23/11/2024

Cầu nguyện và không ngừng làm cho Nước Chúa được hiển trị

Đức Kitô là đường dẫn đến Cha, là sự thật mang lại một ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của con người, và là nguồn sống mang lại niềm vui vĩnh cửu cùng với các Thánh trên Nước Trời

 Cầu nguyện và không ngừng làm cho Nước Chúa được hiển trị

 

Bài giảng lễ nhân chuyến viếng thăm Tông Toà tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ

và viếng thăm Liên Hiệp Quốc

Tại vận động trườngYankee Stadium, Bronx, New York

Chúa Nhật V Phục Sinh, 20/4/2008

 

Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,

 

Trong bài Phúc Âm mà chúng ta vừa mới nghe đọc, Đức Giêsu nói với các Tông đồ hãy tin vào Người, vì Người là “đường, là sự thật và là sự sống“ (Ga 14, 6). Đức Kitô là đường dẫn đến Cha, là sự thật mang lại một ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của con người, và là nguồn sống mang lại niềm vui vĩnh cửu cùng với các Thánh trên Nước Trời. Chúng ta hãy chấp nhận lời Người đề nghị! Chúng ta hãy canh tân đức tin vào Người, và hy vọng vào lời Người phán hứa!

 

Cùng với lời khuyến khích anh chị em kiên vững trong đức tin của Thánh Phêrô (x. Lc 22. 32; Mt 16, 17), tôi thân ái chào tất cả anh chị em. Tôi xin cám ơn Đức Hồng y Egan đã thay mặt anh chị em nói lên lời chào hỏi thân tình. Trong Thánh lễ này, Giáo Hội Hoa Kỳ kỷ niệm hai trăm năm ngày thiết lập các Toà New York, Boston, Philadelphie và Louisville, kể từ ngày phân chia Toà “Mẹ“ Baltimore. Sự hiện diện của người Kế vị Thánh Phêrô nơi bàn thờ này, sự hiện diện của các chư huynh Giám mục và linh mục của người, của các phó tế, của các tu sĩ nam nữ, và của các giáo dân từ năm mươi Tiểu bang Hoa Kỳ, đã biểu lộ một cách thật hùng hồn sự hiệp thông của chúng ta trong đức tin công giáo được các Tông đồ chuyển trao lại cho chúng ta.

 

Việc cử hành ngày hôm nay cũng là dấu hiệu nói lên sự tăng triển đầy ấn tượng, được Thiên Chúa chúc phúc cho Giáo Hội của đất nước anh chị em trong suốt hai trăm năm vừa qua. Từ một đoàn chiên bé nhỏ như đã được mô tả trong Bài đọc một, Giáo Hội của Chúa đã được xây dựng tại Hoa Kỳ, trong sự trung thành vâng giữ hai giới răn mến Chúa và yêu người. Trong một đất nước tự do và có nhiều cơ hội này, Giáo Hội đã quy tụ được nhiều đoàn chiên rất khác biệt nhau trong việc tuyên xưng cùng một đức tin, và qua nhiêu công trình giáo dục, bác ái, và cứu tế xã hội, Giáo Hội cũng đã cộng tác một cách đầy ý nghĩa vào trong sự tăng triển của toàn bộ xã hội Hoa Kỳ.

 

Kết quả to lớn này đã được thực hiện không phải là không có những thách đố.Bài đọc một ngày hôm nay, được rút ra từ sách Công vụ Tông đồ, có đề cập đến những căng thẳng trong cộng đồng Giáo Hội sơ khai, xét về mặt ngôn ngữ và văn hoá. Đồng thời, điều này cũng cho ta thấy quyền năng của Lời Chúa, được các Tông đồ loan báo một cách có thế giá, và đã được dân chúng đón nhận trong đức tin, để tạo nên một sự hợp nhất vượt lên trên những chia rẽ, được xem là kết quả của những giới hạn và yếu đuối của con người. Ở đây, một chân lý nền tảng đã được nhắc lại cho ta: sự hợp nhất của Giáo Hội không có nền tảng nào khác ngoài Lời của Chúa hoá thành nhục thể trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Tất cả những dấu hiệu bên ngoài về căn cước tính, tất cả những cơ cấu, những hội đoàn, và những chương trình, tất cả đều có giá tr,ị và thậm chí, còn thiết yếu nữa là đàng khác, thì cuối cùng rồi, chúng chỉ hiện hữu là để nâng đỡ, và hỗ trợ sự hợp nhất sâu xa, là ân huệ không hề bị mai một mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Giáo Hội Người.

