UBCLHB/HĐGMVN: Cổ vũ công lý và hoà bình theo Tin Mừng Chúa Kitô và Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội
“Việc noi gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho mọi người, nhất là những người đang phải chịu nghịch cảnh trong cuộc sống”; và “cổ vũ một nền hoà bình và công lý cho xã hội hôm nay, trước hết là mang khuôn mặt yêu thương của Chúa Kitô đến với mọi người”.
UBCLHB/HĐGMVN: Cổ vũ công lý và hoà bình theo Tin Mừng Chúa Kitô và Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội
TTCG (27-5-2011) – “Hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Kitô và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo; nhờ đó giúp họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội” – đó là mục đích của Uỷ ban Công lý và Hoà bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBCLHB/HĐGMVN), chính thức ra mắt hôm thứ sáu 27-5 tại Hội trường G.B. Phạm Minh Mẫn của Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn.
Tham dự buổi Toạ đàm và Lễ Ra mắt có tất cả 262 tham dự viên, trong đó có ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch UBCLHB, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, GM. GP. Lạng Sơn, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, GM. GP. Cần Thơ, và 59 linh mục, 110 tu sĩ nam nữ của 45 dòng tu và 88 giáo dân và khách mời thuộc Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Nhóm Văn hoá Đức tin, Nhóm Doanh Trí và 19 đoàn thể khác.
Chương trình ngày làm việc gồm 2 phần. Buổi sáng có 3 bài tham luận: Giới thiệu UBCLHB (Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn), Công lý và Hoà bình, thách đố và yêu sách của thời đại hôm nay (Lm. G.M. Lê Quốc Thăng), Công lý và Hoà bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam (Ls. Lê Quốc Quân); và buổi chiều thảo luận về tình trạng công lý và hoà bình tại địa phương (Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp điều phối).
Trong diễn văn khai mạc, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN nhấn mạnh: “Vì hoà bình là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho mọi người, nên để xây dựng hoà bình và cổ vũ công lý, chúng ta cần phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa”. Kế hoạch đó thể hiện rõ nét nơi hành động của Đức Giêsu. Suốt quãng đời tại thế, Đức Giêsu đã động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh: Ngài được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho người bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (x. Lc 4,18-19).
Vì vậy – Đức Cha nói – “việc noi gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho mọi người, nhất là những người đang phải chịu nghịch cảnh trong cuộc sống”; và “cổ vũ một nền hoà bình và công lý cho xã hội hôm nay, trước hết là mang khuôn mặt yêu thương của Chúa Kitô đến với mọi người”.
Đức Cha nhắc lại Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa năm 2010. Trong đó, HĐGMVN đã xác định rằng Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hoá xã hội cũng như kinh tế chính trị. Và khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội Thánh không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội Thánh có thể góp phần vào đời sống của đất nước, nhắm phục vụ tất cả mọi người dân; cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Một cách nào đó – ngài nói – công việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô trong lĩnh vực cổ vũ một nền hoà bình và công lý chân chính sẽ cho mọi người thấy khuôn mặt từ ái của Đức Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Ngài để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Phaolô Nguyễn Thái Hợp, trong phần tuyên bố lý do buổi Toạ đàm, đã trích lời Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” của Công đồng Vatican II: “Đối điện với nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đại đa số nhân loại và để cổ vũ công bằng, đồng thời cổ vũ tình yêu Thiên Chúa đối với những người nghèo khổ tại khắp nơi, Công đồng ước mong thành lập một cơ quan trung ương của Giáo Hội toàn cầu để khích lệ giới Công giáo thúc đẩy công cuộc phát triển những vùng nghèo đói cũng như cổ vũ công bằng xã hội giữa các quốc gia” (GS 90).
Theo đó, để thực hiện ước nguyện thâm sâu của Công đồng, ngày 6-1-1967, ĐGH Phaolô VI đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hoà bình” (HĐGH/CLHB). Hai tháng sau đó, ngài lại ban thông điệp “Phát triển các Dân tộc” (Populorum Progressio). Thông điệp quả quyết rằng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ kỹ thuật không đủ để trái đất này trở nên nhân đạo và dễ sống hơn. Muốn đạt tới phát triển đích thực thì tăng trưởng kinh tế phải đồng hành với phát triển xã hội và thăng tiến con người toàn diện. Thông điệp tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận tách rời kinh tế khỏi vấn đề của con người, phát triển khỏi các nền văn hoá liên hệ. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là con người, mỗi người, mỗi nhóm người, cho đến toàn thể nhân loại”.
