24/12/2024

Hãi hùng rác kênh rạch

Bài viết ngắn này đề cập một điểm nhỏ rất cụ thể, nhưng xem ra lại rất “mãn tính”, đó là tình trạng rác bẩn trên những kênh rạch

Hãi hùng rác kênh rạch

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Thìn đã cất công đi đến những con rạch ô nhiễm nặng vì rác thải ở TP.HCM để chụp ảnh và viết bài gửi đến trang Môi trường. Ông báo động tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân sống gần các con kênh, rạch.

Chủ đề về Ngày môi trường thế giới năm nay là: “Rừng: giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”. Dù chủ đề chung cho toàn cầu là vậy, nhưng với người dân TP.HCM, bên cạnh cái chung của toàn cầu, chúng ta có “điểm nóng riêng” về môi trường sống của mình. Và bài viết ngắn này xin đề cập một điểm nhỏ rất cụ thể, nhưng xem ra lại rất “mãn tính”, đó là tình trạng rác bẩn trên những kênh rạch.

Thông tin cho biết TP.HCM có trên 4.000 kênh rạch có tên và không tên chằng chịt khắp nơi với tổng chiều dài 5.700km. Ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết: “Thành phố có gần 100km kênh rạch có nguy cơ ô nhiễm nặng (theo Tản mạn Kiến trúc & Xây dựng, số 54)”.

Người viết tạm tính như sau: 100km x 2 = 200km (chiều dài hai bờ kênh). 200km hay 200.000m, mà trung bình mỗi nhà ven kênh sở hữu phía sau nhà là “mặt tiền” kênh khoảng 3m. Như vậy số nhà ven kênh rạch loại này khoảng 66.000 nhà và số dân khoảng 264.000 người (tính trung bình bốn nhân khẩu/nhà). Như vậy có khoảng 26 vạn dân sống liên quan trực tiếp kênh rạch đã, đang ô nhiễm nặng nề.

Cho dù rác trên kênh cũng được cơ quan chức năng thu gom, nhưng không thể kịp với tốc độ xả rác vụng trộm, bừa bãi xuống kênh, rạch của những người dân thiếu ý thức cộng đồng. Hậu quả là mặt kênh rạch luôn tồn đọng tất cả các loại rác: xác động vật, thực vật, đồ gia dụng bỏ đi, hộp xốp, túi bao bì thức ăn dư thừa… Các loại rác này cứ dập dềnh lên xuống theo thuỷ triều và đã để lại cho môi trường sống những hậu quả tệ hại.

Tôi đã đến một số điểm nóng của chuyện rác trên kênh rạch như cầu Phú An trên đường Ngô Tất Tố (P.19, Q.Bình Thạnh); rạch Hai Heo chảy ra kênh Văn Thánh, nơi hai chiếc cầu nhỏ “không tên” ở khu phố 7, xóm Lao Động, tổ 63 (P.22, Q.Bình Thạnh); gầm cầu Thị Nghè của kênh Nhiêu Lộc khi triều đang rút… và ôi thôi đầy những rác và rác.

Ba trong số những bức ảnh bác sĩ Nguyễn Thìn chụp ở rạch Hai Heo, gầm cầu Thị Nghè, cầu Phú An… cho thấy người dân ném đủ thứ rác xuống kênh rạch

Đem các ảnh trên trao đổi với nhiều người dân sống ở những khu vực này thì ai cũng than thở. Như ông bà sống ở nhà số 117/115D Nguyễn Hữu Cảnh, xóm Lao Động, sát rạch Hai Heo và cầu nhỏ “không tên” trên 20 năm nay cho biết:  “Cực lắm, ô nhiễm lắm. Nước lên cũng hôi, và nước xuống càng hôi hơn! Chuột bọ, ruồi ở khu này nhiều lắm, nhất là khi nước lên, chúng liều lĩnh vào sống chung với cả người! Ở đây chúng tôi thi thoảng cũng tổ chức lội xuống rạch thu gom, nhưng chẳng ăn nhằm gì vì người dân xả rác dữ quá”.

Vậy để rạch Hai Heo sạch phải làm gì? Ông bà chủ nhà trả lời câu hỏi của tôi: “Kênh rạch nói chung và rạch Hai Heo nói riêng chỉ sạch khi mọi người dân đều chấm dứt xả rác. Muốn thế Nhà nước phải có quy định phạt thật nặng may ra mới sợ. Bên cạnh đó phải thưởng cho người bắt được kẻ vi phạm, đồng thời đưa người vi phạm ra nhắc nhở, kiểm điểm ở khu phố…”.

Thế là đã rõ: hãy làm theo ý của người dân, những người sát sườn với thực tế cuộc sống. Có vậy mới hy vọng cải thiện môi trường sống ngày một tốt hơn.