24/12/2024

Nhậu và chuyện xin – cho!

hậu ở VN đang diễn ra theo chiều hướng là công việc: một anh trình dược viên cho biết bài kiểm tra cuối cùng để được nhận việc là kiểm tra tửu lượng. Một nhà doanh nghiệp thú nhận vì không biết nhậu mà mất nhiều hợp đồng béo bở…

 Nhậu và chuyện xin – cho!

Đọc bài “Sợ nhất ngày nào cũng nhậu!” của anh Hiroyuki Okamoto trên Tuổi Trẻ ngày 5-6, tôi muốn cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy cái sự nhậu của dân ta vào loại cao thủ.

Singapore, có một phố nhậu nằm trên đường Newton. Đó là một quảng trường nho nhỏ hơn 1.000m2,có chừng trên trăm chiếc bàn và ghế đá. Các quán bán bia và đồ mồi bao quanh khu vực này và ai muốn kêu ở đâu thì gọi. Những lần có dịp sang Singapore, tôi đều đến phố nhậu Newton, và các cô chủ quán nếu biết khách là người VN (đi công tác, du lịch hoặc các du học sinh “du là chính, học là phụ”) thì đều mang ra cả két bia cho tiện! Điều này khác hẳn người bản xứ hoặc du khách các nước khác chỉ kêu từng chai, và mỗi người chỉ uống chừng 2-3 chai thì về.

Tại sao dân ta lại ăn nhậu dữ dội như thế? Tôi đã thử hỏi nhiều người lớn tuổi, sống ở cả hai miền Nam – Bắc khi đất nước chưa thống nhất, và được biết: ở miền Bắc ngày xưa, chuyện uống bia không phổ biến, cuối ngày vào mùa nóng chỉ xếp hàng mua một hoặc hai cốc bia hơi để giải khát rồi về. Còn ở miền Nam, các cụ sau ngày làm việc mệt mỏi tự thưởng một chai bia Con Cọp (750ml) là xong.

Một chuyện lạ nữa là tôi gặp nhiều Việt kiều sang Mỹ định cư từ thập niên 1990, vốn khi ở VN uống bia như hũ chìm nhưng sang đấy nghe đến chữ nhậu là lắc đầu nguầy nguậy!? Người ta giải thích như sau: có nhiều lý do để bỏ được tật uống bia như hũ chìm. Thứ nhất, ở đây (Mỹ) chỉ uống với bạn bè, anh em thật thân tình. Mà số này thì hãn hữu cả vài ba tháng mới gặp nhau một lần, khi ấy tụ họp đến nhà ai đó và uống vài ba chai để làm cớ cho cuộc trò chuyện tâm tình. Thứ hai, họ không dám nhậu “lầy” như ở VN, vì ở đây nhậu xong không dám lái xe về nhà. Cảnh sát mà bắt được thì xử phạt rất nặng. Khác với ở VN, nhậu say đến mấy cũng lái xe đi về bởi dù có bị cảnh sát giao thông thổi thì cùng lắm nộp phạt chút đỉnh…

Tôi chú ý nhiều đến lý do thứ nhất của mấy ông Việt kiều, đó là chỉ nhậu với bạn bè thân tình (hầu hết thế giới đều thế cả) và trộm nghĩ: cái sự nhậu tràn lan ở nước ta hình như liên quan mật thiết đến “cơ chế xin – cho”!? Chính vì nhiều việc ở ta không thật sự rõ ràng, nên muốn đạt một cái gì đó cần phải “xin”, mà ở đâu xin dễ nhất nếu không ngoài bàn nhậu. Uống càng nhiều lại càng dễ xin – dễ cho. Rõ ràng chúng ta khác với hầu hết thế giới, đó là không ưa nhau vẫn nhậu chung.

Nhậu ở VN đang diễn ra theo chiều hướng là công việc: một anh trình dược viên cho biết bài kiểm tra cuối cùng để được nhận việc là kiểm tra tửu lượng. Một nhà doanh nghiệp thú nhận vì không biết nhậu mà mất nhiều hợp đồng béo bở… Vì vậy, muốn kéo chuyện uống bia rượu trở về với cái gốc văn hoá vốn có và cần thiết là điều không dễ làm.


Nhà nước nên tìm cách hạn chế bia rượu

Những gì mà anh Hiroyuki Okamoto chia sẻ trong bài viết tôi thấy rất tâm đắc. Thứ nhất, những nhận định của anh như người VN nhậu nhiều, uống nhiều, không kể thời gian, điều này quả không sai. Bất cứ nơi đâu, khu vực nào ở VN đều có thể bắt gặp quán nhậu, người nhậu. Thứ hai, việc uống rượu thì độ tuổi nào cũng có, tôi chưa dám khẳng định dưới 10 tuổi nhậu, song từng thấy một nhóm học sinh lớp 6 nhậu, học sinh cấp III thì thường xuyên…

Tôi nghĩ các ngành có liên quan cần ngồi lại và bàn bạc về chuyện bao nhiêu tuổi mới được uống rượu. Điều này nên làm vì nhiều quốc gia đã làm như vậy, đây không phải can thiệp quyền cá nhân mà mục đích là bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ tính mạng, đảm bảo thuần phong mỹ tục, đặc biệt là bảo vệ giống nòi dân tộc…

NGUYỄN VĂN DIỄN
(nguoichonthanh@…)