24/12/2024

Chương mười một cuốn Tóm lược Học Thuyết Xã Hội: Cổ vũ hoà bình

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH 488. Trước khi là ân huệ Chúa ban cho con người và là dự phóng của con người phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, hoà bình trước hết là thuộc tính căn bản của Thiên Chúa: “Đức Chúa là sự bình an” (Tp 6,24). Thụ tạo – phản ánh vinh quang Thiên Chúa – luôn khao khát hoà bình. Thiên Chúa đã tạo ra tất cả những gì đang hiện hữu, và mọi thụ tạo làm nên một tổng thể hài hoà mà phần nào cũng tốt đẹp (x. St 1,4,10.18.21.25.31). Hoà bình được xây dựng dựa trên mối quan hệ căn bản giữa mọi người với Thiên Chúa, một quan hệ được đánh dấu bằng sự công chính (x. St 17,1).

 

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

CỔ VŨ HOÀ BÌNH

 

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH

488. Trước khi là ân huệ Chúa ban cho con người và là dự phóng của con người phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, hoà bình trước hết là thuộc tính căn bản của Thiên Chúa: “Đức Chúa là sự bình an” (Tp 6,24). Thụ tạo – phản ánh vinh quang Thiên Chúa – luôn khao khát hoà bình. Thiên Chúa đã tạo ra tất cả những gì đang hiện hữu, và mọi thụ tạo làm nên một tổng thể hài hoà mà phần nào cũng tốt đẹp (x. St 1,4,10.18.21.25.31). Hoà bình được xây dựng dựa trên mối quan hệ căn bản giữa mọi người với Thiên Chúa, một quan hệ được đánh dấu bằng sự công chính (x. St 17,1). Vì con người đã làm đảo lộn trật tự thần thánh do một hành vi chủ ý, nên thế giới đã trải qua việc đổ máu và chia rẽ. Bạo lực bắt đầu xuất hiện trong các mối quan hệ liên vị (x. St 4,1-16) và trong các mối quan hệ xã hội (x. St 11,1-9). Hoà bình và bạo lực không thể đi đôi với nhau; nơi nào có bạo lực, nơi đó không thể có Thiên Chúa (x. 1 Bn 22,8-9).

489. Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Thay vì là công lao của bàn tay con người, hoà bình là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho mọi người, nam cũng như nữ, và vì thế, nó đòi chúng ta phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa. Hoà bình là kết quả của phúc lành Chúa ban cho dân Ngài: “Đức Chúa đoái nhìn đến các ngươi và ban cho các ngươi sự bình an” (Ds 6,26). Hoà bình sẽ mang lại sự sung túc (x. Is 48,19), an vui (x. Is 48,18), thịnh vượng (x. Is 54,13), hết lo sợ (x. Lv 26,6) và niềm vui sâu xa (x. Tv 12,20).

490. Hoà bình là mục đích của cuộc sống trong xã hội, như đã được nói rất rõ trong viễn tượng về hoà bình của Đấng Mêsia: khi mọi dân tộc tiến lên đền Chúa, Ngài sẽ dạy họ đường lối của Ngài và họ sẽ đi theo đường lối bình an ấy (x. Is 2,2-5). Một thế giới mới hoà bình bao trùm lên mọi thụ tạo, đó chính là lời hứa cho thời đại Đấng Mêsia (x. Is 11,6-9); chính Đấng Mêsia cũng sẽ được gọi là “Thái Tử hoà bình” (Is 9,5). Nơi nào có hoà bình của Ngài, nơi nào có hoà bình ấy dù chỉ phần nào, nơi đó không ai có thể làm dân Chúa lo sợ nữa (x. Zc 3,13). Chính lúc ấy, hoà bình sẽ bền vững: khi nhà vua đã cai trị theo công lý của Chúa thì sự công chính sẽ nở hoa và hoà bình sẽ lan tràn “cho tới khi mặt trăng không còn nữa” (Tv 72,7). Thiên Chúa mong muốn đem hoà bình đến cho dân Ngài: “Ngài sẽ nói chuyện hoà bình với dân mình, với các thánh của mình, với những ai đã quay về với Ngài tự trong lòng” (Tv 85,9). Khi lắng nghe những gì Chúa muốn nói với dân Ngài về hoà bình, Tác giả Thánh Vịnh đã nghe được những lời sau đây: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý sẽ giao duyên” (Tv 85,11).

491. Lời hứa hoà bình trải dài suốt toàn bộ Cựu Ước và đã được thực hiện trọn vẹn nơi chính con người Đức Giêsu. Thật vậy, hoà bình là thuộc tính trên hết của Đấng Mêsia, trong đó bao gồm tất cả các ơn ích khác của sự cứu độ. Từ “shalom” (hoà bình) trong tiếng Hipri đã diễn đạt ý nghĩa ấy vì từ gốc của chữ này có nghĩa là “sung mãn” (x. Is 9,5tt; Mch 5,1-4). Vương quốc của Đấng Mêsia đích thực là vương quốc hoà bình (x. G 25,2; Tv 29,11; 37,11; 72,3.7; 85,9.11; 119; 125,5; 128,6; 147,14; Dc 8,10; Is 26,3.12; 32,17tt; 52,7; 54,10; 57,19; 60,17; 66,12; Ag 2,9; Zc 9,10…). Đức Giêsu là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người đã phá đổ bức tường thù nghịch chia rẽ dân chúng khi hoà giải họ với Chúa (x. Ep 2,14-16). Với thái độ đơn sơ chân thành mà hiệu quả này, thánh Phaolô đã cho các Kitô hữu biết đâu là động cơ sâu xa khiến họ bắt tay tổ chức một cuộc sống hoà bình và thi hành một sứ mạng hoà bình.

Trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã nói tới mối quan hệ yêu thương của Người với Chúa Cha và sức mạnh thống nhất mà tình yêu ấy mang lại cho các môn đệ. Trong bài diễn văn chia tay ấy, Người đã cho thấy ý nghĩa sâu xa của cuộc đời mình, có thể được coi là bản tóm tắt tất cả giáo lý của Người. Ơn hoà bình chính là dấu ấn Người đóng trên chúc thư thiêng liêng của mình: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em; Thầy không ban như thế gian ban tặng anh em” (Ga 14,27). Khi sống lại, Đức Giêsu cũng không nói khác: mỗi khi gặp các môn đệ, Người cũng đều ban cho họ lời chào và ơn bình an: “Chúc anh em bình an” (Lc 24,36; Ga 20,19.21.26).

492. Hoà bình của Đức Kitô trước tiên là sự làm hoà với Chúa Cha, sự làm hoà này có được là do thừa tác vụ mà Đức Giêsu đã uỷ thác cho các môn đệ, và nó khởi sự với lời công bố bình an: “Vào nhà nào, trước tiên anh em hãy nói ‘bình an cho nhà này’” (Lc 10,5; x. Rm 17). Tiếp đến, hoà bình là làm hoà với anh chị em, vì trong kinh Đức Giêsu dạy chúng ta – Kinh Lạy Cha – ơn tha thứ mà chúng ta cầu xin nơi Thiên Chúa gắn liền với sự tha thứ mà chúng ta làm cho anh chị em mình: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con” (Mt 6,12). Qua sự hoà giải hai hướng ấy, các Kitô hữu có thể trở thành chuyên viên hoà giải, và từ đó, được tham gia vào Vương quốc của Thiên Chúa đúng như những gì Đức Giêsu tuyên bố trong Tám Mối Phúc Thật: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

493. Nỗ lực xây dựng hoà bình là một việc không bao giờ được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng, vì đây đúng là “Tin Mừng hoà bình” (Cv 10,36; x. Ep 6,15) cho hết mọi người. Trung tâm điểm của “Tin Mừng hoà bình” (Ep 6,15) này vẫn là mầu nhiệm thập giá, vì hoà bình được phát sinh từ hy tế của Đức Kitô (x. Is 53,5). “Hình phạt đã giáng xuống trên Người làm cho ta nên trọn vẹn; và nhờ những roi vọt đánh đập lên Người mà chúng ta được chữa lành”. Đức Kitô bị đóng đinh đã thắng vượt các mối chia rẽ, tái lập hoà bình và hoà giải chính là nhờ thập giá, và “do đó làm chấm dứt mọi sự thù nghịch” (Ep 2,16) và đem ơn cứu độ của mầu nhiệm Phục Sinh đến cho loài người.

II. HOÀ BÌNH: KẾT QUẢ CỦA CÔNG LÝ
        VÀ BÁC ÁI

494. Hoà bình là một giá trị1015 và là một nghĩa vụ của hết mọi người1016 dựa trên một trật tự  hợp lý và luân lý của xã hội, trật tự này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, “là nguồn sống đầu tiên, là sự thật căn bản và là sự thiện hảo tối cao”1017. Hoà bình không phải chỉ là không có chiến tranh, cũng không phải hạ thấp xuống tới mức chỉ là giữ cho các bên thù địch nhau cân bằng về quyền lực1018; mà đúng hơn, hoà bình được xây dựng trên việc hiểu đúng con người1019 và đòi phải thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý và bác ái.

Hoà bình là kết quả của công lý1020, (x. Is 32,17) được hiểu theo nghĩa rộng là tôn trọng sự cân bằng giữa mọi chiều hướng của con người. Hoà bình bị đe doạ khi con người không được trao cho tất cả những gì phải là của mình, xét như một con người, hay khi phẩm giá con người không được tôn trọng và khi đời sống dân sự không được quy hướng về công ích. Bảo vệ và phát huy các quyền con người là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hoà bình và để phát triển toàn diện các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia.

Hoà bình là kết quả của tình yêu. “Hoà bình đích thực và bền vững là việc của tình yêu hơn là của công lý, vì vai trò của công lý chỉ là loại bỏ những trở ngại đặt ra cho hoà bình: đó là những thương tổn hay những thiệt hại đã gây ra. Còn hoà bình tự chính bản thân là một hành động và là những thành quả chỉ xuất phát từ tình yêu”1022.

495. Hoà bình được xây dựng dần dần khi người ta theo đuổi một trật tự như Chúa muốn1023 và hoà bình chỉ thăng hoa khi mọi người đều công nhận ai ai cũng có trách nhiệm xúc tiến hoà bình1024. Để ngăn ngừa xung đột và bạo lực, tuyệt đối cần phải làm cho hoà bình bắt đầu bám rễ như một giá trị ăn sâu vào trong tâm hồn mỗi người. Bằng cách đó, hoà bình có thể đến được các gia đình và các tổ chức khác nhau trong xã hội, cho tới khi toàn thể cộng đồng chính trị đều tham gia vào đó1025. Trong một bầu khí thấm nhuần tinh thần hoà hợp và tôn trọng công lý, thì một nền văn hoá hoà bình chân chính có thể nảy nở1026, thậm chí nền văn hoá ấy có thể thâm nhập vào toàn thể cộng đồng quốc tế. Bởi đó, hoà bình là kết quả của “một sự hoà hợp đã được Thiên Chúa, Đấng sáng lập xã hội loài người, đưa vào trong xã hội loài người và phải được thể hiện bởi con người khi họ không ngừng khao khát một nền công lý lớn lao hơn”1027. Một lý tưởng về hoà bình như thế “không thể nào có được trên trần gian này nếu đời sống ấm no của con người chưa được bảo đảm và nếu người ta chưa được tự do và tin tưởng chia sẻ với nhau những sự phong phú của trí tuệ và tài năng của mình”1028.

