14/11/2024

Hạnh các Thánh

Chân phước Marianne Cope (1838-1918) Dù bệnh phong cùi làm dân Hawaii hoang mang hồi thế kỷ 19, chứng bệnh này vẫn nảy sinh lòng đại lượng ở người phụ nữ được biết đến là Mẹ Marianne ở Molokai. Lòng can đảm của bà giúp cải thiện những nạn nhân ở Hawaii, một vùng thuộc Hoa kỳ thời bà sống (1898).

23/1 – Chân phước Marianne Cope (1838-1918)

   Dù bệnh phong cùi làm dân Hawaii hoang mang hồi thế kỷ 19, chứng bệnh này vẫn nảy sinh lòng đại lượng ở người phụ nữ được biết đến là Mẹ Marianne ở Molokai. Lòng can đảm của bà giúp cải thiện những nạn nhân ở Hawaii, một vùng thuộc Hoa kỳ thời bà sống (1898).

   Lòng đại lượng và can đảm của Mẹ Marianne được kính nhớ ngày 14-5-2005, ngày Mẹ được phong thánh tại Rôma. ĐHY Jose Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, nói rằng Mẹ là một phụ nữ nói với thế giới bằng “ngôn ngữ của chân lý và yêu thương”. ĐHY Martins, người chủ tế lễ phong thánh tại Đại Giáo đường thánh Phêrô, đã gọi cuộc đời Mẹ là “tuyệt tác của Hồng ân Thiên Chúa”. Nói về tình thương đặc biệt của Mẹ dành cho những người phong cùi, ĐHY Martins nói: “Mẹ nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu nơi những người phong cùi. Như người Samaritanô nhân hậu, Marianne đã trở nên mẹ của họ”.

   Ngày 23-1-1838, một bé gái được sinh ra là con của Peter và Barbara Cope, người vùng Hessen-Darmstadt, Đức quốc. Bé gái này được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình Cope nhập cảnh Hoa kỳ và định cư ở Utica, New York. Bé gái Barbara lớn lên và làm việc trong một nhà máy cho đến tháng 8-1862 thì vào dòng nữ Phanxicô (Sisters of the Third Order of Saint Francis) ở Syracuse, New York. Sau khi tuyên khấn vào tháng 11-1863, nữ tu Barbara được gọi là Marianne và bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Mông Triệu (Assumption parish school).

   Nữ tu Marianne giữ chức vị cao ở vài nơi, hai lần là giáo tập trong hội dòng và ba lần làm trưởng Bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, nơi Mẹ biết sẽ hữu ích trong thời gian ở Hawaii. Được bầu làm giám tỉnh năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử năm 1881. Hai năm sau, chính quyền Hawaii tìm một người để điều hành Trạm Tiếp Nhận Kakaako (Kakaako Receiving Station) chăm sóc những người nghi bị phong cùi. Hơn 50 cộng đồng tôn giáo ở Hoa kỳ và Canada đều được yêu cầu. Khi đến dòng nữ ở Syracuse, 35 nữ tu đã tình nguyện ngay. Ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và 6 nữ tu đi Hawaii nhận nhiệm vụ tại Trạm Tiếp Nhận Kakaako ở ngoại ô Honolulu. Trên đảo Maui, các nữ tu mở bệnh viện và trường học cho các em gái.

   Năm 1888, Mẹ Marianne và hai nữ tu đi Molokai để thành lập nhà mở cho các phụ nữ và các cô gái không có ai che chở. Chính quyền Hawaii khá lưỡng lự khi để phụ nữ đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Họ không cần lo về Mẹ Marianne như vậy! Ở Molokai, Mẹ đã đảm trách nhà mở mà Chân phước Damien DeVeuster (qua đời năm 1889) đã thành lập cho đàn ông và các em trai. Mẹ Marianne đã “đổi đời” ở Molokai bằng cách giới thiệu sự sạch sẽ, niềm hãnh diện và sự vui vẻ cho kiều dân. Những chiếc khăn quàng màu sáng và những chiếc áo đầm xinh xắn dành cho phụ nữ là một phần kế hoạch của Mẹ.

