24/12/2024

Sợ nhất ngày nào cũng nhậu!

Một đất nước có dân số trẻ liệu sẽ phát triển ra sao nếu người dân luôn tìm đến men bia để lúc vui cũng say?

 Sợ nhất ngày nào cũng nhậu!

Hiroyuki Okamoto

– Tôi đã đến Việt Nam được tám tháng và quyết định sẽ ở đây lâu dài bởi công việc, cuộc sống và mọi thứ đều rất hoàn hảo với tôi. Tuy nhiên, một trong những điều tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác khá băn khoăn là văn hoá uống bia rượu ở đây. Người Việt uống bia rượu quá nhiều.

Đi ngang các nhà hàng, tiệm ăn lớn, nhỏ trong thành phố, tôi luôn thấy cảnh tượng quen thuộc là nhiều người ngồi “dô”, “trăm phần trăm”… với nhau bất kể sáng, trưa hay chiều tối.

Một đất nước có dân số trẻ liệu sẽ phát triển ra sao nếu người dân luôn tìm đến men bia để lúc vui cũng say, buồn cũng xỉn, không vui chẳng buồn cũng nhậu? Tại sao họ có nhiều thời gian rảnh rỗi như vậy? Họ có bao giờ nghĩ rằng việc nhậu nhẹt quá đỗi thường xuyên như vậy sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như số vụ tai nạn giao thông ngày một tăng nhanh, sức khoẻ của họ sau này bị ảnh hưởng đáng kể, tỉ lệ bạo hành gia đình tăng cao…?

Thật ra trong quá khứ (khoảng 20 năm về trước), đất nước tôi từng đối mặt với việc người dân bia bọt suốt ngày dẫn tới nhiều tai nạn giao thông và nhiều hậu quả đáng tiếc, càng đau lòng hơn khi đa số nạn nhân đều là người trẻ tuổi. May mắn thay, chính quyền lúc đó đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này.

Họ cho treo băngrôn, dán bảng cổ động và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ với hi vọng giúp người dân nhận ra tác hại của bia rượu… và mọi thứ phần nào được cải thiện đáng kể. Tôi nghĩ đất nước các bạn nên làm những điều tương tự trước khi mọi thứ trở nên quá trễ.

“Bãi bia” trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) đông vui mỗi ngày! – Ảnh: Châu Anh

Ở Nhật Bản hiện nay tuy không có quy định về số lượng bia rượu mỗi cá nhân được phép uống nhưng chúng tôi quy định chặt chẽ về độ tuổi được phép mua và sử dụng chất cồn (từ 20 tuổi trở lên). Bạn sẽ phải trình chứng minh thư nếu muốn sở hữu thức uống có cồn.

Dĩ nhiên người dân ở Nhật cũng uống bia rượu khá nhiều. Tuy nhiên, họ chỉ thường đến nhà hàng để chung vui cùng bạn bè, đồng nghiệp vào mỗi dịp cuối tuần, tuyệt nhiên ngày thường rất ít nhậu nhẹt, say xỉn… Sau một thời gian làm việc trong công ty Mỹ, tôi thấy các đồng nghiệp phương Tây giống người Nhật ở điểm này.

Một điểm nữa, bạn sẽ không được phép điều khiển phương tiện giao thông dù chỉ uống nửa cốc bia. Một khi bạn vi phạm quy định này, cảnh sát sẽ không ngần ngại phạt bạn với mức phí lên tới hàng ngàn USD. Hầu hết người dân khi có men bia rượu trong người đều được khuyến cáo phải đón tàu điện ngầm hoặc taxi, hoặc nhờ người hoàn toàn tỉnh táo chở về. Tất cả những hành động trên đều có một mục đích cuối cùng là đem lại sự an toàn cho cả bạn lẫn những người dân khác.

Ở Việt Nam có lẽ cũng có những luật lệ tương tự liên quan đến giao thông và độ cồn, nhưng dường như cảnh sát chưa thực thi nghiêm khắc nhất nên dù bạn có say xỉn mức độ nào vẫn có thể thản nhiên lao ra đường như bao người khác. Phải thú thật rằng tôi đã chứng kiến quá nhiều tai nạn giao thông đau lòng, khủng khiếp do các ma men gây ra tại Việt Nam.

Nghề của tôi phải giao tiếp và uống rượu bia nhiều với đối tác bởi đây là một trong những “văn hoá” trong kinh doanh dù bạn có làm việc ở Việt Nam, Nhật hay bất kỳ nơi nào… Bên cạnh đó, tôi sống một mình xa nhà nên cũng lắm khi cần một chút giải khuây nỗi buồn. Nhưng tôi tự cho phép mình mỗi tuần chỉ dùng chất cồn từ một tới hai ngày. Và tôi nhận ra khi mình tự nghiêm khắc với bản thân, biết suy nghĩ thấu đáo thì hành động này không quá khó để thực hiện.