Dự án: Xây dựng Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An

Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An được xây dựng để phục vụ mọi đối tượng bị mất ổn định và bất an về mặt tinh thần, đặt biệt là những nạn nhân xã hội, theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và hướng đào tạo nhân bản toàn diện của giáo huấn xã hội Công giáo

 

DỰ ÁN

XÂY DỰNG TRUNG TÂM PHỤC HỒI TINH THẦN ĐỊNH AN

 

1. Tên gọi và số dự án

Tên gọi: Dự án Xây dựng Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An.

Số hiệu: DA 004/2011/PHTTĐA

2. Chịu trách nhiệm thực hiện dự án

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký Uỷ ban Công lý và Hoà bình, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, là người chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện dự án này.

3. Địa điểm thực hiện

Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An được xây dựng trên các thửa đất sau:

Thửa đất số 668, tờ bản đồ số 17, với diện tích 7.260m2.

Thửa đất số 793, tờ bản đồ số 17, với diện tích 5.140m2.

Thửa đất số 228, tờ bản đồ số 17, với diện tích 690m2.

Cả ba thửa đất này nằm liền nhau thành diện tích chung là 13.090m2.

Địa chỉ: thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Ba thửa đất này do Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là chủ sở hữu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

         Số AH 003995, do UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 29-1-2007.

         Số BC 926367, do UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 29-10-2010.

         Số BC 926366, do UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 29-10-2010.

Nguồn đất: Các thửa đất này do ông bà Nguyễn Xuân Sự và các ân nhân tặng cho Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn để hoạt động xã hội.


4. Mục đích dự án

Xây dựng cơ sở an dưỡng nhằm mục đích giúp đỡ những ai bị khủng hoảng tâm sinh lý được phục hồi tinh thần cho ổn địnhan bình, vì thế trung tâm có tên gọi là Định An.

5. Lý do thực hiện

Hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam đang cần có các trung tâm phục hồi tinh thần cho quần chúng nhân dân.

+ Theo ước tính của các nhà xã hội học: VN mỗi năm có khoảng 2 triệu ca phá thai, trong đó có 30% các phụ nữ bị trầm cảm, cắn rứt lương tâm vì hành động của mình, cần được phục hồi tinh thần. Cộng thêm 6,62% các phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh con và nhiều phụ nữ bị khủng hoảng tinh thần sau khi mất con, mất chồng, gia đình tan vỡ. Những phụ nữ này có thể nói đã bất công với chính sự sống của mình và sự sống của đứa con mình mang trong lòng nên dẫn đến hậu quả là mất ổn định trong đời sống, bất an về tinh thần.

+ VN hiện có hơn 24 triệu người dùng internet, trong số đó có hơn 5 triệu “games thủ” chơi trò chơi trực tuyến và hơn 5 triệu người xem các phim ảnh đồi truỵ mỗi ngày dẫn đến những rối loạn tinh thần, mất trí nhớ, bỏ học, phạm nhiều tội như trộm cắp, thủ dâm, hãm hiếp, xung đột, đánh nhau với bạn bè, giết người… Những nạn nhân xã hội này rất cần được các bác sĩ, các nhà tâm lý, xã hội và đạo đức học giúp đỡ để phục hồi tinh thần.

+ VN hiện có 24 triệu người uống rượu, 23 triệu người hút thuốc lá, trong số đó có hàng trăm ngàn người rơi vào tình trạng nghiện ngập, tinh thần bị lệ thuộc, mất ổn định trong đời sống. Họ cũng là nạn nhân cần được các nhà chuyên môn phục hồi tinh thần cho ổn định để sống an bình.

Vì thế, những nhà hảo tâm muốn cộng tác với Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn để xây dựng Trung tâm Định An như một nơi an dưỡng để phục hồi sức khoẻ thể chất và tinh thần cho các nạn nhân này.

6. Điều kiện thuận lợi

Vùng đất xây dựng Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An rất thuận lợi cho việc phục hồi sức khoẻ toàn diện vì các điều kiện tốt sau đây:

– Môi trường thuận lợi: không khí trong lành, không bị ô nhiễm bởi các khu công nghiệp hay nhiều xe cộ qua lại. Khung cảnh tươi đẹp vì cảnh quang chung quanh là cây xanh và núi. Khí hậu mát mẻ, mùa Đông không quá lạnh như trên Đà Lạt, mùa Hè mát vì ở vùng cao nguyên với độ cao 1.200m. Không gian yên tĩnh, ít xe cộ qua lại vì đây là vùng đất còn ít dân cư, hầu hết là các vườn trồng hoa và cây xanh.

