23/11/2024

Nên hay không nên nói gì trong giao tiếp với trẻ?

Trẻ em luôn luôn cố gắng tỏ ra xứng đáng với lòng tin người lớn dành cho. Khi được tin tưởng, chúng cũng sẽ tin tưởng người khác

 

Nên hay không nên nói gì trong giao tiếp với trẻ?

 

Con cái chúng ta lớn lên mạnh mẽ, hạnh phúc, tự tin nếu chúng luôn cảm thấy sự ủng hộ, hậu thuẫn của cha mẹ.

 

“Ba mẹ mình yêu thương mình, tin tưởng mình” – niềm tin này cần cho trẻ như không khí, như nước uống hằng ngày. Nhưng niềm tin này không từ trên trời rơi xuống, không tự nhiên có. Con cái chúng ta muốn và cần nhận được những thông điệp tích cực này thường xuyên từ cha mẹ. Không phải cố tình, không phải nói lấy được, mà phải phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ, khi con bạn không thắng trong một cuộc đua, một trò chơi thi đua nào đó mà bạn lại nói với con rằng “Dù sao cũng khá nhất/ giỏi nhất”, thì điều đó làm trẻ nghi ngờ. Nên nhớ rằng trẻ rất nhạy cảm và chúng ít nhiều biết được khả năng của bản thân. Chúng cảm nhận được khi người lớn không thật tình.

 

Mẹ rất vui sướng/ hạnh phúc vì có con

 

Những đứa trẻ bé xíu của chúng ta tin chắc rằng chính chúng là trung tâm của vũ trụ. Chính vì thế mà chúng thường tự thấy “phải chịu trách nhiệm” về những lo lắng trong gia đình, những điều không may mắn, những lần cãi cọ giữa những thành viên. Chúng thường tự hỏi “Không biết có phải tại mình không nhỉ?”. Vì vậy, trẻ rất cần tin tưởng rằng bạn vui sướng, hạnh phúc vì bạn có chúng. Đừng bao giờ nên nói với trẻ những câu, đại loại như “Chỉ vì con mà mẹ mất bao nhiêu thú vui”, “Chỉ vì con mà mẹ không được đi đâu, không còn bạn bè gì cả”,…

 

Mẹ yêu con

 

Trẻ cần tin rằng bố mẹ yêu chúng vì chính bản thân chúng chứ không phải do điều gì khác. Do đó, đừng bao giờ đưa ra điều kiện với trẻ (Con hãy dọn phòng đi đã. Con không làm theo lời mẹ thì mẹ không yêu con nữa!,…), hay kết nối với hành vi của trẻ (Con nói dối nên mẹ không yêu con nữa. Trẻ sẽ hiểu và cảm thấy yên tâm hơn nếu chúng ta nói: “Mẹ rất yêu con nhưng việc con đánh em là không được.”

 

Mẹ hiểu con

 

Bị mất món đồ chơi ưa thích, bị bạn bè tẩy chay, sợ bóng tối,… tất cả những điều này đều là nỗi đau khổ của trẻ. Trong những trường hợp này trẻ cần được thông cảm và chia sẻ: “Thật đáng tiếc, lần sau chúng ta sẽ cẩn thận hơn, cất vào đúng chỗ sau khi chơi”,… Đừng nói với trẻ rằng “Thôi, chỉ là đồ chơi thôi mà” hay “Cần gì cái cậu bạn ngớ ngẩn ấy”,… Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm để có thể hiểu được cách nhìn nhận sự việc của người lớn.

 

Con là đứa trẻ mạnh mẽ

 

Trẻ cần được khen ngợi và cổ vũ. Điều này cũng là đương nhiên trong ý nghĩ của các bậc cha mẹ. Những câu nói như: “Con làm tốt lắm”, “Mẹ biết thế nào con cũng làm được mà!”, “Bố mẹ hãnh diện về con”,… làm trẻ cảm thấy phấn khởi, được động viên, tiếp sức. Ngược lại, những câu nói như “Hậu đậu!”, “Chả bao giờ thấy mày được tích sự gì?”, “Mít ướt!”, “Không biết đến bao giờ con mới khá lên được?”,… sẽ làm trẻ mất niềm tin vào bản thân, cũng như mất cảm tình với người lớn.

 

Con sẽ xoay sở được

 

Quá trình khám phá thế giới không thể tránh được thất bại và “tai nạn”. Thường thì trong trường hợp này cha mẹ thường vội vã lao đến cứu “quý tử” của mình. Nhưng để tiếp cận dần với cuộc sống của người lớn, để trưởng thành, rõ ràng là trẻ cần phải được học cách tự giải quyết những vấn đề của mình. Thế nên, đừng nói với trẻ rằng “Thôi để đấy mẹ làm cho nhanh”, mà hãy cổ vũ trẻ nếu trẻ chưa thành công: “Con thử lại lần nữa xem, con sắp làm được rồi đấy!”, “Mẹ tin chắc là con sắp thành công rồi”,… Điều này nâng cao tinh thần cho trẻ, tạo cho trẻ sự nâng đỡ tâm lý. Trẻ sẽ không thể cảm thấy thoải mái nếu bạn cứ luôn miệng nhắc “Không biết liệu con có làm nên tích sự gì không đây?”

 

Mẹ tin con 

 

Trẻ em luôn luôn cố gắng tỏ ra xứng đáng với lòng tin người lớn dành cho. Khi được tin tưởng, chúng cũng sẽ tin tưởng người khác. Nếu người lớn thường xuyên tỏ ra nghi ngờ: “Không biết liệu có nên cơm cháo gì không?”, “Không thể lường trước được con sẽ bày ra trò gì nữa!”, “Con thì làm sao được việc đó…”, trẻ sẽ thu mình lại, thiếu tự tin, thiếu cởi mở.

 

Mẹ sẽ luôn bên con

 

“Dù thế nào đi chăng nữa thì cha mẹ sẽ giúp mình” – ý nghĩ này giúp trẻ vượt qua nhiều thử thách. Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gác mọi công việc sang một bên để ở bên cạnh con mình. Nhưng bạn hoàn toàn có thể an ủi trẻ: “Mẹ sắp sửa xong việc rồi, lúc đó mẹ sẽ có thì giờ nghe con kể đầu đuôi mọi chuyện”. Đừng nói “Mẹ không có thì giờ, mẹ không thể nghe con dài dòng văn tự được”. Và nguyên tắc trong mọi trường hợp lỡ lời là “Mẹ xin lỗi, mẹ đã cáu giận không đúng. Nhưng mẹ muốn con biết là mẹ luôn yêu thương con“.