24/11/2024

Nhiều quan chức Nga mua bằng giả

LBBT: Câu hỏi đặt ra cho nước Nga cũng có thể là đặt ra cho Việt Nam: Làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề bức thiết nhất của mình, nhất là công cuộc hiện tại hoá đất nước với quá nhiều loại người mang những bằng cấp giả và không có thực tại như hiện nay?

 

Nhiều quan chức Nga mua bằng giả
 
Chủ Nhật, 12/09/2010
 
LBBT: Câu hỏi đặt ra cho nước Nga cũng có thể là đặt ra cho Việt Nam: Làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề bức thiết nhất của mình, nhất là công cuộc hiện tại hoá đất nước với quá nhiều loại người mang những bằng cấp giả và không có thực tại như hiện nay?
Đài truyền hình NTV (Nga) vừa đưa tin hơn 70 kỹ sư làm việc tại nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur thuộc khu vực Khabarovsk lấy bằng giả tại một trường kỹ thuật của địa phương.
Nhà máy này thuộc sở hữu của Sukhoi, công ty sản xuất máy bay quân sự lớn nhất của Nga. Chuyện bằng giả ở Nga không phải mới, như nhận định của báo The Moscow Times, nhưng số lượng lớn ở một cơ quan khiến người ta choáng váng. Ban quản trị Sukhoi không có phản ứng gì, và cho biết công ty chỉ sa thải nhân viên khi họ phạm tội “rất nghiêm trọng”. Theo luật hình sự Nga, mua bằng giả sẽ bị phạt tối đa 80.000 rúp (2.600 USD) và hai năm lao động cải tạo.
Nhưng ban quản trị Sukhoi giải thích bằng cấp chỉ là hình thức, vì các “kỹ sư” đã làm việc ở nhà máy trong nhiều năm, và Sukhoi cũng đảm bảo rằng không có “kỹ sư giả” nào được nhận để đảm nhiệm công đoạn sản xuất máy bay thật sự.
The Moscow Times bình luận đây đúng là một ca huyễn hoặc bản thân và cả hai bên đều có lợi. Nhà máy đã báo cáo với trụ sở chính của Sukhoi ở Matxcơva rằng đã hoàn thành kế hoạch tiêu chuẩn hóa nhân sự, những tân “kỹ sư” thì nhận được khoản lương tăng be bé. Và công ty mẹ tin rằng họ đang sản xuất những chiếc máy bay chất lượng hơn.
Nạn bằng giả là vấn đề nhức nhối ở Nga. Thị trưởng TP Archangelsk Alexander Donskoi hồi năm 2006 đã bị cáo buộc mua bằng. Tháng 10-2009, một nhóm người đã rao bán bằng giả từ ĐH Harvard cho người Nga với giá 40.000 USD (số tiền đủ để học bằng thật). Marina Petrova, người được trao danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi của Nga năm 2007”, cũng bị phát hiện mua bằng giả. Tờ Izvestia cho biết loại bằng giả được sính nhất ở Nga là bằng luật, tiếp đến là bằng bác sĩ.
Theo ông Alexander Yudin, cựu giám đốc phòng nhân sự Bộ Nội vụ, khoảng 1/3 cảnh sát Nga dùng bằng giả. Newsru.com dẫn nguồn Ủy ban chứng nhận cao học cho biết số lượng bằng sau đại học đã tăng vọt như tên lửa kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Khoảng 30% những người có bằng này đã mua bằng. Ông Oleg Kutafin, cựu giám đốc Học viện Luật Matxcơva, cho rằng con số thực tế phải là 50%.
Những ai mua bằng? Theo The Moscow Times, đa số là những giám đốc, quan chức trung và cao cấp trong quân đội. Ngoài ra là các thị trưởng, thống đốc, trợ lý của họ, các nghị sĩ – những người tin rằng học vị là biểu tượng vị thế đáng tôn trọng, và đi cùng với đó là các chế độ như nhà nghỉ đặc biệt, xe Mercedes, tài xế riêng và tiếng còi hụ của đoàn xe dẫn đường màu xanh. Hầu hết các cơ quan công quyền Nga đều không quan tâm tới việc kiểm tra tính xác thực bằng cấp ứng viên.
Chính phủ Nga đã quyết tâm tạo ra một cơ sở dữ liệu giúp các nhà tuyển dụng có thể kiểm tra bằng cấp chỉ bằng vài cú click chuột. Tuy nhiên, The Moscow Times bình luận quyết tâm chính trị để khởi động dự án này vẫn còn quá yếu. Hậu quả, nhiều chuyên gia nhận định công cuộc hiện đại hóa của nước Nga chỉ là một quá trình giả mạo được thực hiện bởi các “học giả”.
Ở Nga, trên danh thiếp, đặt trước mỗi cái tên là “tiến sĩ khoa học” hay “nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học” là điều danh giá. Tờ Newsweek bản tiếng Nga cho biết khoảng 1/2 thành viên Hạ viện Nga có bằng thạc sĩ. Số còn lại đang là đích nhắm của các công ty cung cấp dịch vụ viết luận án thuê với giá 25.000 USD/lượt.
“Ngày nay, câu hỏi thật sự là làm thế nào nước Nga có thể giải quyết được các vấn đề bức thiết nhất của mình – nhất là công cuộc hiện đại hóa đất nước – với quá nhiều giám đốc giả, kỹ sư giả, nhà kinh tế giả, bác sĩ giả, luật sư giả, chính trị gia giả?” – The Moscow Times đặt câu hỏi.
H.NGUYÊN