 

Bài đọc một cũng cho ta thấy rõ ràng sự hợp nhất của Giáo Hội cũng là “tông truyền“, như chúng ta đã thấy rõ điều này qua việc các Tông đồ đặt tay trên các phó tế đầu tiên. Đây là một sự hợp nhất hữu hình, được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ đã được Đức Kitô chọn để làm chứng cho việc Người sống lại, và sự hợp nhất này được phát sinh từ điều mà Kinh Thánh gọi là “tuân phục đức tin” (Rm 1, 5; x. Cv 6, 7).

 

“Quyền hành“… “tuân phục“. Thật ra mà nói thì những từ ngữ này ngày hôm nay khó mà được đề cập đến. Những từ ngữ như thế được xem là một “viên đá vấp phạm“ cho nhiều người đương thời, đặc biệt là ở trong một xã hội đề cao giá trị của sự tự do cá nhân. Tuy nhiên, ở trong màn đêm đức tin, trong Đức Giêsu Kitô là “đường, là sự thật và là sự sống“, chúng ta đã dần dần thấy được ý nghĩa, giá trị, và ngay cả vẻ đẹp của những từ ngữ ấy.Tin Mừng dạy chúng ta rằng tự do đích thật, tự do của con cái Thiên Chúa, chỉ có thể tìm thấy được trong sự quên mình, một sự quên mình thuộc về mầu nhiệm tình yêu. Chúa nói với chúng ta, chỉ khi nào ta đánh mất chính mình, thì lúc đó, chúng ta mới thật sự tìm lại được chính mình (x. Lc 17, 33). Sự tự do đích thật chỉ nở hoa, khi chúng ta thoát khỏi gánh nặng tội lỗi che mờ tri giác chúng ta, và làm suy yếu những điều chúng ta đã quyết định, để tìm thấy cội nguồn hạnh phúc tối hậu của mình trong Đấng là tình yêu vô biên, là tự do vô biên, là sự sống vô viên. “Trong tôn ý của Người, chúng ta tìm được sự bình an“.

 

Như thế, tự do đích thật là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, là hoa quả của sự hoán cải quay về với chân lý của Chúa, chân lý làm cho chúng ta được tự do (x. Ga 8, 32). Và trong phạm vi riêng biệt của mình, tự do trong chân lý này mang lại cho ta một cách nhìn thực tế một cách mới mẻ và có tính giải phóng. Một khi chúng ta mặc lấy “tinh thần của Đức Kitô“ (x. Pl2, 5), thì những chân trời mới sẽ được mở ra trước mắt chúng ta! Dưới ánh sáng đức tin, trong sự hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta cũng tìm thấy được sự linh ứng và sức mạnh để trở nên men Phúc Âm cho thế giới. Chúng ta trở nên ánh sáng cho thế gian và muối cho đời (x. Mt 5, 13-14), và được giao cho nhiệm vụ “tông đồ“ là làm cho cuộc đời chúng ta, và làm cho thế giới, nơi chúng ta sinh sống, ngày càng thích hợp hơn với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.