   Chính quyền Hawaii đã tặng Huân chương Hoàng gia (Royal Order) của Kapiolani và được thi sĩ Robert Louis Stevenson nhớ đến Mẹ trong một bài thơ, Mẹ Marianne trung thành tiếp tục trách nhiệm. Nhiều cô gái Hawaii có ơn gọi đi tu và vẫn làm việc ở Molokai. Mẹr Marianne qua đời ngày 9-8-1918.

 

24/1 – Thánh Phanxicô Salê, Giám mục Tiến sĩ (1567-1622)

   Người cha muốn Phanxicô làm luật sư để có thể thay thế vị trí thượng nghị sĩ tỉnh Savoy, Pháp quốc. Vì thế Phanxicô được gởi tới để học luật. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật, ngài trở về nhà trình bày với cha mẹ về ước muốn làm linh mục. Cha ngài không đồng ý. Sau khi nỗ lực và khôn ngoan thuyết phục, cha ngài đã đồng ý.

   Phanxicô thụ phong linh mục và được bầu làm tổng đại diện giáo phận Geneva, rồi ngài chuyên đối phó với giáo phái Calvin. Phanxicô bắt đầu cảm hóa họ, đặc biệt ở quận Chablais. Bằng việc rao giảng và phân phát những tờ rơi mà ngài viết để giải thích về giáo lý Công giáo đích thực, ngài đã thành công đáng kể.

   Lúc 35 tuổi, ngài dược bổ nhiệm Giám mục giáo phận Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, giải tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Tính cách hiền dịu của ngài là “bí quyết” để ngài chiếm được các linh hồn. Ngài thực hành châm ngôn do ngài đặt ra: “Một muỗng mật ong thu hút nhiều ruồi hơn một thùng giấm” (A spoonful of honey attracts more flies than a barrelful of vinegar – tương tự tục ngữ Việt Nam: “Mật ngọt chết ruồi”).

   Ngoài hai cuốn sách nổi tiếng của ngài (The Introduction to the Devout Life and A Treatise on the Love of God – Giới thiệu Đời sống Thành kính và Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa), ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ (pamphlets) và nhiều thư. Sách ngài viết thể hiện tinh thần hiền hậu của ngài và được giới thiệu với người ngoại giáo. Ngài muốn làm cho họ hiểu rằng họ cũng được gọi để nên thánh. Ngài viết trong cuốn The Introduction to the Devout Life: “Đó là một sai lầm, hoặc là một dị giáo, khi nói lòng sùng đạo không tương thích với cuộc đời của binh sĩ, thương nhân, hoàng tử, hoặc phụ nữ có chồng,… Nhiều người đã gìn giữ sự hoàn hảo nơi sa mạc nhưng đã mất nó giữa thế gian”.

   Mặc dù ngài sống thương đối ngắn ngủi và bận rộn, ngài đã dành thời gian cộng tác với thánh Jane Frances de Chantal trong việc lập dòng nữ Đức Mẹ Tham Viếng (Sisters of the Visitation). Các nữ tu thực hành các nhân đức theo gương Đức Maria đi thăm thánh Êlizabet: khiêm nhường, sùng mộ và bác ái lẫn nhau. Họ bận rộn với việc thể hiện lòng nhân hậu đối với người nghèo và người bệnh. Ngày nay, một số cộng đoàn điều hành trường học, một số khác sống chiêm niệm nghiêm nhặtt.

 

25/1 – Thánh Phaolô Tông đồ trở lại

   Cả cuộc đời thánh Phalô có thể mô tả trong hai từ “kinh nghiệm” – cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu trên đường tới Damascus. Trong khoảnh khắc, ngài thấy rằng tất cả nhiệt huyết về cá tính mạnh mẽ của mình đều uổng phí, như sức mạnh của lực sĩ quyền anh nhún nhảy với dáng man rợ. Có lẽ ngài chưa bao giờ thấy Chúa Giêsu, người chỉ lớn hơn ngài vài tuổi. Nhưng ngài đã thù ghét Chúa Giêsu một cách quá khích, khi ngài bắt đầu làm phiền Giáo hội: “…đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8:3b). Ngày nay chính Ngài được “xem xét”, được sở hữu, tất cả nỗ lực đến một mục đích – là nô lệ của Đức Kitô trong sự hòa giải, là khí cụ giúp người khác nhận biết Đấng Cứu Thế.