496. Bạo lực thường là giải pháp không thích đáng. Với sự xác tín về niềm tin vào Đức Kitô và ý thức sứ mạng của mình, Giáo Hội tuyên bố: “bạo lực là tội ác, không thể chấp nhận bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề, bạo lực là điều không xứng đáng với con người. Bạo lực là sự dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin và sự thật của nhân loại. Bạo lực phá huỷ tất cả những gì nó hô hào bảo vệ, từ phẩm giá đến sự sống và tự do của con người”1029.

Thế giới hiện nay cũng cần lời chứng của các tiên tri không khí giới, những người thường hay bị chế nhạo1030. “Những ai từ chối bạo lực và từ chối đổ máu, đồng thời để bảo vệ nhân quyền, cố gắng tận dụng các phương thế tự vệ mà cả người yếu kém nhất cũng có thể sử dụng, là những người đã làm chứng cho lòng bác ái theo Tin Mừng, miễn là khi làm như thế, họ không làm phương hại đến quyền lợi và bổn phận của người khác và của xã hội. Họ đã minh chứng một cách chính đáng rằng việc nhờ đến bạo lực sẽ gây nên những rủi ro nghiêm trọng cho thể lý và tinh thần với tất cả sự huỷ hoại và chết chóc của nó”1031.

III. CHIẾN TRANH: MỘT SỰ THẤT BẠI
          CỦA HOÀ BÌNH

497. Huấn Quyền lên án “sự man rợ của chiến tranh”1032 và yêu cầu phải xem xét chiến tranh theo một đường hướng mới1033. Thật vậy, “hầu như không thể nào tưởng tượng được trong một kỷ nguyên hạt nhân như hiện nay, người ta được phép sử dụng chiến tranh như một công cụ để thực thi công lý”1034. Chiến tranh đúng là một “mối hoạ”1035 và không bao giờ là một phương cách thích đáng để giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa các quốc gia, “chiến tranh chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là” phương cách thích đáng1036, vì chiến tranh sẽ tạo ra những sự xung đột mới còn phức tạp hơn1037. Khi chiến tranh bùng nổ, nó trở thành một “cuộc tàn sát không cần thiết”1038, một “cuộc ra đi không có ngày về”1039, làm hại tới hiện tại và đe doạ tới tương lai của nhân loại. “Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả1040. Thiệt hại do một cuộc xung đột vũ trang gây ra không chỉ thiệt hại vật chất mà còn thiệt hại tinh thần1041. Rốt cuộc, chiến tranh là “sự thất bại của toàn thể nền nhân đạo chân chính”1042, “chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại của con người”1043: “đừng bao giờ dân này chống dân kia nữa, đừng bao giờ nữa!… đừng có chiến tranh nữa, đừng có chiến tranh nữa!”1044.

498.  Hiện nay, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế chiến tranh để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế đang trở nên cấp thiết vô cùng, vì “sức mạnh kinh khủng của các phương tiện huỷ diệt – mà ngay cả các nước vừa và nhỏ cũng có thể sử dụng – và sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các dân tộc trên thế giới đã khiến cho việc hạn chế các hậu quả của xung đột trở nên vô cùng khó khăn hay hầu như vô phương thực hiện”1045. Bởi đó, cần tìm ra những nguyên nhân ẩn đằng sau các cuộc xung đột có thể gây chiến ấy, nhất là những cuộc xung đột gắn liền với các các hoàn cảnh tạo ra bất công, nghèo đói và bóc lột, đòi người ta phải can thiệp sâu thì mới loại trừ các nguyên nhân ấy được. “Vì lý do đó, hoà bình mang một danh hiệu mới là sự phát triển. Nếu phải có một trách nhiệm tập thể để tránh chiến tranh thì cũng phải có một trách nhiệm tập thể để đẩy mạnh sự phát triển”1046.

499. Các quốc gia không phải lúc nào cũng có đầy đủ những phương tiện để tự vệ cách hữu hiệu, và vì thế, cần phải có các tổ chức quốc tế và khu vực, là những tổ chức có điều kiện làm việc chung với nhau để giải quyết các xung đột và đẩy mạnh hoà bình, tái lập những mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, khiến việc sử dụng chiến tranh trở thành phi lý1047. “Chúng ta có lý do để hy vọng… rằng bằng cách gặp gỡ và thương thảo, con người có thể khám phá rõ ràng hơn những mối dây liên kết mình lại với nhau, xuất phát từ chỗ hai bên đều có chung bản tính con người; cũng như một trong những yêu cầu sâu xa nhất của bản tính chung ấy là giữa họ với nhau và giữa các dân tộc với nhau không nên để cho sự sợ hãi thống trị mà phải để tình yêu thống trị, một tình yêu cố gắng bộc lộ ra trong sự cộng tác chân thành, dù có thể mang nhiều hình thức và đem lại nhiều lợi ích”1048.