 

Thị kiến tuyệt vời về một thế giới được chân lý giải phóng của Tin Mừng biến đổi được phản chiếu qua Giáo Hội, mà chúng ta thấy được mô tả trong bài đọc hai ngày hôm nay. Thánh Tông đồ nói với chúng ta rằng Đức Kitô phục sinh từ trong kẻ chết là đỉnh vòm của một đại đền thờ ngày nay vẫn còn được xây dựng lên trong Thần Khí. Và chúng ta, với tư cách là những chi thể của Nhiệm thể này, nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã trở nên những “viên đá sống động“ của đền thờ này, nhờ ơn được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, được chúc lành nhờ sự tự do của con cái Thiên Chúa, và được quyền dâng những của lễ hy sinh thiêng liêng đẹp lòng Người (x. 1 P 2, 5). Và đâu là của lễ mà chúng ta được mời gọi để dâng lên cho Thiên Chúa, nếu không phải là quy hướng mọi tư tưởng, mọi lời nói và hành động của chúng ta về chân lý của Tin Mừng, và vận dụng mọi năng lực của chúng ta để phục Nước Chúa? Chỉ có như thế chúng ta mới có thể cùng xây dựng với Thiên Chúa, trên nền tảng độc nhất là Đức Kitô (x. 1C 3, 11). Chỉ có như thế cuộc đời chúng ta mới có thể tìm thấy được một ý nghĩa tối hậu và mang lại hoa trái vĩnh cửu!

 

Ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm hai trăm năm chia sẻ nguồn nước trong lịch sử Giáo Hội của anh chị em tại Hoa Kỳ: đây là chương lớn đầu tiên trong sự tăng triển của Giáo Hội anh chị em.Trong suốt hai trăm năm qua, bộ mặt của cộng đoàn Công giáo trong đất nước anh chị em đã thay đối nhiều. Chúng ta nghĩ tới những làn sóng di dân nối tiếp nhau, với những truyền thống đã làm cho Giáo Hội tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được thêm phong phú. Chúng ta nghĩ tới đức tin vững chắc đã xây dựng hệ thống các nhà thờ, các cơ sở giáo dục, y tế và cứu tế xã hội, mà từ lâu đã là dấu hiệu của Giáo Hội trong quốc gia này. Chúng ta cũng nghĩ đến vô số các bậc làm cha làm mẹ đã chuyển trao đức tin cho con cái mình, nghĩ đến thừa tác vụ vững chắc của rất nhiều linh mục đã tận hiến cuộc đời mình để chăm sác các linh hồn, và nghĩ đến sự đóng góp không kể xiết của rất nhiều tu sĩ nam nữ, không chỉ bằng lòng dạy dỗ các thế hệ tương lai, như dạy đọc, dạy viết, mà còn giúp cho các thế hệ tương lai ước muốn nhận biết Thiên Chúa, yêu mến và phục vụ Người. Có biết bao “của lễ thiêng liêng làm đẹp lòng Thiên Chúa“ đã được dâng lên cho Người trong những thế kỷ vừa qua! Trong một đất nước tự do tôn giáo như thế này, người Công giáo không những được tự do sống đức tin của mình, mà còn được tự do tham dự một cách đầy đủ vào trong các sinh hoạt của đời sống dân sự, bằng cách mang lại những xác tín luân lý sâu xa nhất của mình nơi công sở, cũng như cộng tác với những người lân cận của mình, để kiến tạo một thế giới sống động và dân chủ. Việc cử hành lễ kỷ niệm hôm nay, không những chỉ là một dịp để tri ân Thiên Chúa, vì những hồng ân đã lãnh nhận, mà còn là một lời mời gọi ta tiến bước một cách quả quyết hơn, để biết sử dụng một cách khôn ngoan những ân huệ tự do Chúa đã ban, và làm thế nào để xây dựng được một tương lai đầy hy vọng cho các thế hệ tương lai.