   Có một câu xác định thần học của ngài: “Tôi là Giêsu, người mà anh đang khủng bố” (Cv 9:5b). Chúa Giêsu xác nhận với mọi người một cách mầu nhiệm – nhóm người thích Saolê đã bỏ của chạy lấy người như những tên tội phạm. Ngài thấy Chúa Giêsu khỏa lấp những gì ngài đã mù quáng theo đuổi. Từ đó, công việc duy nhất của ngài là “giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1:28b-29). “Vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa” (1 Tx 1:5a).

   Cuộc đời thánh Phaolô trở nên bản tuyên ngôn không ngừng và sống sứ điệp Thập giá: Các Kitô hữu chết cho tội và được mai táng với Đức Kitô. Họ chết cho những gì là tội và chưa được cứu độ trên thế gian. Họ là thụ tạo mới, thông phần chiến thắng của Đức Kitô và một ngày nào đó sẽ sống lại từ cõi chết như Đức Kitô. Qua Đức Kitô phục sinh, Chua Cha ban Thánh Thần trên họ, làm cho họ nên mới hoàn toàn.

   Sứ điệp quan yếu của thánh Phaolô gởi cho thế giới là: Người ta được cứu độ hoàn toàn nhờ Thiên Chúa, không nhờ bất cứ thứ gì mà người ta có thể làm. Niềm tin cứu độ là tặng phẩm của sự tín thác nơi Đức Kitô trọn vẹn, tự do, riêng tư, và yêu thương, một sự tín thác sẽ sinh hoa kết trái nhiều hơn là Lề luật khả dĩ dự tính.

 

26/1 – Thánh Timôthê và Titô, Giám mục

   + Thánh Timôthê (qua đời năm 97?): Điều chúng ta biết qua Tân ước về cuộc đời thánh Timôthê có vẻ như cuộc đời của một vị giám mục bị phiền nhiễu hiện đại. Ngài vinh dự là tông đồ bạn của thánh Phaolô, cùng chia sẻ việc rao giảng Phúc âm và đồng lao cộng khổ.

   Thánh Timothê có cha là người Hy lạp và mẹ là người Do thái, tên Eunice. Là kết quả của cuộc hôn nhân khác chủng tộc, ngài bị người Do thái coi là bất hợp pháp. Bà Lois, bà nội (ngoại) của ngài, là người đầu tiên trở thành Kitô hữu. Thánh Timôthê là người được thánh Phaolô cảm hóa vào khoảng năm 47 và được làm công việc tông đồ với thánh Phaolô. Ngài ở với thánh Phaolô khi thành lập giáo đoàn Côrintô. Trong 15 năm làm việc với thánh Phaolô, ngài là một trong số bạn bè trung tín nhất của thánh Phaolô. Ngài được thánh Phaolô sai đi làm nhiều nhiệm vụ khó khăn – thường gặp nhiều phiền toái ở các giáo đoàn địa phương mà thánh Phaolô đã thành lập.

   Thánh Timôthê ở với thánh Phaolô tại Rôma trong khi nhà bị chiếm giữ. Có một thời gian chính thánh Timôthê đã bị tù (x. Dt 13:23). Thánh Phaolô đặt ngài làm người đại diện ở giáo đoàn Êphêsô. Thánh Timôthê tương đối non trẻ đối với công việc ngài đang làm lúc đó. Thánh Phaolô viết trong 1 Tm 4:12a: “Đừng coi thường người trẻ”. Một số điểm cho thấy ngài nhút nhát. Một trong số câu thánh Phaolô viết về ngài: “Đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm ít rượu vì anh thường đau bao tử và ốm yếu luôn” (1 Tm 5:23).

