22/12/2024

Giới thiệu Uỷ ban Công lý và Hoà bình

LTS.: Lm Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu đôi nét cơ bản về Uỷ ban Công lý và Hoà bình, nhất là hiện trạng xã hội về công lý và hoà bình tại Việt Nam và chương trình hành động của Uỷ ban năm 2011 để mời các bạn cùng tham gia. 1.THÀNH LẬP Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam (UBCLHBVN) là tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập trong Đại hội lần thứ XI tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2010, để cổ vũ công lý và hoà bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu.

 

 

GIỚI THIỆU UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

 

1.THÀNH LẬP

Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam (UBCLHBVN) là tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập trong Đại hội lần thứ XI tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2010, để cổ vũ công lý và hoà bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu.  

2. MỐI TƯƠNG QUAN

UBCLHB Việt Nam có mối tương quan mật thiết với Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình (HĐGH-CLHB) ở Rôma vì cả hai đều là những tổ chức hoạt động xã hội cổ vũ cho công lý và hoà bình theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Nhưng cả hai đều độc lập với nhau và không lệ thuộc vào nhau về cơ cấu tổ chức và chương trình hành động. UBCLHBVN có mục đích, mục tiêu, sứ mạng, cách tổ chức, chương trình hành động hoàn toàn độc lập với bất cứ tổ chức nào.

3. ĐIỀU HÀNH

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được HĐGMVN bầu làm Chủ tịch UBCLHBVN trong kỳ họp Đại hội lần thứ XI cho nhiệm kỳ 2010-2013.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn được Đức cha Chủ tịch đề cử làm Tổng Thư ký UBCLHBVN từ ngày 1-1-2011.

4. MỤC ĐÍCH

  UBCLHB hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Nhờ đó họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội.

5. MỤC TIÊU

Uỷ ban hướng về 4 mục tiêu sau đây:

* Bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người, nhất là những người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội, khỏi những bất công và bất an do người khác gây ra.

* Xây dựng cộng đồng xã hội phát triển theo những nguyên tắc nền tảng của Học thuyết Xã hội Công giáo để đạt được công lý và hoà bình.

* Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.

* Bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh để đạt được sự ổn định và an bình.

6. SỨ MẠNG

Sứ mạng của UBCLHB là trợ giúp HĐGMVN thực hiện các chương trình cổ vũ cho công lý và hoà bình theo tinh thần Học thuyết xã hội Công giáo cũng như cộng tác với các cá nhân, tổ chức để thể hiện công lý và hoà bình trong cộng đồng xã hội.

7. NGUYÊN TẮC HÀNH ĐỘNG

– UBCLHB hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và Giáo huấn Xã hội Công giáo.

– UBCLHB hoạt động theo bản chất người Kitô hữu: tự nguyện đảm nhận công tác xã hội vì tình bác ái Đức Kitô thúc đẩy.

– UBCLHB là một tổ chức xã hội chuyên nghiệp nên các thành viên được đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng về các lĩnh vực chuyên môn. Việc quản trị cần phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.

– UBCLHB chọn chiến lược phục hồi con người và xây dựng xã hội dựa vào cộng đồng.

– UBCLHB hành động theo nguyên tắc bổ trợ: tôn trọng sự dấn thân và tính độc lập của các thành viên, tình nguyện viên thuộc giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, đoàn thể và cá nhân.

– UBCLHB khuyến khích sự hợp tác, tham gia tích cực của mọi người cho công lý và hoà bình, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc, văn hoá, kinh tế…

8. ĐỐI TƯỢNG PHỤC VỤ

 UBCLHB phục vụ đặc biệt cho các đối tượng sau đây:

– Các linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân để giúp họ tìm hiểu, đào sâu về giáo huấn xã hội Công giáo, nhất là trong lĩnh vực công lý và hoà bình.

– Mọi thành phần trong cộng đồng xã hội, không phân biệt tôn giáo hay ý thức hệ, để cùng nhận thức về những bất công và bất an trong đời sống và cùng giúp nhau xây dựng công lý và hoà bình.

– Các nạn nhân đang phải gánh chịu những hậu quả của bất an và bất công trong xã hội cũng như trong Giáo Hội để họ được bảo vệ nhân quyền và sống đúng phẩm giá con người.

– Các tác nhân gây nên những bất công và bất an, thí dụ như các nhà sản xuất, khai thác, các chủ doanh nghiệp, các người quản lý trong những lĩnh vực khác nhau, giúp họ biết tôn trọng công bằng xã hội để tạo được sự ổn định và phát triển lâu dài.