 

“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, quốc gia thánh thiện, dân tộc được Chúa chuộc về, để ca ngợi Đấng đã kêu gọi anh em từ bóng tối tăm đến ánh sáng kỳ diệu của Người“ (1P 2, 9). Những lời nói trên đây của Thánh Tông đồ Phêrô không những chỉ nhắc cho ta nhớ đến tước vị mà chúng ta có được nhờ ân sủng Chúa; nhưng còn đặt ta đối diện với một thách đố phải luôn sống trung thành hơn với di sản vinh quang mà chúng ta đã lãnh nhận được trong Đức Kitô (x. Ep 1, 18). Những lời nói ấy còn đặt chúng ta đối diện với một thách độ phải tự vấn lương tâm, để thanh luyện tâm hồn, để canh tân lời cam kết của chúng ta trong ngày lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, là từ bỏ Satan cùng với tất cả những lời hứa hẹn rỗng tuếch của nó. Những lời nói ấy cũng còn đặt chúng ta đối diện với một thách đố phải là một dân tộc vui tươi, phải là những truyền lịnh sư mang niềm hy vọng không thể tàn phai (x. Rm 5, 5), niềm hy vọng phát sinh từ niềm tin vào lời Chúa và lời hứa của Người.

 

Cứ mỗi ngày, dọc suốt đất nước này, anh chị em, và biết bao nhiêu người lân cận với anh chị em, cũng đều cầu nguyện với Cha trên trời, bằng chính những lời Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Nước Cha trị đến“. Lời kinh này cần phải đào tạo tâm trí và con tim của mỗi Kitô hữu sinh sống trong quốc gia này. Lời kinh này cần phải mang lại hoa trái, qua cách sống của anh chị em, qua cách xây dựng gia đình và cộng đoàn của anh chị em. Lời kinh này phải cấu tạo nên những “địa điểm hy vọng mới“ (x. Spe Salvi , Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, s. 32tt) cho Nước Chúa được hiển trị cùng với sức mạnh cứu độ.

 

Thường xuyên cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến có nghĩa là luôn tìm xem những dấu chỉ Nước Chúa hiện diện, và làm cho Nước Người được tăng triển trong mọi môi trường của xã hội. Điều này cũng có nghĩa là nêu rõ những thách đố hiện tại và tương lai, bằng cách tin tưởng vào chiến thắng của Đức Kitô, và dấn thân làm cho Nước Người được lan rộng. Điều này cũng còn có nghĩa là không đánh mất lòng can đảm khi phải đương đầu với chống đối, nghịch cảnh và gương mù, gương xấu. Điều này cũng còn có nghĩa là vượt thắng mọi phân chiagiữa đức tin và cuộc sống, là đối nghịch lại những nguỵ phúc âm về tự do và hạnh phúc. Điều này cũng còn có nghĩa là bác bỏ một sự lưỡng phân sai lạc giữa đức tin và đời sống chính trị, bởi vì, như Công đồng chung Vatican đã nói: “Không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa“ (Lumen gentium , Ánh sáng muôn dân, 36). Điều này cũng còn có nghĩa là phải làm việc để cho xã hội, và nền văn hoá Hoa Kỳ, được phong phú nhờ vẻ đẹp, và sự thật của Tin Mừng, và không bao giờ vuột mất niềm hy vọng lớn lao sẽ mang lại một ý nghĩa, và giá trị cho tất cả những niềm hy vọng khác đang thôi thúc cuộc đời chúng ta.

 

Các bạn thân mến, và sau đây là thách đố đặc biệt mà người Kế vị Thánh Phêrô, ngày hôm nay, muốn trình bày cho các bạn. Với tư cách là “dân được chọn, hàng tư tế vương giả, quốc gia thánh thiện“, các bạn hãy trung thành dõi theo bước chân của những ai đã đi trước các bạn! Các bạn hãy làm cho Nước Chúa mau hiển trị trên quốc gia này! Các thế hệ đi trước đã để lại cho các bạn một di sản thật ấn tượng. Ngày hôm nay cũng thế, cộng đoàn Công giáo trên đất nước được mọi người biết đến, qua chứng tá tiên tri của mình trong việc bảo vệ sự sống, giáo dục giới trẻ, chăm sóc người nghèo, bệnh nhân, ngoại kiều sinh sống giữa các bạn.Trên những nền tảng chắc chắn này, giờ đây, tương lai của Giáo Hội tại Hoa Kỳ cũng phải bắt đầu vươn lên!

