Phục Sinh 2011: lịch “julien” và lịch “grégorien” trùng khớp nhau
TTCG (radinrue.com, 20-4-2011) – Năm nay, tất cả các Kitô hữu, dù họ là Công giáo, Tin lành hay Chính thống, cũng đều mừng lễ Phục Sinh vào ngày 24-4. Còn lễ Vượt Qua của người Do Thái (Pessah) lại rơi vào ngày Thứ Ba Tuần Thánh, tức là ngày 19-4. Tại sao mỗi năm lại mỗi khác như thế?
Phục Sinh 2011: lịch “julien” và lịch “grégorien” trùng khớp nhau
TTCG (radinrue.com, 20-4-2011) – Năm nay, tất cả các Kitô hữu, dù họ là Công giáo, Tin lành hay Chính thống, cũng đều mừng lễ Phục Sinh vào ngày 24-4. Còn lễ Vượt Qua của người Do Thái (Pessah) lại rơi vào ngày Thứ Ba Tuần Thánh, tức là ngày 19-4. Tại sao mỗi năm lại mỗi khác như thế?
Khác với lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh là một ngày lễ thay đổi theo từng năm, từ 22-3 đến 25-4. Ít nhất là đối với những người Công giáo và Tin lành, còn đối với người Chính thống thì lại có phần khác biệt nhau. Thế nhưng, năm nay các Kitô hữu lại mừng biến cố Chúa sống lại vào cùng một ngày như nhau. Đó là trường hợp xảy ra trong năm nay, cũng như trong năm 2001, 2004, 2007 và 2010; 3 năm tới đây (2014) và năm 2017 cũng giống như thế. Còn trái lại, vào năm 2013, lễ Phục Sinh Tây phương (31-3) và Đông phương (5-5), chênh lệch nhau đến 36 ngày! Những khác biệt này bắt nguồn từ thế kỷ 16, và do sự kiện là chúng ta đã không còn sử dụng chung một lịch nữa…
Đôi dòng về lịch sử
Các Kitô hữu cử hành lễ Phục Sinh dựa vào ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái, còn ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái lại dựa vào âm lịch của các dân tộc Sémites – người Do Thái cũng thuộc nhóm các dân tộc này. Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội trực tiếp được khai sinh từ Do Thái giáo dựa vào ngày lễ Vượt Qua của Do Thái (được ấn định vào ngày 14 âm lịch Nisan, ngày xuân phân); còn các Giáo Hội khác thì lại muốn cử hành lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật, là ngày kỷ niệm Chúa sống lại. Và cuối cùng, cách thức mừng lễ Phục Sinh theo kiểu mà ta vừa đề cập đến ở trên đã được Công đồng Nixê 1 và Hoàng đế Constantin chọn cho toàn thể Giáo Hội (325): lễ Phục Sinh được cử hành vào Chúa Nhật sau ngày rằm thứ nhất, sau xuân phân (21-3).
Nhưng vài thế kỷ sau Công đồng Nixê, ĐGH Grêgôriô XIII đã quyết định xem xét lại lịch để ăn khớp với mặt trời, bằng cách bỏ đi 10 ngày trong năm 1582. Người Chính thống không chấp nhận quyết định này, và vẫn giữ lịch julien nguyên thuỷ, do Hoàng đế Jules César bắt áp dụng vào năm 45 trước Chúa giáng sinh. Lịch này dựa vào năm mặt trời có 365,25 ngày, trong khi đó thì lịch mới, được gọi là lịch “grégorien”, chính xác hơn, lại dựa vào một năm có 365,2425 ngày (trong thực tế, trái đất quay quanh mặt trời trong vòng 365,2422 ngày). Một khoảng cách là 0,0075 ngày cứ thế mà chồng chất lên theo dòng thời gian giữa lịch tôn giáo của người Chính thống và lịch của các Kitô hữu khác. Đến độ ngày hôm nay, sự chênh lệch giữa 2 lịch này là 13 ngày…
Khi nào thì ta có được một ngày chính xác?
Như thế, để kết luận, ta có thể nói rằng lễ Phục Sinh của người Công giáo và Tin lành được tính dựa theo dương lịch đang được sử dụng trên toàn thế giới, trong khi đó thì lễ Phục Sinh của người Chính thống lại được ấn định dựa theo một lịch thiên văn khác, và lịch này chỉ có giá trị xét về mặt tôn giáo. Như thế, đối với người Chính thống thì khởi điểm (21-3) lại không rơi vào trong cùng một ngày, và hiện nay lại tương ứng với ngày 2-4! Nhưng không phải vì thế mà thỉnh thoảng ngày lễ Phục Sinh lại không trùng khớp với nhau, như năm nay chẳng hạn, bởi vì ngày này cũng được ấn định dựa vào một dữ liệu có thể thay đổi, đó là dữ liệu của ngày rằm. Nhưng nhiều khi lại rất khác biệt nhau… Sau năm 2017, ta sẽ phải chờ đến 17 năm sau mới tìm lại được một ngày chung.
Điều đơn giản nhất dĩ nhiên là mừng lễ Phục Sinh vào một ngày nhất định trong năm dương lịch. Vấn đề này vẫn thường xuyên được xem xét. Giáo hội Rôma vẫn không phản đối một sự lựa chọn như thế. Vào năm 1975, ĐGH Phaolô VI đã gợi ý là ta nên ấn định ngày lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật, giữa ngày 9 và 16-4. Thậm chí biện pháp này gần như có hiệu lực vào năm 1977. Về phần mình, những người Chính thống, là những người rất tha thiết với lịch Julien – lịch này cho phép họ sống theo nhịp điệu cuộc sống của Đức Giêsu – cũng đã chấp nhận để nghiên cứu vấn đề này. Qua một cuộc hội thảo tại Alep, vào năm 1997, mọi người đề nghị là ta nên duy trì luật của Công đồng Nixê, nhưng lại dựa trên những dữ liệu thiên văn chính xác, mà ngày hôm nay ta có thể tính toán một cách đúng đắn hơn ngày xưa, để tính ngày điểm phân và ngày trăng rằm. (Vấn đề này cũng được đề cập trở lại tại Thượng Hội đồng Giám mục về Trung Đông diễn ra vào tháng 10 năm ngoái – ND).
Dầu ngày lễ Phục Sinh được ấn định, hay có thể được thay đổi, thì điều thiết yếu vẫn là làm sao để tìm lại được một ngày tháng chung cho lễ Phục Sinh. Đây có thể sẽ là một dấu chỉ cụ thể nói lên tiến trình hiệp nhất của Giáo Hội.
G.B. Lưu Văn Lộc