23/11/2024

Dự thảo Quy chế Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam

LTS: Chúng tôi giới thiệu bản Dự thảo Quy chế Uỷ ban Công lý và Hoà bình và mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý vị để cho hoạt động của Uỷ ban được phong phú và đa dạng hơn. Xin chân thành cám ơn. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn Tổng Thư ký, UBCLHB

 
LTS: Chúng tôi giới thiệu bản Dự thảo Quy chế Uỷ ban Công lý và Hoà bình và mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý vị để cho hoạt động của Uỷ ban được phong phú và đa dạng hơn. Xin chân thành cám ơn.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tổng Thư ký, UBCLHB
 
 
 
 
DỰ THẢO QUY CHẾ
UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH VIỆT NAM
 
Điều 1. Sự thành lập
Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam là tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN). HĐGMVN đã quyết định thành lập Uỷ ban này trong Đại hội lần thứ XI được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 4-8/10/2010, để cổ vũ công lý và hoà bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Điều 2. Tương quan giữa Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam (UBCLHBVN) với Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình (HĐGH-CLHB) ở Rôma
HĐGH này được Đức Giáo hoàng (ĐGH) Phaolô VI thành lập vào ngày 6-1-1967 bởi Tự sắc Catholicam Christi Ecclesiam (Giáo hội Công giáo của Đức Kitô) nhằm khích lệ cộng đồng Công giáo thúc đẩy sự phát triển ở những vùng nghèo khổ và gia tăng công lý xã hội trong bối cảnh quốc tế. Sau 10 năm thử nghiệm, Hội đồng đã chính thức hoạt động từ ngày 10-2-1976 bởi Tự sắc Justitiam et Pacem (Công lý và Hoà bình) dưới triều ĐGH Gioan Phaolô II.
Tông hiến Pastor Bonus (Mục tử Nhân lành) của ĐGH Gioan Phaolô II ngày 28-6-1988 đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ của Hội đồng này là đẩy mạnh công lý và hoà bình trên thế giới theo đường hướng của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo Hội (Điều 142).
UBCLHB Việt Nam có mối tương quan mật thiết với HĐGH-CLHB ở Rôma vì cả hai đều là những tổ chức hoạt động xã hội cổ vũ cho công lý và hoà bình theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Nhưng cả hai đều độc lập với nhau và không lệ thuộc vào nhau về cơ cấu tổ chức và chương trình hành động. UBCLHBVN có mục đích, mục tiêu, sứ mạng, cách tổ chức, chương trình hành động hoàn toàn độc lập với bất cứ tổ chức nào.
Điều 3. Ý nghĩa từ ngữ “Công lý và Hoà bình”
Từ ngữ
Công lý (Justitia – Latinh; Justice – Anh ngữ) bắt nguồn từ chữ Jus, tiếng Latinh, có nghĩa là luật pháp, quyền lợi.
Từ công lý chỉ mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau hay với cộng đồng, được xây dựng trên luật pháp nghiêm minh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhau. Như thế, công lý chỉ điều chính đáng, tương xứng với bản chất và quyền con người.
Từ công bằng (equitas – Latinh; equity – Anh ngữ) hay công bình, được dùng thay từ công lý trong một số trường hợp như công bằng xã hội, công bằng phân phối, công bằng giao hoán… dù theo nghĩa chữ công bằng có nghĩa là theo đúng lẽ phải, không thiên vị. Từ “bằng” ở đây nói lên sự tương ứng giữa vai trò của những cá nhân với địa vị xã hội của họ, giữa hành vi với sự đền bù, giữa lao động và thù lao, giữa công và tội, giữa thưởng và phạt, giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Không có sự tương xứng trong những quan hệ ấy là bất công.
Hoà bình (Pax – Latinh; Peace – Anh ngữ) vừa diễn tả tình trạng ổn định, không có chiến tranh giữa các dân tộc trên thế giới, vừa diễn tả tình trạng bình yên, an lành, không gặp điều tai hại, rủi ro của cá nhân, tập thể hay cộng đồng.
Điều 4. Nền tảng Thánh Kinh và thần học của công lý và hoà bình
4.1. Công lý
Có hai loại công lý: công lý của con người và công lý của Thiên Chúa:
Công lý của con người
