Chúa Nhật II PS – A: Cảm nghiệm và làm chứng cho Lòng Chúa Xót Thương

Hợp với toàn thể Giáo Hội hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa, qua lời chuyển cầu của ĐTC Gioan Phaolô II, ban cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và trở thành chứng nhân sống động cho lòng Chúa xót thương

 

 

CẢM NGHIỆM VÀ LÀM CHỨNG CHO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chúa Nhật thứ II sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật Áo trắng vì những người tân tòng trong bộ đồ trắng tụ tập trong thánh lễ hôm nay để tạ ơn Chúa và giới thiệu mình với cộng đồng như những kết quả của Chúa Phục Sinh.

Bài đọc I (Cv 2,42-47) mô tả cộng đồng phục sinh yêu thương nhau, đồng tâm nhất trí với nhau chung quanh các tông đồ. Các tông đồ làm rất nhiều dấu lạ nhân danh Chúa Phục Sinh để quy tụ tất cả, giúp cho con người hiểu được tình thương cứu độ mà Chúa đã thực hiện cho con người.

Nhưng bắt đầu từ năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta đi xa hơn khi đặt ngày lễ hôm nay là Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Qua thông điệp Lòng Chúa Xót Thương, ngài không chỉ giúp chúng ta cùng vui mừng với anh chị em tân tòng mà còn phải cảm tạ chung với nhau vì tất cả đã được Chúa xót thương và mời gọi để làm chứng cho lòng thương xót vô bờ của Chúa đối với thế giới.

1. Ý nghĩa lịch sử

Lịch sử lễ này bắt nguồn từ một nữ tu ở Ba Lan. Chị tên là Faustina Kowalska, sinh năm 1905 và mất năm 1938 với 33 năm sống. Chị là một nữ tu rất bình thường, âm thầm làm những công việc nhỏ mọn ở nhà cũng như trong tu viện; nhưng chị đã được Đức Giêsu hiện ra mạc khải cho chị về lòng thương xót. Qua cuộc sống của chị, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta rằng: dù tầm thường, yếu đuối, tội lỗi nhưng một khi ý thức và cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, những con người ấy lại trở thành phi thường bởi.

ĐTC Gioan Phaolô II đón nhận thông điệp nên đã cổ vũ Lòng Chúa Xót Thương tên toàn thế giới. Chúng ta chắc chắn không quên bức ảnh thường gặp trong các cộng đồng cầu nguyện Lòng Chúa Xót Thương: tay phải Đức Giêsu giơ lên như ban phúc lành, tay trái chỉ vào trái tim của mình, từ trái tim phát ra hai luồng sáng: luồng ánh sáng trắng chỉ nước cạnh nương long của Chúa tha thứ tội lỗi cho con người; luồng ánh sáng đỏ chỉ máu của Chúa để nuôi dưỡng, thánh hoá con người. Bức ảnh được chị Faustina giới thiệu và ĐTC cổ vũ để mọi người khi nhìn vào bức ảnh này cảm nghiệm được rằng Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta đến độ chết trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu đã chảy ra những giọt nước và máu cuối cùng (x. Ga 19,34).

Nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, có lẽ chúng ta chưa cảm nghiệm lòng thương xót thực sự vì Đức Giêsu ấy đã sống lại để mọi người chúng ta hiểu rằng tình thương xót vô bờ của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc tha thứ tội lỗi cho con người, giúp cho con người được nuôi bằng Mình và Máu của Người mà còn ban cho mỗi người, khi gắn bó với Đấng Phục Sinh, được thúc đẩy bởi cùng một Thần Khí Tình Yêu của Người, có cùng một tinh thần như Đức Giêsu để trở thành một Thiên Chúa với Người. Chúng ta biến đổi từ thân phận con người trở thành con Thiên Chúa, trở nên phi thường, vì được hoà nhập thành một với Đức Giêsu Phục Sinh.

2. Cuộc sáng tạo mới

Bài Phúc Âm hôm nay như muốn gợi lại điều đó, khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, trong khi cửa nhà đóng kín vì các ông sợ người Do Thái. Đó là tâm trạng của cả cộng đồng Kitô hữu ý thức mình yếu hèn, tội lỗi, sợ hãi đối với tất cả mọi người, mọi vật. Nhưng Đấng Phục Sinh đã hiện ra và thổi hơi trên họ để ban cho họ Thánh Thần của Người, cũng là chính Ngôi Ba Thiên Chúa “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Con người trước đây nhờ nhận được hơi thở của Thiên Chúa nên từ một khối bùn đất, trở nên con người sống động. Bây giờ con người này được nâng lên thành con Thiên Chúa nhờ hơi thở kỳ diệu của Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu Phục Sinh. Chúng ta có cùng một tinh thần với Đức Giêsu sau khi đã đón nhận Mình Máu thánh của Người, qua giọt nước và máu từ trái tim Người chảy ra trên thập giá, tượng trưng cho bí tích Rửa Tội và Mình Thánh Chúa.