– Phương tiện đi lại rất thuận tiện: vì Trung tâm nằm ngay trên quốc lộ 20, cách Tp. Đà Lạt 14km, có trạm xe buýt ngay trước nhà. Bệnh nhân cần lên Đà Lạt xét nghiệm chỉ tốn 30 phút di chuyển. Trung tâm cách phi trường Liên Khương Đà Lạt 10km, giúp cho các giảng viên và học viên ở xa có thể sử dụng máy bay đi về trong ngày.

– Khu đất tương đối đủ rộng để xây dựng các cơ sở an dưỡng và sinh hoạt: nhà ở, phòng ăn, phòng khám, phòng học, phòng sinh hoạt chung, sân chơi thể thao ngoài trời, vườn cây, phòng thể dục thể thao trong nhà, quần thể tượng nghệ thuật. Có thể mở rộng thêm nếu có đủ tài chính.

– Nhân sự: có nhiều nhân sự chuyên môn cộng tác.

+ Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã từng giúp điều trị về tinh thần cho các nạn nhân xã hội từ năm 2000 đến nay đối với các chương trình giúp cho người nghiện ma tuý, người nhiễm HIV, các phụ nữ rối loạn tinh thần sau khi phá thai trong các chương trình của Uỷ ban Bác ái Xã hội của Giáo hội Công giáo VN.

+ Chương trình được sự cộng tác trực tiếp của các chuyên gia về tâm lý xã hội như Tiến sĩ Tâm lý Trần Thị Giồng, dòng Đức Bà; Tiến sĩ Anna Nguyễn Thị Hồng Loan, dòng Đa Minh, hiện là giảng viên trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, khoa Tâm lý; các bác sĩ chuyên khoa ở Đà Lạt và TP.HCM: BS Đinh Việt Thức, BS Nguyễn Hoàng Tâm, BS Nguyễn Lan Hải; các chuyên viên xã hội; các nhà đạo đức học và tâm linh học Công giáo, nhóm chuyên viên sinh hoạt cộng đồng, nhóm chuyên viên trồng hoa cảnh ở Đà Lạt.

7. Đường hướng thực hiện dự án

Trung tâm Định An được xây dựng theo đường hướng sau đây:

7.1. Đối tượng thụ hưởng

Trung tâm dự trù xây dựng một tổng thể gồm những ngôi nhà nhỏ theo dạng căn hộ gia đình cho từng nhóm đối tượng ở chung với nhau. Đối tượng có thể là:

– Các phụ nữ sau khi sinh con, mất con, phá thai…

– Các người nghiện chơi trò chơi trực tuyến.

– Các người nghiện phim đồi truỵ.

– Các người nghiện rượu bia, thuốc lá.

Các đối tượng được gọi là các học viên (HV) tham dự các khoá phục hồi tinh thần. Trung tâm tiếp nhận mọi thành phần học viên, không phân biệt tôn giáo, giai cấp xã hội, ý thức hệ chính trị.

7.2. Phương pháp điều trị

Mỗi ngôi nhà có thể ở được từ 5-10 người. Các người này có cùng hoàn cảnh xã hội nên sẽ cùng được theo dõi để điều trị chung với nhau theo phương pháp năng động tập thể: cùng sống, cùng ăn ở, cùng làm việc, cùng giải trí, chia sẻ chung với nhau, cởi mở tâm tình và giúp nhau vượt qua khó khăn để tìm được sự ổn định và an bình.

7.3. Người đồng hành

Một huấn luyện viên sẽ đồng hành với từng nhóm học viên này trong suốt thời gian an dưỡng. Huấn luyện viên này thường là một bác sĩ hay một nhà xã hội học được đào tạo kỹ lưỡng.

7.4. Các bước chuẩn bị

Các HV sẽ được tập trung trong từng khoá học để hồi phục tinh thần theo tình trạng mỗi nhóm như trầm cảm do phá thai, do sinh con, do rối loạn gia đình, do nghiện rượu bia, phim ảnh đồi truỵ hoặc tập trung theo từng giới như phụ nữ, học sinh…

Mỗi khoá học kéo dài trong khoảng 2 tuần.

