24/01/2025

Ba Bể: thẳm xanh hồ trên núi

“Thiên nhiên đệ nhất hồ” với huyền thoại về chiếc thuyền vỏ trấu và trận đại hồng thuỷ, những động Puông, ao Tiên… cái tên Ba Bể có lẽ không còn xa lạ với mọi người

 Ba Bể: thẳm xanh hồ trên núi

“Thiên nhiên đệ nhất hồ” với huyền thoại về chiếc thuyền vỏ trấu và trận đại hồng thuỷ, những động Puông, ao Tiên… cái tên Ba Bể có lẽ không còn xa lạ với mọi người. Nhưng “trên cả mây trời trên núi xanh”, cảnh sắc “hồ trên núi” nay vẫn dành cho du khách những ấn tượng mới mẻ và thú vị.

Sáng đầu hè trời trong vắt, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn soi bóng xuống lòng hồ xanh màu ngọc bích, dễ làm người ta liên tưởng đến cảnh sắc trong tranh thuỷ mặc. Ít thấy nơi nào mặt nước hồ lại gợi cảm như ở đây. Nước hồ trong xanh sâu thẳm đầy vẻ huyền bí nhưng cũng lai láng, mênh mang.

Cũng núi cũng cây, có nơi thật giống vịnh Hạ Long êm đềm nhấp nhô sóng mặn. Lại có nơi thoáng ánh vàng lay mặt nước hồ Tây “bờ xa mời gọi” hay hệt “gương nước rủ bóng liễu hồ Gươm”. Trong nắng sớm và làn sương mỏng vừa tan, thảm cây rừng sát ngay mép nước, bóng núi với màu xanh muôn sắc độ trầm lặng xa xa. Cảnh quan vừa quen vừa lạ, gợi bao cảm xúc thi vị.

Bắc Kạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh. Màu nước xanh hay màu áo xanh? Hình như ngay từ khi ngồi lên thuyền ai cũng nhớ đến những câu thơ vỡ lòng và nôn nao chờ đợi xuất hiện một bóng áo chàm xanh trên hồ.

Thuyền du lịch có dáng thuyền độc mộc gắn máy, chở khoảng chục người chầm chậm đưa khách ngoạn cảnh rồi rẽ vào sông Năng, một trong ba nguồn nước của hồ. Từ đây nước đổi màu vàng đục, lòng sông nông hơn, sông nhỏ dần như suối, cuộn chảy qua những xóm làng. Những nếp nhà sàn, những mảnh ruộng ven sông đặc trưng bản làng dân tộc Tày.

Dọc theo sông Năng, hai điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn là động Puông với vòm đá cao hàng chục mét, nơi trú ngụ của đàn dơi hàng vạn con và thác Đầu Đẳng với những gộp đá trải dài gần 2km, nước đổ cuồn cuộn, nơi tiếp giáp tỉnh Tuyên Quang.

Nhiều người biết sự tích hồ Ba Bể, câu chuyện về một bà lão bệnh tật bị dân làng xa lánh, được hai mẹ con bà goá nghèo khó nhưng giàu tình thương cưu mang. Bà lão chính là rắn thần giả dạng để thử lòng từ thiện mọi người, đến báo tin trận lụt lớn sắp xảy ra. Hai mẹ con theo lời nên thoát trận đại hồng thuỷ, còn dùng thuyền vỏ trấu cứu giúp mọi người. Hồ Ba Bể, gò Bà Goá, làng Năm Mẫu… sự tích này có lẽ chính là dấu tích của kiến tạo địa chất hình thành hồ cách đây hàng trăm triệu năm…

Bao bọc quanh hồ là hệ thống hàng chục ngàn hecta rừng nguyên sinh trên núi đá vôi thuộc vườn quốc gia Ba Bể. Nhờ vậy khách du lịch có thể dành vài ngày vừa du ngoạn cảnh hồ ghé thăm hai hòn đảo nhỏ, vừa khám phá hang động suối ngầm, dạo cảnh rừng để nhìn ngắm hàng trăm loài động, thực vật.

Ngoài khu nghỉ dưỡng của vườn quốc gia có cả nhà sàn, hồ bơi và các dịch vụ, còn có nhiều nhà nghỉ, quán ăn đậm nét dân tộc, ở đó du khách có thể được thưởng thức đặc sản cá chiên, một loài cá hiếm của vùng này.