Công lý trong xã hội: luật Do Thái đòi các vị thẩm phán phải liêm khiết khi thi hành chức vụ (Đnl 1,16; 16,18.20; Lv 19,15.36), phải minh oan cho kẻ vô tội (Đnl 25,1; Cn 17,15). Sự bất công là một tội xúc phạm đến Thiên Chúa thánh thiện. Các tiên tri thường khuyên bảo hãy thực thi luật pháp và công lý (Os 10,12; Gr 22,3). Người ta chờ đợi Đấng Mêsia đến để thực thi công lý (Is 9,6; 11,4; Gr 23,5; Tv 45, 4.7; 72, 1.7).
Hiểu rộng hơn, công lý là trung thành với lề luật của Thiên Chúa (Cn 11,4.19.12,28). Người công chính sống như thế trở nên người đạo hạnh, tôi tớ hoàn thiện, bạn hữu của Thiên Chúa (Cn 12,10; St 7,1; 18,23.32; Ez 18,5-26). Tiếp theo, công lý trở thành một phần thưởng, là kết quả của đời sống đạo hạnh, con người nhờ giữ công lý, trở nên công chính, nghĩa là được sự sống và vinh hiển Chúa ban (Cn 21,21; Tv 112, 1.3.9; 37,6).
Cuối cùng, các sách Cựu Ước nối kết công lý với khôn ngoan: công bình là thực hành đức khôn ngoan (x. Kh 1,1.15). Công bình nối kết với bác ái và công việc từ thiện: người công chính là người nhân hậu và bác ái (Tb 7,6; 9,6; 14,9; Kn 12,19).
Trong các sách Tân Ước: trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu không nhằm việc khuyến khích, thực hiện công lý theo nghĩa pháp lý như Cựu Ước đã trình bày. Đức Giêsu vẫn tôn trọng công lý đích thực là tuân giữ thánh ý hoàn hảo, nguyên tuyền của Thiên Chúa chứ không phải kiểu giữ đạo hình thức, sống công chính giả dối của những người biệt phái (x. Mt 5,17-48; 6,1-18; 23).
Giáo Hội sơ khai vẫn quan tâm đến công lý (1Tm 6,11; 2Tm 2,22), nhưng đó không phải là điểm cơ bản vì lời dạy của Đức Giêsu và các Tông đồ nhắm vào tình bác ái và lòng tin vào Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu và vào Đức Giêsu, Con của Ngài.
Công lý của Thiên Chúa
Trong Cựu Ước, các bản văn ca tụng công lý của Thiên Chúa theo nghĩa cụ thể: chỉ việc Thiên Chúa xét xử để trừng phạt các kẻ thù của dân tộc Israel (Đnl 33,21) vừa chỉ các cuộc giải phóng dân tộc này (Tp 5,11; 1Sm 12,6t; Mch 6,3t). Công lý của Thiên Chúa được thể hiện khi Ngài giải thoát những kẻ yếu đuối, cho họ được hưởng quyền lợi của mình (Gr 9,23; 11,20; 23,6). Ngay cả khi trừng phạt tội lỗi con người, Thiên Chúa đã mạc khải công lý muôn thuở của Ngài (Đn 9,6t; Br 21,15; Esr 2,6; 9,15; Neh 9,32; Đn 9,14). Nhưng Thiên Chúa công bình cũng là Thiên Chúa nhân từ (x. Tv 116,5t; 129,3t) vì Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, chậm bất bình và giàu lòng nhân hậu.
Tân Ước cũng ít đề cập đến việc Thiên Chúa dùng công lý pháp lý để can thiệp vào đời sống tín hữu hoặc cộng đồng. Tân Ước quan tâm đến ngày chung thẩm, khi đó Thiên Chúa biểu lộ công lý của Ngài khi xét xử muôn dân (x. Ga 16,8.10; 2Tm 4,8; Mt 13,49; 22.14; 7,13; Lc 13,24). Ngài xét xử công bình hoặc trả cho mỗi người tuỳ theo công việc họ làm (2Ts 1,5; Rm 2,5).
4.2. Hoà bình
Hoà bình trước hết là đặc tính căn bản của Thiên Chúa: “Đức Chúa là sự bình an” (Tp 6,24) và thụ tạo vì phản ánh vinh quang Thiên Chúa nên luôn khao khát hoà bình. Như vậy, hoà bình được xây dựng trên mối quan hệ căn bản giữa mọi người, mọi vật với Thiên Chúa. Mối quan hệ được đánh dấu bằng sự công chính (x. St 17,1). Do con người phạm tội, họ đã làm đảo lộn trật tự thần thánh, nên thế giới phải chịu đựng những cuộc đổ máu và bạo lực (Tóm lược HTXHCG, số 488).
Hoà bình không chỉ đơn giản là vắng bóng chiến tranh nhưng nói lên một cuộc sống viên mãn (x. Mch 2,5) và là một trong những ân huệ cao cả nhất Thiên Chúa ban cho mọi người tùng phục kế hoạch của Ngài (x. Ds 6,26).
Lời hứa hoà bình trải dài suốt toàn bộ Cựu Ước và được thực hiện trọn vẹn nơi chính con người Giêsu. Người là hiện thân của Đấng Mêsia, thái tử hoà bình (x. Is 9,5). Vương quốc của Đấng Mêsia đích thực là vương quốc hoà bình (G 25,2; Tv 29,11; 37,11; 72,3.7; 85,9.11; 119; 125,5; 128,6; 147,14; Dc 8,10; Is 26,3.12;…) Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta (Ep 2,14). Người đã phá đổ bức tường thù nghịch chia rẽ dân chúng khi hoà giải họ với Chúa Cha (x. Ep 2,14-16).