HV đăng ký tham dự trước với trung tâm để hồ sơ bệnh án được nghiên cứu trước và sắp xếp theo các nhóm đối tượng.

7.5. Hướng phục hồi

Học viên được phục hồi theo hướng phát triển nhân bản toàn diện: cả về thể xác lẫn tinh thần, về thể lý, tâm lý và tâm linh, về tính cách cá nhân lẫn tập thể cộng đồng, về đời sống tự nhiên hoà nhập với môi trường xã hội nhờ các xét nghiệm tâm sinh lý trước khi đến học ở trung tâm và được tư vấn sau khi rời trung tâm.

HV sẽ được xét nghiệm sức khoẻ tổng quát trước khi đến trung tâm: xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, siêu âm bụng, Xquang, đo điện não đồ, điện tâm đồ để bác sĩ xếp nhóm đối tượng.

HV sẽ thực hiện việc trắc nghiệm tâm lý để phân loại cá tính theo phương pháp của Gaston Berger khi mới đến trung tâm để biết nhóm cá tính và các khả năng tinh thần.

HV sẽ được trắc nghiệm về tình trạng tâm linh để biết mức độ tinh thần cần hồi phục.

HV sẽ được nhóm chuyên viên xã hội theo dõi khả năng hoà nhập cộng đồng qua đời sống chung với các học viên khác.

7.6. Phương pháp đào tạo

Học viên được đào tạo phục hồi theo phương cách năng động tập thể trong cộng đồng:

HV làm quen với nhau ngay trong ngày đầu tiên để cùng sống với nhau như một gia đình: cùng phân công lo những công việc giúp dọn bàn ăn, vệ sinh phòng ở, phòng học tập, cùng sinh hoạt tập thể với nhau trong các chương trình đào tạo phục hồi để tạo ý thức cộng đồng xã hội, giúp học viên bỏ được mặc cảm cô đơn, bị bỏ rơi, bị loại trừ.

HV được hồi phục thể xác qua chương trình dinh dưỡng chọn lọc tuỳ theo mỗi đối tượng, nhất là các loại thực vật chữa bệnh được kết hợp cả hai nền y học Đông Tây.

HV sẽ được dạy các phương pháp thở tự nhiên và siêu nhiên để phục hồi sức khoẻ toàn diện.

HV sẽ có những giờ được dạy kỹ thuật thiền, cầu nguyện theo Kitô giáo để tìm được an tịnh cho tinh thần.

HV sẽ được các chuyên viên xã hội dạy các kỹ năng sống và các bài học về giá trị sống để tìm lại niềm vui và khát vọng sống vì ý thức được giá trị đời sống qua các hành động cụ thể tích cực sẽ tạo nên hạnh phúc cho mình và cho đời. Các kỹ năng như: lấy quyết định; giao tiếp; tổ chức đời sống, thời gian và công việc; các bậc thang giá trị sống; xử lý tình huống; biết cộng tác và hoà nhập; biết định hướng đời sống tích cực; biết tự kiểm điểm đời sống; thống nhất đời sống; viết nhật ký.

HV có những giờ lao động tập thể trong nhà như làm các bông hoa, con thú bằng hạt cườm, bằng lá, bằng đất sét, bằng vải hay lao động chăm sóc hoa và cây cối trong vườn của trung tâm do các chuyên viên hướng dẫn.

HV có các giờ thư giãn trong trung tâm với sân chơi ngoài trời, phòng thể dục, thể thao trong nhà (bóng bàn, cầu lông), bể tắm nước nóng, xem phim. HV có sinh hoạt ngoài trung tâm như đi thăm các thắng cảnh trong vùng, thăm vườn hoa Đà Lạt, đi bộ du khảo ở lâm viên Lang Biang hay các ngọn đồi, thác nước trong vùng.

HV có những giờ sinh hoạt tâm linh: được dạy kỹ thuật giữ yên tĩnh tâm hồn, hoà nhập với thiên nhiên, cầu nguyện với Đấng Tối Cao, phân tích những thất bại và bất hạnh trong đời sống, hoà giải với Trời và với người, đọc các sách đạo đức để tu thân dưỡng tính.

