Huyền thoại ông tổ và Ngày sân khấu
Ngày 12.8 âm lịch được chọn là Ngày sân khấu Việt Nam, đó cũng chính là ngày giỗ tổ sân khấu hằng năm mà giới làm nghề phía Nam đều tổ chức trang trọng. Ông tổ sân khấu là ai? Cho đến bây giờ không người nào trả lời được chắc chắn câu hỏi trên.
Huyền thoại ông tổ và Ngày sân khấu
Báo Thanh Niên, ngày 19/09/2010
Ngày 12.8 âm lịch được chọn là Ngày sân khấu Việt Nam, đó cũng chính là ngày giỗ tổ sân khấu hằng năm mà giới làm nghề phía Nam đều tổ chức trang trọng.
Ông tổ sân khấu là ai?
Cho đến bây giờ không người nào trả lời được chắc chắn câu hỏi trên.
Theo NSND Đinh Bằng Phi thì truyền thuyết được biết nhiều nhất là có một nhà vua không có con nên làm lễ cầu xin Trời Phật ban phúc. Mỗi khi làm lễ, có một người giả làm thần vừa múa hát vừa bay lên trời dâng sớ. Thế là hoàng hậu sinh hạ hai vị hoàng tử. Để tạ ơn trời, hằng năm vua đều cho diễn lại lễ ấy, có con hát đàn ca vui vẻ, có người đóng vai thần linh, và coi như một tiết mục biểu diễn trong cung.
Hai vị hoàng tử lớn lên rất mê ca hát, suốt ngày quanh quẩn bên bội đình. Một hôm, mọi người tìm mãi không thấy hai hoàng tử đâu, hóa ra họ lén vua cha vào trong buồng hát mà xem, đến nỗi quên ăn quên ngủ, rồi kiệt sức, ôm nhau chết tự lúc nào. Từ đó, nghệ sĩ thường thấy hai hoàng tử hiện về xem hát, bèn lập bàn thờ phụng, gọi là tổ. Cho nên, trong đoàn hát có một trang thờ bằng gỗ sơn đỏ, đặt hai cốt gỗ nhỏ xíu như con búp bê tượng trưng cho nhị vị hoàng tử. Mỗi khi có lớp diễn sinh con, nghệ sĩ hay đến bàn thờ thỉnh một vị ra làm hài nhi. Hoàng tử trẻ tuổi, ham vui, chắc chắn sẽ không phật lòng, mà còn thích diễn là đằng khác. Nhưng NSND Đinh Bằng Phi còn nói: “Thờ cốt gỗ trẻ con cũng có ý nghĩa hướng về khán giả trẻ, vì chính họ sẽ là người nuôi sân khấu tương lai”.
Cũng có truyền thuyết nói rằng tổ sân khấu vốn xuất thân từ ăn mày, bởi nghề hát sống nhờ vào đồng tiền của khán giả gom lại, có khác chi ăn mày khán giả. Cho nên nghệ sĩ làm từ thiện ở đâu thì làm chứ không dám bố thí cho người ăn xin, vì như thế là phạm thượng với tổ.
Thật ra, sân khấu miền
“Tổ phạt”, “tổ độ”…
Nghệ sĩ thờ tổ rất thành kính, luôn nhớ những điều cấm kỵ, nếu không sẽ bị “tổ phạt”. Nhưng theo NSND Đinh Bằng Phi thì những điều này vừa là “tâm linh” vừa là khoa học. Chẳng hạn, giờ hóa trang không được giỡn hớt, nói tục trước bàn thờ tổ, có nghĩa là nghệ sĩ phải yên tĩnh, tập trung cho vai diễn sắp tới, thì sẽ diễn tốt hơn. Cấm đụng tới chiêng trống, bảo đó là một bộ phận trong cơ thể ông tổ, thật ra sợ lỡ tay làm hư rồi không sửa kịp, thiếu nhạc cụ để diễn. Cấm trẻ con hoặc khán giả đem theo trái thị, sợ ông tổ nghe mùi thơm chạy theo mà bỏ nghệ sĩ, không phù hộ. Sự thật là mùi trái thị thơm nức mũi, nghệ sĩ hít vô liền bị phân tâm, quên vai mà thôi. Cấm mang guốc vông, vì gỗ cây vông đẽo thành tượng tổ mà chà đạp dưới chân ắt có tội. Thật ra, thời xưa nghệ sĩ thường đi chân đất, lúc diễn mới mang hia, hài, nếu ai đi guốc cồm cộp sẽ làm mất yên tĩnh, tập trung cho người khác.