Hoà bình của Đức Kitô trước tiên là làm hoà với Chúa Cha, xây dựng sự sống viên mãn với Thiên Chúa nhờ tác vụ của Đức Giêsu đã uỷ thác (x. Lc 10,5) cũng như với anh em (x. Mt 6,12). Như thế, Kitô hữu trở thành chuyên viên hoà giải: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9), trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng hoà bình cho mọi người (x. Cv 10,36; Ep 6,15; Tóm lược HTXHCG, số 492-493).
Điều 5. Công lý và Hoà bình theo giáo huấn xã hội Công giáo
Công lý là điều phù hợp với đạo lý và ích lợi chung của xã hội. Công lý không phải chỉ là một sự thoả thuận suông giữa con người với nhau, hiểu theo nghĩa công bằng, dựa vào sự ấn định của luật pháp, mà trước tiên phải xem điều đó có hợp với bản chất sâu xa của con người hay không.
Hiểu được sự thật trọn vẹn về con người sẽ giúp chúng ta vượt lên trên nhãn quan xem công lý như một hợp đồng đơn thuần, đồng thời mở ra cho công lý chân trời mới về tình yêu thương. Học thuyết Xã hội Công giáo đặt giá trị công lý song song với giá trị liên đới, coi đó là con đường đặc biệt dẫn tới hoà bình.
Cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo bàn rất nhiều về công lý. Với 137 lần trích dẫn, học thuyết đề cập về công lý dưới nhiều chủ đề liên quan đến con người, gia đình cũng như cộng đồng xã hội; về công lý trong đời sống lao động, kinh tế, chính trị, văn hoá cũng như trong việc bảo vệ môi trường và cổ vũ hoà bình thế giới.
Hoà bình là kết quả của công lý và bác ái (Tóm lược HTXHCG, số 494).
Hoà bình là kết quả của công lý (x. Is 32,17) được hiểu là tôn trọng sự cân bằng giữa mọi chiều hướng của con người. Việc bảo vệ và phát huy các quyền con người là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hoà bình cũng như để phát triển toàn diện đời sống của cá nhân, dân tộc và quốc gia.
Hoà bình cũng là kết quả của tình bác ái vì hoà bình đích thực và bền vững là việc của tình yêu hơn là của công lý vì vai trò của công lý chỉ là loại bỏ những trở ngại đặt ra cho hoà bình (x. CĐ.Vat II, Gaudium et Spes, số 78).
“Hoà bình là kết quả của một sự hoà hợp đã được Thiên Chúa, Đấng sáng lập xã hội loài người, đưa vào trong xã hội loài người và phải được thể hiện bởi chính con người khi họ không ngừng khát khao một nền công lý lớn lao hơn. Một lý tưởng về hoà bình như thế không thể nào có được trên trần gian này, nếu đời sống ấm no của con người chưa được bảo đảm và nếu người ta chưa được tự do và tin tưởng chia sẻ với nhau những sự phong phú của trí tuệ và tài năng mình” (x. CĐ.Vat II, Gaudium et Spes, số 78; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2304).
Điều 6. Ý nghĩa Logo
Logo của UBCLHB gồm:
Hình chữ nhật màu nâu đất tượng trưng cho thế giới và nhân loại sống trên đó.
Hình chữ nhật màu nâu nhạt bên trong có vạch chia đôi ở giữa tượng trưng cho sách Thánh Kinh mà người hoạt động công lý và hoà bình phải dựa vào Lời Chúa như nền tảng của đời mình.
Hình Thánh giá với hai đĩa cân ở hai đầu trên thanh ngang tượng trưng cho công lý đã được Đức Giêsu Kitô thực hiện khi chịu chết cho tội lỗi con người.
Hình chim trắng ửng vàng nhạt tượng trưng cho Chúa Thánh Thần cũng là biểu tượng của hoà bình. Chúa Thánh Thần là tình bác ái thúc đẩy Đức Giêsu chịu chết để thực hiện công lý của Thiên Chúa, đồng thời mang lại hoà bình cho con người.
Hình Thánh giá toả sáng tượng trưng cho người hoạt động công lý và hoà bình gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và với Thánh Thần tình yêu của Người.
Điều 7. Mục đích
UBCLHB hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Nhờ đó họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội.
Điều 8. Mục tiêu
Uỷ ban hướng về 4 mục tiêu sau đây:
+ Bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người, nhất là những người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội, khỏi những bất công và bất an do người khác gây ra.
+ Xây dựng cộng đồng xã hội phát triển theo những nguyên tắc nền tảng của Học thuyết Xã hội Công giáo để đạt được công lý và hoà bình.
+ Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.
+ Bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh để đạt được sự ổn định và an bình.
Điều 9. Sứ mạng
Sứ mạng của UBCLHB là trợ giúp HĐGMVN thực hiện các chương trình cổ vũ cho công lý và hoà bình theo tinh thần Học thuyết Xã hội Công giáo cũng như cộng tác với các cá nhân, tổ chức khác để thể hiện công lý và hoà bình trong cộng đồng xã hội.
Điều 10. Nguyên tắc hành động
UBCLHB hoạt động theo những nguyên tắc sau đây:
– Hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và Giáo huấn Xã hội Công giáo.
– Hành động theo bản chất người tín hữu Kitô giáo: tự nguyện đảm nhận các công tác xã hội vì được tình bác ái Đức Kitô thúc đẩy.
– UBCLHB là một tổ chức xã hội chuyên nghiệp nên các thành viên được đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng về các lĩnh vực chuyên môn. Việc quản trị cần phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.
– UBCLHB chọn chiến lược phục hồi con người và xây dựng xã hội dựa vào cộng đồng.
– UBCLHB hành động theo nguyên tắc bổ trợ: tôn trọng sự dấn thân và tính độc lập của các thành viên, tình nguyện viên thuộc giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, đoàn thể và cá nhân.
– UBCLHB khuyến khích sự hợp tác, tham gia tích cực của mọi người cho công lý và hoà bình, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc, văn hoá, kinh tế…
Điều 11. Hoạt động cụ thể
UBCLHB có những hoạt động chính yếu sau đây:
– Thiết lập mạng lưới tổ chức từ cấp trung ương đến cấp giáo xứ để cổ vũ cho các hoạt động vì công lý và hoà bình.
– Tổ chức các khoá hội thảo, huấn luyện, các buổi gặp gỡ, toạ đàm để đào sâu, phổ biến cũng như áp dụng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo cho cá nhân và cộng đồng. Học thuyết này đã được HĐGH-CLHB trình bày tóm tắt trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, xuất bản năm 2004.
– Biên soạn chương trình đào tạo nhân bản toàn diện về các giá trị và kỹ năng sống để phổ biến cho các thành viên, tình nguyện viên của UBCLHB nhằm đổi mới con người và xã hội.
– Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, internet để gây ý thức về công lý và hoà bình, đào tạo nền nhân bản và giới thiệu học thuyết xã hội Công giáo cho đồng bào Việt Nam.
– Xây dựng các trung tâm phục hồi tinh thần cho các nạn nhân chịu đựng hay tác nhân gây nên những bất công và bất an cho chính mình cũng như cho người khác.
– Tổ chức các “ngày hành động vì môi trường”, “ngày hoà bình”, “ngày trái đất” để gây nhận thức về công lý và hoà bình đối với môi trường sống của con người.
Điều 12. Đối tượng phục vụ
UBCLHB phục vụ đặc biệt cho các đối tượng sau đây:
– Các linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân để giúp họ tìm hiểu, đào sâu về giáo huấn xã hội Công giáo, nhất là trong lĩnh vực công lý và hoà bình.
– Mọi thành phần trong cộng đồng xã hội, không phân biệt tôn giáo hay ý thức hệ, để cùng nhận thức về những bất công và bất an trong đời sống và cùng giúp nhau xây dựng công lý và hoà bình.
– Các nạn nhân đang phải gánh chịu những hậu quả của bất an và bất công trong xã hội cũng như trong Giáo Hội để họ được bảo vệ nhân quyền và sống đúng phẩm giá con người.
– Các tác nhân gây nên những bất công và bất an, thí dụ như các nhà sản xuất, khai thác, các chủ doanh nghiệp, các người quản lý trong những lĩnh vực khác nhau, giúp họ biết tôn trọng công bằng xã hội để tạo được sự ổn định và phát triển lâu dài.
Điều 13. Cơ cấu tổ chức
UBCLHB Việt Nam có cơ cấu tổ chức gồm 3 cấp chính: UBCLHB Trung ương, Ban CLHB Giáo phận và Ban CLHB Giáo xứ, đi từ Hội đồng Giám mục xuống từng tình nguyện viên (TNV) CLHB Việt Nam.
 