 

   + Thánh Titô (qua đời năm 94?): Thánh Titô là bạn thân và là môn đệ của thánh Phaolô, đồng thời cũng là bạn truyền giáo. Ngài là người Hy lạp, vùng Antioch. Mặc dù Titô là dân ngoại, thánh Phaolô vẫn không để ngài phải chịu cắt bì (circumcision) ở Jerusalem. Thánh Titô được coi là người kiến tạo hòa bình, nhà quản lý, người bạn vĩ đại. Thư thứ 2 thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô cho thấy sự thấu hiểu tình bằng hữu với thánh Titô, một tình bạn trong việc rao giảng Phúc âm: “Khi tôi đến Troas… Tôi không yên tâm vì tôi không gặp Titô, người anh em của tôi. Nên tôi giã từ họ để đi Macedonia…. Thậm chí khi chúng tôi đến Macedonia, thân xác chúng tôi không yên chút nào, nhưng chúng tôi khổ sở trăm bề – xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi những người nản chí thất vọng, đã khuyến khích chúng tôi bằng cách gởi Titô đến…” (2 Cr 2:12a, 13; 7:5-6).

   Khi thánh Phaolô gặp rắc rối với giáo đoàn Côrintô, thánh Titô là người đem thư của thánh Phaolô đi và làm cho mọi chuyện êm xuôi. Thánh Phaolô viết rằng ngài được vững mạnh không chỉ nhờ Titô đến mà còn “vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn nữa…. Lòng anh ấy càng tha thiết quý mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh.” (2 Cr 7:7a, 15). Thư gởi Titô nói ngài là người quản lý giáo đoàn ở đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh và bổ nhiệm các giám mục.

 

  27/1 – Thánh Angela Merici, Trinh nữ (1470?-1540)

   Angela nổi bật về việc thành lập hội giáo dục đầu tiên cho các phụ nữ trong giáo hội mà ngày nay gọi là “Tu hội đời” (Secular Institute) của các nữ tu. Hồi trẻ, Angela nhập Dòng Ba Phanxicô (Third Order of Francis) và sống khổ hạnh, không có gì, thậm chí giường cũng không có, như thánh Phanxicô vậy. Thánh nhân sợ hãi khi thấy trẻ em nghèo bị bỏ rơi, cha mẹ chúng không thể hoặc không dạy dỗ chúng những điều về đạo. Thái độ thu hút và ngoại hình dễ nhìn của Angela đã bổ sung phẩm chất lãnh đạo của thánh nhân. Nhiều người cùng thánh nhân giáo dục các bé gái ở vùng lân cận.

   Thánh nhân được mời gọi sống với một gia đình ở Brescia, tại đó thánh nhân đã thấy thị kiến để có ngày thánh nhân thành lập tu hội. Công việc của thánh nhân tiếp tục và được biết đến nhiều. Thánh nhân trở thành trưởng nhóm của những người cùng lý tưởng. Thánh nhân hăng hái dùng cơ hội đến Thánh Địa. Khi đến đảo Crete, thánh nhân bị mù. Bạn bè của thánh nhân muốn trở về nhưng thánh nhân xin mọi người tiếp tục đi hành hương, và thánh nhân đã sốt sáng kính viếng Mộ Thánh như thể còn sáng mắt vậy. Trên đường về, khi cầu nguyện trước Thánh Giá, thánh nhân sáng mắt trở lại ngay tại nơi mà thánh nhân đã bị mù.

   Lúc 57 tuổi, thánh nhân tổ chức một nhóm 12 cô gái giúp dạy giáo lý. Bốn năm sau, nhóm này tăng lên 28 người. Thánh nhân làm họ thành Đội Quân Thánh Ursula (Company of St. Ursula), bảo trợ các trường đại học thời Trung cổ và được coi là vị lãnh đạo phụ nữ, với mục đích tái Kitô hóa đời sống gia đình qua việc giáo dục Kitô giáo vững chắc đối với các người vợ và người mẹ tương lai. Các thành viên tiếp tục sống tại gia, không tu phục và không lời khấn, qua Nội quy ban đầu buộc giữ thanh tịnh, thanh bần và thanh tuân. Ý tưởng về hội giáo dục phụ nữ còn mới lạ và cần thời gian để phát triển. Cộng đoàn hiện hữu như Tu hội giữa đời đến vài năm sau khi thánh Angela qua đời.