a. Sự phòng thủ hợp pháp

500. Một cuộc chiến tranh xâm lược tự bản chất là một điều phi luân. Trong trường hợp đáng tiếc có một cuộc chiến như thế nổ ra, các nhà lãnh đạo của quốc gia bị tấn công có quyền và nghĩa vụ phải tổ chức phòng thủ, thậm chí bằng cách dùng vũ lực1049. Để được hợp pháp, việc sử dụng vũ lực phải tuân thủ một số điều kiện nghiêm nhặt như sau: “sự thiệt hại do nước xâm lăng gây ra cho quốc gia hay cộng đồng các quốc gia phải là sự thiệt hại lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn; phải chứng tỏ là đã dùng hết các phương thế khác để dập tắt chiến tranh mà không thực hiện được hay không có kết quả; phải có những triển vọng thành công nghiêm túc; việc sử dụng vũ khí không được gây ra những tội ác và vô trật tự lớn hơn tội ác của chính cuộc xâm lược cần loại bỏ. Những phương tiện huỷ diệt hiện nay có sức mạnh đến nỗi cần phải được để ý nhiều mỗi khi cân nhắc điều kiện sau cùng này. Trên đây là những nhân tố truyền thống được liệt kê trong cái gọi là lý thuyết về “chiến tranh chính đáng”. Việc đánh giá các điều kiện trên đây hầu hợp pháp hoá chiến tranh về mặt luân lý phụ thuộc vào sự phán đoán khôn ngoan của những người có trách nhiệm đối với công ích”1050.

Nếu trách nhiệm này có thể biện minh cho việc sở hữu đầy đủ các phương tiện nhằm thực hiện quyền tự vệ, thì các quốc gia vẫn có bổn phận phải làm hết cách để “bảo đảm cho có các điều kiện hoà bình, không chỉ trong lãnh thổ của mình mà cả trên khắp thế giới”1051. Cần nhớ rằng “tổ chức một cuộc chiến tự vệ là một chuyện; nhưng tìm cách áp đặt sự thống trị lên một quốc gia lại là chuyện khác. Có tiềm lực chiến tranh không có nghĩa là được phép sử dụng vũ lực để đạt các mục tiêu chính trị hay quân sự. Cũng không phải cứ thấy chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc là các bên lâm chiến đều có quyền ngang nhau”1052.

501. Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được khai sinh từ thảm kịch Thế Chiến Thứ Hai nhằm tránh cho các thế hệ tương lai khỏi tai hoạ chiến tranh, là một bản văn dựa trên một lệnh cấm chung không cho phép nhờ đến vũ lực để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia, ngoại trừ hai trường hợp: đó là sự tự vệ chính đáng và những biện pháp do Hội đồng Bảo an đưa ra trong phạm vi trách nhiệm gìn giữ hoà bình. Nhưng dù thế nào, khi thi hành quyền tự vệ, người ta đều phải tôn trọng “những giới hạn theo truyền thống về việc xác định thế nào là cần thiết và tương xứng1053.

Bởi đó, việc tham gia vào một cuộc chiến phòng vệ mà không có chứng cứ rõ ràng rằng cuộc tấn công đã rất gần, sẽ không thể không gây ra nhiều vấn đề pháp lý và luân lý nghiêm trọng. Người ta chỉ được phép sử dụng lực lượng vũ trang ở cấp quốc tế dựa trên cơ sở có sự đánh giá nghiêm túc và có những động cơ vững chắc, với quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền xác nhận một tình huống cụ thể nào đó là đe doạ cho nền hoà bình và được tổ chức ấy cho phép xâm nhập vào trong khu vực tự trị lâu nay vẫn dành cho quốc gia ấy.

b. Bảo vệ hoà bình

502. Những đòi hỏi của việc phòng thủ hợp pháp cho phép các quốc gia có những lực lượng vũ trang, nhưng hoạt động của những lực lượng này phải nhằm phục vụ hoà bình. Những ai bảo vệ an ninh và tự do của quốc gia theo tinh thần ấy là đã đóng góp thực sự vào nền hoà bình1054. Mọi người phục vụ trong các lực lượng vũ trang đều được mời gọi cách cụ thể hãy bảo vệ điều tốt, sự thật và công lý trên thế giới. Nhiều người trong những hoàn cảnh ấy đã hy sinh tính mạng vì các giá trị đó và để bảo vệ sự sống người vô tội. Về điểm này, điều rất có ý nghĩa là số các nhân viên quân sự phục vụ trong các lực lượng đa quốc gia cho những sứ mạng nhân đạo hay gìn giữ hoà bình do Liên Hiệp Quốc xúc tiến ngày càng tăng1055.

503. Mỗi thành viên trong các lực lượng vũ trang đều có bổn phận về mặt luân lý chống lại những mệnh lệnh yêu cầu mình phạm các tội ác đi ngược lại luật lệ các quốc gia và các nguyên tắc phổ quát của luật này1056. Các nhân viên quân sự vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hành vi của mình xâm phạm quyền lợi của các cá nhân và dân tộc hay vi phạm các chuẩn mực của luật nhân đạo quốc tế. Không thể lấy cớ tùng phục lệnh của cấp trên để bào chữa cho những hành vi ấy của mình.

Những người phản đối theo lương tâm, vượt ra ngoài nguyên tắc, không chịu tham gia thi hành nghĩa vụ quân sự trong những trường hợp bắt buộc, vì lương tâm họ phản đối bất cứ hình thức sử dụng vũ lực nào hoặc vì chống đối việc tham gia vào một cuộc xung đột nhất định, đều phải sẵn sàng chấp nhận những hình thức phục vụ khác thay thế. “Xem ra rất chính đáng khi luật pháp có dự trù trường hợp các người phản đối theo lương tâm không chịu cầm vũ khí, miễn là họ chấp nhận một hình thức khác để phục vụ cộng đồng”1057.

c. Nghĩa vụ bảo vệ người vô tội

504. Quyền sử dụng vũ lực vào các mục tiêu phòng thủ chính đáng được gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân vô tội không có khả năng tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm lược. Trong các cuộc xung đột hiện nay, thường diễn ra trong phạm vi quốc gia, người ta cũng phải tuân thủ trọn vẹn những mệnh lệnh của luật nhân đạo quốc tế. Những dân thường rất hay bị tấn công và có khi trở thành mục tiêu của chiến tranh. Trong một số trường hợp, họ còn bị sát hại rất tàn nhẫn hay bị trục xuất khỏi nhà cửa, đất đai của họ do bị cưỡng ép di tản, dưới chiêu bài “thanh lọc chủng tộc”1058, một điều không bao giờ có thể chấp nhận được. Trong những hoàn cảnh bi đát ấy, phải làm sao cho viện trợ nhân đạo đến tận tay các dân thường và không bao giờ được dùng viện trợ ấy để gây áp lực đối với những người tiếp nhận viện trợ; phải đặt lợi ích của con người lên trên ích lợi của các bên tham gia xung đột.    