Ngôi Lời Thiên Chúa, qua lòng thương xót vô bờ của Chúa Cha, đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới với một chất liệu mới. Trước đây chất liệu cũ là bùn đất và hơi thở của Thiên Chúa để làm thành con người sống động. Bây giờ chất liệu là thân thể mầu nhiệm sống động của Đức Giêsu Phục Sinh mà mỗi người chúng ta được hoà nhập thành một với Người, nhận được hơi thở mới là Thánh Thần để trở thành con cái Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa với Người.

Cuộc sáng tạo mới này bắt nguồn từ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Chúng ta có ý thức được giá trị cao cả của mình không hay vẫn cứng lòng tin như Tôma: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin” (Ga 20,25). Chúng ta được mời gọi để cầu khẩn lòng thương xót vô bờ của Chúa và cảm nghiệm được Chúa yêu thương nhận lời chúng ta. Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta như gọi Tôma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem bàn tay Thầy. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” để cảm nghiệm được dòng nước và máu đã thanh tẩy, nuôi sống và ban Thánh Thần để con trở thành người mới, phi thường. Đó là kết quả lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta qua Đấng Phục Sinh hôm nay.

Chúng ta hãy can đảm để nói lên như Tôma “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) đối với Đấng Phục Sinh, vì ngày hôm nay rất nhiều người chưa cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa, rất nhiều người từ chối sự hiện diện của Chúa. Ngay trong đất nước VN chúng ta với 87 triệu người, chỉ có hơn 6 triệu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Chúng ta phải hành động rất nhiều để người ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa. Vậy muốn cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?

3. Làm gì để cảm nghiệm được Lòng Chúa Xót Thương

Qua lời mạc khải của Chúa với thánh nữ Faustina, chúng ta làm 3 việc đơn giản sau đây: thỉnh cầu Lòng Chúa Xót Thương – thực hành Lòng Chúa Xót Thương – tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương.

Thỉnh cầu Lòng Chúa Xót Thương: muốn gặp gỡ được Chúa Giêsu, cảm nghiệm được địa vị cao cả mà Người ban, chúng ta cần phải chạy đến thỉnh cầu Người bằng hành động ăn năn thống hối cũng như đền tạ tội lỗi cho toàn thế giới. Thỉnh cầu Người đoái thương đến chúng ta và toàn thế giới vì người ta không ý thức được tình thương yêu vô bờ của Chúa đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài để chết cho chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài để tái sinh chúng ta. Chúng ta đã biết đến chuỗi Thương Xót, ĐTC Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta lần hạt theo chuỗi đó. Đó là một phương tiện để chúng ta thỉnh cầu lòng thương xót Chúa.

Nếu chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện thì chưa đủ, ta phải đi xa hơn để thực hành Lòng Chúa Xót Thương bằng những công việc rất bình thường như đưa tình yêu, đưa lòng thương xót vào trong từng hành động của mình: một nụ cười cho người thân yêu; một lời an ủi, khích lệ cho bạn bè, đồng nghiệp; một việc bác ái giúp đỡ những người nghèo khó quanh mình… Đó là thể hiện Lòng Chúa Xót Thương vì ai muốn cảm nghiệm được Lòng Chúa Xót Thương, họ phải thể hiện lòng thương xót của Ngài. Có thể nhắc đi nhắc lại những lời nguyện tắt tương tự: “Lạy Chúa, con xin giặt chậu quần áo này, con xin ăn giờ này, ngủ giờ này vì tình yêu và lòng thương xót Chúa”. Khi kết hợp với Chúa Giêsu, hành động của chúng ta sẽ có giá trị vô biên để cứu độ thế giới.

Hành động cuối cùng là tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương. Niềm tin thôi chưa đủ, chúng ta phải trao phó toàn thể con người mình, mọi hành động, quá khứ, hiện tại, tương lai và tất cả đời mình vào Lòng Chúa Xót Thương. “Lạy Chúa, từ nay con không còn nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến Chúa, đến Lòng Chúa Xót Thương. Con xin dâng trọn vẹn con người con, cả thế giới này đặt vào Lòng Chúa Xót Thương để xin cho chúng con hoàn toàn tín thác vào tình yêu vô bờ của Chúa”. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ tìm được bình an, niềm vui, hạnh phúc dù gặp nhiều gian nan vất vả, bệnh tật hay khó khăn, nguy hiểm bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ thể hiện qua quyền năng cứu độ của Đức Giêsu để giúp chúng ta vượt qua tất cả.

Kết luận

Đó là sứ điệp mà ĐTC Gioan Phaolô muốn gửi cho chúng ta hôm nay. Chúng ta kết hợp với ngài vì chiều nay, lúc 3 giờ (9 giờ sáng tại Rôma), khoảng 1,5 triệu người cùng hợp nhau lần chuỗi Lòng Chúa Xót Thương tại quảng trường thánh Phêrô. Sau đó Giáo Hội sẽ tôn phong ngài lên bậc chân phước và xác của ngài được đặt ở đền thờ Thánh Phêrô để mọi người tôn kính. Chúng ta hợp với toàn thể Giáo Hội hôm nay xin Chúa, qua lời chuyển cầu của ĐTC Gioan Phaolô II, ban cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và trở thành chứng nhân sống động cho lòng Chúa xót thương.