 

28/1 – Thánh Thomas Aquinas, Tiến sĩ Giáo hội (1225-1274)

    Theo sự công nhận toàn cầu, thánh Thomas Aquinas là phát ngôn viên xuất sắc của truyền thống Công giáo về tín lý và mạc khải. Ngài là một trong những thầy dạy vĩ đại của Giáo hội Công giáo thời Trung cổ, được tôn vinh là Tiến sĩ Giáo hội và Tiến sĩ Thiên thần. Thomas thông thái nhưng rất khiêm nhường.

    Là con lãnh chúa Aquinas thuộc hoàng tộc Hohenstanfen nhưng Thomas không thích thế quyền. Lúc 5 tuổi, ngài được đưa vào dòng Benedict ở Monte Cassino vì cha mẹ ngài hy vọng ngài chọn cách sống đó và sau sẽ làm Tu viện trưởng để làm vẻ vang dòng dõi quí tộc. Năm 1239, ngài được gởi tới Naples để hoàn tất việc học. Tại đó ngài say mê triết học Aristote.

    Năm 1243, Thomas bỏ kế hoạch của gia đình và gia nhập dòng Đa-minh, mẹ ngài rất thất vọng. Mẹ ngài cho người bắt ngài về và giam biệt lập ở nhà hơn 1 năm. Gia đình còn thuê gái điếm vào quyến rũ Thomas nhưng ngài đã lấy cây củi đang cháy trong lò sưởi mà đuổi đi. Ngài vẽ hình Thánh giá trên tường và qùy xuống cầu nguyện. Sau 1 tháng, ả gái điếm đành chịu thua. Người chị thương em nên giúp Thomas trốn khỏi nhà.

    Khi được tự do, ngài đi Paris rồi tới Cologne và hoàn tất việc học với thánh Albert Cả. Ngài tốt nghiệp khi mới 20 tuổi và làm giáo sư trẻ tại Paris. Ngài sống trong dinh của Giáo hoàng Urban IV, hướng dẫn các trường dòng Đa-minh ở Rome và Viterbo, tranh luận với các tu sĩ khất thực, tranh luận với một số tu sĩ dòng Phan-xi-cô về thuyết của Aristote, và chống lại giáo thuyết Manich, kể cả phái Averroist. Ngài thường suy tư đến ngây người nên bị gán cho biệt danh “con bò câm”. Giáo sư Albert biết lực học của Thomas nên nói trước lớp: “Hãy học theo Thomas trong cách suy nghĩ. Đó là một con bò, nhưng tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới”. Quả thật, lời tiên báo đó của thánh Albert Cả đã hiện thực.

    Danh tiếng ngài vang dội, nhiều người đổ xô đến xin ý kiến. Người ta hỏi:

    – Theo giáo sư, nhàn rỗi là gì?

    – Là cái búa mà kẻ thù bổ xuống đầu bạn.

    – Cái gì tạo ra sức mạnh của giáo sư: Kinh nguyện, việc làm hay ý chí?

    – Kinh nguyện. Ai không cầu nguyện thì như người lính ra trận không có vũ khí.

    – Làm thế nào để được cứu độ?

    – Phải khiêm nhường.

    Khi ở Ý, ĐGH Urban IV giao cho ngài nhiều trọng trách – như giảng thuyết cho người Do thái, và muốn trao mũ gậy giám mục cho ngài nhưng ngài từ chối để được dạy học và lo việc cho nhà dòng. Tương truyền Thomas đã đàm đạo với Đức Mẹ, các thánh và cả với Chúa Giêsu nữa. Có lần Chúa Giêsu hỏi: “Sách con viết, Ta rất hài lòng. Con muốn được thưởng gì?”. Thomas đáp: “Con chỉ muốn được yêu mến Chúa mà thôi”.

    Công đóng góp to lớn của ngài cho Giáo hội Công giáo là những sách ngài viết, đặc biệt là bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae) được viết từ năm 1266–1273. Sự hiệp nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của kiến thức con người tự nhiên và được mạc khải, thấm sâu vào những gì ngài viết. Có lẽ người ta hy vọng Thomas, với tư cách là người-của-phúc-âm, trở thành người bảo vệ hăng hái của chân lý mạc khải. Ngài hiểu biết sâu rộng đủ để thấy trật tự tự nhiên đến từ Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, và thấy lý lẽ là tặng phẩm từ trời rất được yêu mến.