505. Nguyên tắc nhân đạo, được khắc ghi trong lương tâm mỗi người và mọi dân tộc, cũng bao gồm bổn phận phải bảo vệ dân thường khỏi những hậu quả của chiến tranh. “Việc bảo vệ tối thiểu phẩm giá của mỗi người, tuy đã được luật nhân đạo quốc tế bảo đảm, nhưng vẫn rất hay bị vi phạm nhân danh những yêu cầu về chính trị hay quân sự, là những điều lẽ ra không bao giờ được đặt cao hơn giá trị của con người. Hiện nay, chúng ta nhận thấy cần phải tìm ra một sự đồng thuận mới về các nguyên tắc nhân đạo và cần phải củng cố nền tảng của các nguyên tắc ấy để ngăn chặn không cho tái diễn những hành động tàn bạo và lạm dụng”1059.

Một loại nạn nhân đặc biệt của chiến tranh là những người tị nạn, do chiến tranh buộc phải chạy trốn khỏi những nơi họ sinh sống để tìm nơi ẩn náu tại các nước khác. Giáo Hội muốn gần gũi họ không những bằng cách chăm sóc mục vụ và hỗ trợ vật chất, mà còn bằng cách dấn thân để bảo vệ nhân phẩm của họ: “Quan tâm tới người tị nạn sẽ khiến chúng ta phải tái khẳng định và đề cao các quyền con người đã được mọi nơi nhìn nhận, đồng thời phải đòi các quyền ấy của người tị nạn phải được bảo vệ và nhìn nhận hữu hiệu”1060.

506. Tìm cách tiêu diệt toàn bộ một tập thể quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ là đã phạm tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính nhân loại; những người chịu trách nhiệm về các tội ấy phải trả lời về hành vi của mình trước công lý1061. Thế kỷ XX đã in đậm dấu tích bi đát của nhiều cuộc diệt chủng khác nhau: từ cuộc diệt chủng người Armêni đến cuộc diệt chủng người Ukraina, từ cuộc diệt chủng người Cambodia đến các cuộc diệt chủng liên tục tại châu Phi và bán đảo Balkan. Trong số đó, nổi bật nhất là cuộc tàn sát người Do Thái: “những ngày tháng ‘shoah’ (tàn sát) ấy đúng là những đêm tối của lịch sử, với những tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại nhân loại không thể tưởng tượng được”1062.

Cộng đồng quốc tế nói chung có bổn phận luân lý là can thiệp cho các tập thể ấy, vì sự sống còn của họ đang bị đe doạ hay vì các quyền căn bản của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Là thành viên của cộng đồng quốc tế, các quốc gia không thể giữ thái độ thờ ơ; ngược lại, nếu các biện pháp khác đều tỏ ra vô hiệu, “cộng đồng có quyền hợp pháp và thậm chí có bổn phận áp dụng các biện pháp cụ thể để tước khí giới kẻ xâm lược”1063. Không thể đưa nguyên tắc chủ quyền của quốc gia ra làm cớ ngăn cản sự can thiệp ấy nhằm bảo vệ các nạn nhân vô tội1064. Nhưng phải thi hành các biện pháp can thiệp bằng cách tuân thủ trọn vẹn luật lệ quốc tế và nguyên tắc căn bản về sự bình đẳng giữa các quốc gia.

Trong cộng đồng quốc tế hiện nay đang có Toà án Hình sự Quốc tế để trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về những hành vi hết sức nghiêm trọng như tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược. Huấn Quyền đã không quên cổ vũ tổ chức này khi có dịp1065.

d. Các biện pháp chống lại những người đe doạ nền hoà bình

507. Dưới những hình thức mà trật tự quốc tế hiện nay quy định, đã có những biện pháp chế tài nhằm sửa chữa cách hành động của chính phủ nước nào vi phạm luật lệ sống chung hoà bình và trật tự trên thế giới hay đã có những hình thức đàn áp nghiêm trọng đối với dân chúng. Mục đích của những biện pháp chế tài này phải được xác định rõ ràng và các biện pháp ấy phải thỉnh thoảng được đánh giá lại một cách khách quan do các cơ quan chuyên môn của cộng đồng quốc tế về hiệu quả cũng như về tác dụng thật sự của chúng đối với dân thường. Mục tiêu thật của các biện pháp này là nhằm mở ra cho các bên cơ hội thương thảo và đối thoại. Không bao giờ được dùng các biện pháp chế tài ấy làm phương thế để trừng phạt trực tiếp cả một dân tộc: không được phép làm cho cả một dân tộc, nhất là những thành phần dễ bị tổn thương nhất, phải đau khổ vì những biện pháp chế tài ấy. Cách riêng, trừng phạt về kinh tế là một biện pháp chỉ được sử dụng sau khi đã nhận định cẩn thận và phải tuân thủ những tiêu chuẩn luật pháp và đạo đức nghiêm nhặt1066. Cấm vận kinh tế là biện pháp chỉ được tiến hành trong thời gian có hạn và không thể được coi là chính đáng khi gây nên những hậu quả tai hại bừa bãi.

