23/01/2025

Bí tích Thánh tẩy mang lại cho ta sự sống viên mãn

Anh chị em thân mến, Đối với tôi, buổi cử hành hôm nay vẫn luôn là một lý do để chúng ta đặc biệt vui mừng. Thật thế, cử hành Bí tích Thánh tẩy, vào ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, là một trong những giây phút đầy ý nghĩa nhất của đức tin chúng ta, và qua buổi cử hành này, hầu như chúng ta thấy được mầu nhiệm sự sống qua những dấu chỉ phụng vụ.

Bí tích Thánh tẩy mang lại cho ta sự sống viên mãn

 

Bài giảng Lễ Chúa chịu Phép Rửa của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, tại nhà nguyện Sixtine, cử hành Thánh lễ và ban Bí tích Rửa tội

Chúa nhật, 13/1/2008

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Đối với tôi, buổi cử hành hôm nay vẫn luôn là một lý do để chúng ta đặc biệt vui mừng. Thật thế, cử hành Bí tích Thánh tẩy, vào ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, là một trong những giây phút đầy ý nghĩa nhất của đức tin chúng ta, và qua buổi cử hành này, hầu như chúng ta thấy được mầu nhiệm sự sống qua những dấu chỉ phụng vụ. Trước tiên, là sự sống con người, một cách đặc biệt được đại diện nơi đây bởi 13 em nhỏ, là hoa trái tình yêu của anh chị em, hỡi anh chị em là những bậc phụ huynh thân mến, tôi xin được gởi lời chào đặc biệt đến anh chị em, và tôi cũng xin chào các vú bõ đỡ đầu, bà con cũng như bạn bè đang hiện diện nơi đây. Và sau đó, là mầu nhiệm sụ sống thần linh, mà ngày hôm nay Thiên Chúa ban cho các em nhỏ này qua sự tái sinh bởi nước và Thánh Thần.  Thiên Chúa là tình yêu, và điều này đã được biểu thị một cách tuyệt diệu qua những bức bích họa trên tường làm cho ngôi Thánh đường Sixtine này thêm lộng lẫy.

 

Tuy nhiên, điều chúng ta nói sau đây sẽ không là ngoài đề, nếu chúng ta gắn liền kinh nghiệm sự sống với kinh nghiệm ngược lại, nghĩa là thực tế của cái chết. Tất cả những gì bắt đầu trên quả địa cầu này, sớm hay muộn gì, cũng đều chấm dứt, như cỏ đồng nội, ban mai mọc lên và chiều vể đã tàn úa. Nhưng trong Bí tích Thánh tẩy, hữu thể nhân văn bé nhỏ này nhận lãnh một sự sống mới, sự sống của ân sủng, làm cho em bé có thể đi vào trong mối tương giao nhân vị với Đấng Tạo Hóa, và điều này sẽ là luôn luôn, sẽ là vĩnh cửu. Bất hạnh thay, con người lại có thể dập tắt sự sống mới này bằng tội lỗi, và sẽ dẫn đến một tình trạng mà Sách Thánh gọi là “cái chết thứ hai“. Trong khi đó thì nơi những loài thụ tạo khác, là những loài không được mời gọi hưởng kiến cuộc sống vĩnh cửu, thì cái chết chỉ có nghĩa là chấm dứt cuộc hiện hữu trên trần gian này, còn nơi chúng ta, tội lỗi tạo nên một vực thẳm có nguy cơ nuốt chửng chúng ta vĩnh viễn, nếu Cha trên trời không đưa tay ra cứu vớt. Anh chị em thân mến, đó là ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy: Thiên Chúa đã muốn cứu thoát chúng ta bằng cách đi xuống tận vực sâu của cái chết, để cho mỗi người, ngay cả cho người bị rơi xuống vực sâu thẳm nhất đến độ không còn thấy được trời cao, có thể tìm thấy được bàn tay của Thiên Chúa để mà nắm lấy, và lại vượt lên từ bóng tối tăm, đế lại thấy ánh sáng mà mình đã được tạo dựng nên để vui hưởng. Tất cả chúng ta đều cảm thấy, tất cả chúng ta đều tri giác được từ trong đáy sâu tâm hồn mình rằng cuộc hiện sinh của chúng ta là một nỗi ước muốn được sống, là sự mong chờ cuộc sống viên mãn, mong chờ ơn  cứu độ.  Sự sống viên mãn này đã được ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh tẩy.

 

Chúng ta vừa nghe kể lại câu chuyện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa trên sông Giođan. Đây là một phép rửa khác với phép rửa mà các em nhỏ sắp lãnh nhận, nhưng không phải là không có một sự tương giao sâu xa với Phép Rửa của chúng ta. Kỳ thực, bất cứ mầu nhiệm nào của Đức Kitô trên trần gian này cũng đều có thể tóm tắt qua từ  “phép rửa“, mà trong từ ngữ Hylạp, có nghĩa là “dìm xuống“. Con Thiên Chúa, ngay từ muôn đời, đã chia sẻ cuộc sống viên mãn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nay lại được “dìm vào“ trong thực tế tội nhân của chúng ta, để làm cho chúng ta tham dự vào chính sự sống của Người: Người đã nhập thể, Người đã sinh ra như chúng ta, Người đã lớn lên như chúng ta, và khi đạt đến tuổi trưởng thành, Người đã thi hành sứ mạng của Người, bắt đầu bằng chính “phép rửa hối cải“ do Gioan Tẩy giả trao ban. Hành động công khai đầu tiên của Người, như chúng ta vừa nghe kể lại, là bước xuống sông Giođan, giữa những tội nhân thống hối, để lãnh nhận phép rửa này. Dĩ nhiên là ông Gioan không muốn, nhưng Đức Giêsu nài nĩ ông thi hành, vì đó là Thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 3, 13-15).