9. CƠ CẤU TỔ CHỨC

UBCLHB Việt Nam có cơ cấu tổ chức gồm 3 cấp chính: UBCLHB Trung ương, Ban CLHB Giáo phận và Ban CLHB Giáo xứ, đi từ Hội đồng Giám mục xuống từng tình nguyện viên (TNV) CLHB Việt Nam.

10. TÌNH NGUYỆN VIÊN UBCLHB VIỆT NAM

UBCLHB Việt Nam không chỉ là một tổ chức xã hội theo nghĩa thông thường, nhưng còn là một đoàn thể Công giáo Tiến hành, để giúp người tín hữu thể hiện công lý hoà bình theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Vì thế, Giáo hội Toàn cầu và Hội đồng Giám mục Việt Nam khuyến khích tín hữu tham gia vào hoạt động công lý hoà bình này.

– Mọi tín hữu trong giáo xứ đều có thể tham gia các hoạt động công lý hoà bình trong hệ thống UBCLHB Việt Nam, trong khi vẫn là thành viên của các đoàn thể khác.

 

HIỆN TRẠNG XÃ HỘI

Hiện trạng xã hội Việt Nam về lĩnh vực công lý và hoà bình giống như một bức tranh có nhiều điểm sáng tối, nói lên cả những bất công và bất hoà trong chính lòng người Việt Nam.

1. Tính cho đến hôm nay, 12-5-2011, dân số Việt Nam đã vượt trên 87 triệu người. Nếu tính theo kết quả cuộc Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009 tỷ lệ nam nữ là 49,4%-50,6%. Dân tộc Kinh chiếm 85,7% và 53 dân tộc còn lại chiếm 14,3% dân số. Việt Nam có khoảng gần 22 triệu hộ dân với 29,6% sống ở thành thị và 70,4% ở nông thôn.

2. Nhìn lại lịch sử đất nước khoảng 60-70 năm gần đây, dân tộc Việt Nam chịu nhiều sự bất ổn do 2 cuộc chiến tranh, do sự phân hoá về ý thức hệ, do sự đấu tranh gay gắt cho cuộc sinh tồn. Lòng người Việt Nam không được ổn định và an bình.

3. Người Việt Nam chịu nhiều nỗi bất công trong 11 thế kỷ nô thuộc Trung Hoa và Đế quốc Pháp, trong 10 thế kỷ sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế độc tài (938-1945) nên đã hình thành thái độ sống khép kín, giả dối, cầu tài, cầu lợi, cầu an. Sau khi đất nước thống nhất thái độ sống ấy vẫn tồn tại gây nên nhiều bất công và bất ổn cho xã hội. Nghiên cứu về cấu trúc tâm lý xã hội người Việt Nam người ta sẽ thấy rõ bản sắc văn hoá người Việt với nhiều đức tính cần phát triển và tật xấu cần điều chỉnh.

4. Do tác động của đời sống hưởng thụ ích kỷ, của nền văn hoá thực dụng, của nền giáo dục còn nhiều bất cập mà nhiều người trẻ đã bị tha hoá, buông theo tham vọng và dục vọng. Những con số sau đây như chứng tỏ hiện trạng xã hội đó: 2 triệu ca phá thai hàng năm, 5 triệu “game thủ” chơi trò chơi trực tuyến mỗi ngày, 5 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ hàng đêm trong số hơn 24 triệu người sử dụng internet. Họ đã bất công và bất an đối với chính sự sống của mình và của người khác, chưa kể hàng triệu người nghiện rượu và thuốc lá.

5. Sự bất công và bất ổn trong đời sống kinh tế còn trầm trọng hơn nữa. Dù tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam là 7,2% trong 10 năm qua nhưng phần lớn nguồn lợi kinh tế lại lọt vào tay một thiểu số người làm giàu bất chính hoặc quản lý kém cỏi. Ngày 30-3-2011, Thủ Tướng ra quyết định chi khoảng 2.000 tỷ đồng để trợ cấp đột xuất hàng tháng cho khoảng 21 triệu người có thu nhập thấp. Số hộ nghèo trong cả nước là 3,3 triệu hộ. Sự bất công diễn tả dưới nhiều hình thức như sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại bán ra thị trường, bóc lột sức lao động vì đồng lương không đủ bù đắp cho sức lực bỏ ra. Nhiều trẻ em phải lao động mà không được học hành, nhiều phụ nữ bị xâm hại tình dục, nhiều thiếu nữ bị chà đạp nhân phẩm khi phải làm những việc tủi nhục để nuôi sống gia đình. Việt Nam còn khoảng 4 triệu người trên 15 tuổi không được đi học.