e. Giải trừ quân bị

508. Giáo huấn xã hội Công giáo đề nghị mục tiêu “giải trừ quân bị toàn bộ, có cân đối và có kiểm soát”1067. Sự gia tăng vũ khí một cách kinh khủng là một đe doạ lớn cho sự ổn định và nền hoà bình. Nguyên tắc vừa đủ – theo đó mỗi quốc gia chỉ được phép sở hữu những phương tiện cần thiết cho việc phòng thủ hợp pháp – phải được áp dụng cho các quốc gia mua vũ khí cũng như cho các quốc gia sản xuất và cung cấp vũ khí1068. Bất cứ sự tàng trữ quá đáng hay mua bán vũ khí không phân định đều không thể biện minh về mặt luân lý. Người ta cũng phải đánh giá các hiện tượng này theo những chuẩn mực quốc tế liên quan tới việc không phổ biến, sản xuất, mua bán và sử dụng các loại vũ khí. Không bao giờ được giải quyết vấn đề vũ khí như các hàng hoá khác được trao đổi trên các thị trường quốc tế hay trong nước1069.

Ngoài ra, Huấn Quyền cũng đã đánh giá hiện tượng răn đe về mặt luân lý. “Việc tàng trữ vũ khí có thể được nhiều người cho là thích hợp dù có vẻ nghịch lý để răn đe các đối phương có tiềm năng khỏi gây chiến. Họ coi đó là phương thế hữu hiệu nhất để bảo đảm hoà bình giữa các quốc gia. Phương pháp răn đe này đã làm nhiều người phải dè dặt về mặt luân lý. Chạy đua vũ trang không bảo đảm hoà bình. Thay vì loại trừ các nguyên nhân gây nên chiến tranh, nó lại có nguy cơ làm cho chúng trầm trọng thêm”1070. Các chính sách răn đe hạt nhân, điển hình của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, phải được thay thế bằng những biện pháp cụ thể của giải trừ quân bị dựa trên đối thoại và thương thảo giữa nhiều bên.

509. Những vũ khí có sức huỷ diệt hàng loạt – bằng sinh học, hoá học hay hạt nhân – đang là một mối đe doạ đặc biệt nghiêm trọng. Những ai đang sở hữu những vũ khí ấy phải chịu trách nhiệm rất lớn trước mặt Chúa và toàn thể nhân loại1071. Nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, cùng với những biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân và nghiêm cấm thử nghiệm hạt nhân, tất cả đều là những mục tiêu có liên quan với nhau cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt với sự kiểm soát hữu hiệu ở cấp quốc tế1072.

Việc cấm phát triển, sản suất, tàng trữ và sử dụng các vũ khí hoá học và sinh học, cũng như các điều khoản yêu cầu tiêu huỷ chúng, đã bổ túc thêm vào số chuẩn mực điều hành của quốc tế, nhằm bãi bỏ các vũ khí giết người ấy1073, và Huấn Quyền đã công khai lên án việc sử dụng chúng: “Bất cứ hành vi chiến tranh nào nhắm tiêu diệt một cách không phân biệt toàn bộ các thành phố hay những khu vực rộng lớn, cùng với dân cư tại đó, đều là tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Những hành vi ấy rất đáng bị lên án một cách dứt khoát và kiên quyết”1074.

510. Giải trừ quân bị cũng bao hàm việc ngăn cấm các vũ khí gây thương tích quá đáng hoặc đả thương một cách không phân biệt. Trong số đó có các loại mìn sát thương, một loại vũ khí tuy nhỏ nhưng rất hiểm độc phi nhân vì nó tiếp tục gây thiệt hại cho nạn nhân kể cả thời gian rất lâu sau khi kết thúc cuộc chiến. Các nước sản xuất, buôn bán và tiếp tục sử dụng chúng phải chịu trách nhiệm về việc cố tình trì hoãn việc loại bỏ hẳn các vũ khí giết người ấy1075. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục những nỗ lực đã cam kết của mình nhằm tháo gỡ mìn, tạo điều kiện cho có sự cộng tác hữu hiệu – kể cả giáo dục và huấn luyện kỹ thuật – với các quốc gia không có những phương tiện thích đáng để tháo gỡ mìn trên lãnh thổ của họ một cách nhanh chóng cần thiết, cũng như không có khả năng trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân của mìn.

511. Cần phải có những biện pháp thích hợp để kiểm soát việc sản xuất, buôn bán, nhập khẩu và xuất khẩu các vũ khí nhỏ và nhẹ, các quân khí có thể tạo điều kiện cho bạo lực bùng phát. Việc mua bán và buôn lậu các vũ khí như thế là một mối đe doạ nghiêm trọng cho nền hoà bình: những vũ khí này đều có khả năng giết người và hầu hết được dùng vào các cuộc xung đột nội bộ hay trong khu vực; tình trạng có sẵn để cung cấp các loại vũ khí này càng làm tăng rủi ro có những cuộc xung đột mới và càng làm tăng tầm mức của những cuộc xung đột đang tiếp diễn. Các quốc gia áp dụng những sự kiểm soát rất nghiêm nhặt về việc chuyển giao các vũ khí hạng nặng trên thế giới, nhưng đồng thời lại không bao giờ hay rất hiếm khi hạn chế việc mua bán và buôn lậu các vũ khí nhỏ và nhẹ, đó quả là một điều mâu thuẫn không thể chấp nhận được. Các chính phủ cần khẩn trương áp dụng các biện pháp thích hợp để kiểm soát việc sản xuất, tàng trữ, mua bán và buôn lậu các loại vũ khí này1076, để chặn đứng sự phát triển ngày càng nhanh các loại vũ khí, phần lớn trong các nhóm chiến đấu không phải là lực lượng quân đội của quốc gia.