7.7. Mục đích

Đào tạo học viên trở thành tác viên xã hội

Những HV đến trung tâm sẽ được các chuyên viên tạo ý thức xã hội rằng chính họ có thể hồi phục tinh thần mạnh mẽ để trở thành tác viên xã hội, có thể giúp bạn bè, người thân, đồng bào phục hồi tinh thần như mình sau một vài khoá điều trị. Vì thế, các buổi sinh hoạt tập thể, các bài học về giá trị và kỹ năng sống, các buổi thực hành trắc nghiệm tâm sinh lý được các chuyên viên chỉ dạy và hướng dẫn cặn kẽ cho các HV.

7.8. Chiến lược đào tạo

Chiến lược phục hồi tinh thần dựa vào cộng đồng.

Do số nạn nhân bị mất ổn định và bất an trong xã hội lên đến cả triệu người, trong khi khả năng thu nhận HV của trung tâm lại rất hạn chế (khoảng 40 HV/khoá/2 tuần) nên trung tâm chọn chiến lược phục hồi dựa vào cộng đồng xã hội để giới thiệu phương pháp điều trị cho mọi người có khả năng tiếp nhận và đào tạo họ trở thành những tác viên xã hội để phục vụ trong các cộng đồng dân cư.

Vì thế, trung tâm sẽ tiếp nhận một số tác viên xã hội đến từ các cộng đồng, tổ chức như Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam, các nhà mở, dòng tu, giáo phận, giáo xứ, thiền viện… để những người này cùng đồng hành với các HV trong vài khoá nhằm học hỏi các phương pháp, kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng phục hồi tinh thần từ các chuyên viên của trung tâm. Khi các tác viên xã hội này có đủ khả năng rồi, họ có thể giúp đỡ cộng đồng ở địa phương mình sống, biến nhà ở, giáo xứ, tu viện, thiền viện, công ty thành những nơi giúp phục hồi tinh thần cho người thân, bạn bè và đồng bào mình.

8. Các phần cơ sở cần xây dựng

8.1. Trung tâm sẽ xây dựng từ 4-6 khu nhà nhỏ, kiểu vila 1 trệt 1 lầu: mỗi nhà có thể ở được 10 người với đầy đủ phòng ăn, phòng sinh hoạt, phòng ngủ, phòng học, phòng vệ sinh, phòng bếp đơn giản.

8.2. Khu nhà trung tâm

+ Vừa làm nơi điều hành, tiếp đón khách, khám bệnh, săn sóc sức khoẻ HV.

+ Vừa làm chỗ trú ngụ cho giám đốc và các nhân viên trung tâm.

+ Vừa làm nơi tiếp đón các tác viên xã hội để cùng theo dõi khoá học. Mỗi khoá chừng 10 người.

Khu nhà trung tâm này cần có các phòng lớn dành để học tập, sinh hoạt cho các HV: phòng sinh hoạt tâm linh, phòng thể dục-thể thao trong nhà cho HV, phòng ăn, bếp, căngtin cho khoảng 60-100 người.

8.3. Các nhà phụ: nhà để xe, nhà kho, nhà bếp tập thể, nhà vệ sinh và phòng tắm cho các khách vãng lai.

8.4. Các công trình phụ

+ 1 nhà bảo vệ ngay cổng: có chỗ nghỉ và vệ sinh.

+ Xây dựng sân vườn hài hoà có nhiều tượng đá tự nhiên và tượng điêu khắc.

+ Xây dựng hệ thống phát điện dự phòng, máy phát điện và điện mặt trời.

+ Hệ thống xử lý nước thải, hệ thống bơm nước và lọc nước sinh hoạt.

+ Hệ thống bơm nước tưới tiêu cho vườn cây.

+ Hệ thống lọc nước uống cho cả trung tâm và dân cư chung quanh.

9. Hiệu quả ước định

– Mỗi năm có thể thu nhận 12 khoá, mỗi khoá kéo dài 2 tuần, khoảng 40 HV được phục hồi tinh thần. Tổng cộng 480 HV/năm.

– Một vài năm sau, có thể tăng số khoá mỗi năm thành 24 khoá. Tổng cộng: 960 HV/năm.

– Mỗi năm có thể thu nhận 4-6 khoá tác viên xã hội, mỗi khoá 10 người, để học hỏi phương pháp kinh nghiệm. Tổng cộng 40-60 người.

– Từ những tác viên này, có thể phổ biến rộng ra cho cộng đồng.

– Thúc đẩy các nghiên cứu – trị liệu về tâm lý và tâm linh trong cộng đồng xã hội, đồng thời là nơi thực tập nghiên cứu cho các sinh viên khoa tâm lý xã hội.

