Chúa Nhật V PS – A: Chúng ta đã xem thấy Thiên Chúa

Hãy gắn bó với Chúa Giêsu nhiều hơn để tất cả mọi người chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa Cha trong con người hèn yếu, tầm thường, tội lỗi của mình

Chúng ta đã xem thấy Thiên Chúa

Hành Khất Kitô

Lời mở

Một trong những niềm mơ ước lớn lao của con người là được xem thấy thần linh, xem thấy Thiên Chúa. Tông đồ Philipphê đã nói lên điều đó (x. Ga 14,8). Nhưng, con người có thể thấy được Thiên Chúa cao cả vô song và là tinh thần tuyệt đối không?

Qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 14,1-12), chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với ông Philipphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu việc con người xem thấy Thiên Chúa được hiểu và thể hiện như thế nào trong dòng lịch sử nhân loại.

1. Thấy được thần linh

Đi ngược dòng lịch sử của nền văn minh nhân loại, con người nguyên thuỷ biết suy tư xuất hiện cách đây khoảng 40 ngàn năm. Vào thời nguyên sơ đó, con người nghĩ rằng mình có thể xem thấy thần linh bởi vì thần linh đối với họ là những sức mạnh thiên nhiên trong vũ trụ vạn vật. Khi thấy sấm chớp, sét đánh chết người, họ bảo đó là thần sấm chớp, thần thiên lôi; thấy nước biển tràn vào xoá đi cả một vùng rộng lớn, người ta tin có thần biển; thấy mặt trời nóng cháy thiêu đốt những cánh rừng, người ta tôn thờ thần mặt trời. Tất cả những sức mạnh thiên nhiên ấy mạnh hơn con người, vượt lên trên con người nên con người cho đó là thần linh. Con người tôn thờ các sức mạnh đó: người Trung Mỹ tin vào thần mặt trời, người Nhật Bản gọi mình là con cháu Thái dương Thần nữ (cờ của Nhật có hình mặt trời).

Người nguyên thuỷ thấy sức mạnh của những con vật hơn mình cũng tôn thờ chúng như thần. Người Slavơ (Nga) nghĩ rằng họ là những đứa con của gấu mẹ vĩ đại; người da đỏ ở Hoa Kỳ thờ con đại bàng; người Ấn Độ thờ con bò cái vì nó là biểu tượng của sự sinh sản; người Ai Cập thờ con rắn hổ mang… Chúng trở thành những vật tổ của các dân tộc.

2. Sáng tạo thần linh

Khi tâm trí và sức mạnh con người mở mang và phát triển nhiều hơn, con người thắng được các sức mạnh thiên nhiên ấy nên chúng không còn là thần, hay vật tổ của dân tộc. Bây giờ tâm trí con người hướng đến những hoạt động tinh thần và những hoạt động ấy phải do những thần chi phối nên họ tôn thờ những vị thần đó. Dù không thấy được thần linh, nhưng nhờ tinh thần, họ sáng tạo ra các thần thoại truyền thuyết, gọi tên và mô tả các thần, tạc tượng để tôn thờ. Người Hy Lạp cho rằng con người chiến tranh với nhau là do thần Mars thôi thúc, nên có thần chiến tranh. Những sinh hoạt nghệ thuật thi ca do thần Minerva cai quản, sắc đẹp do thần Venus hay Diana chi phối. Vị thần cao cả nhất tên là Zeus đối với người Hy Lạp, và thần Jupiter đối với người Rôma.

Người phương Đông cũng tin có rất nhiều thần, mỗi thần cai quản một phương trời, một số sinh hoạt khác nhau của con người và vũ trụ. Ta có thể kể tên các thần linh ấy theo thần thoại của mỗi dân tộc. Như đó chỉ là những vị thần do trí tưởng tượng của con người đặt tên và khám phá cách đây khoảng bốn ngàn năm trước chứ không có thật trong thực tế.

3. Thần linh của các tôn giáo

Tuy nhiên, khi tâm trí con người mở rộng hết sức thì người ta nhận ra rằng tất cả những gì hiện hữu trong cuộc sống đều bắt nguồn từ một đấng nào đó: con người có sự sống và sự thật, có tình yêu và hạnh phúc thì những thứ đó không thể tự nhiên mà có, nhưng phải bắt nguồn từ một đấng thiêng liêng. Đấng đó thật sự là nguồn tình yêu, nguồn sự sống, nguồn chân thiện mỹ. Người ta có thể gọi đấng đó theo những tên khác nhau của mỗi tôn giáo: Đức Chúa Giavê (Do Thái giáo), Brahman (Đại Ngã-theo Ấn Độ giáo), Đức Thánh Allah (Hồi giáo), Đấng Chí Tôn, Đấng Cao Đài (Thượng Đế), Thiên Chúa (Kitô giáo)…

Dưới sự soi sáng của Thiên Chúa, người Do Thái hiểu rằng Thiên Chúa là đấng Giavê nghĩa là tự hữu, nguồn của tất cả những gì có thật trong cuộc sống con người cũng như của vũ trụ. Ngài là tinh thần tuyệt đối có những đặc tính như toàn năng, toàn tri, hằng hữu, phi khổ luỵ, hoàn toàn đơn thuần và bất dịch (x. Denzinger 3001).