512. Sử dụng trẻ em và thiếu niên làm lính trong các cuộc xung đột có vũ trang – bất kể chúng chưa đủ tuổi để tuyển dụng – là hành vi phải bị lên án. Bị bắt buộc tham gia chiến đấu hay tự nguyện làm như thế mà không hiểu đầy đủ hậu quả, các trẻ em này không những bị mất học hành và một tuổi thơ bình thường, chúng còn được huấn luyện để giết người. Điều này tạo ra một tội ác không thể dung thứ. Cần phải dừng lại ngay việc sử dụng lính trẻ em trong các lực lượng chiến đấu dưới bất cứ hình thức nào, và đồng thời, phải trợ giúp bằng mọi cách để chăm sóc, giáo dục và phục hồi những trẻ em đang tham gia chiến đấu ấy1077.

f. Lên án chính sách khủng bố

513. Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa1078. Từ một chiến thuật phá hoại điển hình của một vài tổ chức cực đoan, nhằm phá hoại tài sản vật chất hay giết người, khủng bố nay đã trở thành một mạng lưới mờ ám của việc cấu kết chính trị. Người ta có thể sử dụng cả công nghệ tinh vi, nắm trong tay nguồn tài chính khổng lồ và chẳng ngần ngại tham gia vào việc lên kế hoạch ở cấp độ vĩ mô, đánh thẳng vào những người hoàn toàn vô tội, biến họ thành những nạn nhân tình cờ của các hành động khủng bố1079. Mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố thường là những nơi sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải là những mục tiêu quân sự trong khuôn khổ của một cuộc chiến công khai. Chủ nghĩa khủng bố hoạt động và tấn công trong bóng tối mà không đếm xỉa gì tới các quy luật, mà theo đó con người phải luôn tìm cách giới hạn sự xung đột, chẳng hạn luật nhân đạo quốc tế; “nhiều khi các phương pháp khủng bố được coi như những chiến thuật mới của chiến tranh”1080. Chúng ta cũng không được coi thường những nguyên nhân đã dẫn đến những hình thức yêu sách không thể chấp nhận được như thế. Muốn đấu tranh chống lại chính sách khủng bố thì phải có nghĩa vụ luân lý là tạo điều kiện giúp ngăn chặn nó phát sinh hay phát triển.

514. Phải lên án chính sách khủng bố một cách tuyệt đối. Chính sách khủng bố là sự khinh rẻ hoàn toàn mạng sống con người, và vì thế, không bao giờ có thể biện minh được: vì con người luôn luôn là cứu cánh chứ không bao giờ là phương tiện. Các hành vi khủng bố đánh thẳng vào phẩm giá con người và xúc phạm tới toàn thể nhân loại: “bởi đó, mọi người có quyền chống lại chính sách khủng bố1081. Tuy nhiên, quyền này không thể được thực hiện mà không có chuẩn mực luân lý và luật pháp nào, vì phải tiến hành cuộc đấu tranh chống khủng bố trong sự tôn trọng các quyền con người và các nguyên tắc của một quốc gia được cai trị theo luật pháp1082. Phải chứng minh một cách thích đáng khi xác định danh tính phe có tội, vì trách nhiệm hình sự luôn luôn là trách nhiệm mang tính cá nhân, chứ không thể gán ghép rộng ra cho tôn giáo, quốc gia hay chủng tộc mà kẻ khủng bố thuộc về. Việc cộng tác ở cấp quốc tế để đấu tranh chống các hoạt động khủng bố “không thể chỉ dừng lại với những hành vi trấn áp và trừng phạt. Phải sử dụng sức mạnh, kể cả khi cần, song song với việc can đảm và sáng suốt phân tích những lý do ẩn đằng sau những cuộc tấn công khủng bố ấy1083. Cũng cần có sự cam kết đặc biệt “trên bình diện chính trị và giáo dục1084 là sẽ can đảm và cương quyết giải quyết các vấn đề mà trong một số trường hợp bi đát có thể đưa tới khủng bố: “thật vậy, các kẻ khủng bố dễ được tuyển mộ hơn ở nơi nào quyền lợi bị chà đạp và con người phải gánh chịu bất công quá lâu”1085.

515. Thật là một điều báng bổ và phạm thượng khi tự xưng mình là kẻ khủng bố nhân danh Thiên Chúa1086. Trong những trường hợp ấy, không chỉ con người mà cả Thiên Chúa đã bị khai thác do một người tự cho là mình nắm giữ trọn vẹn sự thật về Thiên Chúa thay vì phải tìm cách để cho sự thật ấy nắm giữ mình. Nếu gọi những người chết do thực hiện những cuộc tấn công khủng bố là “tử đạo” là ta đã bóp méo khái niệm tử đạo, tử đạo là bằng chứng của một con người thà chịu chết chứ không chịu chối bỏ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Một người nhân danh Thiên Chúa để sát hại không thể nào là người tử vì đạo.

Không có tôn giáo nào dung túng sự khủng bố, và càng không hô hào khủng bố1087. Đúng hơn, các tôn giáo phải hợp tác với nhau để loại bỏ những nguyên nhân đưa tới khủng bố và đẩy mạnh tình hữu nghị giữa các dân tộc1088.