6. Sự bất công và bất an còn biểu lộ trong lĩnh vực giao thông khi người ta không biết nhường nhau tại những giao lộ, không giữ luật giao thông gây nên những tai nạn thảm khốc. Năm 2010 có 14.442 tai nạn làm 11.449 người chết và 10.633 người bị thương. Trong lĩnh vực pháp lý còn nhiều oan sai với hơn 500.000 đơn khiếu nại trong năm 2009.

7. Sự tàn phá môi trường sống ở Việt Nam thật khủng khiếp gây nên sự bất công đối với thiên nhiên và bất an đối với con người. Người dân xả rác ở khắp nơi, làm ô nhiễm môi trường đất với những thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hoá học bón quá nhiều. Nhiều xí nghiệp làm ô nhiễm môi trường nước do không xử lý chất thải và đổ thẳng xuống sông, xuống biển. Môi trường không khí bị ô nhiễm do hàng triệu xe máy nhập ồ ạt, xả khói đen bẩn mỗi ngày. Chưa kể những hành động làm ô nhiễm môi trường sống do tiếng ồn với những kiểu bóp còi vô tội vạ, mở nhạc inh ỏi về đêm, do sóng điện từ đủ loại của các công ty, xí nghiệp thuộc ngành truyền thông, truyền hình mà nhiều chương trình chỉ cóp nhặt, trình chiếu những phim ảnh nước ngoài thiếu tính cách giáo dục, làm nguy hại tâm hồn thanh thiếu niên.

Như thế, việc cổ vũ và xây dựng công lý và hoà bình phải là phần đóng góp tích cực của mỗi người tín hữu và từng người dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chương trình hành động năm 2011

UBCLHB kính mời quý vị tham gia các chương trình hành động sau đây:

– Thiết lập mạng lưới (CT01/TLML/2011)

* Lập Văn phòng Trung ương tháng 2 -2011 để có nơi làm việc và hoạt động .

* Xây dựng mạng lưới UBCLHB tại giáo phận và giáo xứ với các tình nguyện viên để tổ chức hoạt động xã hội.

– Trang web truyền thông (CT02/TWTT/2011)

* Mở trang web trên mạng internet cho UBCLHB tháng 3 năm 2011.

* Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, internet để gây ý thức về công lý và hoà bình, đào tạo nền nhân bản và giới thiệu học thuyết xã hội Công giáo cho đồng bào Việt Nam.

– Giáo huấn Xã hội (CT03/GHXH/2011)

  Tổ chức các khoá hội thảo, huấn luyện, buổi gặp gỡ, toạ đàm để đào sâu, phổ biến, áp dụng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo cho cá nhân và cộng đồng. Học thuyết này đã được HĐGH-CLHB trình bày tóm tắt trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, xuất bản năm 2004.

– Lễ Ra Mắt (CT04/LRM/2011)

 Tổ chức Lễ Ra Mắt của UBCLHB tại Thành phố HCM ngày 27-5-2011 để chính thức công bố hoạt động xã hội của Uỷ ban.

– Đào tạo nhân bản (CT05/ĐTNB/2011)

  Biên soạn chương trình đào tạo nhân bản toàn diện về các giá trị và kỹ năng sống để phổ biến cho các thành viên, tình nguyện viên của UBCLHB nhằm đổi mới con người và xã hội.

– Xây dựng trung tâm (CT06/XDTT/2011)

  Xây dựng trung tâm phục hồi tinh thần ở Định An, Đức Trọng, Lâm Đồng cho các nạn nhân hay tác nhân gây nên bất công và bất an cho chính mình cũng như cho người khác.

– Bảo vệ môi trường (CT07/BVMT/2011)

 Tổ chức các “Ngày Hành động vì Môi trường”, “Ngày Hoà bình”, “Ngày Trái đất” để gây nhận thức về công lý và hoà bình đối với môi trường sống của con người.

– Hoạt động liên kết (CT08/HĐLK/2011)

* Liên kết với Câu lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình để tổ chức các buổi toạ đàm.

* Liên kết với các tổ chức khác.

 

 

LTS.: Lm Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu đôi nét cơ bản về Uỷ ban Công lý và Hoà bình, nhất là hiện trạng xã hội về công lý và hoà bình tại Việt Nam và chương trình hành động của Uỷ ban năm 2011 để mời các bạn cùng tham gia.