Thủy điện sống cầm chừng

TT – Theo nhận định chung của hầu hết các công ty thủy điện vừa và nhỏ tại Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại mặc dù đang là mùa mưa nhưng sản lượng điện sản xuất được chỉ đạt khoảng 1/2 chỉ tiêu. Việc nguồn nước khan hiếm đã khiến một số thủy điện nhỏ phải ngưng hoạt động liên tục để tích nước. Trên dọc sông Serepok hiện đã có bốn đập thủy điện lớn nhỏ theo mô hình bậc thang, trong đó thủy điện Buôn Tu Srah (xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk) có hồ chứa 520 triệu m3, kế tiếp về phía hạ lưu là các đập thủy điện Buôn Kuôp, Dray H’Linh, Serepok 3, Serepok 4.

Thủy điện sống cầm chừng

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Bảy, 11/09/2010

 

TT – Theo nhận định chung của hầu hết các công ty thủy điện vừa và nhỏ tại Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại mặc dù đang là mùa mưa nhưng sản lượng điện sản xuất được chỉ đạt khoảng 1/2 chỉ tiêu. Việc nguồn nước khan hiếm đã khiến một số thủy điện nhỏ phải ngưng hoạt động liên tục để tích nước.

Trên dọc sông Serepok hiện đã có bốn đập thủy điện lớn nhỏ theo mô hình bậc thang, trong đó thủy điện Buôn Tu Srah (xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk) có hồ chứa 520 triệu m3, kế tiếp về phía hạ lưu là các đập thủy điện Buôn Kuôp, Dray H’Linh, Serepok 3, Serepok 4.

Ông Trần Văn Khánh, phó giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuôp (đơn vị quản lý và điều hành thủy điện Buôn Kuôp, Buôn Tu Srah và Serepok 3 nằm trên sông Serepok), cho biết do tình hình hạn hán kéo dài nên lượng nước đổ về các đập thủy điện dọc sông Serepok đều thấp kỷ lục. Tại thủy điện Buôn Tu Srah, sức chứa tối đa của hồ là 520 triệu m3, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại hồ mới chỉ tích được 60 triệu m3, mực nước thấp nhất kể từ khi thủy điện đi vào hoạt động.

Thiếu nước nghiêm trọng

Theo ông Khánh, xét theo hệ thống thủy văn, thủy điện Buôn Tu Srah được coi như “bình chứa” khổng lồ, quyết định đến việc vận hành của các thủy điện bậc thang phía dưới.

Việc lượng nước về hồ Buôn Tu Srah thấp khiến các hồ dưới hoạt động không ổn định do hồ phía trên liên tục phải tích nước. Tại hồ thủy điện Buôn Kuôp, lượng nước tích trữ tại hồ luôn trong tình trạng thiếu nước, nhà máy này phải đóng cửa đập tích nước liên tục mới đủ nước chạy hệ thống tuôcbin.

Ông Khánh cho hay sản lượng điện Nhà nước giao cho thủy điện Buôn Kuôp trong năm nay là 1,28 tỉ kWh nhưng hiện tại mới chỉ sản xuất được 480 triệu kWh, đạt 38% kế hoạch.

Trong khi đó, chỉ tiêu của thủy điện Buôn Tu Srah là 370 triệu kWh nhưng cũng chỉ mới sản xuất được 130 triệu kWh, đạt tỉ lệ 35,1%. “So với thời điểm này năm trước, lượng nước về hồ được coi như thấp kỷ lục. Mùa mưa Tây nguyên thường kết thúc vào cuối tháng 11 và hiện đã vào gần cuối mùa nhưng chúng tôi phải rất vất vả để chạy máy, với tình hình này thì sản lượng điện năm nay có thể không đạt đến 50% chỉ tiêu được giao” – ông Khánh nói.

Tại hồ thủy điện Buôn Kuôp, dù nhiều tuần nay mưa liên tục nhưng trưa 10-9, mực nước còn cách khá xa so với lúc đạt mức cao nhất. Phía dưới chân đập, các van xả đóng im lìm, các tổ máy không hoạt động do phải tích nước.

Tình hình sẽ còn căng thẳng

Ngày 10-9, tại khu vực hồ thủy điện Buôn Tu Srah, một cán bộ ngành thủy điện nói thủy điện Buôn Tu Srah bây giờ không tích được giọt nước nào, khiến hai tổ máy của thủy điện phải ngưng hoạt động vào ban ngày.

Từ hướng xã Nam Ka đi về xã Quảng Phú (Krông Nô, Đắk Nông), lưu lượng nước trên sông Krông Nô không còn hung dữ như trước đây. Một cửa xả của nhà máy thủy điện Buôn Tu Srah vẫn mở với công suất nhỏ để nước thoát ra. Đứng trên bờ đập của nhà máy nhìn xuống hồ có thể ước tính mực nước đã rút xuống hàng chục mét. Nhiều đoạn xung quanh hồ nước rút rất sâu để lộ những mảng đất, những cây gỗ mục khô. Vào thời điểm này, một tổ máy của nhà máy đã đóng kín, không hoạt động từ lâu.

Dọc sông Krông Nô về các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên… dòng nước rất cạn. Theo ông Hồ Văn Bảy – phó bí thư đảng ủy xã Đức Xuyên: “Vài tháng trở lại đây, dòng Krông Nô qua đoạn Đức Xuyên cạn liên tục, người dân có thể đi bộ qua được”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Thân, phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, cho biết: “Tình hình nhiều hồ thủy điện lớn và nhỏ trong tỉnh không tích được nước là vì không mưa, không lũ. Hiện các hồ thủy điện gần như không tích được nước và chỉ có thể chạy máy ở giờ cao điểm. Sắp tới tình hình sẽ còn thêm căng thẳng”.

THÁI BÁ DŨNG – TRUNG TÂN

Thủy điện IaLy: Chỉ đạt 50% công suất

Ngày 10-9, ông Tạ Văn Luận – giám đốc Công ty thủy điện Ialy (nằm trên sông Sê San thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum) – cho biết hiện tại mực nước ở hồ Ialy đang ở cao trình 496,5m, trong khi mực nước chết là 490m.

Đây là mức quá thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tại thủy điện Pleikrông (nằm trên sông Krông Pô Kô, thuộc bậc thang của dòng sông Sê San) nước cũng đang ở mức thấp là 537,8m, trong khi mức chết là 537m và thấp hơn 30m so với cùng kỳ năm trước. Hiện các nhà máy vẫn hoạt động bình thường nhưng sản lượng chỉ đạt 50% so với công suất tối đa của các nhà máy. Cũng theo ông Luận, sản lượng điện trong tám tháng của toàn công ty chỉ đạt gần 50% so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực giao.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Kon Tum, lượng nước về các hồ của thủy điện Ialy trong năm ngày qua (5 đến 10-9) thấp hơn so với năm ngày đầu tháng. Mực nước ở các sông Đăk Bla và Krông Pô Kô – hai sông chính cung cấp nước cho hai nhà máy hoạt động – thấp hơn 0,8-1m so với cùng kỳ năm ngoái.

THẢO MY – T.T.NHI