Theo định hướng đó – Đức cha nói – “HĐGH/CLHB đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển và liên đới giữa các dân tộc, cổ vũ công lý và hoà bình trên thế giới, tranh đấu cho công bằng xã hội, đề cao nguyên tắc bổ trợ, khích lệ tiến trình dân chủ hoá, tranh đấu cho quyền làm người và tự do tôn giáo, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền, ưu tiên cho lựa chọn người nghèo và luôn đứng về phía người bị áp bức theo đường hướng Tin Mừng”. ĐGH Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội”, rồi ĐGH Bênêđictô XVI trong Thông điệp “Tình yêu trong Chân lý”, cũng tiếp nối đường hướng đó.
Đức Cha nhấn mạnh: “UBCLHB/HĐGMVN được thành lập để cùng với HĐGH/CLHB thực hiện sứ vụ đó trong phạm vi cụ thể của đất nước Việt Nam”.
Qua 3 bài tham luận được trình bày vào buổi sáng, các thuyết trình viên đã giúp cho người tham dự hiểu rõ về thực trạng xã hội, về thực trạng công lý và hoà bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam, cũng như những thách đố và yêu sách về công lý và hoà bình trong thời đại toàn cầu hoá.
Trong phần trình bày của mình, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã giới thiệu hiện trạng xã hội Việt Nam về lĩnh vực công lý và hoà bình giống như một bức tranh có nhiều điểm sáng tối. Có thể kể đến một số điểm tối gây nên tình trạng bất công và bất hoà trong chính lòng người Việt Nam: sống khép kín, giả dối, cầu tài, cầu lợi, cầu an; nhiều bạn trẻ bị tha hoá, buông theo tham vọng và dục vọng (2 triệu ca phá thai/năm, 5 triệu “game thủ” chơi trò chơi trực tuyến mỗi ngày, 5 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ hằng đêm), nghiện rượu, thuốc lá, bạo hành trong gia đình…; sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại bán ra thị trường, bóc lột sức lao động vì đồng lương không đủ bù đắp cho sức lực bỏ ra; nhiều trẻ em phải lao động mà không được học hành (Việt Nam còn khoảng 4 triệu người trên 15 tuổi không được đi học), nhiều phụ nữ bị xâm hại tình dục, nhiều thiếu nữ bị chà đạp nhân phẩm khi phải làm những việc tủi nhục để nuôi sống gia đình…; trong lĩnh vực pháp lý còn nhiều oan sai với hơn 500.000 đơn khiếu nại trong năm 2009…
Cha nhận định rằng “việc cổ vũ và xây dựng công lý và hoà bình phải là phần đóng góp tích cực của mỗi người tín hữu và từng người dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cũng giới thiệu Bản Dự thảo Quy chế của Uỷ ban, trong đó nói đến việc thành lập, sự tương quan của UBCLHB/HĐGMVN với HĐGH/CLHB, điều hành, mục đích, mục tiêu, sứ mạng, nguyên tắc hành động, đối tượng phục vụ, cơ cấu tổ chức và tình nguyện viên của UBCLHB…
Lm. G.M. Lê Quốc Thăng nêu lên những thách đố và yêu sách về công lý và hoà bình trong thời đại toàn cầu hoá, như tình trạng bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo, thiếu tôn trọng công ích… rồi vấn đề về quyền tự do tôn giáo, xây dựng tình liên đới, mưu cầu hoà bình… Cha nhận định: “Để thấy cách thực tế và cụ thể những thách đố cho đường lối công lý và hoà bình của Giáo Hội ở thời đại này, thiết tưởng, cần phải nhìn bối cảnh thế giới toàn cầu hoá qua lăng kính các công việc chính của HĐGH/CLHB. Công việc chính của HĐGH là thực hiện các cuộc nghiên cứu định hướng hoạt động dựa trên giáo huấn xã hội của Giáo Hội do Đức Thánh Cha và hội đồng giám mục công bố”.
Và Cha kết luận: “Công lý và hoà bình là chọn lựa đúng đắn theo tác động của Chúa Thánh Thần ở thời đại hôm nay để Giáo Hội can đảm dấn thân thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô Phục Sinh”.