    Nhưng tác phẩm cuối cùng của ngài bộ Tổng luận Thần học, giải quyết toàn bộ Thần học Công giáo, lại chưa hoàn tất. Ngài ngừng viết tác phẩm này sau khi cử hành thánh lễ ngày 6/12/1273. Khi được hỏi tại sao ngài ngừng viết thì ngài nói: “Tôi không thể tiếp tục… Những gì tôi đã viết có vẻ như rơm rác so với những gì tôi nhìn thấy và những gì tôi được mạc khải”.

        Ngài được ĐGH Gregorio mời đến dự công đồng Lyon. Ngài bị bệnh và qua đời trên đường đi ngày 7/3/1274, thọ 49 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1323 và được phong Tiến sĩ Hội thánh năm 1567. ĐGH Leo XIII đã đặt ngài là bổn mạng các nhà thần học và các trường học Công giáo.

 

29/1 – Tu sĩ Juniper, Tôi tớ Chúa (qua đời năm 1258)

   Thánh Phanxicô nói về tu sĩ thánh thiện Juniper: “Anh em thân mến, ước gì tôi có cả một khu rừng gồm những Juniper như vậy”. Chúng ta không biết nhiều về Juniper trước khi ngài gia nhập dòng năm 1210. Thánh Phanxicô sai ngài đi mở các “tu sở” ở Gualdo Tadino và Viterbo. Khi thánh Clara hấp hối, tu sĩ Juniper đã an ủi bà. Ngài tận hiến cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và ngài có tiếng là sống giản dị.

Có vài câu chuyện về Juniper trong cuốn Little Flowers of St. Francis (Những bông hoa nhỏ của thánh Phanxicô) cho thấy lòng đại lượng của ngài. Có lần Juniper chăm sóc một bệnh nhân nam, người này rất thèm ăn giò heo. Tu sĩ này đến một cánh đồng gần đó bắt một con heo và cắt lấy một chân, rồi đem về nấu cho bệnh nhân kia ăn. Chủ nhân của con heo tức giận và lập tức đến gặp bề trên của Juniper. Khi thánh Juniper nhận ra lỗi mình, ngài hết lòng xin lỗi. Rồi ngài còn có thể xin chủ nhân cho con heo đó để các tu sĩ ăn!

   Lần khác, thánh Juniper được lệnh không lấy quần áo của mình cho những người thiếu đồ mặc mà ngài gặp trên đường. Muốn vâng lời bề trên, có lần thánh Juniper nói với một người đàn ông nghèo khó rằng ngài không thể cho người đàn ông đó, nhưng ngài không ngăn cản người đàn ông kia lấy áo của ngài. Lúc đó, các tu sĩ biết rằng không để lại gì để thánh Juniper có thể cho đi. Ngài qua đời năm 1258 và được an táng tại nhà thờ Ara Coeli ở Rôma.

 

29/1 – Tu sĩ Juniper, Tôi tớ Chúa (qua đời năm 1258)

   Thánh Phanxicô nói về tu sĩ thánh thiện Juniper: “Anh em thân mến, ước gì tôi có cả một khu rừng gồm những Juniper như vậy”. Chúng ta không biết nhiều về Juniper trước khi ngài gia nhập dòng năm 1210. Thánh Phanxicô sai ngài đi mở các “tu sở” ở Gualdo Tadino và Viterbo. Khi thánh Clara hấp hối, tu sĩ Juniper đã an ủi bà. Ngài tận hiến cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và ngài có tiếng là sống giản dị.

   Có vài câu chuyện về Juniper trong cuốn Little Flowers of St. Francis (Những bông hoa nhỏ của thánh Phanxicô) cho thấy lòng đại lượng của ngài. Có lần Juniper chăm sóc một bệnh nhân nam, người này rất thèm ăn giò heo. Tu sĩ này đến một cánh đồng gần đó bắt một con heo và cắt lấy một chân, rồi đem về nấu cho bệnh nhân kia ăn. Chủ nhân của con heo tức giận và lập tức đến gặp bề trên của Juniper. Khi thánh Juniper nhận ra lỗi mình, ngài hết lòng xin lỗi. Rồi ngài còn có thể xin chủ nhân cho con heo đó để các tu sĩ ăn!