 

10. Kinh phí dự trù (phần này do công ty xây dựng cung cấp)

10.1. Bốn khối nhà học viên theo dạng vila, mỗi nhà 1 tỷ đồng VN: 4 x 1 tỷ = 4 tỷ

10.2. Toà nhà trung tâm: 3 tỷ đồng.

10.3. Các công trình phụ trợ: 1 tỷ đồng

10.4. Các hệ thống điện nước dự phòng (1,5 tỷ đồng)

– Điện dự phòng: máy phát điện:                                       400.000.000 đồng

– Điện mặt trời:                                                                100.000.000 đồng

– Nước sinh hoạt:                                                             200.000.000 đồng

– Nước uống:                                                                   200.000.000 đồng

– Nước thải:                                                                    100.000.000 đồng

– Nước tưới tiêu cho vườn cây:                                        100.000.000 đồng

– Hệ thống báo cháy:                                                        100.000.000 đồng

– Cải tạo sân vườn, làm sân chơi thể thao ngoài trời:          200.000.000 đồng

– Dự phòng:                                                                     100.000.000 đồng

10.5. Trang trí nội thất cho các toà nhà (dự trù 1,2 tỷ đồng)

– Bàn:                                                  50 cái x 3.000.000/cái   = 450.000.000 đồng

– Ghế:                                                  300 cái x 50.000/cái      =   15.000.000 đồng

– Giường:                                            100 cái x 1.500.000/cái  = 150.000.000 đồng

– Tủ:                                                     50 cái x 2.000.000/cái   = 100.000.000 đồng

– Đèn:                                                  300 bộ x 100.000/bộ      =   30.000.000 đồng

– Nệm, chăn, gối, drap giường:      100 bộ x 3.000.000/bộ           = 300.000.000 đồng

– Lavabo:                                             50 bộ x 2.000.000/bộ      = 100.000.000 đồng

– Máy nước nóng:                             20 bộ x 3.000.000/bộ         =   60.000.000 đồng

10.6. Các máy móc thiết bị sinh hoạt và làm việc (dự trù 367 triệu đồng)

– Máy nước uống nóng-lạnh:                     10 cái x 3.000.000   =    30.000.000 đồng

– Máy vi tính:                                            10 bộ x 10.000.000  =  100.000.000 đồng

– Máy in:                                                    5 cái x 5.000.000    25.000.000 đồng

– Máy chiếu:                                               2 cái x 20.000.000 =   40.000.000 đồng

– Đầu DVD:                                               10 cái x 1.000.000   =  10.000.000 đồng

– Hệ thống âm thanh hội trường:                  1 bộ x 50.000.000   =  50.000.000 đồng

– Hệ thống âm thanh trong các phòng học:    4 bộ x 5.000.000    =  20.000.000 đồng

– Ti vi:                                                       10 bộ x 5.000.000    =  50.000.000 đồng

– Điện thoại – Fax:                                      1 bộ x 2.000.000     =   2.000.000 đồng

– Hệ thống thông tin nội bộ:                          1 bộ x 20.000.000   =  20.000.000 đồng

– Các thiết bị khác:                                                            dự trù  20.000.000 đồng

10.7. Đồ trang bị nhà bếp (222,5 triệu đồng)

– Hệ thống bếp gas:                                        1 bộ x 20.000.000  = 20.000.000 đồng

– Nồi cơm điện:                                              10 bộ x 750.000     =   7.500.000 đồng

– Tủ lạnh:                                                       10 cái x 5.000.000  = 50.000.000 đồng

– Các bàn ăn:                                                 20 bàn x 1.000.000 = 20.000.000 đồng

– Ghế:                                                          200 cái x 50.000       = 10.000.000 đồng

– Các bộ đồ ăn: chén, đĩa, muỗng, nĩa…:        100 bộ x 150.000      = 15.000.000 đồng

– Các đồ dùng nấu ăn:                                                                     50.000.000 đồng

– Các vật dụng khác:                                                                       50.000.000 đồng

10.8. Đồ phục vụ cho phần tâm linh (dự trù 235 triệu đồng)

– Bàn thờ:                                                       20.000.000 đồng

– Ảnh tượng:                                                   10.000.000 đồng

– Đàn:                                                             10.000.000 đồng

– Sách:                                                             5.000.000 đồng

– Áo lễ:                                                            30.000.000 đồng

– Chén thánh:                                                  10.000.000 đồng

– Bộ ghế + bàn quỳ:         20 bộ x 5.000.000 = 100.000.000 đồng

– Các vật dụng khác:                                        50.000.000 đồng

10.9. Trang thiết bị y tế hỗ trợ việc phục hồi (dự trù khoảng 150 triệu đồng)

– Máy siêu âm cầm tay.       