Và những câu chuyện truyền miệng trong giới không biết có phải do tổ linh thiêng hay không… Gánh hát bội của nghệ sĩ Mười Vàng nổi tiếng, có anh kép rất giỏi nhưng hay làm bể sô của ông bầu. Lần nọ, anh cũng bỏ một sô, báo hại ông bầu Mười Vàng phải nhảy lên đóng thay. May mắn, ông là nghệ sĩ kỳ cựu nên ai bỏ vai gì ông cũng đóng được hết. Lần này ông bực quá, rầy anh kép nọ. Anh chối hoài, ông bảo anh phải thề. Anh thề: “Nếu tôi nói dối thì cho bữa hát này tổ lấy hơi tôi đi!”. Lát sau, anh ra sân khấu, mới dõng dạc hát một câu tự nhiên tắt giọng liền. Anh gân cổ hát mãi cũng không được, hoảng hốt tìm cách lui vào hậu trường bảo vợ đi mua con gà tạ lỗi với tổ. NSND Đinh Bằng Phi lúc ấy đang là giảng viên của trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, đi theo gánh hát, chứng kiến đầu đuôi sự tình. Ông cười: “Chẳng biết tổ linh hay có thể giải thích rằng do cả đêm anh ta thức đánh bài, sáng dậy mất giọng”.
Còn một câu chuyện khác, có anh kép cải lương nổi tiếng một thời, cát-sê ngang ngửa với nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thành Được, lần nọ uống rượu ngà ngà hát không nổi, liền tới trước bàn thờ tổ lè nhè: “Bộ muốn lấy giọng tui hả?”. Tự nhiên sau đó vài năm anh “xuống” luôn, và giã từ sân khấu khá sớm.
Đó là những chuyện “tổ phạt”. Còn chuyện “tổ độ” cũng không thiếu. Có nhiều đào kép ngoài đời không đẹp lắm nhưng lên sân khấu lại sáng trưng và duyên dáng lạ kỳ. Chẳng hạn NSƯT Ngọc Giàu từng nói thẳng là mình nhỏ con không sánh nổi nhan sắc cỡ Thanh Nga, Phượng Liên, nhưng tổ thương nên nghề nghiệp vẫn thành công. Mỗi khi chị lên sân khấu, khán giả chỉ thấy cái đẹp của nhân vật, và cho tới bây giờ vẫn yêu mến chị cuồng nhiệt. Cô đào trẻ Tú Sương cũng hơi yếu về sắc vóc, nhưng trên sàn diễn lại là ngôi sao cải lương. Có lẽ “tổ độ” vì cô làm nghề nghiêm túc, vượt mọi khó khăn để sống chết với nghề. Vai nào Tú Sương đóng cũng thấy sự tập luyện kỹ lưỡng, khán giả không yêu sao được.
Bên cạnh những vị tổ truyền thuyết ấy còn có những vị tổ rất cụ thể mà giới làm nghề gọi là hậu tổ. Đó là những vị tổ sư của các ngành nghề có liên quan đến vai diễn của nghệ sĩ, gọi là thập nhị công nghệ. Thí dụ: nghề may, nghề mộc, đi buôn, thợ rèn, y dược… Mỗi vai diễn, nghệ sĩ phải lấy thực tế từ người thật nghề thật rồi mới cách điệu lên, nên tri ân nghề đó. Hậu tổ còn bao gồm cả những nghệ sĩ lão thành có công với sân khấu, hoặc những nhân tài xuất chúng, như ông Trương Duy Toản, ông Năm Tú, ông Cao Văn Lầu, NSND Năm Châu, Ba Vân, Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Phỉ, Tư Đồ… |
Hoàng Kim