NGUYỄN VIỆT BẮC

Thuyền du lịch trôi dưới vòm động Puông – Ảnh: N.V.B.

Hôm nay 5-6, nhân kỷ niệm Ngày môi trường thế giới, Bộ Tài nguyên – môi trường trao quyết định của UNESCO công nhận hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất VN, là khu Ramsar – vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới.

Hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới, có diện tích khoảng 500ha, nằm trên độ cao 178m so với mặt biển, độ sâu trung bình 17-23m, chỗ sâu nhất lên tới 29m, nằm trong quần thể vườn quốc gia Ba Bể với 21 điểm du lịch, danh thắng đặc sắc như hang Dơi, động Puông, Nả Phoòng, Thẳm Kít… Năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, sau các khu Ramsar Xuân Thuỷ, Nam Định (công nhận năm 1988), khu Bàu Sấu, Đồng Nai (công nhận năm 2005), hồ Ba Bể trở thành khu Ramsar thứ ba của VN.

X.L.

————————-

Cuối tuần du ngoạn Ba Bể

Với dân “phượt”, từ Hà Nội, Ba Bể là một điểm đến cuối tuần vừa hấp dẫn, vừa thú vị, vừa phù hợp về mặt thời gian và chi phí. Một lịch trình khám phá Ba Bể “kinh điển”:


Thác Đầu Đẳng bao quanh bởi rừng nguyên sinh – Ảnh: HOÀNG HẠC

Thời gian: hai ngày rưỡi cuối tuần. Chi phí: dưới 1 triệu đồng.

Phương tiện:

– Có thể đi bằng xe máy hoặc thuê ôtô riêng theo đoàn sẽ chủ động nhất. Xuất phát 5g chiều thứ sáu theo quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, nghỉ đêm tại Bắc Kạn (164km). Thứ bảy, từ Bắc Kạn có hai cung đường chạy vào Ba Bể là Bắc Kạn – Phủ Thông – Chợ Rã – Ba Bể (70km) hoặc Bắc Kạn – Bằng Lũng – Ba Bể theo tỉnh lộ 257 và 254 (75km). Đường này tuy xa nhưng cảnh sắc núi rừng hoang sơ và đường sá vắng vẻ hơn.

– Nếu đi bằng xe khách, có thể đón xe Hà Nội – Bắc Kạn từ bến xe Mỹ Đình, sau đó đón xe đi Chợ Rã, cách Ba Bể khoảng 15km. Từ Chợ Rã có thể đi xe ôm vào vườn quốc gia hoặc thuê thuyền chạy dọc sông Năng vào Ba Bể.

Nghỉ đêm: tại nhà sàn truyền thống ở bản Pắc Ngòi, Bó Lù, Cốc Tài. Đốt lửa trại và giao lưu với dân địa phương, khám phá văn hoá hát then, đàn tính của người dân tộc Tày, Nùng sinh sống quanh Ba Bể. Cũng có thể nghỉ tại khách sạn Vườn Quốc Gia Ba Bể. Tuy nhiên, homestay vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của dân “phượt”.

Ăn uống: du khách có thể thưởng thức món lợn sữa quay với rượu ngô, thịt kho trám, gà đồi, lươn rán, rau bò khai…

Các địa điểm khám phá: bến Chòi, động Puông, ao Tiên – hồ nước nhỏ nằm trên đỉnh núi, thác Đầu Đẳng đổ nước từ độ cao trên 50m, các hang động Nả Phòng, động Trời, Pắc Chản, gò Bà Goá, An Mã…

Đi thuyền dạo chơi trên ba hồ lớn Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng thông với nhau bởi sông Năng là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng và đáng giá, thậm chí có thể đi cả ngày không chán. Thuê thuyền từ bến Buốc Lôm hoặc bến chính của ban quản lý vườn quốc gia.

Bản Cám nằm ngay đoạn sông Năng gặp hồ Ba Bể, là nơi bạn có thể khám phá và quan sát cuộc sống thường nhật người dân bản địa với nghề trồng trọt, đánh bắt cá, đi chợ. Đặc biệt người dân bản Cám có thói quen di chuyển bằng thuyền độc mộc – một nét đặc trưng ấn tượng về Ba Bể.

Cách hồ Ba Bể khoảng 6km về phía tây nam thuộc địa phận xã Quảng Khê có động Hua Mạ treo trên núi đá, thạch nhũ muôn màu muôn vẻ, có giá trị lớn về du lịch.