 

Tại sao Chúa Cha lại muốn thế? Tại sao Người lại gởi Con Một mình vào trần gian như Con Chiên gánh vác tội đời trên đôi vai (Ga 1, 29)? Thánh sử tường thuật rằng, khi Đức Giêsu bước ra khỏi nước, thì Thánh Thần hiện xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và ngay lúc đó, có tiếng Chúa Cha từ trời tuyên phán Người là “Con rất yêu dấu“ (Mt 3, 17). Ngay lúc đó, Đức Giêsu được mạc khải là Đấng đã đến để làm phép rửa cho nhân loại trong Thánh Thần: Người đã đến để mang lại cho con người cuộc sống dư dật (x. Ga 10, 10), cuộc sống vĩnh cửu, Người phục sinh và chữa lành con người toàn diện, cả thể xác lẫn tâm hồn, bằng cách khôi phục lại con người vào trong chương trình thuở ban đầu Chúa đã  tạo dựng.  Đức Kitô đã đến để ban cho nhân loại sự sống thần linh, Thần Khí tình yêu của Người, để mỗi người có thể kín múc nơi mạch suối ơn cứu độ không thể vơi cạn này. Chính vì thế, trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô  nói rằng chúng ta đã chịu phép rửa trong cái chết của Đức Kitô để hưởng sự sống Phục sinh của Người (x. Rm 6, 3-4). Chính vì thế, những bậc phụ huynh Kitô giáo, như anh chị em hôm nay đây, ngay khi có thể đều đem con cái của mình đến giếng nước rửa tội, vì biết rằng sự sống mà họ đã chuyển trao cho con cái cần có một sự viên mãn, một ơn cứu độ mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Và như thế, thì cha mẹ trở nên những cộng tác viên của Thiên Chúa, khi họ chuyển trao cho con cái mình không những sự sống thể lý, mà còn cả sự sống thiêng liêng nữa.

 

Các bậc phụ huynh thân mến, chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ các em sắp lãnh nhận, và tôi nài xin Thiên Chúa ban ơn giúp đỡ anh chị em trong công việc giáo dục con cái, và tháp nhập chúng vào trong Thân thể thiêng liêng của Giáo Hội. Trong khi anh chị em cung cấp cho các em những gì cần thiết để lớn lên và sống khỏe mạnh, thì nhờ cha me đỡ đầu cộng tác giúp đỡ, anh chị em cam kết sẽ giúp cho các em lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, là những nhân đức đối thần thích hợp cho cuộc sống mới được trao ban qua Bí tích Thánh tẩy. Anh chị em sẽ chu toàn bổn phận này qua sự hiện diện và tình yêu thương của anh chị em; anh chị em sẽ chu toàn bổn phận này trước tiên và nhất là bằng kinh nguyện, mỗi ngày đều phó dâng các em cho Thiên Chúa, dâng cho Chúa qua mỗi một giai đoạn trong cuộc đời các em. Để lớn lên an lành và khỏe mạnh, dĩ nhiên các em cần những chăm sóc về mặt thể lý, và cần được quan tâm; nhưng điều các em cần hơn cả, thậm chí là cốt yếu, đó là biết, là yêu mến và trung thành phục vụ Thiên Chúa, để có được sự sống vĩnh cửu. Các bậc phụ huynh thân mến, anh chị em hãy trở nên những chứng nhân đầu tiên cho các em về một đức tin đích thật vào Thiên Chúa!

 

Trong nghi thức ban Bí tích Thánh tẩy còn có một dấu chỉ hết sức ý nghĩa nói lên sự chuyển trao đức tin, đó là việc trao cho mỗi người lãnh nhận Bí tích Rửa tội một cây nến, được thắp lên từ ánh sáng cây nến phục sinh: đó là ánh sáng của Đức Kitô phục sinh, mà anh chị em cam kết chuyển trao lại cho con cái mình.  Như thế, từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta sẽ chuyển trao ánh sáng của Đức Kitô, để một khi Người đến, Người có thể thấy chúng ta với ngọn lửa cháy sáng trong tay. Trong nghi lễ Rửa tội, tôi sẽ nói với anh chị em: “dấu hiệu phục sinh này, ánh sáng mà anh chị em phải luôn giữ cho cháy sáng, dấu hiệu ấy đã được giao phó cho anh chị em, là cha mẹ và vú bõ đỡ đầu“. Anh chị em thân mến, hãy luôn giữ cho ngọn nến này cháy sáng, bằng cách lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, và siêng năng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ước gì các Thánh Bổn mạng của 13 em nhỏ này giúp anh chị em trong sứ mạng tuyệt diệu, nhưng lại đầy khó khăn này. Và nhất là ước gì các vị Thánh Quan thầy này giúp cho các tân Kitô hữu sắp lãnh nhận phép Rửa tội biết đáp lại sự ân cần của anh chị em là những bậc phụ huynh Kitô giáo. Và đặc biệt hơn nữa, ước gì Đức Trinh Nữ Maria luôn đồng hành với các em, cũng như với tất cả anh chị em, các bậc phụ huynh thân mến, bây giờ và mãi mãi.  Amen!

Thầy Lưu Văn Lộc chuyển ngữ