Luật sư Lê Quốc Quân nói đến thực trạng công lý hoà bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Ông nhắc đến 4 vị Giám mục tiên khởi, những con người uyên bác, luôn ưu tư và thao thức một cách cụ thể cho nền độc lập của dân tộc, đó là Đức cha Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ.
Ông nhận xét rằng không có một cá nhân nào được thanh thản nếu cuộc sống của họ không dựa trên sự thật và không được xây dựng trên công lý và hoà bình; và rằng chúng ta phải vượt trên những khác biệt, chung tay nâng cao dân trí, học hỏi tính phổ quát, xây dựng nền pháp quyền, giáo dục về lẽ phải…
Thực trạng công lý và hoà bình tại Việt Nam đặt ra cho HĐGMVN và UBCLHB một sứ mệnh hết sức quan trọng. Uỷ ban phải được thiết lập một cách có hệ thống và là nơi tư vấn để đưa ra những quyết định đúng đắn trong những thời điểm nhạy cảm của đất nước, tránh những xung đột khắc nghiệt trong tương lai. Trong đó, đối thoại và hợp tác đã trở thành nguyên tắc và là vấn đề bao trùm toàn thế giới ngày hôm nay. Phương hướng đối thoại và hợp tác của Giáo hội Việt Nam với Nhà nước cũng được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rõ trong huấn từ cho các Giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad Limina 2009.
Ông góp ý rằng muốn có đối thoại thì con người phải có thực lực phục vụ. Và do vậy, UBCLHB phải trở thành một Uỷ ban có cơ cấu rõ ràng, từ HĐGM cho đến từng giáo xứ. Đồng thời phải tập hợp được những người có tâm và có tài, dám hy sinh vì công lý và hoà bình. Trước tiên, những nhân tố đó phải tích cực giảng dạy, giúp cho người Công giáo, và sau đó là nhân dân hiểu được Học thuyết Xã hội Công giáo. Nhờ hiểu được quan điểm của Giáo Hội về xã hội mà các cuộc đối thoại sẽ được thoải mái, tạo tâm lý tự tin cho tất cả các bên. Uỷ ban cũng có thể thành lập một văn phòng tư vấn pháp lý, hỗ trợ và tư vấn cho nhân dân khi gặp những vấn đề khó khăn hoặc bất công.
Buổi chiều, trước khi chính thức ra mắt ban điều hành của Uỷ ban, các tham dự viên đã cùng thảo luận nhóm với 3 câu hỏi: Công lý hoà bình tại địa phương như thế nào? Đâu là định hướng hoạt động của UBCLHB? Thế nào là người Công giáo tốt và là người công dân tốt?
Trong phần đúc kết thảo luận, Đức cha Chủ tịch Uỷ ban nhận xét rằng những góp ý quý báu của tất cả các tham dự viên trong phần thảo luận nhóm soi sáng thêm cho các vấn đề phức tạp về công lý và hoà bình, cũng như giúp ban điều hành đưa ra những định hướng cụ thể cho hoạt động của Uỷ ban.
Sắp tới, UBCLHB sẽ cấp tốc đào tạo nhân sự, phổ biến Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, nghiên cứu về những yêu sách và thách đố của đất nước, cũng như của thời đại, thu thập và đánh giá những thông tin về bối cảnh chính trị, kinh tế – xã hội, nhất là về điều kiện sống, cũng như tình trạng nhân phẩm, nhân quyền trong thực tại hôm nay.
Trong tương lai gần, sẽ có một cuộc họp giữa Uỷ ban Trung ương với các Trưởng ban CLHB tại các giáo phận để hoạch định đường hướng hoạt động, biên soạn chương trình đào tạo, tổ chức các khoá tập huấn, các buổi toạ đàm, thiết lập mạng lưới tổ chức từ trung ương đến các giáo xứ…
Kết thúc buổi toạ đàm, Ban Tổ chức đã làm thủ tục ra mắt UBCLHB, đồng thời giới thiệu Ban Điều hành Uỷ ban Trung ương: Chủ tịch: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp; Tổng Thư ký: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn; Trợ lý Tổng Thư ký: Ông Augustinô Vương Đình Chữ; và 22 linh mục đại diện 22 giáo phận tham dự buổi Toạ đàm và Lễ Ra mắt: Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hưng Hoá, Hải Phòng, Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Ban Mê Thuật, Kontum, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Mỹ Tho, Bà Rịa, Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Xuân Lộc, Phan Thiết.