng che dù hoặc đội mũ chống nắng.

Buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, và ĐTC tiếp tục loạt bài Giáo lý về cầu nguyện. Chẳng hạn ngài diễn tả bằng tiếng Đức:

“Anh chị em thân mến, trong loạt bài Giáo lý về các đại nhân vật nổi bật về cầu nguyện, hôm nay, tôi muốn nói về Ngôn sứ Êlia. Người sống vào thế kỷ thứ 9 trước Chúa Kitô ở Vương quốc miền Bắc Israel, ly khai khỏi Nhà Đavít. Dưới thời vua Acab, dân chúng đã pha trộn tín ngưỡng Do Thái với các yếu tố thuộc các tôn giáo của dân ngoại lân bang. Từ xưa, người ta đã gặp cám dỗ muốn kiến tạo Thiên Chúa theo nhu cầu riêng của mình, một thứ Thiên Chúa mà họ nghĩ là sẽ mang lại cho họ cuộc sống thịnh vượng và sung túc, và chỉ cần hiến dâng những lễ vật tương ứng. Dân chúng thờ lạy thần Baal, là thần tượng trấn an, và người ta tin rằng thần này ban mưa xuống, và do đó, có thể làm cho đồng nội phì nhiêu, mang lại sự sống cho con người và súc vật.

Trong bối cảnh đó, Êlia được Thiên Chúa kêu gọi dẫn đưa dân Chúa hoán cải. Danh xưng Êlia có nghĩa là “Chúa là Thiên Chúa của tôi” chứng tỏ Ngôn sứ sống cho ai: người mở mắt cho dân thấy Thiên Chúa là Chúa duy nhất.

Vì muốn vạch rõ sự lừa đảo trên đây, nên Ngôn sứ Êlia tụ tập dân trên núi Camêlô, nơi người thách thức các tư tế của thần Baal hãy chứng tỏ xem Chúa của họ có nghe lời cầu nguyện của họ hay không. Qua đó, người ta cũng thấy được những cách thức rất khác nhau để cầu khẩn Thiên Chúa. Các ngôn sứ của thần Baal kêu gào, la hét, nhảy múa cuồng nhiệt và đâm mình đến độ chảy máu. Qua sự ích kỷ của họ, họ tìm cách thuyết phục các thần của họ phải trả lời.

Về phần Ngôn sứ Êlia thì khác hẳn. Ngài mời gọi dân đến gần nhau và hiệp thông với ngài, tham gia việc cầu nguyện của ngài. Ngài thiết lập một bàn thờ từ 12 hòn đá, tương ứng với 12 chi tộc Israel. Qua đó toàn dân tham gia vào hy tế của ngài. Trong kinh nguyện, Êlia nói với Thiên Chúa của Israel như danh xưng của Chúa, qua đó ngài nhắc nhớ rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong lịch sử dân Chúa. Thiên Chúa lắng nghe lời nguyện của ngôn sứ và chấp nhận lễ toàn thiêu. Dân Chúa nhận thấy ai là Thiên Chúa đích thực, Đấng tự biểu lộ trong sự tốt lành của Ngài và chờ đợi câu trả lời của các thụ tạo của Ngài trong tình yêu và lòng trung thành.

Và ĐTC nói: “Chúng ta hãy noi gương Ngôn sứ Êlia trong việc cầu nguyện cho tha nhân, và luôn tín thác nơi tình yêu bao la của Thiên Chúa”.

Bài huấn giáo tiếng Ý

Trước đó, ĐTC đã diễn giảng bài giáo lý bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn. Sách Huấn ca đã nói về Êlia như sau: “Và Ngôn sứ Êlia xuất hiện như lửa; lời Ngài đốt cháy như đuốc” (Hc 48,1). Với lửa này, Israel tìm lại con đường của mình tiến về Thiên Chúa. Trong khi thi hành sứ vụ, Êlia cầu nguyện: Ngài kêu cầu xin Chúa cho con trai một bà goá tiếp đón Ngài được hồi sinh (1 V 17,17-24), ngài kêu lên Chúa trong lúc mệt mỏi và lo âu, chạy trốn trong sa mạc vì bị nữ hoàng Gezabel lùng bắt để giết (1 V 19,1-4), nhưng nhất là trên núi Camêlô, ngài tỏ ra tất cả quyền năng của một người chuyển cầu, khi ngài đứng trước toàn dân Israel, cầu xin Chúa biểu lộ và hoán cải tâm hồn dân chúng.

ĐTC cũng giải thích về yếu tố lửa của Chúa từ trời xuống tiêu huỷ lễ vật toàn thiêu, củi, đá và tro, cùng nước trong lạch, nơi bàn thờ Êlia đã dựng lên. Trước cảnh tượng đó, dân sấp mình xuống đất và nói: “Chúa là Thiên Chúa, Chúa là Thiên Chúa” (vv. 38-39). Lửa, yếu tố này vừa cần thiết vừa kinh khủng, gắn liền với những lần Chúa tỏ mình ra, trong bụi gai cháy đỏ và trên núi Sinai, giờ đây lửa này dùng để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đáp ứng lời cầu nguyện và tỏ mình ra cho dân. Baal là thần câm nín và bất lực, đã không đáp lại lời khẩn cầu của các ngôn sứ của hắn; trái lại, Chúa trả lời một cách tỏ tường, không những thiêu huỷ lễ vật toàn thiêu, nhưng còn làm khô nước đã đổ trên đó và quanh bàn thờ. Israel không còn nghi ngờ gì nữa; lòng từ bi Chúa đến gặp sự yếu đuối của dân, những nghi ngờ và thiếu lòng tin của họ. Giờ đây, Baal thần tượng hư vô bị chiến bại và dân Chúa, có vẻ bị hư mất, nay lại tìm được con đường chân lý và tìm lại chính mình”.