 

Ngày hôm qua, ở vào một địa điểm không xa đây bao nhiêu, tôi cảm động nhìn thấy trên gương mặt của những bạn trẻ quy tụ về Dunwoodie bừng lên niềm vui,hy vọng và tình yêu dành cho Đức Kitô. Họ là tương lai của Giáo Hội, và đều xứng đáng được anh chị cầu nguyện và nâng đỡ. Và tôi muốn kết thúc bài giảng này, bằng cách khuyến khích họ một cách đặc biệt.Các bạn trẻ thân mến, cũng như bảy bạn thanh niên, “đầy tràn Thánh Thần và khôn ngoan“, được các Tông đồ giao cho nhiệm vụ chăm sóc Giáo Hội còn non trẻ, ước gì các bạn biết xem xét và lãnh nhận trách nhiệm, mà niềm tin vào Đức Kitô đã đặt ra trước mắt các bạn! Ước gì các bạn tìm được sự can đảm để loan báo Đức Kitô “cũng là Đấng hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời“, cũng như loan truyền các chân lý bất di bất dịch đặt nền tảng nơi Người (x. Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng, s. 10; Dt 13, 8). Đó là những chân lý giải phóng chúng ta! Chỉ có những chân lý này mới có thể bảo đảm cho việc tôn trọng nhân phẩm, và quyền bất khả chuyển nhượng của mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ, và mỗi trẻ em trên toàn thế giới – kể cả những con người dễ bị thương tổn nhất, em bé trong lòng mẹ cần được sinh ra.Trong một thế giới mà Ladarô vẫn còn tiếp tục đứng ngoài cửa nhà chúng ta, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại cho ta, khi người phát biểu cũng chính tại địa điểm này, (Bài giảng tại Vận động trường Yankee, ngày 2/10/1979, s. 7), các bạn hãy để cho đức tin và tình yêu của mình sinh hoa kết trái, để phục vụ người nghèo, người bần cùng, những người thấp cổ bé họng. Hỡi các bạn thanh niên nam nữ Hoa Kỳ, tôi khuyến khích các bạn hãy mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa, để bước theo Người trong chức linh mục, và đời sống tu trì. Liệu có thể có một dấu hiệu tình yêu nào lớn hơn là dõi bước theo Đức Kitô, là Đấng đã thí mạng sống mình vì bằng hữu (x. Ga 15, 13)?

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa hứa cho các môn đệ của Người là họ sẽ còn làm được nhiều điều lớn lao hơn thế nữa (x. Ga 14, 12). Các bạn thân mến, chỉ một mình Thiên Chúa quan phòng mới biết được là Người còn phải mang lại những công việc nào cho cuộc đời các bạn, cũng như cho cuộc sống của Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lời hứa của Đức Kitô càng làm cho chúng ta thêm hy vọng vững chắc. Giờ đây, chúng ta hãy kết hợp lời kinh của chúng ta với lời kinh của Người, như thể những viên đá sống động trong ngôi đền thiêng liêng này là chính Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Người, bởi vì giờ đây, Người cũng đang chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong nhà Cha. Và cậy nhờ sức mạnh Thánh Thần của Người, với một lòng nhiệt tâm mới, chúng ta hãy ra công làm việc để cho Nước Người được lan rộng.

 

“Hạnh phúc cho những ai tin!“ (x. 1 P 2, 7). Chúng ta hãy hướng về Đức Giêsu!Chỉ mình Người là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu, là sự thật đáp ứng được mọi ước vọng sâu xa nhất của bất cứ tâm hồn nào, và là sự sống mang lạiniềm vui và hy vọng luôn luôn mới mẻ cho chúng và cho toàn thể thế giới. Amen.