IV. ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI VÀO HOÀ BÌNH

516. Cổ vũ hoà bình trên thế giới là một phần tất yếu trong sứ mạng của Giáo Hội khi tiếp tục công trình cứu chuộc của Đức Kitô trên trần gian. Thật vậy, trong Đức Kitô, Giáo Hội là một “bí tích, tức là dấu chỉ và công cụ của hoà bình trên thế giới và cho thế giới1089. Cổ vũ hoà bình chân chính là một biểu hiện về niềm tin của người Kitô hữu vào tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi con người. Từ niềm tin có sức giải phóng vào tình yêu Thiên Chúa đã phát sinh ra một cái nhìn mới về thế giới và một cách tiếp cận mới đối với người khác, bất kể đó là một cá nhân hay toàn thể một dân tộc. Đây là một niềm tin có sức biến đổi và làm mới cuộc sống, được cảm hứng từ sự bình an mà Đức Kitô đã để lại cho các môn đệ của Người (x. Ga 14,27). Được thúc đẩy chỉ từ niềm tin ấy, Giáo Hội tìm cách xúc tiến sự hợp nhất các Kitô hữu và sự hợp tác có kết quả với tín đồ các tôn giáo khác. Những khác biệt về tôn giáo không thể là nguyên nhân đưa tới xung đột; nỗ lực của mọi tín đồ cùng nhau tìm kiếm hoà bình chính là cội nguồn sinh động đưa tới sự hợp nhất giữa các dân tộc1090. Giáo Hội kêu gọi các cá nhân, các dân tộc, các chính phủ và các quốc gia chia sẻ mối quan tâm của Giáo Hội là tìm cách tái lập và củng cố hoà bình, nhấn mạnh đặc biệt tới vai trò quan trọng của luật lệ quốc tế1091.

517. Giáo Hội dạy rằng chỉ có thể kiến tạo một nền hoà bình đích thực bằng cách tha thứ và hoà giải1092. Không dễ tha thứ chút nào khi phải đối mặt với những hậu quả của chiến tranh và xung đột, vì bạo lực bao giờ cũng để lại một gánh nặng đau thương, nhất là khi bạo lực ấy đã đi tới “cùng cực của sự vô nhân đạo và khổ đau”1093. Những đau thương ấy chỉ có thể đươc làm dịu bớt khi mọi bên biết can đảm và thành thật suy nghĩ tới nơi tới chốn, một sự suy nghĩ có khả năng đương đầu với những khó khăn hiện tại nhưng với một thái độ đã được thanh lọc nhờ sám hối ăn năn. Người ta chỉ có thể đón nhận gánh nặng của quá khứ – một điều không thể nào quên được – khi biết tha thứ cho nhau và đón nhận sự tha thứ của nhau; vẫn biết đó là một tiến trình lâu dài và khó khăn, nhưng không phải là không thể thực hiện được1094.

518. Tha thứ cho nhau không có nghĩa là loại bỏ nhu cầu về công lý và càng không phải là ngăn chặn con đường dẫn đến sự thật. Ngược lại, công lý và sự thật là những đòi hỏi cụ thể để có được sự hoà giải. Thế nên, rất thích đáng khi đưa ra những sáng kiến nhằm thành lập các cơ quan pháp lý quốc tế. Dựa trên nguyên tắc quyền tài thẩm chung và tuân thủ những chuẩn mực tố tụng thích hợp, những chuẩn mực biết tôn trọng quyền của người bị tố cáo và của các nạn nhân, các cơ quan ấy có thể tìm ra sự thật về các tội ác đã diễn ra trong những cuộc xung đột vũ trang1095. Tuy nhiên, để tái lập mối quan hệ giữa các dân tộc đã bị chia rẽ, tức là nhân danh sự hoà giải mà các bên đồng ý chấp nhận nhau, cần phải đi xa hơn nữa chứ không dừng lại ở chỗ xác định hành vi tội ác, cả do cố tình lẫn do thiếu sót, và không dừng lại ở những thủ tục đòi bồi thường thiệt hại1096. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tôn trọng quyền được hưởng hoà bình. Quyền này khuyến khích “xây dựng một xã hội trong đó các cơ cấu quyền lực phải nhường ưu tiên cho các cơ cấu hợp tác, với cái nhìn nhắm đến công ích”1097.

519. Chính qua việc cầu nguyện mà Giáo Hội dấn thân vào mặt trận hoà bình. Vì cầu nguyện giúp mở rộng tâm hồn không những để liên hệ sâu xa với Thiên Chúa, mà còn để gặp gỡ người khác với sự tôn trọng, cảm thông, quý trọng và tình yêu thương1098. Cầu nguyện sẽ tiếp thêm sự can đảm và hỗ trợ cho tất cả “những người bạn thật sự của hoà bình”1099, là những người yêu chuộng hoà bình và luôn tìm cách cổ vũ hoà bình trong mọi hoàn cảnh khác nhau mà họ sinh sống. Kinh nguyện phụng vụ chính là “đỉnh cao mà mọi hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch cho Giáo Hội kín múc sức mạnh”1100. Đặc biệt, việc cử hành Thánh Thể, “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”1101, là nguồn suối không bao giờ cạn cho mọi Kitô hữu dấn thân xây dựng hoà bình thực sự1102.

 

520. Ngày Thế giới Hoà bình là những giờ phút tăng cường để cầu nguyện đặc biệt cho hoà bình và để dấn thân đặc biệt cho việc xây dựng một thế giới hoà bình. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thành lập những ngày này như một truyền thống đặc biệt để dành “những suy tư và quyết tâm cho hoà bình vào ngày đầu tiên trong năm Dương lịch”1103. Các thông điệp của Đức Giáo hoàng vào những dịp ấy là nguồn tư liệu rất phong phú để cập nhật và triển khai giáo huấn xã hội Công giáo, đồng thời để cho thấy Giáo Hội luôn bền bỉ hoạt động nhằm cổ vũ hoà bình. “Hoà bình chỉ tự biểu lộ trong hoà bình, một nền hoà bình không tách khỏi những đòi hỏi của công lý, nhưng được hỗ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung, lòng nhân từ và tình yêu thương của con người”1104.

Văn phòng UBBAXH-Caritas Việt Nam