Và ĐTC ứng khẩu kết luận: “Anh chị em thân mến, câu chuyện quá khứ trên đây nói gì với chúng ta? Đâu là hiện tại của lịch sử ấy? Trước tiên, vấn đề ở đây là sự ưu tiên của giới răn thứ I: “Hãy thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi” và nơi nào Thiên Chúa biến mất thì con người rơi vào vòng nô lệ các thần tượng, như các chế độ độc tài đã chứng tỏ trong thời đại chúng ta, với sự nô lệ của chúng trong việc thờ các thần tượng, và như nhiều hình thức của chủ nghĩa hư vô chứng tỏ, chúng làm cho con người lệ thuộc các thần tượng, và biến họ thành nô lệ.

Điểm thứ hai là: mục đích đầu tiên của kinh nguyện là sự hoán cải: lửa của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sống theo Thiên Chúa, sống cho tha nhân.

Điểm thứ ba là: các Giáo phụ nói với chúng ta rằng cả câu chuyện của một vị ngôn sứ cũng có tính cách tiên tri, nghĩa là một hình bóng tương lai, nói về Chúa Kitô, đó là một bước trên con đường hướng về Chúa Kitô. Và các Giáo phụ dạy chúng ta: “Hãy nhìn lại lửa thật của Thiên Chúa, tình yêu hướng dẫn Chúa cho đến thập giá, đến độ tận hiến toàn thân”. Sự thờ lạy chân thực đối với Thiên Chúa là tận hiến cho Chúa và cho loài người; sự thờ lạy chân thực chính là tình yêu; sự thờ lạy Thiên Chúa không phá huỷ, nhưng đổi mới và biến đổi. Chắc chắn là lửa của Thiên Chúa, lửa của tình yêu, đốt cháy, biến đổi, thanh tẩy, nhưng chính nhờ đó mà lửa ấy không huỷ hoại, trái lại kiến tạo sự thật về con người chúng ta, tái tạo tâm hồn chúng ta. Và như thế chúng ta thực sự sống nhờ hồng ân lửa, nhờ Thánh Linh, nhờ tình yêu Thiên Chúa, qua đó chúng ta trở thành những người thờ lạy Chúa trong tinh thần và chân lý”.

Chào thăm các phái đoàn

Trong phần giới thiệu các phái đoàn lên ĐTC để ngài chào thăm, ngài cũng đưa ra những lời nhắn nhủ cụ thể. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các bạn trẻ và nhóm hành hương từ Đền thánh Belpeuch, và nói: “Trong những ngày sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, xin Chúa Thánh Linh ban cho anh chị em biết đón nhận mỗi ngày lòng từ bi của Thiên Chúa, Đấng đến gặp những yếu đuối và thiếu sót của chúng ta trong đức tin!

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC đặc biệt chào thăm các thành viên Uỷ ban Quốc tế Đối thoại giữa Công giáo và Pentecostal, đồng thời ngài cầu chúc Uỷ ban hoạt động tốt trong giai đoạn đối thoại kế tiếp. ĐTC chào mừng Hội nghị thứ 50 của Hiệp hội quốc tế các Trường và Học viện về Quản trị đang nhóm tại Roma trong những ngày này. ĐTC cám ơn các ca đoàn hiện diện tại buổi tiếp kiến, đặc biệt là ca đoàn Đại học từ Indonesia, vì sự ca ngợi Thiên Chúa qua các bài thánh ca.

Với các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, đến từ Tây Ban Nha, Argentina, Mêhicô và các nước khác thuộc Mỹ châu Latinh, ĐTC nói: “Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy cầu xin Chúa làm cho chúng ta có khả năng trở thành những người trung gian đích thực trước anh chị em chúng ta, qua đó chúng ta chỉ con đường tin tưởng nơi Thiên Chúa duy nhất, Đấng muốn tỏ mình ra cho mọi người để hoán cải và dẫn đưa họ đến ơn cứu độ”.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc nhở: “Tháng 6 vẫn là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong nhiều nhà thờ và cộng đoàn vẫn cử hành các việc đạo đức để kính Thánh Tâm Chúa. Tôi khuyến khích anh chị em giữ cho truyền thống tốt đẹp ấy được sinh động. Xin Thánh Tâm Chúa làm cho con tim của chúng ta nên giống Trái Tim Ngài”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm các tân linh mục thuộc Giáo phận Brescia, bắc Ý và thuộc dòng Chiến sĩ Chúa Kitô. Ngài nói: Các bạn thân mến, hãy vui mừng thi hành trong sự trung thành sứ mạng phục vụ Tin Mừng và Nước Chúa. Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến các thừa sai nam nữ thuộc dòng Đức Mẹ An Ủi, cũng như dòng Nữ Tử Chúa Quan Phòng, đang cử hành tổng tu nghị trong những ngày này. ĐTC nói: “Anh chị em thân mến, tôi khuyên nhủ anh chị em ngày càng trở thành dấu chỉ hùng hồn về tình yêu của Thiên Chúa và là dụng cụ an bình của Chúa”.

ĐTC không quên chào thăm các Đại diện của Liên hiệp Kinh Thánh Công giáo và cầu chúc cho sự dấn thân của Liên hiệp mang lại những hoa trái quý giá, nhất là cho đời sống mục vụ của các Giáo Hội địa phương.