   Lần khác, thánh Juniper được lệnh không lấy quần áo của mình cho những người thiếu đồ mặc mà ngài gặp trên đường. Muốn vâng lời bề trên, có lần thánh Juniper nói với một người đàn ông nghèo khó rằng ngài không thể cho người đàn ông đó, nhưng ngài không ngăn cản người đàn ông kia lấy áo của ngài. Lúc đó, các tu sĩ biết rằng không để lại gì để thánh Juniper có thể cho đi. Ngài qua đời năm 1258 và được an táng tại nhà thờ Ara Coeli ở Rôma.

 

30/1 – Thánh Hyacintha Mariscotti (1585-1640)

   Hyacintha chấp nhận các tiêu chuẩn của Thiên Chúa hơi trễ. Xuất thân từ một gia đình quí tộc ở gần Viterbo, bà vô dòng nữ ở địa phương sống theo Luật Dòng Ba. Tuy nhiên, bà tự lo đủ thức ăn, quần áo và những đồ dùng khác để sống sung túc ở giữa các chị em sống khắc khổ.

   Một lần Hyacintha bị bệnh nặng nên phải đưa Mình Thánh tới phòng riêng. Thấy bà sống quá thoải mái, linh mục khuyên bà sống khiêm nhường hơn. Hyacintha đã bỏ hết những trang phục và những tiện nghi khác, sống rất hãm mình ép xác, và sẵn sàng làm những việc hèn hạ nhất trong tu viện. Bà tận hiến cho sự đau khổ của Đức Kitô, sự ăn năn của bà trở nên nguồn cảm hứng cho các chị em trong tu viện. Bà được phong thánh năm 1807.

 

31/1 – Thánh Gioan Bosco (1815-1888)

   Lý thuyết giáo dục của thánh Gioan Bosco được dùng nhiều trong các trường học ngày nay. Đó là một hệ thống bảo vệ, phản đối hình phạt thể lý và đặt học sinh trong môi trường tránh dịp tội. Ngài khuyên thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài kết hợp việc đào tạo giáo lý và hướng dẫn, tìm cách kết hợp đời sống tâm linh với công việc, học và chơi.

   Hồi nhỏ được khuyến khích làm linh mục nên ngài có thể làm việc với các em trai, ngài thụ phong linh mục năm 1841. Việc phục vụ người trẻ bắt đầu khi ngài gặp một đứa trẻ mồ côi và hướng dẫn cậu bé chuẩn bị rước lễ lần đầu. Rồi ngài tụ họp các bạn trẻ lại và dạy giáo lý.

   Sau khi làm tuyên úy ở một nhà tế bần (hospice) dành cho ác em gái lao động, ngài mở Nhà nguyện thánh Phanxicô Salê cho các em trai. Vài nhà tài trợ giàu có và uy thế đã góp tiền để ngài có thể mở xưởng cho các em trai đóng giày và may. Năm 1856, Khánh lễ viện đã có tới 150 em trai và có nhà in để xuất bản các tập sách giáo lý và tôn giáo. Mối quan tâm của ngài về việc hướng nghiệp và xuất bản khiến ngài trở thành thánh bảo trợ giới trẻ học việc và các nhà xuất bản Công giáo. Danh tiếng giảng dạy của thánh Gioan lan nhanh. Năm 1850, ngài đã đào tạo được những người hỗ trợ ngài giảm bớt những khó khăn trong việc đào tạo các linh mục trẻ. Năm 1854 ngài và những người theo ngài cùng tụ họp lại dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Salê.

   Nhờ ĐGH Piô IX khuyến khích, thánh Gioan tụ họp 17 anh em và lập dòng Salêdiêng năm 1859. Hoạt động của dòng tập trung vào việc giáo dục và truyền giáo. Sau đó, ngài lập dòng nữ Salêdiêng để giúp đỡ các cô gái.

   Đặc biệt năm 2011 là dịp mừng 500 năm sinh nhật thánh nhân và 150 năm thành lập dòng Salêdiêng, thánh quan của thánh Gioan Bosco hiện đang thánh du tại 3 địa điểm của dòng cho đến Tết nguyên đán Tân Mão.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ AmericanCatholic.org)