CƠ CẤU TỔ CHỨC
UBCLHB VIỆT NAM
 
 
 
 
 
 

Hội đồng Giám mục bầu 1 Giám mục làm Chủ tịch UBCLHB Việt Nam trong Đại hội của HĐGMVN tổ chức 3 năm 1 lần.

Đức cha Chủ tịch chọn 1 linh mục, tu sĩ hay giáo dân làm Tổng Thư ký UBCLHB để điều hành Văn phòng Trung ương.

Đức Giám mục giáo phận chọn 1 linh mục, tu sĩ hay giáo dân làm Trưởng ban CLHB để điều hành văn phòng CLHB Giáo phận.

Linh mục chính xứ chọn 1 tu sĩ hay giáo dân làm Trưởng ban CLHB giáo xứ để điều hành văn phòng ban CLHB Giáo xứ.

a. UBCLHB Trung ương gồm:

– Các thành viên của Hội đồng Đại biểu.

– Các trưởng phòng, ban chuyên môn của Văn phòng Trung ương.

– Các tình nguyện viên.

b. Ban CLHB Giáo phận gồm: trưởng ban CLHB Giáo phận, các uỷ viên trong văn phòng giáo phận và các tình nguyện viên.

Văn phòng giáo phận, tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh mỗi địa phương, có thể tuyển chọn các nhân viên phụ trách chuyên môn và tổ chức như văn phòng trung ương.

c. Ban CLHB Giáo xứ gồm: vị trưởng ban, các nhân viên văn phòng giáo xứ và các tình nguyện viên.

Văn phòng giáo xứ, tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh, có thể có một số tín hữu phụ trách chuyên môn như: phát triển, giáo dục đào tạo, truyền thông và quản lý nhân sự.

Điều 14. Cơ cấu điều hành

UBCLHB Việt Nam được điều hành bởi Hội đồng Đại biểu và Văn phòng Trung ương.

 

CƠ CẤU ĐIỀU HÀNH UBCLHB VIỆT NAM

 

14.1. Hội đồng Đại biểu

Hội đồng Đại biểu là cơ quan quyền lực cao nhất của UBCLHB Việt Nam và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Giám mục Việt Nam về hoạt động của UBCLHB Việt Nam.

* Hội đồng này gồm:

– Đức cha Chủ tịch UBCLHB Việt Nam.

– Tổng Thư ký UBCLHB Việt Nam.

– Trưởng ban CLHB Giáo phận.

– Các Trưởng ban ở Văn phòng Trung ương

– 4 đại diện các dòng tu nam nữ (2 nam, 2 nữ).

– 2 đại diện giáo dân.

* Hội đồng này có nhiệm vụ:

– Hoạch định đường hướng hành động lâu dài cho UBCLHB Việt Nam.

– Xét duyệt ngân sách chung hàng năm.

– Sửa đổi và chuẩn y các điều lệ trong Quy Chế và Nội Quy của UBCLHB Việt Nam.

* Hội đồng Đại biểu họp mỗi năm 1 lần và khi có nhu cầu cần thiết do quá bán đại biểu yêu cầu.

* Các quyết định của Hội đồng phải được đa số quá bán thành viên tham dự chấp thuận.

14.2. Văn phòng Trung ương của UBCLHB Việt Nam

Văn phòng Trung ương của UBCLHB Việt Nam là cơ quan điều hành trực tiếp mọi hoạt động của UBCLHB Việt Nam và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Đại biểu.

* Văn phòng này gồm:

– Đức cha Chủ tịch UBCLHB Việt Nam.

– Tổng Thư ký UBCLHB Việt Nam

– Văn phòng Thư ký

– Các phòng ban

– Các TNV

* Văn phòng này có nhiệm vụ:

– Cộng tác với các Uỷ ban của HĐGMVN, tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước để nghiên cứu, soạn thảo, tổ chức, thực hiện và giám sát các chương trình, kế hoạch, dự án thuộc chương trình hành động của UBCLHB Việt Nam và tường trình cho Hội đồng Đại biểu cũng như các tổ chức hữu quan theo đúng Quy chế của UBCLHBVN.

– Làm việc với các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống CLHB.

– Làm việc thường xuyên tại trụ sở của UBCLHB Việt Nam.

14.3. Văn phòng Ban CLHB Giáo phận

Văn phòng Ban CLHB Giáo phận là cơ quan điều hành mọi hoạt động của Ban CLHB Giáo phận và chịu trách nhiệm trước Giám mục Giáo phận và Văn phòng Trung ương UBCLHB.

* Văn phòng này gồm:

– Trưởng ban CLHB Giáo phận

– Các nhân viên trong Văn phòng

– Các tình nguyện viên

* Văn phòng này có nhiệm vụ:

– Cộng tác với Đức Giám mục giáo phận, các ban ngành, đoàn thể trong giáo phận để nghiên cứu, soạn thảo, tổ chức, thực hiện và giám sát các chương trình, kế hoạch, dự án của Ban CLHB Giáo phận và tường trình cho UBCLHB Trung ương theo đúng Quy chế của UBCLHBVN.

14.4. Văn phòng Ban CLHB Giáo xứ

Văn phòng Ban BCLHB Giáo xứ là cơ quan điều hành mọi hoạt động của Ban CLHB Giáo xứ, chịu trách nhiệm trước cha chính xứ và Văn phòng Ban CLHB Giáo phận.

* Văn phòng này gồm:

– Trưởng ban Ban CLHB Giáo xứ

– Các nhân viên trong Văn phòng

– Các tình nguyện viên

* Văn phòng này có nhiệm vụ:

– Cộng tác với linh mục quản xứ và các hội đoàn, tổ chức trong giáo xứ để nghiên cứu, soạn thảo, thực hiện và giám sát các chương trình kế hoạch, dự án của Ban CLHB Giáo xứ và tường trình cho Ban CLHB Giáo phận.

– Hướng dẫn các TNV sống đúng linh đạo UBCLHB Việt Nam để trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng khi thể hiện công lý hoà bình cho mọi người, mọi vật.

14.5. Tình nguyện viên UBCLHB Việt Nam

UBCLHB Việt Nam không chỉ là một tổ chức xã hội theo nghĩa thông thường, nhưng còn là một đoàn thể Công giáo Tiến hành, để giúp người tín hữu thể hiện công lý hoà bình theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo. Vì thế, Giáo hội Toàn cầu và Hội đồng Giám mục Việt Nam khuyến khích tín hữu tham gia vào hoạt động công lý hoà bình này.

– Mọi tín hữu trong giáo xứ đều có thể tham gia các hoạt động công lý hoà bình trong hệ thống UBCLHB Việt Nam, trong khi vẫn là thành viên của các đoàn thể khác.

Điều 15. Hoạt động của các cấp trong hệ thống UBCLHB

15.1. UBCLHB Trung ương

UBCLHB Trung ương gồm Hội đồng Đại biểu và Văn phòng Trung ương có những hoạt động chính sau đây:

– Cộng tác chặt chẽ với HĐGMVN và các uỷ ban khác của HĐGMVN để đạt được mục đích, mục tiêu cũng như hoàn thành sứ mạng được HĐGMVN giao phó.

– Nghiên cứu các vấn đề xã hội của Việt Nam cũng như của thế giới liên quan đến công lý hoà bình, đề xuất những chiến lược, chương trình, dự án để thực hiện các hoạt động công lý hoà bình nhằm đáp ứng và giải quyết các vấn đề.

– Thường xuyên thông tin về các hoạt động của mình cho HĐGMVN, các tổ chức hoạt động xã hội quốc tế trong cũng như ngoài hệ thống Công lý Hoà bình, các Ban CLHB, các cá nhân liên quan, để được hỗ trợ kịp thời hoặc liên kết với nhau nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động xã hội.

– Thực hiện trang web riêng cũng như sử dụng các phương tiện truyền thông khác để giáo dục quần chúng về Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo và hoàn thành những mục đích, mục tiêu, sứ mạng của UBCLHBVN.

– Tổ chức các khoá huấn luyện theo chuyên đề phù hợp với nhu cầu của Giáo hội và Xã hội Việt Nam, nhất là đào tạo nhân sự cho các thành phần của UBCLHB.

– Cộng tác với các tổ chức hoạt động xã hội khác trong cũng như ngoài nước để thực hiện các mục tiêu chung về CLHB.

15.1.1. Đức cha Chủ tịch UBCLHBVN

– Chủ tịch UBCLHB là cầu nối giữa HĐGMVN và toàn bộ cơ cấu của UBCLHB để liên kết, cổ vũ mọi thành viên trong hệ thống UBCLHB thể hiện công lý và hoà bình của Chúa cho mọi người.

– Chủ tịch UBCLHB là người đại diện theo pháp luật của UBCLHBVN trước Nhà Nước Việt Nam, trước HĐGMVN và trước các cơ quan tổ chức trong cũng như ngoài nước.

– Chủ tịch UBCLHB chủ toạ các phiên họp của Hội đồng Đại biểu.

– Trong trường hợp vị Chủ tịch vắng mặt, Tổng Thư ký Uỷ Ban sẽ chủ toạ các phiên họp.

15.1.2. Thành viên Hội đồng Đại biểu

– Các thành viên của Hội đồng Đại biểu tham dự các cuộc họp định kỳ và thực hiện các trách nhiệm của Hội đồng.

– Các thành viên luôn cố gắng hành động và cộng tác với nhau để xây dựng và phát triển UBCLHBVN mỗi ngày thêm tốt đẹp và bền vững.

15.1.3. Tổng Thư ký UBCLHBVN

– Điều hành hoạt động chung của UBCLHB.

– Điều hành trực tiếp Văn phòng Thư ký và các phòng ban.

– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các nhân viên trong Văn phòng Trung ương.

– Quyết định lương và phụ cấp đối với người lao động, quyết định thù lao cho các tình nguyện viên theo đúng pháp luật và Quy Chế lao động hiện hành.

– Chịu trách nhiệm trước Hội đồng Đại biểu, trước pháp luật về việc điều hành hoạt động hằng ngày của Văn phòng Trung ương.

– Tổ chức thực hiện các phương án hoạt động xã hội cho UBCLHB.

– Đại diện cho UBCLHB trong các quan hệ quốc tế cũng như quốc nội.

– Báo cáo cho Hội đồng Đại biểu, các cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền về những hoạt động xã hội của UBCLHBVN.

15.1.4. Văn phòng Trung ương

Gồm các nhân viên hành chính, các nhân viên quản trị hoạt động, các cố vấn và chuyên viên. Các người này có nhiệm vụ giúp đỡ Tổng Thư ký để thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Trung ương.

15.1.5. Thư ký Thường trực:

– Thông báo việc triệu tập các cuộc họp của Hội đồng Đại biểu và Văn phòng Trung ương.

– Ghi biên bản các cuộc họp.

– Tư vấn về thủ tục các cuộc họp.

– Cung cấp thông tin cho các thành viên trong các hội đồng.

– Xử lý thư tín, giao dịch điện thoại, chuẩn bị các văn thư, văn bản và các báo cáo cho các cuộc họp.

– Chuẩn bị cho các chuyến đi công tác của Tổng Thư ký và các thành viên trong Văn phòng Trung ương.

– Thay mặt Tổng Thư ký để giao dịch liên hệ với các tổ chức trong cũng như ngoài nước.

– Khi cần, làm phát ngôn viên cho UBCLHB.

15.1.6. Chuyên viên cố vấn

– Các chuyên viên, được UBCLHB mời làm cố vấn, là những tình nguyện viên có khả năng chuyên môn về các lĩnh vực như pháp luật, kinh tế, chính trị, xã hội và các khoa chuyên môn để hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch và đường hướng hoạt động cụ thể cho UBCLHB trong từng thời kỳ.

– Các chuyên viên có quyền nhận thù lao về các công sức của họ đóng góp cho UBCLHB.

15.2. Ban CLHB Giáo phận:

– Trưởng ban CLHB Giáo phận điều hành Văn phòng Ban CLHB Giáo phận và những sinh hoạt xã hội của giáo phận.

– Ban CLHB Giáo phận cộng tác chặt chẽ với Đức giám mục giáo phận và các ban ngành khác của giáo phận, cùng nhau học hỏi và phổ biến Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo để phát triển nền nhân bản toàn diện của Kitô giáo cho các tín hữu trong giáo phận.

– Ban CLHB Giáo phận nghiên cứu các vấn đề xã hội của giáo phận – đặc biệt trong lĩnh vực công lý hoà bình, đề xuất những dự án, thực hiện các hoạt động xã hội của giáo phận.

– Ban CLHB Giáo phận thường xuyên thông tin về các hoạt động của mình cho Văn phòng Trung ương để được hỗ trợ kịp thời hoặc liên kết các chương trình, nhằm nâng cao các hoạt động xã hội trong giáo phận.

– Tổ chức các khoá huấn luyện theo chuyên đề phù hợp với nhu cầu của giáo phận nhất là đào tạo nhân sự cho Ban CLHB Giáo xứ.

– Cộng tác với các tổ chức hoạt động xã hội khác trong phạm vi giáo phận hoặc ngoài giáo phận để thực hiện các mục tiêu chung của UBCLHBVN và giúp đỡ cho Ban CLHB Giáo xứ thực hiện các hoạt động xã hội tại địa phương.

 15.3. Ban CLHB Giáo xứ:

– Trưởng ban Ban CLHB Giáo xứ điều hành Văn phòng Ban CLHB Giáo xứ và những sinh hoạt xã hội của giáo xứ.

– Ban CLHB Giáo xứ cộng tác chặt chẽ với linh mục chính xứ, Hội đồng Mục vụ và các ban ngành khác của giáo xứ để phát triển nền nhân bản toàn diện của Kitô giáo cho các tín hữu trong giáo xứ.

– Ban CLHB Giáo xứ nghiên cứu các vấn đề xã hội của giáo xứ, đề xuất những dự án, thực hiện các hoạt động xã hội của giáo xứ, đặc biệt trong lĩnh vực công lý hoà bình.

– Ban CLHB Giáo xứ thường xuyên thông tin về các hoạt động của mình cho Văn phòng Ban CLHB Giáo phận để được hỗ trợ kịp thời hoặc liên kết các chương trình, nhằm nâng cao các hoạt động xã hội trong giáo xứ.

– Tổ chức các khoá huấn luyện theo chuyên đề phù hợp với nhu cầu của giáo xứ, nhất là đào tạo các tình nguyện viên trong giáo xứ.

– Cộng tác với các tổ chức hoạt động xã hội khác trong phạm vi giáo xứ hay ngoài giáo xứ để thực hiện các mục tiêu chung của UBCLHBVN và giúp đỡ cho tình nguyện viên thực hiện các hoạt động xã hội tại địa phương.

15.4. Tình nguyện viên UBCLHB Việt Nam

13.5.1. Tình nguyện viên UBCLHB sống kết hợp với Chúa và Giáo hội qua đời sống phụng vụ và bí tích để nhận được sức mạnh, tình yêu, đặc sủng của Chúa và từ đó chia sẻ cho mọi người, mọi vật quanh mình.

– Tình nguyện viên UBCLHB cố gắng tự đào tạo mình và đào luyện cho con cháu mình có 1 nền nhân bản toàn diện, theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô bằng cách cổ vũ các giá trị sống và học hỏi các kỹ năng sống.

– Tình nguyện viên UBCLHB tích cực học hỏi Học thuyết Xã hội Công giáo để cổ vũ và thể hiện công lý hoà bình của Chúa cho mọi người, mọi vật quanh mình.

Điều 16. Nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ của Chủ tịch UBCLHBVN thường là 3 năm, song song với khoá họp của Đại hội HĐGMVN và có thể được bầu lại. Nhiệm vụ của Chủ tịch chấm dứt khi HĐGMVN thay đổi vị Giám mục đặc trách UBCLHB, nhưng vị này sẽ xử lý thường vụ cho đến khi bàn giao cho vị Chủ tịch mới.

Nhiệm kỳ của Tổng Thư ký UBCLHB kết thúc khi vị Chủ tịch bổ nhiệm người mới vào chức vụ này.

Nhiệm kỳ của Trưởng ban CLHB Giáo phận kết thúc khi giám mục giáo phận chỉ định người mới vào chức vụ này.

Nhiệm kỳ của Trưởng ban Ban CLHB Giáo xứ kết thúc khi linh mục chính xứ chỉ định người mới vào chức vụ này.

Điều 17. Quỹ hoạt động

Quỹ hoạt động của UBCLHB hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của các tình nguyện viên, các ân nhân và các tổ chức trong cũng như ngoài nước.

Quỹ này bao gồm tất cả nguồn nhân lực, vật lực, ân sủng của Thiên Chúa mà con người có thể đóng góp vào để thể hiện công lý hoà bình cho nhau.

Trong tinh thần tự lập và tự trọng, HĐGMVN khuyến khích UBCLHB dựa vào nội lực của đồng bào Việt Nam để thực hiện các dự án xã hội và vươn tới việc có thể trợ giúp những nạn nhân cũng như những tác nhân gây ra bất công và bất an.

Tình nguyện viên của Ban CLHB trong giáo xứ tự nguyện đóng góp tiền bạc hay vật dụng để lập thành quỹ sinh hoạt để giúp những nạn nhân và tác nhân ngay tại giáo xứ.

Tất cả các tổ chức hay cá nhân trong và ngoài nước có thể đóng góp cho hoạt động xã hội của UBCLHBVN, miễn là các khoản đóng góp đó không bắt nguồn từ những hành động đi ngược với đạo lý con người hay với giáo lý của Giáo hội Công giáo.

Điều 18. Việc sửa đổi Quy Chế

Quy Chế này gồm 19 điều. Mọi thay đổi trong Quy Chế này phải được Hội đồng Đại biểu chấp thuận và được sự chuẩn y của HĐGMVN.

Điều 19. Việc ban hành Quy Chế

Quy Chế này sẽ được đệ trình lên HĐGMVN trong khoá họp của HĐGMVN để được phê chuẩn và chính thức ban hành.