Tất cả những tôn giáo ấy đều giới thiệu cho chúng ta một vị Thiên Chúa là thần linh cao cả, ở xa tắp tít trên trời cao mà con người chỉ biết cúi đầu tôn thờ, sợ hãi chứ không thể nào vươn tới, không thể xem thấy, đón nhận, hoà nhập được với vị thần linh đó.

Nếu ai xem thấy vị ấy thì sẽ chết (x. Tp 6,22; 13,22), sẽ bị thiêu rụi, tiêu tan như vật thể nào đến gần mặt trời. Ông Môsê đã kể lại kinh nghiệm, dù rất thân thiết với Thiên Chúa, nhưng cũng chỉ nhìn được phía sau lưng Ngài chứ không nhìn tận mặt (x. Xh 33,23)

4. Thiên Chúa rất gần gũi của Kitô giáo

Chỉ có Kitô giáo mới giới thiệu một vị Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta xem thấy, để chúng ta cùng ăn, cùng uống với Người, để Người hoà nhập và biến đổi chúng ta trở thành Thiên Chúa như Người. Đó là nhờ Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã trở thành Người (Ga 1,14). Chính qua mầu nhiệm nhập thể ấy mà Thiên Chúa trở thành một người ở giữa chúng ta, chia sẻ thân phận con người với chúng ta để chúng ta có thể xem thấy, tiếp xúc với Người, có thể hoà nhập, yêu mến Người. Đó là chuyện của 2000 năm trước đối với Đức Giêsu, trước khi Người chịu chết và sống lại.

Khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, sự hoà nhập của Người không phải chỉ dành cho các tông đồ và người Do Thái cách đây 2000 năm, Người thực hiện một cuộc sáng tạo mới qua sự phục sinh của Người để trở thành một con người đang sống giữa chúng ta, hiện diện bên cạnh và trong con người của chúng ta để chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, lòng nhân hậu và quyền năng của Chúa Cha.

Vào thời Chúa Giêsu, trước khi Người chịu chết, các tông đồ đã tận mắt thấy Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ và họ cảm nghiệm được tình thương, quyền năng của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại, họ cảm nghiệm được Chúa Giêsu là sự sống; khi Chúa Giêsu dạy họ những điều khôn ngoan, họ cảm nghiệm được Người là sự thật. Người chính là con đường dẫn đến sự thật và sự sống của Thiên Chúa (x. Ga 14,6).

Nhưng đó là dành cho các tông đồ và các môn đệ trước khi Người sống lại cách đây 2000 năm. Còn sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người trở thành một vị Thiên Chúa ở với con người, ở mãi với con người và hiện diện trong từng con người để chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc, tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa như các tông đồ xưa. Chúa Giêsu nói với Philipphê, cũng như với chúng ta ngày nay: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Con không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ư? Bằng không thì các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm” (Ga 14,10).

5. Cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện

Chúa Giêsu đang làm cho chúng ta biết bao nhiêu điều lạ lùng, đã ban cho chúng ta biết bao nhiêu ân huệ, từng giây phút sống là chúng ta có thể cảm nghiệm được sự sống, tình yêu, quyền năng của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta để chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Chúa Cha cho người khác.

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm mới xảy ra vào sáng nay:

Sáng thứ Bảy hôm qua, khi tôi làm lễ lúc 4g45 cho các chị em dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán ở quận 5, Tp.HCM, một nữ tu đến xin tôi chữa cho một người chị em trong dòng. Chị này 22 tuổi, sau khi rước lễ, chị không nhìn thấy được gì hết. Trong vài năm vừa qua, nhiều lần sau khi nhìn thấy tượng Thánh giá hay Thánh Thể là chị ngã xuống bất tỉnh. Có lẽ Chúa muốn giao cho chị một sứ mạng nào đó.

Lần này cũng vậy, các chị em đưa chị vào phòng khách ngồi nghỉ để sau khi tôi làm lễ xong xin tôi cầu nguyện chữa lành cho chị. Tôi lo lắng không biết làm gì để giúp đỡ, nhưng nhớ đến bài Phúc Âm hôm nay: “Đức Giêsu nói: “Ai tin vào Thầy thì người đó sẽ làm được những việc Thầy làm, và họ còn làm những việc lớn lao hơn vì Thầy đến cùng Chúa Cha”. Vì thế, tôi đặt tay cầu nguyện cho chị, xin Chúa Giêsu là ánh sáng chữa lành đội mắt để chị có thể xem thấy. Rất lạ lùng, chỉ trong 1 phút là chị đã nhìn thấy lại. Sáng nay, trong thánh lễ, chị lên đọc bài đọc thứ II như muốn nói lên bằng chứng về tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đã chữa cho chị.

Kết luận

Chúng ta thấy rằng khi gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta được Người chia sẻ cho bình an, niềm vui, hạnh phúc để chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Cha Trên Trời cho tất cả mọi người. Đó cũng là lời cầu chúc của chúng tôi gửi đến tất cả anh chị em và mong anh chị em gắn bó với Chúa Giêsu nhiều hơn để tất cả mọi người chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa Cha trong con người hèn yếu, tầm thường, tội lỗi của mình.