– Máy đo điện não đồ cầm tay.       

– Máy đo điện tâm đồ cầm tay.       

– Các ống nghe và máy đo huyết áp.

– Các máy đo đường cá nhân.

– Các cân đo trọng lượng cơ thể. 

– Dụng cụ y tế sơ cứu.

– Bình oxy.

– Một số thuốc cấp cứu.

10.10. Dự trù biến động giá: 1 tỷ đồng

Tổng cộng ngân sách dự chi: 12.674.500.000 đồng.

11. Nguồn kinh phí

11.1. Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An này sẽ vận động kinh phí thực hiện dự án nơi bạn bè, thân hữu để hoàn thành kế hoạch thực hiện dự án.

11.2. Dự án được trao cho Lm. Giuse Phạm Ngọc Tuyến, cha sở Giáo xứ Hải Lâm, giám sát thực hiện chương trình xây dựng; Ban vận động tài chính để tìm nguồn kinh phí thực hiện do ông Nguyễn Xuân Sự làm trưởng ban.

12. Các vị bảo trợ linh thiêng

Ngày 1-5-2011, là ngày Chúa Nhật II Phục Sinh kính Lòng Chúa Xót Thương nên toàn bộ công trình được kính dâng lên Chúa Ba Ngôi để khẩn cầu lòng Chúa xót thương mọi người trên thế giới, đặc biệt những ai làm việc và đến sống tại trung tâm Định An này.

Tháng Năm cũng là tháng Hoa tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, nên công trình này cũng được hiến dâng cho Đức Mẹ để Ngài chuyển cầu, chữa lành các bệnh nhân, nhất là các phụ nữ mất ổn định và bất an vì mang thai, lạc mất con, chết con và xáo trộn trong gia đình như Mẹ đã từng kinh nghiệm trong đời mình.

Dự án này được hình thành vào ngày 1-5-2011, ngày lễ Thánh Giuse Thợ, vì thế công trình được hiến dâng cho Thánh Giuse, bổn mạng giới gia trưởng để Ngài che chở, cầu bầu, nhất là cho những ai bị bất ổn về tinh thần, khủng hoảng về tâm lý do những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và những căng thẳng trong cuộc sống.

Ngày 1-5-2011 cũng là ngày ĐTC Gioan Phaolô II được tôn phong lên bậc chân phước của Hội Thánh Công giáo nên công trình này cũng được hiến dâng cho ngài, xin ngài che chở, cầu bầu và chữa lành cho tất cả những ai, đặc biệt là những người trẻ mà ngài hết sức quan tâm, bị nô lệ cho các trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ và những hình thức lệ thuộc khác.

Vì thế, các toà nhà sẽ được mang danh hiệu của các đấng bảo trợ linh thiêng như toà nhà trung tâm là nhà của lòng Chúa xót thương, các khối nhà nhỏ là nhà của Đức Mẹ La Vang, của Nữ Vương Hoà Bình, của Thánh Giuse Công chính và của Đức Gioan Phaolô II…

13. Ước nguyện phục vụ

Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An được xây dựng để phục vụ mọi đối tượng bị mất ổn định và bất an về mặt tinh thần, đặt biệt là những nạn nhân xã hội, theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và hướng đào tạo nhân bản toàn diện của giáo huấn xã hội Công giáo.

Những HV tham dự các khoá hồi phục tinh thần có điều kiện kinh tế sẽ phải trả đủ các chi phí cho trung tâm.

Những HV nghèo, có giấy chứng nhận của địa phương, những tu sĩ thuộc các tôn giáo, những tình nguyện viên của các tổ chức từ thiện xã hội được miễn hay giảm các chi phí khi tham dự các khoá tại trung tâm.

Các tác viên xã hội theo học các khoá để phục vụ tại địa phương, các sinh viên nghiên cứu thực tập tại trung tâm được miễn hay giảm học phí và chỉ chịu chi phí ăn ở.

Ban Điều hành Trung tâm mong ước được phục vụ tất cả mọi người trong tình bác ái huynh đệ để làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào.

Làm tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1-5-2011

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn