Chạm vào quá khứ để hàn gắn

Những cựu chiến binh Việt Nam đã hát, trò chuyện và được massage bởi chính những người từng ở chiến tuyến bên kia – Những kẻ thù trước kia trong cuộc chiến, giờ là anh em trong hoà bình

 

Chạm vào quá khứ để hàn gắn

Ngày 13-3-2011, một cảnh tượng hiếm thấy đã diễn ra ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM: những cựu binh Mỹ massage cho những cựu chiến binh Việt Nam, như một cách để hàn gắn và làm lành những tổn thương cũ từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Những cựu binh Mỹ đã mang theo đầy đủ thiết bị y tế, cả giường massage xách tay. Phòng gặp mặt trở thành nơi trị liệu. Bà Huỳnh Thị Kiều Thu – một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn, bị địch bắt năm 1969 và tra tấn dã man để lại nhiều hậu chứng – là một trong những cựu chiến binh tham gia cuộc gặp hôm ấy. Bà ngồi trên ghế, cả hai vợ chồng ông John Fisher cùng xoa bóp cho bà. Trong buổi gặp, ba cựu chiến binh Việt Nam đã hát, trò chuyện và được massage bởi chính những người từng ở chiến tuyến bên kia.

Chạm vào nhau, chạm vào quá khứ

Hằng năm, bác sĩ Edward Tick và Tổ chức Trái tim người lính (Soldier’s Heart – một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ nhằm giúp hàn gắn những tổn thương của lính Mỹ trở về sau chiến tranh) do ông điều hành thực hiện hai chuyến đi đến Việt Nam. Chuyến đi tháng 3-2011 này cũng không ngoại lệ. Nhưng đây là lần đầu tiên, ngoài những hoạt động thông thường diễn ra hằng năm, bác sĩ Edward Tick tổ chức buổi… massage.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, giải thích: “Những cựu binh Mỹ đã xin phép sau khi tham quan bảo tàng sẽ được giao lưu rồi massage cho các cựu chiến binh Việt Nam. Ngoài việc giúp các cựu chiến binh thấy thoải mái và thư giãn, massage còn có ý nghĩa tinh thần hơn là họ có thể chạm vào nhau. Từ việc ngày xưa là kẻ thù đến việc họ có thể nắm tay nhau, chạm vào nhau đã là một sự thay đổi quan trọng”.

Hỏi thăm John Fisher, ông thú nhận: “Tôi không bao giờ muốn làm tổn thương ai, thậm chí cả trong chiến tranh. Thiên chức của tôi là chăm sóc sức khoẻ và chữa lành vết thương. Vậy mà trong những cuộc xung đột ấy, tôi thậm chí đã được giao cho một khẩu súng trường và được huấn luyện sử dụng nó. Sau đó, tôi đã dùng khẩu súng ấy rất nhiều lần. Nhiều người đã chết và tôi trở về nhà trong niềm hối hận và sự ô uế.

Bây giờ tôi là bác sĩ vật lý trị liệu xương khớp, nhưng sâu thẳm bên trong tôi vẫn luôn tuyệt vọng khi nghĩ đến những người mình đã giết. Giành lại sự sống cho bệnh nhân là một phần thưởng với tôi, nhưng tôi cũng đã lấy đi sự sống của người khác như vậy đấy”. Như rất nhiều cựu binh khác, John Fisher trở về từ chiến tranh Việt Nam và mắc phải hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh vì những việc ông đã gây ra trong những ngày đi lính ở Việt Nam.

Khi quay lại Việt Nam, tự nguyện dùng chuyên môn giúp những người nghèo và cựu chiến binh Việt Nam cần khám chữa bệnh, John Fisher đã dần vơi bớt những cảm xúc đau buồn về thời gian cũ. Năm 2011, ông nhắn với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh rằng ông sẵn sàng quay lại Việt Nam mỗi năm hai tháng, tự lo chi phí, để làm công việc khám bệnh và massage miễn phí cho cựu chiến binh hay người bệnh Việt Nam.

Ở đây, khi chạm vào những người Việt Nam, ông đã không còn cảm thấy những mùi vị của cuộc chiến, không thấy sự thù hằn, không có cả những phân biệt hay xa cách. Vợ chồng ông, trong rất nhiều lần quay lại Việt Nam, luôn tìm thấy những nụ cười.

 

Các cựu binh Mỹ với trẻ em tại một trường mẫu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long do Tổ chức Trái tim người lính giúp xây dựng – Ảnh do ông Edward Tick cung cấp

“Hàn gắn những mảnh tâm hồn”

Bác sĩ Edward Tick, giám đốc Tổ chức Trái tim người lính, bắt đầu làm công việc tư vấn và điều trị cho các cựu binh Mỹ từ chiến tranh Việt Nam về từ khoảng những năm 1970. Trong suốt 40 năm làm công tác trị liệu, ông đã nghe hàng nghìn câu chuyện từ những người lính Mỹ không hoà nhịp được với cuộc sống khi trở về quê nhà, chỉ vì những ám ảnh rất sâu kín sau những gì họ chứng kiến trên chiến trường Việt Nam.

Ông còn nhớ chuyện của Willbert Michel, cựu lính bộ binh Mỹ tại Việt Nam. Willbert giết đối thủ đầu tiên trên mặt trận ở Tây nguyên. Willbert nói với Edward rằng ông vẫn luôn thấy gương mặt của đối phương mà ông từng nhắm bắn, và trong suốt cuộc đời ông lúc nào cũng nhớ gương mặt đó. Willbert nói ông không tha thứ cho mình.

Những cảm xúc, sự hối lỗi như thế xuất hiện trong đầu óc những người lính như Willbert và không sao nguôi ngoai. Bác sĩ Edward nghĩ ra một cách trị liệu khác, bên cạnh việc để họ kể lại câu chuyện. Từ năm 2000, Edward bắt đầu đưa những người lính Mỹ về chính nơi họ đã giết đối phương đầu tiên, nơi họ xả súng máy từ trực thăng bắn xuống làng mạc. Bác sĩ Edward cùng những đồng sự của mình cố gắng tìm ra tận nơi cụ thể, những con người cụ thể để những người lính Mỹ đối diện với quá khứ của họ.

Vào năm 2009, John Fisher đã cùng đồng đội về chính nơi ngày xưa ông chiến đấu: sân bay Phượng Hoàng ở Pleiku. Ông mang theo đồ khám chữa bệnh và tự tổ chức khám bệnh về xương khớp theo chuyên môn của ông cho những người dân ở khu vực đó.

Ông nhớ lại: “Tôi trở lại vùng đất vẫn xuất hiện trong ác mộng của tôi với đồ y tế trong túi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bỗng nhiên một kẻ thù trước kia xuất hiện trên bàn khám của tôi? Tôi đã mong thế, thậm chí cầu xin chuyện đó xảy ra. Và chuyện đó đã xảy ra, một người đàn ông bị mất một tay, rồi thêm một người nữa mất chân vì bom đạn. Tôi đã trị liệu cho họ. Tôi nhận ra chuyến đi của mình là để làm một việc tốt”.

 

Những kẻ thù trước kia trong cuộc chiến, giờ là anh em trong hoà bình – Ảnh do ông Edward Tick cung cấp

Những cảm xúc tích cực xuất hiện mà John Fisher cảm nhận được chính là những gì bác sĩ Edward Tick chờ đợi khi ông bắt đầu cách điều trị bằng những chuyến đi. Trong những lần đến Việt Nam, ông cố tổ chức để những người lính Mỹ tham gia một việc gì đó ở cộng đồng: xây nhà cho người bị thương tật vì chiến tranh, hỗ trợ học sinh nghèo… Năm 2011 này, hoạt động massage cho những cựu chiến binh Việt Nam được đưa thêm vào chương trình.

Bác sĩ Edward Tick giải thích khi trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Thú tội trước quá khứ là hàn gắn lại những gì đã bị phá huỷ, hội tụ lại những gì đã bị chia lìa, tái sinh lại sự thống nhất giữa những con người từ những mảnh đã bị xé nát trong thế giới tâm hồn của người lính sau khi cuộc chiến bị bỏ lại phía sau và những chuyện chém giết trở thành quá khứ. Những việc đó rất đau đớn nhưng là những kết quả rất cần thiết có thể giúp chữa lành tâm hồn họ”.